Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ thông tin ‘sai sự thật’ trong phim tài liệu về MH370
VOA, 07/04/2023
Việt Nam vừa yêu cầu một hãng phim nước ngoài phải chỉnh sửa nội dung một bộ phim tài liệu vì phản ánh sai lệch nỗ lực tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam sau khi xảy ra vụ mất tích chuyến bay MH370 cách đây 9 năm.
Trẻ em viết các thông điệp về hy vọng đối với những hành khách đã mất tích, cùng chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 14/6/2014. Netflix đang trình chiếu bộ phim tài liệu về sự mất tích bí ẩn này.
Chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines chở 239 hành khách bị mất liên lạc trên vùng nam Biển Đông chưa đầy một tiếng sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur của Malaysia đi Bắc Kinh của Trung Quốc vào ngày 8/3/2014. Sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà chức trách vẫn chưa thể xác định nguyên nhân vụ mất tích của chuyến bay này. Đây được xem là vụ mất tích đầy bí ẩn nhất trong ngành hàng không thế giới.
"Ngay sau khi xảy ra vụ việc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên các phương án ứng phó, tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với Malaysia và các quốc gia mong muốn triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên quy mô lớn", Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằngnói với phóng viên hôm 6/4 khi đưa ra quan điểm của bộ trước thông tin trong bộ phim "MH370 : Chiếc máy bay biến mất" cho rằng Việt Nam không hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay này.
Bộ phim tài liệu, gồm 3 tập, được chiếu trên dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix từ ngày 8/3. Bộ phim có tên tiếng Anh "MH370 : The Plane That Disappeared" tìm cách chắp nối những bằng chứng và thông tin xuất hiện trong những năm tháng sau vụ mất tích, mà phần giới thiệu của Netflix gọi là "một trong những bí ẩn lớn nhất thời hiện đại".
Tại buổi họp báo hôm 6/4, bà Hằng nói rằng bộ phim tài liệu này "đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam bất bình".
Trong bộ phim, theo nhưThe Guardian mô tả nội dung, khi MH370 tiếp cận ranh giới không phận Malaysia, đài kiểm soát không lưu của nước này đã phát tín hiệu vô tuyến để chuyển chuyến bay sang Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của Việt Nam. Cơ trưởng của chuyến bay, Zaharie Ahmad Shah, theo như bộ phim mô tả, đã không hề liên lạc lại với kiểm soát viên ở Việt Nam và MH370 đã biến mất khỏi radar chỉ vài giây sau khi bay vào không phận Việt Nam.
Bà Hằng nói rằng Việt Nam đã "hỗ trợ phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin" và rằng "những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận báo chí trong và ngoài nước ghi nhận".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, "gỡ bỏ và sửa đổi" những nội dung được cho là "không phù hợp".
VOA đã liên lạc với Netflix, đề nghị họ bình luận về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với bộ phim.
Hồi tháng 2 năm nay, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam cảnh báo Netflix, dịch vụ phát trực tuyến đang kinh doanh ở Việt Nam từ năm 2016,có thể bị chặn nếu không có pháp nhân tại Việt Nam. Theo dữ liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, doanh thu của Netflix tại Việt Nam ước đạt 30 triệu USD vào năm 2020. Công ty khổng lồ về livestream trực tuyến của Mỹ có kế hoạch mở văn phòng tại quốc gia Đông Nam Á vào cuối năm nay.
Trước đây, Việt Nam đã yêu cầu Netflix chặn quyền truy cập trong nước đối với những nội dung bị đánh giá là "xúc phạm nhận dân Việt Nam" như bộ phim "Uncharted" (Thợ săn cổ vật) trong đó có hình ảnh "đường lưỡi bò" và bộ phim Hàn Quốc "Little Women" (Ba chị em) trong đó có các cảnh về Chiến tranh Việt Nam mà Việt Nam cấm chiếu vì bị cho là "xuyên tạc lịch sử".
Nguồn : VOA, 07/04/2023
*************************
Việt Nam sắp điều tra TikTok vì ‘nội dung độc hại’
VOA, 06/04/2023
Việt Nam có kế hoạch điều tra toàn bộ hoạt động của TikTok trong tháng 5 vì lý do mạng xã hội này xuất hiện nhiều "nội dung xấu, độc, phản cảm", Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết hôm 5/4.
Tiktok là nền tảng xã hội xuyên quốc gia duy nhất có văn phòng tại Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết tại một cuộc họp báo rằng việc kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng video ngắn phổ biến do Trung Quốc sở hữu "khó khăn hơn nhiều" so với trên các nền tảng khác.
"Chúng tôi sẽ cần những biện pháp cứng rắn hơn để chống lại nội dung đó, chỉ gỡ bỏ thôi là chưa đủ", ông Lê Quang Tự Do nói, nhưng không nêu chi tiết về các biện pháp sẽ được áp dụng.
Ứng dụng do ByteDance sở hữu có gần 50 triệu người dùng ở Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, chính phủ Việt Nam trích dẫn dữ liệu từ công ty nghiên cứu DataReportal cho biết.
Nền tảng này đã xóa 1,7 triệu video theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong quý 4 năm ngoái, vì những video này bị coi là vi phạm chính sách của chính phủ, theo dữ liệu của công ty.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, TikTok được cho là đã xóa hơn 2,4 triệu video của người dùng Việt Nam kích động các hành vi bạo lực, quấy rối và tự sát, cùng những nội dung khác.
Khi được hỏi liệu TikTok có bị cấm ở quốc gia Đông Nam Á hay không, ông Lê Quang Tự Do nói rằng những ai không tuân thủ các quy định địa phương thì sẽ không được chào đón.
"TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…", ông Lê Quang Tự Do nói trong một bài đăng trên website của Bộ Thông tin và truyền thông.
Bộ này nói thêm rằng "thời gian gần đây trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan..".
TikTok là nền tảng duy nhất bị điều tra vì đây là nền tảng duy nhất có văn phòng tại Việt Nam, và cuộc điều tra là nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam cho biết.
Hồi tháng 2, công ty của Trung Quốc cho biết Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử Việt Nam đã thông báo rằng một phái đoàn chính phủ sẽ đến thăm các văn phòng của công ty tại Việt Nam trong quý hai.
"Đây là hoạt động thanh tra liên ngành theo kế hoạch của Chính phủ và phù hợp với pháp luật Việt Nam đối với các công ty hoạt động tại Việt Nam, không riêng gì TikTok", TikTok Việt Nam cho biết trong email.
Trong một tuyên bố với Reuters hôm thứ Năm, TikTok Việt Nam cũng cho biết họ đã cập nhật các hướng dẫn của mình, dự kiến có hiệu lực từ ngày 21/4, để minh bạch hơn về các quy tắc và cách thức thực thi chúng.
Bên cạnh các video ngắn, công ty của Trung Quốc cũng vận hành TikTok Shop tại Việt Nam và được cho là đã thử nghiệm tính năng chơi trò chơi trong ứng dụng tại Việt Nam vào năm ngoái.
Theo luật Việt Nam, các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội phải đồng ý xóa nội dung được coi là không tuân thủ luật pháp và bàn giao dữ liệu người dùng của họ cho chính quyền Cộng sản nếu được yêu cầu.
Các công ty như Facebook, Microsoft, Netflix hoặc TikTok, cũng phải nộp thuế tại quốc gia mà họ cung cấp nội dung.
TikTok đã nộp 34 tỷ đồng (1,4 triệu USD) trong 3 tháng đầu năm.
Nguồn : VOA, 06/04/2023