Việt Nam cần tránh tư duy vĩ cuồng kiểu Trung Quốc
RFA, 17/07/2023
Trong chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính sang Trung Quốc, 26-29/6/2023, Việt Nam công bố một bản tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát Khu đô thị mới Hùng An ở Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 100 km, hôm 28/6. Báo Nhân Dân tường thuật lời ông Chính nói "Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước".
Chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính đến Khu đô thị mới Hùng An (Xiongan) được một số chuyên gia quan tâm đến tình hình phát triển của Việt Nam chú ý. Bởi lẽ khu đô thị này được Trung Quốc biết đến như một "đứa con cưng" Chủ tịch Tập Cận Bình. Hôm 10/5/2023, ông Tập Cận Bình cũng đã đến thăm thành phố này. Ông Tập nhấn mạnh rằng kế hoạch xây dựng thành phố này là "hoàn toàn đúng đắn". Ông ca ngợi những tiến độ xây dựng đã đạt được cho đến nay là "kỳ diệu". Ông cũng kêu gọi các quan chức "hãy củng cố niềm tin và duy trì quyết tâm", và ông kéo theo ba thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực nhất Trung Quốc đi cùng.
Lý do thứ hai khiến các nhà quan sát quan tâm đến chuyến thăm khu Hùng An của ông Phạm Minh Chính là chính phủ của ông đã ký Quyết định Số : 700/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065. Quyết định này được ký 10 ngày trước khi ông Chính đi thăm Trung Quốc, trong đó nhiều lần nhắc đến mục tiêu xây dựng thủ đô Hà Nội thành "đô thị thông minh".
Cần tránh tư duy vĩ cuồng kiểu Trung Quốc
Một nhà quan sát chính sách phát triển của Việt Nam (không muốn nêu tên vì lí do an ninh) chia sẻ với RFA từ Hà Nội rằng Trung Quốc vốn có truyền thống tư duy vĩ cuồng trong các chính sách phát triển thể hiện qua những dự án như Đập Tam Điệp... Thời Mao Trạch Đông, "đại nhảy vọt" là một kế hoạch vĩ cuồng khá nổi tiếng. Trong kế hoạch năm năm 1958 - 1962, Mao đã quyết định biến Trung Quốc nông nghiệp trở thành một nước cộng sản công nghiệp, bằng cách phải tạo một sản lượng thép vượt nước Anh. Để thực hiện mục tiêu này, nông thôn, nông dân Trung Quốc được huy động toàn bộ vật lực, nhân lực mình có vào việc sản xuất thép. Sản lượng thép của họ quả thực đã vượt nước Anh, nhưng hoàn toàn vô dụng, không dùng được vào việc gì, đồng thời khiến hàng triệu người chết vì nạn đói.
Theo nhà quan sát này, Khu đô thị Hùng An (Xiongan) của Tập Cận Bình có đầy đủ tính chất của một đại dự án vĩ cuồng như vậy. Tính chất cơ bản của những dự án vĩ cuồng ở Trung Quốc là tính chất duy ý chí, tính phi thị trường, nhắm đến mục đích tạo hình ảnh hoành tráng về mặt tuyên truyền, và luôn gắn với ý đồ về "di sản" và "sự nghiệp" của cá nhân lãnh tụ. Ông dẫn lời Tiến sĩ Chen Ly ở Brookings Institution, một think tank ở Washington DC, về đại dự án Hùng An của Tập Cận Bình. Tính chất phi thị trường, duy ý chí là tính chất nổi bật của dự án này. Tiến sĩ Chen Ly còn so sánh dự án này với Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông thời kinh tế cộng sản. Đối với dự án Hùng An ở Trung Quốc và quy hoạch Hà Nội của Việt Nam, nhà quan sát này chỉ ra ở đây có một xu hướng chung giữa của các nước độc tài. Khu vực thủ đô và xung quanh thủ đô thường được ưu tiên tập trung rất nhiều nguồn lực. Tại Việt Nam, hàng ngàn km đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh biên giới, còn miền Nam thì thiếu hụt hạ tầng nghiêm trọng.
