Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/06/2017

Quỹ bảo hiểm, quản lý thông tin, kinh tế thị trường

RFA tiếng Việt

Quỹ bảo hiểm tại Việt Nam có thể bị vỡ (RFA, 07/06/2017)

Người đóng quỹ bảo hiểm tại Việt Nam gần đây tỏ ra lo lắng vì có tin nguồn quĩ mà họ để dành như thế có thể bị 'vỡ'. Một khi quỹ vỡ thì khoản tiền dành cho khi về già cũng như lúc đau ốm, hoạn nạn của họ tích lũy sẽ mất. Vậy thực tế quản trị quỹ thế nào và lo lắng của người đóng tiền bảo hiểm ra sao.

015310

Một bệnh nhân chờ phẫu thuật tim tại một bệnh viện ở Việt Nam hôm 11/4/2017. AFP photo

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong năm 2016 đã có 45 tỉnh, thành bội chi quỹ Bảo hiểm Y tế ; 8 tháng đầu năm 2016, đã có trên 40 tỉnh - thành phố có số chi vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 3.500 tỉ đồng.

Nguyên nhân đưa đến tình trạng được cho là đáng ngại như thế được một số chuyên gia quan tâm vấn đề phân tích.

Tiến sĩ - Bác sĩ trung tá quân đội Đinh Đức Long hiện làm việc tại Sài Gòn trình bày :

Nguy cơ vỡ là do lạm dụng quỹ, sử dụng không đúng mục đích thôi. Trong bệnh viện chúng tôi còn có trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế : cũng một căn bệnh chữa bằng thuốc ngoại hay thuốc nội đều khỏi nhưng người ta vẫn dùng thuốc ngoại vì sẽ được ăn hoa hồng cao hơn hoặc được mời đi nước ngoài hoặc tài trợ việc khác.

Cụ thể như một bệnh nhân bị cảm cúm với các triệu chứng đau đầu nhưng có thể được chỉ định đi chụp CT, nội soi tai mũi họng (vì ngạt mũi), hoặc chụp X-quang (vì nhức xương)…

Sử dụng sai dịch vụ khiến người thừa kẻ thiếu và cung cấp không kịp thời là chuyện thường thấy khi khám bảo hiểm y tế.

"Ngày trước xuống khám thứ 2 thì khoảng 3 ngày sau có kết quả. Nhiều khi 3 đến 4 ngày chị lấy được thuốc có khi cả tuần chị mới lấy được thuốc. Lâu nay chị không khám bảo hiểm, chị khám tư không".

"Sau này chị không biết làm sao nữa. Nhưng mà hiện tại chị khám tư không à, chị không có đóng bảo hiểm, chị đâu có sử dụng đâu. Tại vì giờ chị khám ở đây cả tuần mới lên lấy thuốc, trong khi đó chị đi làm công ty đâu cho chị nghỉ phép nhiều đâu".

"Mà thấy bảo hiểm chứ giờ zô đây những toa thuốc không có tiền cũng chết. Không có tiền nó đâu có chi trả đâu. Nó nói không có thuốc không".

Những trường hợp bệnh nặng, điều trị bằng những toa thuốc có giá chục triệu trở lên thì gần đây bệnh viện thường báo lại cho người sử dụng bảo hiểm y tế là không còn thuốc. Một bệnh viện chuyên khoa hạng một và là bệnh viện khám và điều trị ung thư đầu ngành tại Sài Gòn báo hết thuốc để điều trị khiến cho nhiều bệnh nhân và cả người thân hoang mang.

"Bệnh này là dạng bệnh ngặt nghèo rồi. Mà bệnh lâu dài chứ không phải một ngày một bữa. Mà nếu bảo hiểm y tế mà không hỗ trợ được á thì chắc có lẽ là thua. Người dân nghèo là đều chết hết. Phải chịu thôi".

