Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/06/2017

Giáo sư Phạm Minh Hoàng khó tránh khỏi bị trục xuất

Tổng hợp

Giáo sư Phạm Minh Hoàng từ chối lời mời "làm việc" (RFA, 16/06/2017)

Cựu tù nhân lương tâm và giảng viên Phạm Minh Hoàng, người bị chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam, vào chiều ngày 16 tháng 6 nhận được giấy mời vào ngày 17 tháng 6 đi làm việc với Cục Quản Lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công An.

pmh1

Giáo sư Phạm Minh Hoàng (ở giữa) bị dẫn ra khỏi phòng xử án tại Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2011. AFP photo

Tuy nhiên ông Phạm Minh Hoàng từ chối không đi làm việc vì những lý do được chính ông cho biết :

"Tôi phản đối với lý do thứ nhất (thư mời đó) vô giá trị vì họ gửi cho tôi với tư cách một cơ quan công quyền mà chỉ xác nhận tư cách quốc tịch Pháp của tôi thôi ; trong khi đó tôi đang làm thủ tục khiếu nại và thủ tục này đang được tiến hành, chưa có câu trả lời mà họ lại ‘ngang nghiên’ nói tôi bị mất quốc tịch rồi.

Ngoài ra là vì những lý do kỹ thuật : mời quá gấp rút và không nêu lý do vì sao mời tôi".

Ông Phạm Minh Hoàng cho biết sau khi nhận được giấy mời đi làm việc như vừa nêu, ông đã thông báo cho phía luật sư cũng nhưng Lãnh sự Pháp.

Riêng bản thân ông và gia đình rất lo âu.

Vừa qua ông Phạm Minh Hoàng chính thức nhận được bản sao quyết định ký ngày 17 tháng 5 tước quốc tịch Việt Nam của ông do chủ tịch Trần Đại Quang ký.

Ông Phạm Minh Hoàng đã làm đơn khiếu nại về vấn đề này và nêu rõ nguyện vọng không ra khỏi nước Việt Nam.

Vào ngày 15 tháng 6, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê thị Thu Hằng trả lời hãng thông tấn Pháp AFP trong cuộc họp báo ở Hà Nội rằng việc tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng là do ông này vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia. Biện pháp tước quốc tịch là đúng pháp luật Việt Nam.

Trong khi đó nhiều luật sư trong nước cho rằng biện pháp tước quốc tịch với người Việt Nam như ông Phạm Minh Hoàng là sai trái.

**********************

Việt Nam tuyên bố tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng là đúng luật (VOA, 16/06/2017

*******************

Việt Nam nói tước quốc tịch ông Hoàng là 'đúng luật' (BBC, 16/06/2017)

Việc tước quốc tịch Việt Nam đối với nhà giáo Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân có song tịch Việt - Pháp, là 'đúng pháp luật', theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

pmh2

Ông Phạm Minh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam, theo một văn bản, do Chủ tịch nước ký ngày 17/5/2017.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này hôm 15/6/2017, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nói với AFP rằng ông Hoàng đã 'phạm pháp' và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam.

Hãng tin Pháp hôm thứ Năm đặt câu hỏi :

"Xin bà cho biết Việt Nam đã xử lý như thế nào đối với khiếu nại của ông Phạm Minh Hoàng về việc tước bỏ quốc tịch của ông này. Với quyết định đó, sự hiện diện của ông Phạm Minh Hoàng tại Thành phố Hồ Chí Minh là hợp pháp hay bất hợp pháp ? Nếu sự hiện diện của ông Hoàng tại Thành phố Hồ Chí Minh là bất hợp pháp thì bao giờ Việt Nam sẽ trục xuất ông Hoàng ?"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đáp :

"Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam",

'Không có thẩm quyền'

Đưa ra phản ứng hôm 16/6, ông Phạm Minh Hoàng, người từng có nhiều năm giảng dạy môn toán ở đại học tại Việt Nam, cho rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền để 'kết tội ông', ông nói với BBC :

"Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi rất ngạc nhiên bởi vì bà ta nói là tôi đã vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi phạm an ninh quốc gia, thì theo tôi được biết, bà Hằng là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, nghĩa là một cơ quan hành pháp.

pmh3

Ông Phạm Minh Hoàng nói Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền nói ông có tội.

"Bà ta không có thẩm quyền để kết tội tôi, kết tội tôi chỉ có tòa án và chỉ có tòa án có thể nói tôi có tội, hay không có tội mà thôi.

"Thứ hai nữa mà bảo là các trình tự tước quốc tịch của tôi là đúng pháp luật, tôi không hiểu bà căn cứ vào cái gì để nói đúng pháp luật".

Theo ông Hoàng, một văn bản tước quốc tịch được Chủ tịch nước của Việt Nam, ông Trần Đại Quang ký, đã không nêu rõ ông vi phạm vào điều khoản nào trong luật Quốc tịch và đây cũng là lý do ông đã gửi khiếu nại cách đây năm hôm tới lãnh đạo nhà nước với sự trợ giúp của các luật sư.

Trả lời câu hỏi của BBC về phản ứng của nhà nước Pháp cho tới nay, nhất là sau khi ông tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp, ông Phạm Minh Hoàng nói :

"Cho đến ngày hôm nay, phản ứng của Pháp, tôi chưa thấy gì cả, tôi đã tiếp xúc với Tổng lãnh sự Pháp nhiều lần, kể từ khi họ thông báo cho tôi là nhà nước Việt Nam đã tước quốc tịch của tôi.

"Tôi đã tiếp xúc với họ, tôi chỉ trình bày những suy nghĩ và nguyện vọng của tôi muốn sống, phục vụ, làm việc và có thể, được chết trên đất nước của tôi và tôi hy vọng họ sẽ hành xử theo nguyện vọng của tôi...

"Tôi đã lập lại điều đó cho ông Tổng lãnh sự Pháp và tôi mong là nguyện vọng của tôi được đề cập lên cao hơn, cấp cao hơn, còn về phía Chính phủ Pháp ở Paris, thì đến ngày hôm nay, tôi vẫn chưa nghe thấy tin tức gì cả".

Ông Hoàng cũng cho BBC biết ông đang chuẩn bị nộp đơn ra Tòa án của Việt Nam trong trường hợp đơn khiếu nại về việc bị tước quốc tịch của ông không được chính quyền Việt Nam xem xét, giải quyết.

pmh4

Quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với ông Phạm Minh Hoàng.

Hôm 16/6, trên trang Facebook cá nhân, ông Hoàng cho hay ông đã từ chối lời mời của Cục xuất nhập cảnh Việt Nam mời ông tới cơ quan này làm việc vào sáng ngày 17/6 vì nhiều lý do, như ông viết :

"Tôi sẽ không đi vì những lý do sau : Thời gian mời quá gấp. Đưa chiều nay, hẹn sáng mai ; Không nêu lý do rõ ràng ; Đối với tôi Thư mời này vô giá trị vì trong thư có ghi tôi chỉ có quốc tịch Pháp, trong khi tôi đã nộp đơn khiếu nại về việc tước quốc tịch Việt Nam từ ngày 13/6 mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời" và "sau cùng, với những gì họ đã hành xử, gia đình chúng tôi có quyền nghi ngờ họ có thể sẽ dùng vũ lực trục xuất tôi một cách phi pháp".

Năm 2010, ông Phạm Minh Hoàng bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh và bị đưa ra xử tháng 8/2011 về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự.

Ông bị tuyên án 3 năm tù giam, sau đó được giảm còn 17 tháng tù. Ông ra tù ngày 13/1/2012.

Quay lại trang chủ
Read 824 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)