Thẩm Quyến của Đặng Tiểu Bình được xây dựng trên một làng chài, nhưng nó không duy ý chí vì đặt ngay bên cạnh Hong Kong. Đặng chỉ xây dựng hạ tầng, tạo cơ chế tốt nhất cho tư nhân và nước ngoài đầu tư, giúp cho các nguồn lực từ Hong Kong và các nơi khác chảy vào. Ngược lại, đối với dự án Hùng An của Tập Cận Bình, Tiến sĩ Chen Ly ở Brookings Institution chỉ ra là nhà nước Trung Quốc đã lấn án mạnh mẽ vai trò của thị trường. Đổi mới công nghệ — ngành công nghiệp mục tiêu của thành phố — có thể sẽ phải chùn bước trước các quy định quá mức và cứng nhắc của chính quyền. Tiến sĩ Chen Ly nói :
"Nếu chính phủ tiếp tục chi phối quá trình phân bổ nguồn lực, thì nó sẽ bóp méo thị trường và bóp nghẹt các động lực đổi mới".
Theo nhà quan sát đến từ Hà Nội nói trên, Trung Quốc có nguồn lực lớn nên tuy bị ảnh hưởng lớn bởi các dự án vĩ cuồng nhưng họ vẫn đủ nguồn lực trong dân để tiếp tục phát triển. Ngược lại, Việt Nam không đủ nguồn lực để có thể thất bại hết lần này đến lần khác ở các mục tiêu phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến ở California cũng cho rằng Việt Nam cần tránh tư duy vĩ cuồng kiểu Trung Quốc, một căn bệnh mà người Việt vốn bị lây nhiễm khá nặng. Những công ty như FPT vốn không có nguồn lực căn bản trong ngành chip điện tử nhưng đã vội vã tuyên bố sẽ đứng hạng này hạng kia trên thế giới, hoặc như VinFast vốn không có know-how (tri thức chuyên ngành) trong lĩnh vực xe hơi nhưng lại đặt ra mục tiêu lật đổ các ông lớn có nguồn lực về con người, tài chính, tri thức hùng hậu.
Trao đổi với RFA, một cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) không muốn nêu tên cho rằng cái đáng lo ngại của Việt Nam không chỉ là nước này lây nhiễm bệnh vĩ cuồng của Trung Quốc mà là vĩ cuồng nhưng không làm gì được. Trung Quốc tuy duy ý chí nhưng từ khi học tập được tư duy khoa học và cách tổ chức công việc cũng như văn hóa chuyên nghiệp của Phương Tây thì họ có đủ năng lực để thực hiện những đại kế hoạch của mình. Điểm mấu chốt trong các đại dự án duy ý chí của Trung Quốc là nói được, làm được. Còn vấn đề lớn nhất của Việt Nam không phải là duy ý chí học theo Trung Quốc mà là Việt Nam không làm được những gì mình nói.
Cựu quan chức IMF chỉ ra là trước khi có đại dự án Hùng An (Xiongan) của Tập Cận Bình thì thời Đặng Tiểu Bình cũng đã có đại dự án Thâm Quyết. Dự án này ban đầu cũng bị phê phán là duy ý chí. Nó nằm ngay bên cạnh Hong Kong, một thành phố đã phát triển vượt bậc về tài chính, công nghệ, nó có thể nhận nguồn lực từ Hong Kong nhưng cũng có thể bị Hong Kong cạnh tranh. Nhưng cuối cùng Thâm Quyến từ chỗ là một làng chài còn hoang sơ chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển thành một đại đô thị, với nhiều mặt còn vượt cả Hong Kong. Đó là nhờ quyết tâm của Đặng Tiểu Bình không chỉ trong việc xây dựng hạ tầng cơ bản cho đô thị này mà còn phá bỏ cơ chế và tư duy cũ, xây dựng một chính sách cởi mở rất lớn cho nó.
"Đặng Tiểu Bình đã nói "mở" là ông ta "mở" thật" - Cựu quan chức IMF nhận xét.
