Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/07/2023

Vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp giảm, tài khoản mạng xã hội bị khóa

RFA tổng hợp

Nguồn vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam giảm 82%

RFA, 17/07/2023

Tổng số tiền tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã giảm 82% xuống còn 66 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023 từ 372 triệu đô la trong nửa đầu năm 2022.

sinhthai1

Các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức (HMH) - VnEconomy

Tracxn Technologies Ltd., một nền tảng dữ liệu thông minh để nghiên cứu thị trường tư nhân, cho biết thông tin trên trong ngày 17/7 trong một bài viết trên trang điện tử technode global.

Theo nội dung bài viết, sự sụt giảm có thể là do điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ lạm phát gia tăng và các sự kiện toàn cầu không chắc chắn, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn khi cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã gây tiếng vang khi nhận được tài trợ cao thứ ba ở khu vực Đông Nam Á cho đến nay. Tuy nhiên những năm gần đây, nguồn vốn tài trợ giảm dần đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ.

Tuy vậy, bất chấp sự sụt giảm nguồn tài trợ, các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu chiếm 88% tổng nguồn tài trợ trong nửa đầu năm 2023, lên tới 58,6 triệu USD.

Tuy nhiên, con số này thể hiện mức giảm 33% so với nửa cuối năm 2022 và giảm 81% so với nửa đầu năm 2022.

Trong nửa đầu năm 2023, số tiền huy động được chủ yếu là từ quý đầu tiên, chiếm gần 89% tổng số tiền huy động.

Theo Tracxn, bối cảnh tài trợ trong nửa đầu năm 2023 bị chi phối bởi các lĩnh vực ứng dụng Health Tech, FinTech và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, lĩnh vực Công nghệ Y tế đã đạt được mức tài trợ kỷ lục là 53,5 triệu đô la, cho thấy mức tăng đáng kể 259% so với nửa cuối năm 2022 và tăng 118% so với nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên, lĩnh vực FinTech và ứng dụng doanh nghiệp nhận được khoản tài trợ tối thiểu, trị giá lần lượt là 6,2 triệu USD và 5,1 triệu USD.

Dù vậy, theo nghiên cứu của Tracxn, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam như miễn thuế cho các công ty công nghệ thông tin và ưu đãi tiền thuê đất.

Ngoài ra, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập một nền kinh tế không dùng tiền mặt, cũng được nói, sẽ góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái FinTech trong khu vực.

Tracxn cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương đã thu hút được nhiều khoản đầu tư nhất, cho thấy sự nổi bật của họ trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.

Tracxn cho biết theo thống kê từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ từ 8% năm 2022 xuống 4,7% trong năm hiện tại.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, nhưng theo đánh giá của Tracxn, vẫn có những triển vọng lạc quan trong nửa cuối năm 2023 khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp như cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang thành lập Trung tâm Đổi mới Quốc gia hợp tác với các công ty công nghệ nổi tiếng như Google và Amazon để cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ.

Tracxn theo dõi hai triệu thực thể thông qua hơn 1.800 nguồn cấp dữ liệu được phân loại theo ngành, tiểu ngành, khu vực địa lý và mạng trên toàn cầu.

Nguồn : RFA, 17/07/2023

**************************

Tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội có nội dung vi phạm

RFA, 17/07/2023

Những tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung vi phạm có thể bị tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn.

sinhthai2

Ảnh minh họa mạng xã hội Facebook. AFP

Đó là một trong số những nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lấy ý kiến và được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 17/7.

Ngoài đề xuất trên, trong nội dung sửa đổi, bổ sung, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cũng đề xuất bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động.

Bộ TT&TT cho rằng việc cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Ngoài ra, chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream).

Cơ quan soạn thảo cho biết, bên cạnh việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thì việc đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Quy định này, theo Bộ TT&TT, sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Thời gian qua và nhất là khi Luật an ninh mạng của Việt Nam đưa vào áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay, Chính phủ Việt Nam càng siết chặt việc kiểm duyệt nội dung cũng như những bình luận trên mạng xã hội.

Chỉ qua sự kiện nổ súng ở Đắk Lắk hôm 11/6, Việt Nam đã xử phạt tiền từ 5,5 triệu đến 7,5 triệu ít nhất năm người dân đưa tin hay bình luận về sự kiện trên qua mạng xã hội.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW hôm 14/6 bình luận qua tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng :

"Thật lố bịch khi Chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiểm duyệt những người bình thường nói về vụ tấn công ở Đắk Lắk, và những hình thức phạt tiền này không nên áp đặt đối với bất kỳ ai đơn giản chỉ vì chia sẻ thông tin.

Thực tế, Chính phủ Việt Nam hầu như không cung cấp thông tin rõ ràng về những gì đã xảy ra, do vậy, việc người ta nói về những gì họ cho là đã xảy ra là chuyện đương nhiên".

Nguồn : RFA, 17/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 159 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)