Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/04/2023

Kinh tế ảm đạm – Đòi tiền "chuyến bay giải cứu"

RFA tổng hợp

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ảm đạm chưa từng thấy : Báo hiệu một năm không như kỳ vọng

RFA, 06/04/2023

Kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1 vừa qua sụt giảm nhiều hơn dự kiến, báo hiệu một năm 2023 kinh tế ảm đạm hơn dự báo.

kinhte1

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/9/2022. AFP

Kinh tế Việt Nam tụt giảm trong quý 1

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống còn 3,32% trong quý đầu tiên, từ 5,92% của quý 4 năm 2022. Trong khi đó, lạm phát cả nước tăng 4,18% trong quý 1.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, đánh giá đây là mức tăng trưởng rất thấp. Thậm chí nó còn tệ hơn cùng kỳ năm 2022, khi mà kinh tế Việt Nam vừa được mở ca trở lại sau thời gian dài phong toả do dịch.

Nguyên do, theo tiến sĩ Hiếu, thứ nhất là từ tình hình kinh tế thế giới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn. Khi kinh tế toàn cầu gặp vấn đề là ngay lập tức Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng theo.

Hiện, các nước là đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ hay Châu Âu đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến nền kinh tế của họ bị chững lại, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất giảm xuống. Kinh tế Việt Nam do đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi không có đơn hàng xuất khẩu. Nguyên do thứ hai đến từ thị trường trong nước :

"Thứ hai là thị trường quốc nội của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ cho đến tất cả những lĩnh vực kinh doanh khác như chứng khoán, bất động sản. Do đó làm cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng chậm trong năm 2023". 

Theo Reuters, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý đầu tiên giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn FDI giải ngân giảm 2,2%.

Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất từ ngày 15/3. Theo tiến sĩ Trí Hiếu, hành động này có điểm lợi là nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam bởi Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới là tiếp tục tăng lãi suất. Nếu lúc này Việt Nam giảm lãi suất thì nó sẽ làm tăng tỷ giá đồng đô-la Mỹ so với tiền Đồng, điều này có thể tạo ra bất ổn trên thị trường ngoại hối và làm tăng giá của hàng nhập khẩu.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%. Tiến sĩ Trí Hiếu cho rằng với tất cả khó khăn, thách thức vừa nêu, kinh tế Việt Nam rất khó có thể cán đích tăng trưởng 6,5% vào cuối năm nay :

"Theo tôi thì có lẽ mức 6% là mục đích rất cao vọng bởi vì với tất cả những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, mà chúng ta thấy rằng ngay cả thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm thương mại, kinh tế của cả nước mà tăng trưởng ở mức rất thấp. Thành ra tôi nghĩ rằng trong cả năm để đạt mức tăng trưởng 6% là có lẽ là rất khó khăn, theo tôi tăng trưởng ở mức 5% có lẽ sẽ hợp lý hơn".

Với kết quả quý 1 được báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng phải thừa nhận hôm 3/4 rằng "kịch bản tăng trưởng 6,5% năm 2023 như mục tiêu đề ra là rất thách thức".

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp chưa từng thấy

Tình hình kinh tế chung của cả nước đang đi xuống, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế tài chính cả nước là nơi đang chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất trong vài tháng qua.

Cũng theo báo cáo từ Cục Thống kê, tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý một chỉ đạt 0.7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong năm thành phố trực thuộc trung ương, và thuộc nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài như Hoa Kỳ tăng lãi suất hay các nước đối tác của Việt Nam giảm đơn hàng sản xuất, thì các yếu tố trong nước sau đây là lý do khiến Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải là nơi nào khác chịu ảnh hưởng xấu nhất.

Đầu tiên là do bất ổn trên thị trường bất động sản và trái phiếu. Theo tiến sĩ Huy Vũ, số tiền của các nhà đầu tư thay vì bỏ vào các ngành sản xuất phát triển vùng Sài Gòn thì nó đã chôn cứng trong bất động sản hay trái phiếu.

Lãi suất Việt Nam hiện nay vẫn còn đang rất cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất, dẫn đến nền kinh tế bị chững lại.

Thêm một nguyên do khác nữa là vì các dự án đầu tư công hiện nay triển khai rất chậm. Theo ông Huy Vũ, Đáng ra, trong trường hợp nền kinh tế bị khủng hoảng thì chính phủ có thể triển khai đầu tư công để tạo công ăn việc làm, đưa tiền vào sản xuất :

"Nhưng mà vấn đề hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng, đốt lò, của ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đến việc các quan chức họ ngần ngại trong việc triển khai đầu tư công.

Bởi vì khi triển khai đầu tư công thì trước sau gì họ cũng rất dễ mắc những sai lầm và nếu làm đầu tư công mà quan chức không có ăn được phần trăm ở trong đó thì họ không dại gì mà làm".

Người dân đối mặt với khó khăn

kinhte2

Các công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo bảo hộ. Ảnh : RFA

Không chỉ kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tụt dốc, trong thời gian sắp tới, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ, nơi đặt các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn của cả nước như Bình Dương hay Đồng Nai sắp tới cũng đều sẽ bị trì trệ : 

"Nếu nhu cầu hàng Việt Nam trên thế giới giảm thì chắc chắn là những khu chế xuất công nghiệp tại các thành phố vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì thế mà quý 2, GDP của thành phố Hồ Chí Minh có lẽ cũng sẽ không khả quan lắm so với quý 1 đâu".

Tiến sĩ Trí Hiếu dự báo, do giá dầu thô trên thế giới tăng sẽ khiến cho lạm phát vốn đã cao sẽ tăng cao hơn nữa. Trong khi đó thu nhậngười lao động lại giảm vì đơn hàng bị giảm ở các khu công nghiệp :

"Với sự phát triển trì trệ như thế mà lạm phát lại tăng thì chắc chắn là đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn rất nhiều".

Tiến sĩ Huy Vũ cho rằng trong thời gian vừa qua và sắp tới đây, các doanh nghiệp phải giảm lượng công nhân hoặc thậm chí là đóng cửa. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội khác ví dụ như là tội phạm tăng cao hơn…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong ba tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này tạo thêm việc làm cho 11.000 người nhưng cũng có hơn 36.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Giải pháp

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định tình hình ảm đạm của nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể được khắc phục nếu chính quyền trung ương thực hiện một số các biện pháp khắc phục sau, từ đó có thể vực dậy nền kinh tế Việt Nam.

Ông Hiếu đề nghị chính phủ nên trở lại chương trình xây dựng một trung tâm tài chính cho Thành phố Hồ Chí Minh, ví dụ như theo mô hình trung tâm tài chính của Thâm Quyến hay các trung tâm tài chính như ở New York. Một trung tâm tài chính như thế giúp doanh nghiệp có thể được tiếp cận với tất cả những dịch vụ, sản phẩm tài chính, từ ngân hàng cho đến các quỹ đầu tư và tất cả những dịch vụ liên quan đến pháp lý thương mại, xuất nhập khẩu…

Thứ hai là tất cả các thủ tục hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, kinh doanh cần phải được cải tổ cho thông thoáng hơn. Nạn tham nhũng phải được tiêu trừ một cách tận gốc thì có thể kinh doanh sẽ được khởi sắc.

Các khu công nghiệp cũng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế từ chính phủ và các nhà kinh doanh của Thành phố Hồ Chí Minh nên đi tìm những thị trường mới, thay vì những thị trường truyền thống về xuất khẩu như là Mỹ hay Châu Âu. Tìm ra những thị trường mới để phân tán rủi ro và phát triển ngoại thương một cách mạnh mẽ hơn…

Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần cải tổ mạnh mẽ trên tất cả những thị trường, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến thị trường bất động sản, ngân hàng, ngoại tệ hay vàng… phải bơm thanh khoản vào để vực dậy các thị trường đó, từ đó "bơm máu" vào trong nền kinh tế để vực dậy thành phố.

Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên hôm 4/4 phát biểu rằng lãnh đạo thành phố đã tìm ra "toa thuốc" để thành phố có thể tăng trưởng trở lại. Một trong các giải pháp mà ông đề cập tới là tập trung vào đầu tư công. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc để các dự án ngoài ngân sách có thể chạy.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dĩ nhiên tình hình có thể xoay trở ngược lại được nếu thực hiện những chính sách tốt để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, ông cho biết "tại thời điểm này thì tôi chưa thấy có chính sách khả thi và cụ thể từ phía chính quyền Trung ương cũng như là chính quyền địa phương để vực dậy hoạt động kinh tế của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh".

Nguồn : RFA, 06/04/2023

**************************

Có thể đòi lại khoản phí phi lý mà người về trên các chuyến bay "giải cứu" buộc phải trả ?

RFA, 06/04/2023

Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an hôm 4/4 vừa qua cho thấy, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về.

kinhte3

Một chuyến bay đưa công dân từ Châu Âu về nước - Photo : cand.com.vn

Trong số này có 21 người là cựu lãnh đạo cấp cao, quan chức các bộ, ngành, tỉnh, thành phố bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ". Có thể kể, hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam ; ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó thủ tướng Phạm Bình Minh) ; ông Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Chử Xuân Dũng (Phó chủ tịch UBND Hà Nội).