Trung Quốc duy ý chí nhưng cũng hoàn thành nhiều dự án lớn khác. Ví dụ như đại dự án xây dựng mạng lưới đường bộ và đường sắt cao tốc. Ban đầu, đại dự án này bị phê phán là duy ý chí, vì đổ một số tiền lớn xây dựng đường sắt cao tốc đến những nơi chưa phát triển, dân thưa, không có hành khách, như vậy dự án không theo nhu cầu thị trường. Nhưng Trung Quốc vẫn quyết tâm làm, và họ làm được một mạng lưới đường sắt như vậy trong một thời gian ngắn. Đúng là về mặt thị trường, mạng lưới này vẫn cần nhà nước bù lỗ vì những đoạn đường không có đủ khách đi. Nhưng ngược lại, mạng lưới này đã giúp tăng cường sự thống nhất của Trung Quốc, giúp kết nối các địa phương trên toàn quốc trong một mạng lưới giao thông thống nhất, tức là họ nhắm đến mục đích chiến lược về chính trị và xã hội. Vị cựu quan chức IMF nhấn mạnh :
"Một lần nữa, điều quan trọng nhất là Trung Quốc duy ý chí, nhưng nói được, làm được".
Trở lại với Việt Nam, vị cựu quan chức IMF cho rằng vấn đề của nước này không phải là học tập Trung Quốc. Học tập Trung Quốc trong những mục tiêu phát triển kinh tế, khoa học công nghệ như họ đã làm được từ khi quyết định hội nhập với Phương Tây về tri thức, kĩ năng, văn hóa và thị trường vậy là đúng. Vấn đề của Việt Nam là không thể học hỏi được những mặt tích cực của Trung Quốc, không thể làm được dù chỉ là một phần những gì họ đã làm.
Đúng là những mục tiêu Việt Nam đặt ra là phi thị trường và duy ý chí, nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề lớn nhất của nước này là bộ máy không thể làm được những điều đó. Ngay cả việc hoàn thành dự án họ cũng không làm nổi.
Có sửa chữa được bệnh "đại khái" không ?
Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều, nhưng theo vị cựu quan chức IMF, chưa bàn đến nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gần nhất nằm ở vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước và văn hóa công việc. Các bộ ngành của Việt Nam tổ chức chồng chéo lên nhau, cơ quan nào cũng có thể can thiệp vào việc của bên kia hoặc đẩy việc cho bên khác. Cách tổ chức bộ máy như vậy khiến cho bộ máy không thể tự vận hành được, mà phải luôn chờ đợi mệnh lệnh của cấp cao. Trong khi đó, không có một lãnh đạo cấp cao nào có thể theo sát công việc cụ thể của từng cơ quan cụ thể cả. Bên cạnh đó là sự chồng chéo các lực lượng khác nhau trong cùng một cơ quan, đặc biệt là chồng chéo giữa cơ quan Đảng và chính quyền. Về lý thuyết thì cách tổ chức chồng chéo giữa Đảng và chính quyền để làm cho Đảng và chính quyền là một. Tuy vậy, các mâu thuẫn quyền lực luôn tồn tại trong mọi tổ chức, cho nên trên thực tế, không bao giờ hai cơ quan này có thể hoàn toàn là "một" do bị sử dụng như những công cụ giải quyết các vướng mắc nội bộ. Ngoài ra, nguyên nhân thứ hai là văn hóa làm việc. Vị cựu quan chức IMF chia sẻ kinh nghiệm cá nhân :
"Khi tôi đi công tác Trung Quốc và Việt Nam, làm việc với các cơ quan trung ương, tôi thấy cán bộ nhà nước của Trung Quốc quân tử nhất ngôn. Họ đã hứa sẽ đưa tài liệu cho tôi thì chắc chắn họ sẽ đưa trước thời điểm họ đã hẹn. Còn cán bộ Việt Nam thì hên xui, có khi thực hiện đúng lời hứa hoặc có khi không làm. Khi hỏi lại thì mới "dạ dạ dạ, cháu quên", rồi xin gửi lại sau.
Có nhiều nguyên nhân khiến bộ máy nhà nước của Việt Nam không thể làm được dự án nào thành công, nhưng chỉ cần hai nguyên nhân nói trên đã đủ để nước này thất bại trong mọi kế hoạch lớn rồi".
