‘Việt Nam nằm trong số các chế độ kiểm soát chặt chẽ truyền thông xã hội nhất thế giới’
Reuters, VOA, 30/12/2022
Tình trạng siết chặt kiểm soát internet, cùng với việc nhà chức trách bắt giữ hàng chục nhà báo và blogger, thậm chí cả một người bán phở có tiếng, với tội danh "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đang biến Việt Nam trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới về truyền thông, ngôn luận và đối với các công ty truyền thông xã hội.
Việt Nam gần đây thắt chặt các quy định xử lý nội dung mà chính quyền nói là "sai sự thật" trên các nền tảng truyền thông xã hội, bắt giữ và phạt tù nhiều nhà báo, blogger và những người chia sẻ thông tin đi ngược với ý muốn của chính quyền.
Dẫn câu chuyện của blogger Bùi Văn Thuận, người đã lên tiếng chỉ trích nhà nước Việt Nam về mô hình "bộ đội đi chợ" khi chính quyền giao cho quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho người dân trong thời gian bị phong toả vì đại dịch, và ông Thuận mới đây bị bị kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế vì tội tuyên truyền, hãng tin Reuters trích lời các nhóm nhân quyền nói đây là một cáo buộc được Việt Nam ngày càng gia tăng áp dụng cho nội dung trực tuyến trong lúc nhà nước kiểm soát internet nhiều hơn.
"Chính phủ Việt Nam từ lâu đã kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống trong nước. Giờ đây họ đang cố gắng kiểm soát không gian trực tuyến", ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Reuters.
Ông Robertson cho rằng Việt Nam đã thông qua một loạt luật để đạt được mục đích đó và đang triển khai bộ máy nhà nước để theo dõi mọi người trên mạng, ép buộc các nền tảng trực tuyến phải kiểm duyệt và xóa nhiều nội dung, kiểm soát truy cập internet…
Trong vài năm gần đây, bằng cáo buộc tội danh "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền", nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ hàng chục nhà báo và blogger, những người chia sẻ thông tin đi ngược với ý muốn của chính quyền.
Theo Reuteurs, với việc thắt chặt các quy định xử lý nội dung mà chính quyền nói là "sai sự thật" trên các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có quy định buộc phải gỡ xuống trong vòng 24 giờ, đã khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới đối với các công ty truyền thông xã hội.
(Reuters)
**********************
Dân biểu Mỹ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh
VOA, 30/12/2022
Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" cho nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh. Photo YouTube Vận động ứng cử Đại biểu quốc hội 2016
Dân biểu Khanna viết trên Twitter : "Bà Hạnh đã bị nhắm mục tiêu vì bà trợ giúp các tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị giam giữ bất công".
Vị dân biểu đại diện cho cử tri khu vực bầu cử Quận 17 của bang California khuyến cáo rằng "những cuộc tấn công ác ý vào những người bảo vệ nhân quyền phải chấm dứt".
Từ Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, cho VOA biết ý kiến về lời kêu gọi của Dân biểu Mỹ :
"Tôi rất cảm ơn Dân biểu Ro Khanna đã có sự quan tâm đến trường hợp của Nguyễn Thúy Hạnh. Tôi nghĩ đây là một sự ủng hộ rất lớn mà ông đại diện cho cử tri của California và có thể là đại diện cho nhiều tầng lớp ở nước Mỹ quan tâm đến các trường hợp đấu tranh nhân quyền đang bị tù đày".
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 59 tuổi, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền và là người sáng lập Quỹ 50K để hỗ trợ đời sống cho gia đình các tù nhân lương tâm, bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 7/4/2021, với cáo buộc "Tuyên truyền chống phá nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Ông Chênh cho biết rằng từ tháng 5/2022 đến nay Cơ quan điều tra ở Hà Nội đã đưa bà Hạnh đi chữa bệnh bắt buộc tại viện pháp y tâm thần trung ương vì cho rằng bà "bị rối loạn trầm cảm cấp tính". Và cũng chính vì lý do điều trị này mà bà Hạnh vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của Dân biểu Khanna.
Ông Khanna là thành viên của Ủy ban Giám sát Vũ trang Hạ viện. Ủy ban giám sát tất cả các luật liên quan đến quân đội Hoa Kỳ và giám sát ngân sách quốc phòng hàng năm, thường được gọi là NDAA. Ông cũng là thành viên của tiểu ban Lực lượng sẵn sàng và Chiến lược của Hạ viện.
Bên cạnh đó, là một thành viên của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos ở Hạ viện, ông Khanna đồng hành với tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), tích cực vận động chính quyền Việt Nam phóng thích các nhà báo đang bị giam cầm, gần đây nhất là trường hợp của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang.