Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/07/2023

Đánh giá về việc Campuchia điều quân tới khu vực biên giới với Việt Nam

RFA tiếng Việt

Quân đội Campuchia cách đây hai hôm đã rút quân khỏi khu vực biên giới với Việt Nam, kết thúc chiến dịch "bảo vệ không phận" khỏi các hoạt động mà Thủ tướng Hun Sen cho là xâm phạm vùng trời nước này.

cambot1

Lực lượng vệ sĩ riêng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen được điều đến biên giới với Việt Nam nơi xuất hiện những máy bay không người lái bị cáo buộc xâm phạm vùng trời xứ Chùa Tháp – Facebook @HunManyCambodia

Trước đó, hôm 27 tháng 6, người đứng đầu chính phủ Campuchia đã ra lệnh điều quân từ lực lượng vệ sĩ riêng của ông, với trang bị hiện đại, tới khu vực biên giới với Việt Nam ở bốn tỉnh đông bắc gồm Kratie, Mondulkiri, Ratanakiri, Tboung Khnum.

Mệnh lệnh trên được ban ra sau khi ông Hun Sen cáo buộc máy bay không người lái của nước ngoài xâm phạm không phận Campuchia. Ông Hun Sen không nói đích danh nước nào, và cũng cho biết phía Việt Nam đã xác minh không đứng đằng sau vụ việc trên.

Chỉ hai ngày sau khi mệnh lệnh trên được ban ra, chính quyền Campuchia đã cho đăng tải các hình ảnh và video ghi lại sự di chuyển rầm rộ của binh lính từ thủ đô Phnom Penh tới khu vực biên giới. Một động thái được cho là thể hiện sự quyết tâm của chính quyền nước này trước việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Thế nhưng, chỉ sau hai tuần, quân đội Campuchia đã lẳng lặng rút quân mà không phát hiện bất cứ sự xâm nhập nào của máy bay không người lái nước ngoài.

Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia xung quanh vấn đề biên giới đất liền là chủ đề được cho là nhạy cảm ở nền chính trị xứ Chùa Tháp, các lực lượng đối lập ở nước này trước nay vẫn công kích đảng cầm quyền và Thủ tướng Hun Sen vì để "mất đất" vào tay Việt Nam.

Do vậy, động thái điều quân tới khu vực biên giới, được đánh giá là nhằm thể hiện sự độc lập của chính quyền Hun Sen trước ảnh hưởng của Việt Nam.

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, phân tích thêm về yếu tố này trong bài trả lời phỏng vấn với đài RFA :

"Tôi cho rằng đồng thái này chủ yếu nhắm hướng đến dư luận trong nước, bởi vì Campuchia chuẩn bị tổ chức bầu cử, và trong những năm qua thì thủ tướng Hun Sen đã làm mọi cách để đảm bảo rằng ông sẽ chiến thắng, và khiến phe đối lập không thể thách thức quyền lực của ông ta.

Ngoài ra, vấn đề biên giới với Việt Nam vốn vẫn là chủ đề nhức nhối trong nền chính trị nội địa của Campuchia. Trước đây, phe đối lập thậm chí còn tổ chức nhổ mốc biên giới, thậm chí ngay cả khi Campuchia đang gặp vấn đề với Thái Lan về chủ quyền lãnh thổ, thì phe đối lập vẫn cho rằng Việt Nam mới là nguy cơ chính.

Chính vì tính chất nhạy cảm của vấn đề này mà Hun Sen không muốn phe đối lập lợi dụng để công kích ông ta trong cuộc bầu cử sắp tới".

Còn ông Chhengpor Aun, một học giả vãng lai người Campuchia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), thì đánh giá rằng Thủ tướng Hun Sen không có lựa chọn nào khác, mà buộc phải tỏ ra cứng rắn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

"Nếu đánh giá sự kiện máy bay không người lái dựa trên những thông tin sẵn có, thì rõ ràng nếu thất bại trong việc bảo vệ vùng trời của Campuchia sẽ bị nhìn nhận là sự yếu đuối trong việc giữ gìn khu vực biên giới phía đông, vốn không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong nền chính trị Campuchia, mà còn là vấn đề mà công chúng ở đây rất quan tâm.