Việt Nam có sửa chữa được cách tổ chức bộ máy nhà nước không ? Các nhà quan sát đều khẳng định rằng về tiềm năng thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được. Tổ chức lại bộ máy nhà nước cho khoa học hơn, không còn sự chồng chéo về chức năng, là việc hoàn toàn do lãnh đạo nhà nước quyết định, nếu họ muốn và nếu họ hiểu được vấn đề. Còn về văn hóa công việc, vị cựu quan chức IMF nói :
"Chúng ta thấy vẫn là con người Việt Nam đó nhưng khi đi ra nước ngoài hoặc làm việc trong các công ty, tổ chức nước ngoài ở Việt Nam thì đều trở nên chuyên nghiệp, còn đi vào cơ quan nhà nước thì dù ở trung ương hay địa phương đều rất lề mề, đại khái. Câu hỏi đặt ra là tại sao con người ta chỉ trở nên lề mề, dễ dãi trong công việc khi vào bộ máy nhà nước như vậy. Đó mới chỉ là câu hỏi về khả năng tổ chức và văn hóa công việc, chưa bàn đến tình trạng tham nhũng, hủ bại trong bộ máy".
Nguồn : RFA, 17/07/2023
****************************
Đội Sao đỏ nhà trường : "ảo giác quyền lực" từ nhỏ ?
RFA, 17/07/2023
Đội Sao đỏ là một trong những hoạt động của công tác Đội thiếu niên trong trường tiểu học và trung học cơ sở. Kết thúc một tuần học, đội Sao đỏ dưới sự hướng dẫn của thầy cô trực ban tổng kết xếp loại thi đua các lớp để thông báo trong buổi chào cờ đầu tuần tới. Số liệu báo cáo đó được dùng làm căn cứ cho kết quả thi đua và đánh giá công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên chủ nhiệm, tập thể lớp vào cuối năm học.
Học sinh một trường trung học cơ sở ở thành phố Hà Nội - AFP
Đội Sao đỏ cho đến nay vẫn được coi là một "thế lực" trong nhà trường, bởi nó có khả năng làm ảnh hưởng điểm thi đua của lớp học và cả giáo viên chủ nhiệm. Nhiều người cho rằng, Sao đỏ làm mất nhân cách trẻ, tạo cho trẻ ảo giác về "chức-quyền" từ quá sớm.
Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên trung học từng bị Hiệu trưởng ép nghỉ việc với lý do "có hành vi bất minh, lợi dụng trang mạng xã hội để phát tán thông tin xấu", từ năm 2014, nói về đội Sao đỏ hiện nay :
"Hồi đầu nó là đội "Cờ đỏ", sau này nó biến tướng thành "Sao đỏ". Đội sao đỏ này trực tiếp do tổng phụ trách quản lý, mà tổng phụ trách là giáo viên đảng viên. Nó tệ là do nó chạy theo thành tích. Đội Sao đỏ lập ra để theo dõi các bạn học cùng lớp.
Những em đó được coi như lực lượng hậu bị cho những người cộng sản, bởi chế độ cộng sản phải có những người cộng sản, mà những người cộng sản là những người rình rập đồng đội mình, đồng nghiệp mình rồi tranh giành quyền lực, cấu xé nhau…"
Đã có nhiều ý kiến bàn luận về việc có nên giữ lại hình thức Sao đỏ trong trường học như hiện nay hay không, bởi sự tồn tại của đội Sao đỏ bị cho là mang tính phản giáo dục, dạy các em thành những đứa trẻ chuyên đi rình rập bạn bè.
Nhà thơ Liêu Thái có con nhỏ đang học phổ thông lo ngại về sự tồn tại của đội Sao đỏ. Ông phân tích :
"Nói về hoạt động Sao đỏ thì nó chỉ có hai tính năng thôi. Đó là soi mói và đấu tố. Điều này còn dẫn đến tình trạng tiêu cực nngay trong tiểu học. Ví dụ hôm nay lớp 3A làm sao đỏ thì nó sẽ ưu tiên lớp nó không bị gì hết, nó sẽ đi những lớp khác ghi chép từ những chuyện cỏn con, vì có sao đỏ là có thi đua rồi đem kết quả ra trước buổi chào cờ. Y như một hình thức đấu tố từ lúc còn thơ.
Điều này rất nguy hiểm. Nó làm méo mó và ảnh hưởng nhân cách trẻ. Làm trẻ mất tính tự chủ ngay từ nhỏ. Đứa trẻ không tôn trọng sự tự chủ của người khác thì nó sẽ không thấy sự tự chủ của chính nó. Nó không thấy tính dân chủ trong mỗi con người.
