Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/06/2017

Sóng ngầm chính trị, cho thuê vỉa hè, hộ chiếu giả

BBC tiếng Việt

'Chính trị Việt Nam đang có sóng ngầm' (BBC, 07/06/2017)

Một học giả nói vai trò Tổng Bí thư Trọng 'ngày càng được củng cố' và có tình trạng 'cạnh tranh nội bộ'.

ct1

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp hiện đang làm việc và nghiên cứu tại Singapore

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói với BBC về điều ông gọi là một số diễn biến mà chúng ta nên xem xét và lưu tâm trong tình hình chính trị Việt Nam hậu Đại hội Đảng 12.

Tiến sĩ Hiệp cho rằng vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được củng cố rất nhiều.

"Trong Đại hội thì vai trò đó còn chưa được rõ nét và còn bị thách thức. Tuy nhiên sau khi kết thúc Đại hội và ông Trọng tiếp tục cương vị tổng bí thư thì kể từ đó tới nay có những dấu hiệu cho thấy ông càng ngày càng củng cố vai trò của mình".

"Chẳng hạn ông tham gia vào Đảng ủy Công an. Ngoài vai trò Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, ông tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng".

"Trong các hoạt động sắp tới chúng ta thấy có vẻ như xu hướng này nó sẽ tiếp diễn. Trước đây người ta cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ nghỉ ở giữa nhiệm kỳ và nhường ghế của mình cho một nhân vật khác".

"Tuy nhiên cho tới nay tôi thấy rất ít khả năng là điều đó sẽ xảy ra và có nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại tới cuối nhiệm kỳ tức là tới 2021. Điều đấy rõ ràng cho thấy là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng được củng cố và có nhà quan sát bình luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư nhiều quyền lực nhất kể từ sau thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chẳng hạn".

Cải cách sau Đại hội 12

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp mô tả kể từ sau Đại hội Đảng 12 bộ máy của Việt Nam về mặt Đảng và chính quyền đã có một số cải cách để giúp nâng cao hiệu quả về mặt quản lý cũng như giúp thúc đẩy về mặt kinh tế.

"Phải kể tới vai trò của chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu".

ct2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng khẳng định vai trò nổi bật

"Bản thân tôi cảm thấy tương đối ấn tượng với các biện pháp cải cách và các hành động thiết thực và cụ thể để thúc đẩy cải cách và phát triển trong nước".

Nhà nghiên cứu và quan sát chính trị Việt Nam nói những biện pháp cải cách này đang giúp củng cố niềm tin của các nhà kinh doanh cũng như một số bộ phận người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sóng ngầm

Tuy nhiên ông Lê Hồng Hiệp cho rằng bên cạnh những mặt mà ông gọi là tích cực đấy thì đã có dấu hiệu cho thấy là không gian chính trị trong nước ít nhiều có những cái mà ông gọi là "sóng ngầm" hay vẫn có tình trạng vẫn có những "cạnh tranh nội bộ".

"Tôi nghĩ chuyện này cũng là bình thường nhưng chúng ta thấy rằng đằng sau chiến dịch chống tham nhũng cũng có ý kiến cho rằng nó cũng giúp các nhà lãnh đạo hiện tại loại bỏ một số đối thủ chính trị, đặc biệt là những nhân vật gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn".

"Rồi cũng có việc các nhà hoạt động vì môi trường hay nhân quyền cũng gặp phải một số biện pháp kiểm soát khá mạnh tay của chính quyền thì đấy cũng là điểm chúng ta nên lưu ý".

"Tức là song song những cải cách tích cực thì bản thân các nhà lãnh đạo Việt Nam họ cũng có thể tìm cách củng cố kiểm soát của Đảng Cộng sản mạnh tay hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC.

********************

Thành phố Hồ Chí Minh sắp 'cho thuê vỉa hè để nộp ngân sách' (BBC, 07/06/2017)

ct3

Hầu hết các vỉa hè tại Thành phố Hồ Chí Minh đều bị chiếm dụng làm bãi giữ xe

Một luật sư bình luận rằng đề án thu phí sử dụng vỉa hè tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận hiểu chiến dịch giải cứu vỉa hè trước đây không phải là vì "mỹ quan đô thị".

Theo dự thảo, giá cho thuê vỉa hè tại quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng.

Các quận 3, 4, 5… và cả huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ có mức giá cho thuê thấp hơn.

Chế độ thu phí sẽ được niêm yết công khai tại điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí. 100% số phí thu được vào Ngân sách Nhà nước, theo Tuổi Trẻ hôm 7/6.

Hồi tháng 5/2017, Truyền hình Việt Nam xác nhận văn bản cho thuê vỉa hè quận 1, TP Hồ Chí Minh là có thật, động thái này diễn ra hai tháng sau chiến dịch giải cứu vỉa hè cho người đi bộ gây tranh cãi vì những màn đập phá "quyết liệt".

Trước đó, ảnh chụp 'Giấy phép sử dụng tạm vỉa hè' có đóng dấu và chữ ký của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 cấp cho một quán cà phê trên địa bàn quận khiến công luận xôn xao.

Hôm 7/6, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói : "Về phương diện pháp lý, tôi nghĩ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cần căn nhắc lại mục đích cho thuê vỉa hè, lòng đường".

"Dù khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường vào mục đích khác".

