Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/02/2023

Tại sao giá sách giáo khoa tăng ?

RFA tiếng Việt

Giải thích lý do giá sách giáo khoa tăng thiếu thuyết phục của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo

Người đứng đầu ngành giáo dục mới đây lý giải giá sách giáo khoa mới cao hơn vì khổ giấy, màu in... chất lượng hơn ? Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết thông tin vừa nêu trong báo cáo của Chính phủ gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/2/2023, về việc thực hiện nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

sgk1

Ảnh minh họa : Quầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFA Photo

Dù đứng đầu ngành giáo dục, nhưng ông Sơn lại viện dẫn giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không phê duyệt giá, không quyết định giá và không can thiệp vào quyền tự định giá của các đơn vị.

Trong khi đó, những năm gần đây, cứ đến hè là giá sách giáo khoa cho năm học tới lại là nỗi lo lắng lẫn bực mình cho phụ huynh học sinh. Giá sách năm học 2022-2023 được nói là tăng gấp 2-3 lần năm trước.

Một phụ huynh học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA cho biết :

"Những vùng ven, vùng lân cận xa hơn, hay ngay tại thành phố Hồ Chí Minh mà họ là công nhân từ nơi khác đến thành phố Hồ Chí Minh làm việc, và có con theo học theo dạng hộ khẩu KT3, thì bộ sách mấy trăm ngàn rất khó khăn. Mà không phải chỉ tiền sách, còn tiền học bán trú, các loại tiền khác... thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế".

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, người nhiều năm giảng dạy tại tỉnh Tiền Giang, cho biết thực tế liên quan việc này :

"Tôi đi dạy mấy chục năm rồi tôi thấy năm nào Bộ Giáo dục cũng tăng giá sách chứ không phải riêng năm nay đâu. Mà tăng giá sách gây khó khăn cho phụ huynh rất là nhiều, nhiều phụ huynh họ nghèo lắm, nội lo mua sách cho con cũng là gánh nặng rồi. Người nghèo ở Việt Nam không được hỗ trợ gì hết, năm nào cũng vậy, tới mùa tựu trường tiền mua sách giáo khoa là gánh nặng".

Luật giá năm 2012 quy định, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

Tuy nhiên một người làm trong ngành giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên từng cho RFA biết, dù Nhà xuất bản phải trình Bộ Tài chính giá sách giáo khoa trước khi công bố ra thị trường... nhưng không bao gồm các loại sách bổ trợ. Trong khi giá công bố bán lại phải theo yêu cầu của Bộ, nghĩa là gồm có cả sách bổ trợ. Theo người này, đây có thể là một kẽ hở.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, người từng nhiều lần lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/2/2023 :

"Chuyện giá sách giáo khoa tăng từ thời gian trước kéo dài là do Nhà xuất bản Giáo dục dính vào tiêu cực... dẫn đến tình trạng giá sách giáo khoa rất cao. Không hiểu sự tăng giá do tham nhũng đến thời điểm này còn không ? Nhưng giá sách giáo khoa hiện nay đắt lên còn do nhiều yếu tố khác nữa như cho nhiều đơn vị cùng in ấn, nhiều nhóm soạn thảo... thực tế sẽ phát sinh chi phí nhiều lên, đó là tất yếu. Nhưng cái đáng bàn ở đây là tăng như thế nào cho hợp lý, thì phải thanh tra nhà nước mới kiểm tra được. Chắc chắn là có gì có tăng không phù hợp, cái này chính phủ phải kiểm soát".

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, thay vì bỏ hàng ngàn tỷ đồng thay sách giáo khoa, thì chỉ cần bổ sung, cập nhật vào sách cũ :

"Qua những gì mà giáo viên đang có trong tay và phản ánh, chương trình sách giáo khoa không có gì thật sự là mới mẻ lắm, xào đi xào lại vẫn như cái cũ, thậm chí có những bài còn dở hơn sách giáo khoa cũ. Giá như tiền để làm một cuộc thay đổi sách giáo khoa lên đến hàng ngàn tỷ đồng như thế này mà được dừng lại. Các vị chỉ cần làm một việc đó là cái gì đó mới thì bổ sung thêm, đề nghị các trường cập nhật, hoặc cập nhật vào sách giáo khoa, thế là đủ. Đằng này họ làm một cuộc hủy hết sách giáo khoa cũ, thay bằng sách giáo khoa mới vô cùng tốn kém. Không biết bây giờ phải lôi ông bà nào ra để mà lên án ?"

Đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn giải thích sở dĩ giá sách giáo khoa cao như thế là do được in trên giấy khổ lớn, phẩm chất giấy tốt... Vào ngày 25/5/2022 tại Quốc Hội, Ông Sơn đã phát biểu tương tự.

Ông Nhân, một phụ huynh có con nhỏ đang tuổi đến trường khi đó cho RFA biết nhận xét của mình về cách giải thích của ông Nguyễn Kim Sơn :

"Câu nói đó là không thuyết phục. Đó là sự ngụy biện của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục. Năm nay thì vật giá có thể tăng ở tất cả các nước, đó là tình hình chung của thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, nhưng với một quốc gia coi vấn đề giáo dục là quốc sách thì Chính phủ có nhiều nguồn lực để hỗ trợ, để giữ cho sách giáo khoa không tăng lên, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh nghèo".

Từ trước đến nay, độc quyền phát hành sách giáo khoa là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng với Nghị quyết 88 của Quốc hội thì năm 2020 thế độc quyền này bị chia sẻ cho Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên dù có thay đổi thì vẫn có tới 24/32 sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Như vậy, các trường lựa chọn sách nào thì đa số cũng thuộc của nhà xuất bản này, đương nhiên với lợi nhuận đi kèm.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỉ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt 287 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và đào tạo giao. Đây là mức lãi cao nhất từ trước tới nay của đơn vị này.

Vào ngày 13/2/2023, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục, ông Nguyễn Đức Thái và một số đồng phạm đã bị bắt giam khởi tố do những vi phạm tại cơ quan này. Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Thái bị cho đã "lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục".

Nguồn : RFA, 17/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 451 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)