"bảo hiểm y tế nó vỡ không biết nguyên nhân nó như thế nào ? Cầu xin nhà nước lo cho dân làm sao chứ bệnh này là bệnh lâu dài mà nhà nước không lo cho dân thế này rồi cái tiền đó đi đâu không biết nữa ? … Còn mấy ông nhà nước lo cho dân chu đáo chứ ông nào lên cũng nói hay lắm 'lo cho dân', 'lo cho dân' rốt cuộc ông nào cũng lên làm 1 mớ, rồi thôi xong…chỉ có dân là chết, là thiệt thôi".

Hiện tại Nhà nước đang vay phần lớn ngân sách quỹ này để đầu tư vào các dự án kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, giải thích :

"Việc quỹ bảo hiểm của Việt Nam dùng tiền để cho chính phủ vay là một chuyện người ta đã công nhận. Cái chuyện chính phủ vay tiền đó để đi đầu tư vào những dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng là điều rất nguy hiểm".

Một nguyên nhân khác được nêu ra là tỷ lệ già hóa dân số ở Việt Nam đang tăng lên dẫn đến số người hưởng bảo hiểm xã hội tăng theo. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều doanh nghiệp nại lý do làm ăn thua lỗ tìm cách trốn bảo hiểm xã hội. Chỉ riêng từ năm 2010 đến 2013, cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện khoảng 4000 doanh nghiệp trốn bảo hiểm xã hội.

"Mỗi một toa thuốc có 5-6 trăm thôi, còn mấy người kia thấy đóng nhiều tiền lắm. Đóng vậy thì mình đóng được. Còn đóng mấy chục triệu, mấy trăm triệu thì chắc để chết luôn quá".

Phía người đóng bảo hiểm hạn chế tiêu dùng để dành tiền đóng vào qũi bảo hiểm với mục tiêu lúc về già hay khi gặp 'trái gió, trở trời' có khoản bù đắp. Họ trông chờ phía quản trị xã hội phải bảo đảm nguồn quĩ sinh lãi để đáp ứng yêu cầu khi cần của người tham gia.

**************

Việt Nam tiếp tục xiết chặt quản lý thông tin trên Facebook (RFA, 07/06/2017)

BRITAIN-US-TECHNOLOGY-INTERNET-BUSINESS-JOBS-FACEBOOK

Biểu tượng facebook. AFP photo

Việt Nam mới đây đã đưa ra một dự thảo qui định xử phạt hành chính đối với việc cung cấp thông tin không chính xác, tin tức có tính bạo lực, bôi bác cá nhân, cơ quan hay tổ chức trong một nỗ lực nhằm xiết chặt hơn nữa việc kiểm soát mạng xã hội.

Phạt tiền

Theo Dự Thảo Nghị Định về xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin mạng và an toàn thông tin mạng, từ năm 2018 những người sử dụng facebook sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, cơ quan, cá nhân.

Đây là lần đầu tiên qui định xử phạt tiền đặc biệt nhắm vào người sử dụng mạng xã hội mà phổ biến nhất và lớn nhất hiện thời là facebook.

Theo thống kê của Facebook công bố hồi đầu năm ngoái, hiện Việt Nam có khoảng 35 triệu người sử dụng facebook, đồng nghĩa với việc 1/3 dân số Việt Nam hiện đang có tài khoản facebook. Việt Nam là quốc gia có lượng người dung Facebook lớn thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia.

Theo nhà báo tự do Võ Văn Tạo, không cần đợi tới lúc Dự Thảo Nghị Định có hiệu lực trong 6 tháng nữa mà từ trước và ngay bây giờ chuyện chỉ trích hay phê bình một cơ quan hay một tổ chức nào đó trên facebook đã gặp phải sự răn đe rồi.