Hơn nữa, sao đỏ nó tạo ảo giác quyền lực. Khi đứa trẻ sao đỏ cầm cuốn sổ, cây bút trên tay thì nó được quyền định giá trị đạo đức của người khác luôn. Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc thì chính những em sao đỏ cũng là nạn nhân của một cơ chế giáo dục thiếu khoa học. Cần phải loại bỏ ngay".
Nhiệm vụ của đội Sao đỏ là theo dõi và chấm điểm mọi hoạt động của các bạn cùng lớp và khác lớp về mọi thứ liên quan đến nội quy của trường, từ việc đeo khăn quàng đỏ, giờ giấc vào lớp cho đến trang phục, cư xử… dẫn đến việc giáo viên cũng "sợ" Sao đỏ và tìm cách dạy học trò lớp mình cách đối phó với Sao đỏ lớp khác.
Trong khi đó, việc quản lý học sinh trong trường là trách nhiệm của giáo viên và người lớn, chứ không phải của những đứa trẻ Sao đỏ, được coi là đầy quyền lực như thế.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông với RFA :
"Phải gọi tên nó là một vấn nạn nghiêm trọng vì nó tạo cho con nít một thói quen rình mò, soi mói, tạo ra những hành vi có thể hèn hạ, côn đồ. Ngoài ra, nó dạy cho con nít một sự huyễn hoặc về quyền lực một cách quái dị, bởi nó chỉ biết làm sao cho đẹp lòng thầy cô và nhà trường thôi. Nó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Thứ hai, vấn nạn sao đỏ là một cái sai lạc về cứu cánh giáo dục của nền giáo dục Việt Nam. Bởi vì giáo dục phải tạo ra một học trò có nhân cách và tri thức, chứ không thể tạo ra một anh công an chìm con nít. Vô tình, điều này nó sự một sư thu nhỏ của một xã hội toàn trị, dùng dân trị dân.
Tóm lại, một nền giáo dục không tạo ra được nhân cách cho trẻ mà tạo ra nhiều thế hệ chỉ biết tuân thủ tuyệt đối trong một cái suy nghiệm một chiều. Và tôi gọi đó là vũng lầy của giáo dục Việt Nam hiện nay".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già kết luận, đội ngũ Sao đỏ tồn tại cho thấy tính vô trách nhiệm của những người trong ngành giáo dục. Họ không tạo được một môi trường học đường đúng nghĩ để giáo dục con trẻ, đẩy con trẻ vào môi trường lúc nào cũng lo lắng những đứa bạn bên cạnh mình có thể báo cáo việc mình làm cho thầy cô một ngày nào đó.
Cách quản lý "lấy học trò trị học trò" có bị coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường hay không ? Báo Tổ Quốc hôm 26/11/2016 có bài viết "Quyền uy của "sao đỏ" có là "mầm mống" của bạo lực học đường ?" phân tích đề tài này.
Bài báo có đoạn viết : "Một học sinh tiểu học trong trường tiết lộ, rất nhiều học sinh lớp 1,2 gọi "đội sao đỏ" là "đội khủng bố". Lý do là mỗi lần "đội sao đỏ" xuất hiện là mỗi lần học sinh lớp bé hơn "sống trong sợ hãi" ; bài chưa thuộc cũng bị sao đỏ lấy thước đánh, tay chưa sạch cũng bị sao đỏ lấy thước vụt…
Khi các em lớp nhỏ hơn bị ăn đòn sẽ sinh ra ấm ức, hoặc thấy chưa thỏa đáng, có tâm lý trả thù… sẽ tìm mọi cách can thiệp từ phụ huynh, nhóm bạn bè, hoặc anh chị lớp lớn hơn. Và đây có thể là mầm mống của bạo lực học đường mà chính người lớn "vô tình" tạo ra cho các em mà không hay biết".
Khi những đứa trẻ còn non nớt chưa có đầy đủ nhận thức mà được trao "quyền lực" như Sao đỏ hiện nay thì không có gì chắc chắn chúng sẽ sử dụng "quyền" được trao một cách công tâm.
Nguồn : RFA, 17/07/2023