Hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam không chủ động từ chức
VOA, 09/01/2023
Khi được báo giới hỏi có phải hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và VũĐức Đam đã từ chức hay không, tổng thư ký của quốc hội Việt Nam trả lời hôm 9/1 rằng hai ông này bị miễn nhiệm, có thể hiểu là họ không chủđộng từ chức.
Hai ông Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch nước) và Phạm Minh Chính (Thủ tướng chính phủ) cảm ơn hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh hôm 9/1/2023.
Như VOA đã đưa tin, hồi cuối tháng 12/2022, Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam tước bỏ vị trí ủy viên Bộ Chính trị của ông Phạm Bình Minh, 63 tuổi, và vị trí ủy viên Trung ương Đảng của ông Vũ Đức Đam, 59 tuổi. Sau đó, hôm 5/1/2023, quốc hội miễn nhiệm hai ông khỏi chức phó thủ tướng.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói trong một cuộc họp báo hôm 9/1, được báo chí Việt Nam tường thuật lại, rằng nghị quyết của quốc hội về hai ông Minh, Đam nêu rõ họ bị "miễn nhiệm".
Vẫn vị tổng thư ký giải thích thêm về quy trình miễn nhiệm trong hệ thống chính trị ở Việt Nam. Đó là cán bộ đảng viên, nhất là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư có trách nhiệm nêu gương, theo đó, nếu có vấn đề sức khỏe không đảm bảo, hay uy tín giảm sút thì xin thôi và cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ được giao của cán bộ.
Cũng tại cuộc họp báo, một quan chức khác của quốc hội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay, Quốc hội thực hiện miễn nhiệm ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam "trên cơ sở nguyện vọng cá nhân", nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Việc hai ông Minh, Đam bị loại bỏ khỏi chức vụ diễn ra cùng lúc chính quyền của đảng cộng sản đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Cho đến lúc này, cả hai ông đều chưa bị khởi tố và chưa bị bắt.
Có nhiều nhận định của giới quan sát cho rằng ông Phạm Bình Minh dính líu đến các chuyến bay giải cứu đầy tai tiếng. Đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố, bắt giam gần 40 người thuộc các bộ ngoại giao, công an, y tế, giao thông-vận tải, và cán bộ các tỉnh thành trong vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.
Về phần ông Vũ Đức Đam, giới quan sát cho rằng ông có liên quan đến một số vụ việc tiêu cực hoặc sai lầm trong công tác chống dịch Covid-19. Khi còn là phó thủ tướng, ông Đam cũng nắm chức Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 8/2021.
Nguồn : VOA, 09/01/2023
***************************
Khi nào từ chức có thể trở thành hoạt động bình thường tại Việt Nam ?
RFA, 09/01/2023
Cần xây dựng cơ chế để từ chức trở thành hoạt động bình thường, Đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho báo chí nhà nước thông tin vừa nêu hôm 9/1/2023.
Từ trái sang : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chụp ảnh chung trước khi bắt đầu phiên khai mạc khóa 15 vừa được bầu Quốc hội khóa I tại Hà Nội ngày 20/7/2021. AFP PHOTO
Theo ông Sơn, vấn đề từ chức trên thế giới rất bình thường, nhưng ở Việt Nam lại bất thường và cần biến điều bất thường này trở thành điều bình thường, để cán bộ ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc.
Liệu đề xuất của Đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn có khả thi ? Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại từ năm 1991 đến năm 1997, khi trao đổi với RFA hôm 9/1/2023, nhận định :
"Cái này đối với Việt Nam mới, không giống như các quốc gia khác, người ta thấy rằng làm không được thì người ta từ chức, người ta thấy không xứng đáng thì người ta từ chức. Nhưng ở Việt Nam vấn đề từ chức chưa thấy rõ lắm chưa thấy nó ở trong tiềm thức của người Việt Nam, của cán bộ, nhất là cán bộ càng cao càng bám chức vụ, không mấy người nghĩ đến chuyện từ chức… không xảy ra đâu. Cho nên theo tôi, nếu để tạo văn hóa khi làm không được việc thì từ chức, nếu ban hành văn bản như vậy thì tôi nghĩ hiệu quả không biết có cao hay không ? Hay là ban hành để ban hành, còn người ta không từ chức mà lại bám chức vụ thì sao ?"