Đấy là cái cớ thôi, còn nội dung trong Nghị Định này đã thể hiện đầy đủ hết trong Bộ Luật Hình Sự rồi, tội này tội kia là có hết kể cả tội phạm tin học. Lâu lâu họ lại đưa ra một dự luật hoặc một văn bản dưới luật gọi là Nghị Định, Thông Tư mà nó luộm thuộm, xa lạ với quyền cơ bản của người dân. Những trang cá nhân trên facebook hoặc blog cá nhân thì nó chỉ là nhật ký cá nhân người ta trao đổi với người khác ngoài xã hội, nó khác với báo chí chính thống. Xã hội luôn tồn tại nhiều quan điểm về nhiều góc độ tư duy, quyền lợi, nhận thức, cá tính vân vân... Bây giờ họ lại đẻ ra cái văn bản pháp qui mà nội dung lại dở hơi, theo dõi rình rập hở là phạt, cái đấy là cái rất tệ hại.

Đầu tháng Sáu này, một nữ học sinh Trung Học Phổ Thông Kiến Tường ở Long An, cho báo trong nước biết em bị kỷ luật, bị nhà trường khiển trách và dọa hạ điểm hạnh kiểm từ tốt xuống thành trung bình vì dám lên Facebook chê bệnh viện đa khoa Đồng Tháp Mười từ bác sĩ, y tá, nhân viên đều có cung cách phục vụ kém, nạt nộ bệnh nhân. "Nên chấn chỉnh lại đi các ông các bà.".. là một trong những câu em viết trên facebook, lôi kéo sự chú ý đồng tình của một số facebookers khác.

Về qui định xử phạt hành chính đối với những thông tin có tính cách vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín và nhân phẩm của cơ quan, tổ chức hay của cá nhân, chưa kể những thông tin không phù hợp với tình hình đất nước, facebooker Đoàn Bảo Châu nói với đài Á Châu Tự Do :

Mình cũng phải rạch ròi là nếu chính phủ đề ra xử phạt việc bôi nhọ lãnh đạo, nếu đó là tin chính xác rồi mà vẫn bị phạt thì người dân có quyền khởi kiện cơ quan đã phạt mình. Tôi cũng đồng ý với việc không được nói điều gì sai sự thật, vấn đề là khi chính quyền áp dụng những qui định đó thì họ phải công bằng và không được lạm quyền.

Hai nữa, cái câu không phù hợp với lợi ích đất nước là một khái niệm mập mờ rất dễ dẫn đến oan sai. Không phù hợp với lợi ích đất nước nhưng nó là sự thật thì cần phải tôn trọng. Nếu sự thật đấy mà ông lãnh đạo không thích, ông bảo không phù hợp thế là người dân có tội ? Riêng câu không phù hợp với lợi ích đất nước tôi hoàn toàn không đồng ý chút nào. Đề ra luật thì phải theo luật và luật đó phải áp dụng cả người dân lẫn quan chức, không ai là ngoại lệ đối với luật pháp cả.

Nhà cầm quyền lo sợ ?

VIETNAM-INTERNET-RIGHTS

Người dân Hà Nội sử dụng iPad, iPhone trong một quán cà phê hôm 26/11/2014. AFP photo

Bộ luật hình sự Việt Nam cũng có điều luật 258 áp dụng với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đây một trong số những điều luật bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là mù mờ vì cho rằng chính phủ Việt Nam đã dung điều luật này để kết tội những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.

Nhà báo độc lập Trần Ngọc Quang, cựu biên tập viên báo đảng ở Hà Nội, nhận định rằng chẳng qua sau xã hội dân sự thì nay mạng facebook ngày càng phổ biến làm nhà cầm quyền lo sợ trước sức mạnh và sự nhanh nhạy của nó :

Đó là cái tính tự kỷ cộng sản, là trò chơi quyền lực mà họ nghĩ là họ muốn gì được nấy. Thế nhưng quyền nào cũng có hạn, họ sợ công nghệ thông tin đến múc như vậy thì hết chỗ nói rồi, họ không kiểm soát được mạng xã hội đâu, kỹ thuật số tiêu diệt cả một đế quốc của phim nhựa mà. Chính Marx nói là " khi công nghệ thay đổi thì toàn bộ cuộc cách mạng ấy làm đảo lộn thế giới chứ không chỉ đảo lộn một nhóm người đâu. Cái nhóm này ngồi trong phòng nó cứ tưởng tượng là kiểm soát được tất cả, đó là sự vô lối của họ thôi.

