Hòa thượng Thích Vĩnh Phước bị công an yêu cầu không viết bài chỉ trích trên Facebook
RFA, 14/07/2023
Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), không viết bài chỉ trích chính quyền địa phương và về các vấn đề xã hội khác trên mạng xã hội Facebook.
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước (giữa) và tùy viên chính trị ĐSQ Hoa Kỳ cùng thân nhân TNLT tại chùa Phước Bửu - Fb Trung Kiên Phước
Đại diện Công an tỉnh và Công an huyện Xuyên Mộc đã đưa ra yêu cầu trên trong buổi làm việc vào sáng ngày 13/7 tại trụ sở của Công an huyện, theo giấy mời lần ba với nội dung "để trao đổi một số vấn đề về phát ngôn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng".
Một ngày sau buổi làm việc với công an địa phương, hòa thượng Thích Vĩnh Phước thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) :
"Hôm qua tôi gặp Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Công an của huyện Xuyên Mộc. Trong buổi làm việc họ yêu cầu tôi trả lời đưa cho tôi văn bản giống cái bản cam kết từ nay về sau không viết bài đăng Facebook để chỉ trích này nọ.
Rồi họ nói xoay quanh là tôi phải dành thời gian để lo việc đạo không nên lên tiếng về việc xã hội chuyện hiện tình đất nước…"
Thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam- một tổ chức đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, từ chối yêu cầu của phía công an. Vị hòa thượng cho biết ông sẽ tiếp tục thực hành quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội :
"Tôi nói tôi có quyền công dân, có quyền bày tỏ tất cả mọi cái, việc viết trên Facebook là quyền của người thôi. Tôi cũng viết nhưng viết theo quan điểm của mình".
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước cho biết trong buổi làm việc, phía công an in ra những bài viết của ông trên Facebook về việc Uỷ ban Nhân dân huyện Xuyên Mộc ra lệnh bắt tháo dỡ những công trình xây dựng trong chùa Thiên Quang (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) cũng như việc ông trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và đài Đáp Lời Sông Núi (Hoa Kỳ) về việc có liên quan đến cơ sở tu hành này.
Phía công an đòi ông xác nhận và vị hòa thượng cho biết ông cũng ký nhận những gì ông đã đăng trên trang Facebook cũ (Thích Vĩnh Phước- hiện nay đã bị Facebook khoá) cũng như việc ông trả lời phỏng vấn một số đài nước ngoài.
Không chỉ gây sách nhiễu chùa Thiên Quang, chính quyền huyện Xuyên Mộc cũng thường xuyên gây khó khăn cho chùa Phước Bửu, không cho chùa này xây dựng một số công trình phục vụ việc tu hành, hòa thượng Thích Vĩnh Phước cho biết.
Trong buổi làm việc với công an, vị hòa thượng cũng yêu cầu nhà chức trách huyện Xuyên Mộc trả lại cổng chùa Phước Bửu đã được chùa của ông dựng từ năm 1989 nhưng đến năm 2014 thì bị chính quyền chiếm mà không có văn bản thu hồi.
Việt Nam tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế về nhân quyền nhưng không thực hiện và luôn luôn phân biệt đối xử với những nhóm tôn giáo độc lập, ông nói trong buổi làm việc với công an.
Phóng viên nhiều lần gọi điện cho Công an huyện Xuyên Mộc và cả Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để tìm hiểu thông tin về buổi làm việc giữa công an địa phương hòa thượng Thích Vĩnh Phước nhưng không có ai nhấc máy.
Theo Hòa thượng Thích Vĩnh Phước và Thầy Thích Thiên Thuận- trụ trì chùa Thiên Quang, nhà chức trách huyện Xuyên Mộc và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục sách nhiễu hai cơ sở tu hành này cùng sư sãi và tín đồ trong nhiều thập niên qua với nỗ lực buộc hai chùa phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam- tổ chức tôn giáo thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, UBND huyện Xuyên Mộc tiến hành cưỡng chế phá dỡ một số công trình tạm xây dựng từ năm 2000 của chùa Thiên Quang mà chính quyền địa phương chỉ coi là tịnh thất. Chính quyền địa phương nói hai danh khoản Facebook là "Chùa Thiên Quang" và "Thích Vĩnh Phước" đăng nhiều bài viết và livestream kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp việc cưỡng chế đối với nơi thờ tự này.
Nguồn : RFA, 14/07/2023
*****************************
Thu phí tất cả cao tốc : "Đừng bắt dân cõng thêm thuế phí"
RFA, 13/07/2023
Đề xuất, thu phí tất cả các phương tiện lưu thông trên cao tốc do nhà nước đầu tư, vừa trình Quốc hội, vấp phải sự phản ứng của người dân.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Bộ Giao thông vận tải
Người dân chịu "một cổ nhiều tròng"
Chính phủ vừa trình Quốc Hội dự án Luật Đường bộ hôm 7/7. Một trong những đề xuất được dư luận đặc biệt chú ý trong tờ trình này là quy định thu phí sử dụng đối với tất cả cao tốc do nhà nước đầu tư, theo số km mà phương tiện chạy trên đường.
