Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/06/2023

Giá sách giáo khoa vẫn là gánh nặng cho phụ huynh

RFA tiếng Việt

Giá sách giáo khoa chương trình mới một số lớp trong chương trình phổ thông cao hơn gấp ba lần giá sách giáo khoa theo chương trình cũ đã trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.

sgk1

Quầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFA

Mỗi năm phải mua sách mới

Theo truyền thông Nhà nước, để hỗ trợ người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách Nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn. Điều này được cho là không khả thi vì học sinh làm bài tập, bài học ngay trên sách giáo khoa chứ không phải trên vở như trước đây.

Chị Liễu có con nhỏ đang học lớp 4 ở TP.HCM cho RFA hay :

"Sách thì nội dung vẫn như nhau không có gì khác. Bài tập, bài học gì giáo viên cũng cho viết hết trong đó, không phải ghi vào tập để đỡ mất thời gian. Nhưng năm trước học xong thì đứa năm sau không xài được nữa mà phải mua cuốn khác. Nếu sách mà có thể dùng được nhiều lần thì tốt nhất đừng cho học sinh viết vào đó.

Mấy năm trước một bộ sách không mắc lắm vì Nhà nước có trợ giá, bù lỗ. Còn mấy năm sau này hình như Nhà nước không bù lỗ nữa nhưng mà nói gì thì nói chứ Nhà nước đã ra quyết định thì rất khó thay đổi. Tôi nghĩ một nhà mà ba, bốn đứa đi học mỗi năm mua mấy bộ sách là rất mệt. Phải làm sao chứ nếu bốn, năm đứa cùng đi học mà phụ huynh phải mua mỗi đứa một bộ kể như mấy đứa lớn nghỉ học luôn".

Theo chị Liễu, hiện có hai vấn nạn làm khổ cả phụ huynh lẫn học sinh là giá sách giáo khoa và chuyện học thêm. Chị nói tiếp :

"Có giáo viên người ta không bắt ép học sinh học thêm nhưng có những giáo viên bắt ép phải học thêm chính do mình mình giảng dạy. Học người khác họ không chấp nhận. Năm nay nghe nói không cho dạy thêm, nhưng đó là tự dạy thêm tại nhà, còn mở trung tâm dạy thêm thì vẫn được".

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới Chương trình Sách Giáo khoa giáo dục phổ thông, diễn ra vào ngày 20/8/2021, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chất lượng bản thảo phải là khâu then chốt. Việc thẩm định, chọn sách, phát hành bảo đảm cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo, cơ sở giáo dục và tinh thần không có học sinh nào thiếu sách giáo khoa.

Trước đó, khoảng cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ từng xác nhận có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’ trong xuất bản sách giáo khoa nên đã chuyển Bộ Công an điều tra. Một trong hai nội dung được chuyển, là Bộ Giáo dục - Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục có dấu hiệu lợi ích nhóm trong in, phát hành sách bài tập. Thanh tra Chính phủ đồng thời kiến nghị điều tra công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục. Công tác này bị cho có nhiều dấu hiệu bất thường, không bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ lúc bấy giờ nhận định với RFA về vấn đề này :

"Thực ra ai cũng biết là Bộ Giáo dục là nơi tham nhũng một cách trắng trợn, trơ trẽn và công khai nhất. Bằng chứng là Bộ này cố tình liên tục thay đổi các bộ sách giáo khoa và kèm với nó là tăng số lượng sách không cần thiết để bắt gia đình các học sinh phải mua, mà ai cũng biết sự thật đằng sau nó là lợi nhuận khổng lồ từ việc bán sách này sẽ được chia chác giữa các nhà xuất bản và các quan chức của Bộ Giáo dục".

Cộng hưởng lợi ích !

Xuất bản sách giáo khoa được coi là thị trường béo bở của nhiều doanh nghiệp với lợi nhuận cao ngất ngưởng. Tạp chí Đầu tư Tài chính Việt Nam từng có bài viết với tựa "Công ty độc quyền xuất bản sách giáo khoa mỗi ngày lãi nửa tỷ" để nói về thực tế này. Bà Hương, người làm trong thư viện một trường cấp 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Người ta cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa. Sách vẫn theo đúng của Bộ giáo dục nhưng tùy theo trường, tùy theo ông phòng giáo dục lựa chọn. Chỉ có môn tiếng Anh là chương trình khác nhau. Ăn thua là người của Sở giáo dục. Tôi làm ở thư viện trường với công việc bán sách giáo khoa nên tôi biết, trường phải bán theo chỉ thị của Sở giáo dục. Mình bán sách là sách của Công ty sách và thiết bị trường học thành phố Hồ Chí Minh. Do chương trình đổi mới cho nên học sinh phải mua sách học. Nhà xuất bản giáo dục người ta ‘ăn rơ’, định giá sẵn với Bộ giáo dục, rồi người ở Bộ giáo dục sẽ tìm người biên soạn sách. Lời lắm cho nên thành ra họ cứ nay thay đổi này, mai thay đổi kia. Rồi cứ mỗi một năm lại chỉnh lý. Thế là học trò lại phải mua quyển sách mới.

Nếu không lời thì tại sao mấy ông Bộ giáo dục nhào vào mà làm ?"

Theo bà Hương, để hạn chế chi phí cho phụ huynh vào mỗi đầu năm học, mấy ông bên Bộ giáo dục phải làm sao để nghiên cứu ra một bộ sách hoàn chỉnh ; làm sao để phụ huynh khỏi phải mua sách hàng năm. Cứ đời trước truyền cho đời sau, hoặc là cho học sinh mượn sách như ngày xưa cuối năm học trả lại.

Bà Hương nói tiếp :

"Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa thì sách cứ năm trước chuyển sang năm sau. Còn bây giờ tôi không hiểu mấy ổng bày vẽ như thế nào mà cứ mỗi năm phải thay đổi sách. Mà nói thẳng ra là mỗi ông lên lại có một cách thay đổi khác. Theo tôi, Bộ giáo dục và Nhà xuất bản nên ngồi nói chuyện với nhau để giảm giá xuống, giảm gánh nặng tiền sách giáo khoa cho phụ huynh".

Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là giá sách giáo khoa cho năm học tới lại là vấn đề nhức đầu cho các nhà quản lý, là nỗi lo lắng cho phụ huynh học sinh. Cứ giá sách năm sau lại cao hơn năm trước. Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn từng lý giải tại Quốc Hội rằng, giá sách giáo khoa cao như thế là do được in trên giấy khổ lớn, phẩm chất giấy tốt, từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành do doanh nghiệp đảm nhiệm.

Chị Mai có con học lớp 3 nói với RFA :

"Bây giờ em cũng không biết nói sao nữa. Góp ý kiến thì đâu có được đâu. Người ta ra cái giá như vậy thì mình có nói cũng không thay đổi được mà phải theo thôi. Tiền sách mắc, tiền học hàng tháng mắc nhiều người không lo nổi cho con, rồi còn tiền học thêm nữa. Tụi nhỏ đi học giống như là đi mua chữ vậy. Cái gì cũng tiền, nhà nước đâu có hỗ trợ gì".

Luật giá năm 2012 quy định, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

Một số chuyên gia trong ngành giáo dục nhận định, cách làm của Nhà nước trong lĩnh vực sách giáo khoa là xã hội hóa chứ không do Nhà nước bao cấp, hỗ trợ như trước. Mà xã hội hóa lại nửa vời vì Nhà nước vẫn muốn quản lý, không để thị trường cạnh tranh.

Nguồn : RFA, 21/06/2023 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)