Dưới mắt một facebooker khác, nhạc sĩ Bùi Thanh Tuấn, Dự Thảo Nghị Định này phản ảnh quan ngại của một chính quyền khi thấy khả năng kiểm soát chính kiến cũng như kềm chế tư tưởng của người dân đã vuột khỏi tầm tay họ :

Những nghị đinh như vậy, cái luật và văn bản dưới luật ở Việt Nam gần như không còn sức thuyết phục nào đối với các facebookers, mỗi ngày họ cứ sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, kết giao, trò chuyện, tán gẫu, bày tỏ quan điểm cá nhân ... Nghị Định đưa ra mà không thực hiện được, thường là không bao giờ thực hiện được. Mạng xã hội cũng vậy, người ta không sai nhưng nghị định đưa ra bảo họ sai thì trúng ai nấy chịu. Mạng facebook hiện nay như trong tình trạng là mất kiểm soát hoàn toàn. Làm gì có luật nào áp dụng phạt một facebooker phản đối đúng vào tội nói xấu lãnh đạo, nhưng Việt Nam thì đưa ra những cái trái với sự tiến bộ của thế giới như vậy.

Hồi tháng Tư vừa qua, trả lời Uỷ ban thường vụ Quốc hội về quản lý mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết hành vi vu khống, bôi nhọ và xúc phạm danh dự các cá nhân, tổ chức đang diễn ra rất nóng. Ông cho biết tính từ đầu năm đến ngày 12 tháng 4, Bộ thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm.

Mới đây Việt Nam cũng đưa ra thông tư 38 quy định việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm kiểm soát việc đưa tin trên các trang mạng có yếu tố nước ngoài như Google, Facebook và Youtube. Ông Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ khoảng hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo đảng và nhà nước trên Youtube. Tới nay, Google đã gỡ bỏ 1,000 clips trên Youtube.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

*********************

Kinh tế thị trường kiểu Việt Nam có giúp phát triển "ngoạn mục" ? (RFA, 07/06/2017)

quy4

Một góc Hà Nội chụp ngày 12/8/2016. AFP photo

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trương Minh Tuấn vừa có bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 6/6 nói rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những phát triển ngoạn mục cho đất nước. Giới quan sát nghĩ gì về nhận định này ?

Phát triển là nhờ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Trong bài viết, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định :

Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới.

Ngoài ra, người đứng đầu bộ Thông tin Truyền thông còn đưa ra số liệu cho thấy GPD Việt Nam tăng 37 lần, từ 5,5 tỉ USD năm 1988 lên 205,32 tỉ USD năm 2016.

Cũng theo ông, từ năm 1993 đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% xuống chỉ còn 8,38% và thấp xa hơn các nước trong khu vực như Philippines, Ấn Độ, và thấp hơn cả Thái Lan, Indonesia.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã giải thể công nhận rằng sự nền kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua đạt được một số bước phát triển mà ông đánh giá là khá. Nhưng ông không cho rằng đó là công lao của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa :

Toàn bộ cái gọi là công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua thực chất không có gì là đổi mới cả. Mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã buộc phải trả lại cho người dân một số quyền về kinh tế của họ, nhưng không phải là tất cả. Đấy là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong thời gian 30 năm qua ở Việt Nam. Hay nói cách khác là tiềm năng, lòng hăng say của người dân Việt Nam đã bị tước đoạt một thời gian dài. Đến khi họ nhận thấy rằng nếu tiếp tục như vậy thì bản thân họ không còn đường mà sống nên họ trả lại cho người dân những quyền làm kinh tế, từ nông nghiệp cho đến quyền làm kinh doanh.