Bà Huệ Như, một cựu tù nhân lương tâm vừa mãn hạn tù vào đầu năm 2023 vì đấu tranh phản đối các BOT bẩn, thu phí tuỳ tiện, phản đối gay gắt đề xuất này :
"Chúng tôi rất ủng hộ việc mở rộng lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nhưng việc thu phí trên các đường cao tốc Bắc Nam bằng tiền ngân sách thì chắc chắn không phải một mình tôi mà tất cả người dân đều rất là không đồng tình.
Bởi vì như thế là người dân làm "một cổ mấy tròng", thuế chồng thuế, phí chồng phí.
Trong điều kiện dịch bệnh vừa qua, kinh tế thì chưa được phát triển, đang trì trệ, người dân đang gặp rất nhiều áp lực về kinh tế. Nền kinh tế của Việt Nam đang gặp nhiều bất cập, nếu lấy ý kiến dân chủ thì chắc chắn là sẽ không có người dân nào đồng tình như thế".
Thực tế hiện nay cho thấy với giá mỗi lít xăng, người tiêu dùng phải trả gần 12.000 đồng tiền thuế, phí, tức trên 35% giá bán lẻ hiện nay.
Trong đó, thuế Giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%), thuế bảo vệ môi trường (1000 - 4000 đồng/lít), phí sử dụng đường bộ (từ 130 ngàn - 1 triệu 430 ngàn đồng/tháng tuỳ loại xe).
Bộ Giao thông vận tải được truyền thông loan, đánh giá, với quy định thu thêm phí như theo đề xuất mới nhất, người dân và doanh nghiệp tốn thêm phí sử dụng cao tốc nhưng bù lại được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, theo bà Huệ Như, lập luận trên của Bộ Giao thông vận tải, không hợp lý :
"Cái lập luận này chỉ để hợp lý hóa các khoản thu của các ông ấy thôi chứ nó không có hợp lý, tăng rất nhiều áp lực đối với người dân.
Phí bảo trì đường bộ vốn đã là một điều vô cùng vô lý rồi và nó không minh bạch một tí nào. Dù rằng có đầu tư cao tốc Bắc Nam hay không thì phí bảo trì đường bộ cũng cần phải bỏ vì chúng tôi chưa nhận thấy một sự đầu tư ngược trở lại nào từ phí bảo trì đường bộ, người dân chưa nhận được bất kỳ một dịch vụ nào từ phí bảo trì đường bộ".
Đẩy thêm gánh nặng cho dân
Bộ Giao thông vận tải hồi tháng 5/2023 đã từng đề xuất thí điểm thu phí đường bộ với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương và tám đoạn cao tốc Bắc Nam do nhà nước đầu tư. Theo dự tính, giai đoạn 2021-2023, mức phí cao tốc trung bình là 1.500 đồng/xe/km và mỗi hai năm sẽ tăng 200 đồng trong giai đoạn 2030-2032. Sau đó, từ năm 2033 - 2035, mỗi năm sẽ tăng 300 đồng.
Nói về đề xuất trên của Bộ, ông Vinh, tài xế một nhà xe ở Nghệ An nói với RFA, nếu thu thêm phí cao tốc thì doanh nghiệp sẽ càng thêm bế tắc :
"Mức phí đó ví dụ như chạy vận tải hàng hóa thì được chứ xe khách của bọn tôi là không chạy được. Chúng tôi phải đi cả đường trong lẫn đường ngoài vì tôi còn phải đón khách. Đi đường trong này đã mất phí rồi mà vòng ra đường ngoài lại mất thêm phí nữa.
Năm nay vắng khách hơn do nhu cầu đi lại của người dân ít hơn vì công nhân ở miền Nam thất nghiệp nên việc đi lại ít. Nói chung là bây giờ cắt giảm được khoản nào thì hay khoản đó".
Bộ Giao thông vận tải, vào thời điểm đề xuất lý giải rằng, việc thu phí sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nhất là với công trình đường bộ quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.
Vẫn giữ nguyên ý kiến không đồng tình thu thuế, phí cao tốc, bà Huệ Như một lần nữa bác bỏ lập luận của Bộ khi cho rằng Chính phủ phải tự biết cân đối ngân sách nhà nước, nếu không làm được điều đó thì phải chịu trách nhiệm chứ không được đẩy gánh nặng cho dân :
"Chính phủ đã không cân đối được ngân sách để làm thì việc đó Chính phủ phải chịu trách nhiệm trong việc yếu kém trong quản lý chung của xã hội và quản lý kinh tế, chứ không thể đổ lên đầu người dân chịu được. Nó quá khủng khiếp và gây nên một sự áp lực cực lớn cho toàn bộ các doanh nghiệp vận tải và người dân khi sử dụng dịch vụ đường cao tốc".
Nguồn : RFA, 13/07/2023