Nếu thực sự việc này đúng là đã xảy ra, mà chính quyền không thể làm gì để ngăn chặn, thì sẽ tạo ra hình ảnh tiêu cực cho đảng cầm quyền".

Ngày 23 tháng 7 tới đây sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử để bầu ra quốc hội mới tại Campuchia, qua đó quyết định đảng cầm quyền sẽ là đảng nào cũng như chính phủ mới do ai đứng đầu.

Tại quốc gia Đông Nam Á này, Đảng Nhân dân Campuchia đã giữ vai trò đảng cầm quyền dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Hun Sen kể từ năm 1991. Để duy trì sự thống trị của mình thì vị độc tài này đã nhiều lần giải thể các đảng đối lập, và bắt giữ những người chỉ trích mình.

Thế nhưng, khác với Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng Sản thống trị hoàn toàn đời sống chính trị và ngăn cấm triệt để các hoạt động đối lập, thì ở Campuchia vẫn luôn tồn tại đối lập chính trị ở một mức độ nào đó. Do vậy, mặc dù cả hai chế độ ở hai quốc gia này đều phải đối mặt với thách thức do tranh chấp chủ quyền gây ra, nhưng ảnh hưởng của nó đối với các chế độ trên là khác nhau.

Giáo sư Carlyle Thayer phân tích thêm về vấn đề này như sau :

"Sự khác biệt đó là chính quyền Việt Nam không phải đối diện với sự đối lập chính trị, bởi họ là chế độ độc đảng. Tuy nhiên thì họ cũng phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ của dân chúng trước vấn đề Trung Quốc, thế nên chính quyền Hà Nội thi thoảng buộc phải hành động, và có thể vụ cấm chiếu phim Barbie là một dấu hiệu, để thể hiện rằng họ cũng dám đối đầu với Trung Quốc.

Nhưng mà Hun Sen thì ở một vị trí hoàn toàn khác, không những tồn tại sự đối lập chính trị, mà Hiến pháp còn quy định hệ thống chính trị phải là đa nguyên đa đảng, do vậy những động thái như vừa xảy ra ở Campuchia liên quan đến việc điều binh tới khu vực biên giới, sẽ có khả năng xảy ra cao hơn so với ở Việt Nam".

Vị giáo sư người Úc cũng chỉ ra một sự tương đồng khác đó là cả chế độ ở Việt Nam và Campuchia đều bị cáo buộc tỏ ra mềm yếu trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng khác với Campuchia khi phe đối lập có thể tham gia tranh cử, thì ở Việt Nam, Đảng Cộng Sản không cho phép bất cứ lực lược đối lập nào đứng ra cạnh tranh với đảng cầm quyền.

Chính vì vậy mà theo ông Chhengpor Aun thì chính quyền của ông Hun Sen vẫn luôn phải tìm cách để chứng tỏ rằng họ không hề yếu đuối trước Việt Nam.

"Với việc dương oai diễu võ bằng một lực lượng hùng hậu như vậy, đảng cầm quyền muốn gửi đi một thông điệp trước thềm cuộc bầu cử rằng họ rất quyết tâm trong việc bảo vệ đường biên giới phía đông, và chủ quyền lãnh thổ của Campuchia, do vậy, bác bỏ cáo buộc bấy lâu nay rằng đảng cầm quyền đã quá mềm mỏng trong vấn đề biên giới với Việt Nam".

Mặc dù phải vận dụng tới lực lượng quân đội để đối phó với một mối đe doạ từ nước ngoài, nhưng cuối cùng, nỗ lực trên cũng chỉ dừng lại ở việc lấy lòng cử tri trong nước, chứ thực chất nó không mang hàm ý an ninh-quân sự nào, do vậy, theo giới quan sát thì Việt Nam không cần phải lo lắng hay bận tâm đối với an ninh của mình.

Nguồn : RFA, 14/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 274 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)