Người dân lượm được của rơi đem trả người bị mất được chính quyền tuyên dương, trao bằng khen ; công an bắt cướp được trao huân chương lao động ; công an dắt người già qua đường được báo chí đăng tin kèm hình ảnh cụ thể… không là chuyện lạ trong xã hội Việt Nam. Những hành động như thế thực tế được coi là những điều hết sức bình thường, nhân văn trong bất cứ xã hội nào.
Mới đây, hôm 3 tháng 1, UBND tỉnh Đồng Nai đã khen thưởng cho các lực lượng Công an tỉnh có thành tích xuất sắc trong việc truy bắt nhanh nghi phạm cướp tài sản và tổ chức cứu sống người bị nạn kịp thời.
Đầu tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng Bằng khen kèm theo tiền thưởng cho một học sinh lớp 1 vì nhặt được của rơi trả lại người đánh mất. Trước đó, một nông dân ở xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi nhặt được túi xách có 60 triệu đồng cùng một iPhone, báo công an xã để trả lại người mất. Nông dân này được Trưởng công an xã Tịnh Trà đề nghị cấp trên tuyên dương, khen thưởng.
Một số người quan tâm lo ngại rằng, những việc bình thường trong xã hội mà lại được khen thưởng như thế sẽ dẫn đến một xã hội thiếu lòng tốt, thiếu người tốt. Người ta dễ hiểu nhầm rằng, nếu hành động ngược lại thì không được khen thưởng thôi, chứ chẳng có gì sai trái. Hơn nữa, việc khen thưởng tràn lan như thế còn nêu ra một thực trạng của xã hội ngày nay, là thiếu lòng tốt và sự trung thực.
Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu quan điểm của ông với RFA :
"Tôi thấy cứ ai nhặt được tiền mà trả lại là được vinh danh. Phải coi đó là nghĩa vụ trả lại cho người bị mất. Nghĩa vụ chứ không phải là quyền. Nghĩa vụ này được quy định bằng luật pháp.
Nếu làm những điều bình thường mà cứ được vinh danh thì người được vinh danh, được khen lại nghĩ mình đang làm điều vượt khả năng của người khác, trong khi đó là nghĩa vụ của mình.
Tôi thấy khen thưởng những việc trong nghĩa vụ, bổn phận như lâu nay là tuyên truyền sai lệch. Phải tuyên truyền rằng, người này đã thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Đây phải được coi là phổ quát chứ không phải là cá biệt".
Ông Liêu Thái, một người tự nhận là nông dân, nói với RFA quan điểm của ông :
"Theo mình thấy ở đây nó có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là hệ quả của cái việc khen thưởng tràn lan làm cho các thế hệ càng về sau nhịp sống càng xô bồ và đạo đức ngày càng xuống cấp. Đó là điều dễ thấy nhất.
Vấn đề thứ hai là việc khen thưởng tràn lan như vậy nó phản ánh một vấn đề khác, đó là xã hội khủng hoảng lòng tốt. Lòng tốt trong đất nước này đã trở thành một cái gì đó rất hiếm hoi, cho nên khi người ta làm một cái gì có thể tử tế một chút là được khen. Còn ở một đất nước không bị khủng hoảng sự tử tế, không bị khủng hoảng lòng tốt thì những việc mình tưởng như là làm tốt lại là những việc hết sức bình thường. Khi người ta phải khen thưởng để khích lệ những việc bình thường, có nghĩa một đất nước thực sự thiếu sự tử tế".
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi nhặt được tài sản của ai đó đánh rơi hay bỏ quên thì người nhặt được phải thông báo hoặc trả lại cho người đánh rơi, nếu biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên. Nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để xác minh chủ sở hữu. Đồng thời, người nhặt được tài sản cũng được thông báo về kết quả xác minh.
Chuyện thi đua, khen thưởng không thực chất ở Việt Nam được nói đến từ nhiều năm qua. Cụ thể, vào tháng 3 năm 2010, một buổi tọa đàm mang tên ‘để phong trào thi đua - khen thưởng ngày càng thiết thực hơn’ do Ban thi đua khen thưởng thành phố và báo Sài gòn Giải phóng tổ chức đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo thành phố lúc đó cho biết, chính quyền sẽ chủ động "săn" những tập thể, cá nhân để tuyên dương, khen thưởng làm động lực phấn đấu.
Mục đích của việc khen thưởng trong luật thi đua khen thưởng của Việt Nam được ghi rõ là để tạo động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Một số người cho rằng, chuyện khen thưởng ở Việt Nam xuất phát từ căn bệnh thành tích. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu quan điểm của ông với RFA sáng 9 tháng 1 :
"Ở Việt Nam nó có những cái bất thường, đó là khen thưởng có tổ chức. Thường thường người ta khen thưởng không đúng với người thật, việc thật mà cái khen thưởng đó là một sự vận động phát xuất từ cái não trạng, cái thói quen thành tích. Ai cũng muốn có thành tích. Mà muốn có thành tích thay vì người ta làm việc thiện thật, làm điều hay thật thì người ta lại tìm cách vận động. Đôi khi phải "mua" để có thành tích.
Mà thường thường ở Việt Nam người ta hay khen thưởng nội bộ. Họ tạo điều kiện khen thưởng để làm vừa lòng nhau. Tôi thấy cái giá trị của nó giới hạn lắm.
Tôi thấy đó là những thói quen bình thường của xã hội trước đây. Xã hội Việt Nam ngày nay đã đến lúc không còn tử tế. Con người đối với nhau nhiều khi rất tàn ác, cho nên bây giờ họ muốn trở lại cái thói quen của cái thời trước nên họ khuyến khích khen thưởng. Tôi nghĩ nó là một triệu chứng sám hối của một xã hội đã đi quá đà trong cái vấn đề sai trái".
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói thêm, ông ngán ngẩm cái cách khen thưởng mà phải làm hồ sơ mới có được ở Việt Nam. Ông nhắc lại trường hợp nữ Nghệ sĩ Kim Chi từ chối làm hồ sơ để được khen thưởng từ Thủ tướng Việt Nam vào năm 2013. Trong thư gửi Hội Điện Ảnh, bà viết : "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm".
Từ trước đến nay, người dân đã quá quen tai với các danh hiệu được phong cho giới nghệ sĩ biểu diễn như Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân. Danh hiệu này phổ biến ở hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Nguồn : RFA, 09/01/2023