Trong bài viết của mình, ông Trương Minh Tuấn nói rằng yếu tố quan trọng nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường là vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo ông, Đảng đại diện cho lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân và không có lợi ích của riêng mình.

Tuy nhiên trong một bài viết có tựa "Cần hiểu đúng để không làm sai" đăng trên VietnamNet hôm 05/5/2017 nhưng hiện đã bị dỡ xuống, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo TW nói :

"Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào",

Ông nói rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường không phải là để kinh doanh, cũng như không để các cơ quan hành chính tham gia kinh doanh. Mà theo ông, nhiệm vụ của Nhà nước là :

"Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các "nhóm lợi ích".

"Tốt khoe ra, xấu xa che lại" ?

VIETNAM-ECONOMY-TRANSPORT

Hai người đàn ông đi xe máy kéo một lượng rác tái chế trên đường phố Hà Nội vào ngày 12 tháng 8 năm 2016. AFP photo

Ông Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò kinh doanh của nhà nước mà đại diện là khối doanh nghiệp nhà nước. Ông nói : "Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo".

Cũng trong bài viết này, ông Trương Minh Tuấn chỉ nói chung chung rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện mà không nêu rõ đó là những vấn đề gì hay hoàn thiện bằng cách nào.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những "vấn đề" lớn nhất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là việc các doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo mà theo ông là một đường lối sai lầm của Việt Nam :

Khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo đã được ghi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Và điều đó ngầm định Nhà nước dùng các doanh nghiệp này để điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Và nó đã gây ra những hậu quả tai họa cho đất nước này. Không biết bao nhiêu cái gọi là tập đoàn kinh tế nhà nước đã thật sự phá sản. Chuyện Vinashin, Vinaline bây giờ đã vào quên lãng nhưng còn hàng chục các tập đoàn với hàng chục các dự án mười mấy ngàn tỷ do Nhà nước làm chủ đều đang sắp phá sản.

Cho nên việc lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo là một đường lối sai lầm của Đảng. Khu vực quốc doanh này chỉ tạo ra khoảng 25-26% GDP nhưng rất đáng tiếc là doanh nghiệp nhà nước lại sử dụng đến khoảng một nửa nguồn lực của đất nước. Đó là những tài nguyên thiên nhiên như hầm hỏ, đất đai,…và chèn ép các doanh nghiệp tư nhân mà đáng lẽ phải đóng vai trò chủ đạo.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước lần thứ nhất diễn ra sáng 26/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn hơn so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40% từ năm 2003 -2015.

Như vậy tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế Nhà nước hiện tại đã đứng sau kinh tế tư nhân mặc dù nhiều năm doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá là nòng cốt của nền kinh tế.

Ngay sau khi bài viết về vai trò của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang lại những phát triển ngoạn mục của ông Trương Minh Tuấn được đăng tải, trên các trang mạng xã hội, dư luận ngay lập tức có các ý kiến phản biện. Chúng tôi ghi nhận quan điểm của Facebook Nguyễn Thông như sau :

Tôi muốn hỏi ông Trương Minh Tuấn bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông : thế nào là ngoạn mục ? Người cộng sản nắm quyền cai trị ở nước này tới nay đã 42 năm. Suốt nửa thế kỷ độc tôn cầm quyền mà đất nước vẫn còn nghèo đói, chậm phát triển như hiện nay thì ngoạn mục ở chỗ nào ? 

Hãy nhớ rằng, các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... với chừng ấy năm, hoặc chỉ 1/4 chừng ấy năm thôi thì họ đã đi được bao nhiêu ?

Xin nhắc lại, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một cơ chế quản lý kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra và triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990. Tuy nhiên cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Lan Hương, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 736 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)