Dư luận nêu câu hỏi, một khi xác định rõ hành vi đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và quan chức trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu thì những người phải mua vé giá cao có quyền được yêu cầu bồi thường hay không, hoặc họ sẽ nhận được khoản tiền chênh lệch hoàn lại khi vụ án kết thúc hay không ?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói với RFA nhận định của ông :

"Tôi cho rằng phải đợi phiên tòa diễn ra coi quá trình điều tra như thế nào. Những khoản tiền này có phải là khoản tiền mà hai bên có thỏa thuận, hay là những người có thẩm quyền người ta ép phải mua cái giá đó. Mình phải đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tôi cho là những cán bộ công chức có thẩm quyền làm như vậy là vi phạm pháp luật và dư luận người ta không đồng tình, bởi vì trong thời gian dịch bệnh như vậy mà lại biến những chuyến bay nhân đạo thành cơ hội để tham nhũng. Phải xử lý thật nghiêm vụ này.

Nhưng về mặt nguyên tắc, những người bị hại này sẽ được bồi thường bởi khoản tiền họ bỏ ra nó không đúng với giá trị được hưởng. Lẽ ra họ chỉ phải bỏ ra chỉ có 10 đồng, nhưng bắt họ trả tới 20 đồng thì phải bồi hoàn chênh lệch cho người ta".

Trong buổi tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" được tổ chức ngày 7/12/2021, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho hay, ông có người bạn phải chi trả một gói "combo về nước" có giá 150 triệu đồng từ Hoa Kỳ. Trước đó, một người quen khác của ông đã phải bỏ ra số tiền 240 triệu đồng để được hồi hương. Trong khi giá vé chính thức được công bố lúc đó chưa đến 40 triệu đồng.

Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông với RFA :

"Dĩ nhiên nói theo ngôn từ pháp luật thì đó là những người bị hại. Về mặt nguyên tắc, trong luật tố tụng Việt Nam có trường hợp gọi là ‘bị đơn dân sự’. Do đó, những người bị thiệt hại này có thể yêu cầu đòi bồi thường. Nhưng mà để cũng cố những số liệu thì theo tôi nó là chuyện khó, bởi vì nhiều khi người ta mua vé với giá cao là một chuyện. Để mua được những tấm vé đó thì có thể người ta phải chi thêm những khoản khác mới mua được.

Về mặt giấy tờ thì họ chỉ vì cái giá được công bố thôi, rất khó chứng minh thiệt hại. Tôi không biết cơ quan điều tra họ làm cách nào để họ tính ra được con số thiệt hại".

kinhte4

Một chuyến giải cứu công dân về nước. Photo : cand.com.vn

Vụ án các chuyến bay giải cứu được cho là nguyên nhân khiến Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phải thôi chức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng phải từ chức vì chịu trách nhiệm cho những sai phạm của cấp dưới. Thông báo của Ban chấp hành Trung ương tại cuộc họp bất thường hôm 17/1/2023 cho hay, ông Phúc phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Việc tổ chức chuyến bay giải cứu được cho là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân. Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chính là bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài và quản lý danh sách công dân đăng ký nhu cầu về nước.

Việc nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng để "giải cứu" công dân khiến các chuyến bay mất đi mục tiêu ban đầu được nói là chủ trương nhân đạo. Hơn nữa, đó còn là trách nhiệm của một chính phủ với công dân của mình. Vậy những công dân này sẽ được bồi thường ra sao ?

Một luật sư không muốn nêu tên vì an toàn, nói với RFA sáng ngày 6/4/2023 :

"Về mặt pháp lý thì họ là những người bị hại trong vụ án. Và với tư cách là người bị hại thì họ có quyền yêu cầu đòi bồi hoàn lại số tiền mà họ bị thiệt hại. Cho nên, nếu trong quá trình tố tụng và khi đưa những quan chức đó ra xét xử mà không tính đến chuyện bồi hoàn thiệt hại cho những người bị hại, tức là những công dân trên các chuyến bay giải cứu đó thì đó là một sự thiếu sót rất lớn.

Không thể nói đây là sự thỏa thuận giá cả được, bởi trong hoàn cảnh đại dịch, có những người buộc phải trở về quê hương vì nhiều lý do như không còn nguồn sống ở nước sở tại, phải về Việt Nam chữa bệnh, visa hết hạn…

Hơn nữa, việc lo cho dân trở về an toàn là việc chính phủ Việt Nam phải làm. Không thể đem dân ra làm nguồn thu lợi bất chính như vậy được. Dùng mục đích nhân đạo để kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng thì phải trả lại tiền cho người ta, những nạn nhân trong vụ án".

Luật sư này nói thêm, nếu cơ quan điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này thì rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền cho các công dân này.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến tháng 12/2021, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, gọi là những chuyến bay giải cứu hay chuyến bay hồi hương, để đưa gần 200 ngàn công dân Việt Nam từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu trở về nước.

Thủ tướng Chính phủ lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, là người yêu cầu tổ chức chuyến bay giải cứu theo tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Tổ công tác các chuyến bay giải cứu gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Trong đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ phê duyệt hoặc từ chối kế hoạch tổ chức chuyến bay (số lượng, tần suất chuyến bay, doanh nghiệp thực hiện, nơi cách ly, người dự kiến về...) trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Nguồn : RFA, 06/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 246 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)