Cho nên theo ông Triết, bây giờ chưa phải lúc xây dựng văn hóa từ chức. Muốn vậy, phải nghiên cứu tạo ra nhiều điều kiện khác, thì khi đó mới có tác dụng. Tuy nhiên ông Triết nói tiếp :
"Nhưng tôi nghĩ cái đó có tác dụng đối với những người thật sự trong lòng họ có đầu óc phục vụ cho nhân dân, cho đất nước".
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2022 thông qua truyền thông Nhà nước kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức.
Bộ Chính trị dẫn chứng một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Ninh Bình sau khi bị cảnh cáo vì vi phạm đã chủ động xin từ chức. Hay trường hợp Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng được cho là đã có hành động tương tự.
Vấn đề từ chức vào đầu năm 2023 lại được truyền thông Nhà nước nêu lên khi miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Đến ngày 9/1/2023, Quốc hội Việt Nam cho báo chí biết biện pháp miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân của hai ông này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng hai ông phải ra đi vì liên can đến hai vụ tham nhũng lớn là "các chuyến bay giải cứu" và "bộ xét nghiệm Covid-19" trong thời gian xảy ra đại dịch.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 9/1, nhận định :
"Trên tất cả các phương tiện truyền thông thì hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều cho biết họ được nghỉ theo nguyện vọng cá nhân, chứ không có bất cứ một tờ báo nào hay đài truyền hình nào dùng chữ từ chức. Tính cho đến hôm nay cả hai ông Minh và Đam không hề thấy công bố khuyết điểm, sai phạm gì cả. Mượn lời của ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hà Nội, thì hai ông đang sống rất trong veo, không sợ gì hết thì tại sao lại đi sinh nghỉ việc ? Là một người dân, tôi rất muốn biết nguyện vọng cá nhân của họ là gì ? Chứ còn không có từ chức gì ở đây hết".
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từ chức là một khái niệm rất nhân bản, thể hiện tính con người và danh dự phẩm giá trong tư cách công bộc khi đối diện trước dân với những hậu quả tồi tệ, thảm khốc nào đó… thì người chính trị gia cảm thấy hổ thẹn, mà để giữ lại thanh danh trong sự nghiệp chính trị của mình thì họ mời báo đài tuyên bố từ chức, xin lỗi trước dân… Như vậy theo ông Già mới gọi là từ chức, còn đằng này ông Minh và ông Đam mấy ngày nay không có một lời nào, không có gì trực tiếp từ họ thì sao gọi là từ chức được ? Ông Già cho rằng khái niệm từ chức đối với Việt Nam không có giá trị bởi vì :
"Thứ nhất, không có tam quyền phân lập. Thứ hai, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của nhà cầm quyền không theo một chuẩn mực nào của thế giới, từ lúc họ chọn lọc, thỏa hiệp, bổ nhiệm… cho tới khi họ kỷ luật, thậm chí khởi tố, kết án… thì người dân chúng tôi không biết gì. Nói tóm lại việc từ chức báo chí đưa lên, thì tôi cho rằng đó là một sự nhập nhằng trong cách sử dụng từ ngữ để đánh tráo về một nội dung… đó là thanh trừng chính trị trong nội bộ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam".
Nói tóm lại theo ông Già, từ chức là một khái niệm văn minh mà Việt Nam không có đủ điều kiện để thực hiện một cách đứng đắn với tư cách là một nhà nước được Liên Hiệp Quốc công nhận và có bang giao với hàng trăm quốc gia khác.
Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.
Nguồn : RFA, 09/01/2023