"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ủy ban Nhân dân được phép sử dụng một phần lòng đường, lề đường cho mục đích kinh doanh ăn uống, dịch vụ…".

ct4

Chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ khởi đầu từ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

"Theo nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì chỉ sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho các mục đích : Tuyên truyền chủ trương chính sách của đảng, nhà nước ; Tổ chức đám tang, đám cưới ; Trông giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội... ; Trung chuyển vật liệu, phế liệu, rác thải ; và trông, giữ xe có thu phí".

"Do đó, nếu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để kinh doanh (trừ kinh doanh trông, giữ xe) là trái luật". "Chưa kể Nghị định 100/2013/NĐ-CP chỉ cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè với thời gian tương ứng với sự kiện diễn ra nhưng không được quá 30 ngày".

'Trái luật'

"Còn đơn giá sử dụng vỉa hè, lòng đường mà đề án đưa ra là tính theo tháng, nên đương nhiên được hiểu sử dụng lòng đường, vỉa hè là dài hạn".

"Nếu xét về bản chất thì đây được hiểu là sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè là dài hạn chứ không phải là tạm thời như luật giao thông đường bộ cho phép".

Luật sư cũng phân tích thêm : "Về phương diện xã hội, nếu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua đề án này thì sẽ dẫn đến các hệ lụy".

"Dư luận sẽ nhìn nhận mục đích thực sự của chiến dịch giải cứu vỉa hè của thành phố trước đây không phải là vì trật tự, mỹ quan đô thị mà là chỉ là một động thái nhằm buộc người dân phải thuê vỉa hè từ chính quyền, nếu họ muốn sử dụng vỉa hè để kinh doanh".

Image captionLực lượng chức năng phá bậc tam cấp của khách sạn New World ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 3/2017

"Bên cạnh đó, việc này sẽ tạo ra cơ chế xin cho. Một người bạn tôi kể rằng, để được quận cho phép sử dụng vỉa hè thì ngoài số tiền phí chính thức phải nộp, họ còn phải chung chi thêm một khoản tiền để được thuê vỉa hè".

"Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ lạm dụng việc này để lấy vỉa hè, lòng đường cho thuê vào mục đích kinh doanh dài hạn để thu tiền".

"Điều này gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị mà chính quyền không thể dẹp bỏ được vì họ được chính quyền cho thuê địa điểm để kinh doanh".

Đề cập về mục đích cho thuê vỉa hè "để nộp ngân sách", ông Thanh Sơn nói : "Chỉ khi nào phí cho thuê vỉa hè, lòng đường có trong dự toán thu ngân sách của thành phố thì lúc đó nó mới được xem là ngân sách nhà nước".

"Do hiện tại Hội đồng Nhân dân thành phố chưa có nghị quyết nào thông qua mức phí cho thuê vỉa hè nên việc thu phí của Ủy ban Nhân dân các cấp nếu có đều là trái luật. Mà đã là trái luật thì phải trả lại tiền cho người dân".

Hồi tháng 2/2017, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 gây tranh cãi với phát ngôn muốn biết quận 1 thành 'Singapore thu nhỏ' và nếu không làm được mục tiêu này thì sẽ "cởi áo về vườn".

********************

Ba Lan bắt người làm 17 hộ chiếu Việt Nam giả (BBC, 07/06/2017)

ct5

Hộ chiếu Việt Nam - hình minh họa

Cảnh sát Ba Lan trong tuần vừa bắt một công dân Việt Nam 38 tuổi cùng nhiều hộ chiếu và giấy tờ giả được tạo ra ngay trong căn hộ ở Warsaw, truyền thông nước này đưa tin.

Tang vật thu được trong vụ bắt giữ có 17 tấm hộ chiếu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam màu xanh lá cây, sẵn sàng cho sử dụng, và 33 tấm thẻ cư trú Ba Lan, tất cả đều là giả mạo.

Ngoài ra, công dân Việt Nam này còn lưu trữ số liệu và hợp đồng về các mạng điện thoại di động.

Có vẻ như người này thu mua điện thoại rồi bán cho một số cửa hàng và hiệu cầm đồ.

Theo trang tin của cảnh sát Ba Lan ở địa chỉ Policja.pl hôm 7/06/2017, người này đã bán ít nhất 20 máy điện thoại theo cách này.

Được biết cảnh sát Ba Lan đã đề nghị lên tòa án để ra lệnh tạm giam người này trong vòng ba tháng để điều tra.

Nếu bị xử và chứng minh là có tội, công dân Việt Nam này có thể bị tù đến hai năm.

Đây không phải là lần đầu tiên công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt bị bắt ở Ba Lan vì tội hình sự, gồm cả tội làm giấy tờ giả.

Image captionNgười Việt Nam bán hàng tại Ba Lan

Hồi tháng 1/2015, cảnh sát bắt tại Warsaw, Wolka Kosowska và Raszyn hai công dân Việt Nam, một công dân Montenegro và một từ Thổ Nhĩ Kỳ vì tội buôn ma tuý, làm hộ chiếu giả và giấy tờ định cư giả.

Các loại giấy tờ này được bán cho công dân nước ngoài sống trên lãnh thổ Ba Lan.

Wolka Kosowska, nằm về phía Nam thủ đô Warsaw là nơi có các trung tâm bán buôn hàng hóa với đông đảo các doanh nhân và khách hàng quốc tế, từ Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Đông Âu.

Trong chiến dịch năm đó, cảnh sát Ba Lan còn bắt một nữ công dân Việt Nam và phụ nữ khác gốc Việt nhưng đã mang quốc tịch Ba Lan.

Quay lại trang chủ
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)