Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/08/2023

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm, siết chặt tự do, kê khai tài sản

RFA tổng hợp

Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm trong mắt người dân Hà Nội

RFA, 02/08/2023

Tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, một đơn vị hành chính cấp huyện là quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Việc sáp nhập sẽ được xem xét sao cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương, trong đó quan trọng là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

hoankiem1

Ngân hàng Nhà nước nằm trong quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. AFP

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, có diện tích tự nhiên khoảng 5,35 km2 (quy định đối với quận là 35 km2), quy mô dân số là 213.000 người (quy định 150.000 người). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sắp xếp theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm được nhiều cư dân mạng xã hội bàn tán. Một số người cho rằng phải sáp nhập để giảm bớt đơn vị hành chính, giảm bớt nhân sự hưởng lương nhà nước. Một số người khác lại muốn giữ lại cái tên Hoàn Kiếm vì nó có yếu tố văn hóa, lịch sử trong đó.

Là một người dân thủ đô, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 2/8/2023 :

"Theo tôi thì không nên sáp nhập chỉ vì diện tích và dân số nhỏ mà sáp nhập. Nên giữ lại quận Hoàn Kiếm và vun đắp những di tích lịch sử và phát triển về kinh tế của quận này. Nếu quận Hoàn Kiếm có các cao ốc, các trung tâm về công nghệ thông tin, kinh tế số thì quận Hoàn Kiếm hoàn toàn có thể trở nên một nơi rất sầm uất. và khi đó, quận Hoàn Kiếm vừa là di tích về mặt lịch sử, vừa là trung tâm hành chính và kinh tế của thủ đô".

Theo Chủ tịch Hà Nội, việc quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 mới chỉ là số liệu rà soát, chưa phải phương án sắp xếp. Theo quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể, sau khi được phê duyệt thì tiếp tục làm phương án cụ thể, sau đó các cơ quan chức năng sẽ xem xét có quyết định sắp xếp lại đơn vị hành chính đó hay không.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương, với tư cách một người dân Hà Nội, nói với RFA rằng, bà cho đây là kiểu ‘ném đá dò đường’ xem phản ứng của công luận ra sao. Bà nói thêm :

"Tôi cũng không rõ về mặt quản lý đô thị, khi sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một quận khác thì nó có hiệu quả hơn hay không. Nhưng tôi nghĩ, mọi việc phụ thuộc vào kỹ năng quản lý, chứ nó không có ý nghĩa nhiều về mặt địa lý đối với người dân.

Với người dân, khi tiếp xúc với các cơ quan quản lý, ngoài những dịch vụ dân sinh họ được hưởng ra, người dân không quan tâm nhiều đến việc sáp nhập hay không, bởi nó chẳng khác gì. Còn nếu quản lý không tốt thì dù có sáp nhập hay không dân cũng không hài lòng".

Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã thực hiện việc sáp nhập 21 huyện và 1.056 xã. Qua đó giảm được tám huyện và 561 xã, giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, 33 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp lại.

Cách đây 15 năm, tháng 5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính thànhphố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, thủ đô bao gồm : Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sau sáp nhập, Hà Nội rộng hơn 3.300 km2 và được cho nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới. 

Cuối tháng 7/2023, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành uỷ Hà Nội cho biết, từ 2008 đến nay, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của Hà Nội đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Tháng 8/2022, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân chia 63 tỉnh, thành cả nước thành sáu vùng kinh tế - xã hội, bao gồm : Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh : Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố : Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố : Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên gồm năm tỉnh : Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ gồm sáu tỉnh, thành phố : Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố : Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Cựu trung tá Vũ Minh Trí, một người dân Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA về việc sắp xếp các vùng địa lý nhằm giảm tối đa nhân sự nhà nước. Ông nói :

"Ở Việt Nam có đặc điểm tồn tại từ nhiều chục năm qua. Đó là bên cạnh các cơ quan hành chính nhà nước còn có các cấp ủy đảng, tức những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các cơ quan của đảng cũng có từ trung ương cho đến cấp xã, thậm chí đến tổ dân phố. Rồi các đoàn thể chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh… đều có một số thành phần được biên chế được hưởng phụ cấp, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều đó dẫn đến tỷ lệ số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước so với tổng số dân là rất cao. Cho nên, ở hầu hết các tỉnh ở Việt Nam, cái phần chi để phát triển như điện, đường, trường, trạm, bệnh viện… rất ít, thậm chí không còn. Vì thế đất nước rất khó phát triển.

Do đó, tôi thấy xu hướng giảm đầu các đơn vị hành chính, giảm tỉnh, giảm huyện, giảm quận, giảm xã là xu hướng cấp thiết và rất nên được ủng hộ. Việc sáp nhập như vậy là phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống và phù hợp để bảo đảm phần chi cho phát triển đất nước. Chúng tôi đỡ phải nuôi rất nhiều cán bộ".

Theo tính toán của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ vào năm 2018, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người. Với dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, bình quân cứ chín người Việt Nam phải nuôi một người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Nguồn : RFA, 02/08/2023

*****************************

Chuyên gia nhân quyền lo ngại về tư duy "siết chặt tự do" của quan chức Việt Nam

RFA, 02/08/023

Chỉ trong một tháng, các ban ngành Nhà nước đã đề xuất ba quy định bị phê phán có dấu hiệu vi phạm các quyền tự do cơ bản. Một số luật sư và chuyên gia nhân quyền lo ngại về xu hướng ngày càng siết chặt tự do cũng như kiến thức luật yếu kém của các quan chức Việt Nam.

hoankiem2

Chính quyền Việt Nam ngày càng muốn siết chặt hơn các quy định về Internet. Ảnh minh họa – Reuters

Một tháng, ba đề xuất siết chặt quản lý

Thứ nhất, ngày 18/7, Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị bổ sung  quy định rằng chỉ các tài khoản mạng xã hội có đăng ký với bộ này mới được livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu ; nếu vi phạm sẽ phải gỡ trong vòng ba giờ.

Quy định này được đưa ra trong một dự thảo nghị định mới sẽ thay thế cho Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, vừa được "bộ 4T" trình Chính phủ.

Theo lập luận của quy định này, "hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… có nhiều tin bị cho là giả, tin xấu độc, các thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân ; tuyên truyền mê tín dị đoạn… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.

Do đó, Bộ 4T cho rằng những quy định bổ sung nêu trên sẽ bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dch vụ tại Việt Nam.

Thứ hai, cũng trong dự thảo này, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đề xuất biện pháp ngừng cung cấp dch vụ Internet , nhằm xử lý nhanh vi phạm trên không gian mạng.

Theo đó, các nhà mạng sẽ ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Trong Tờ trình cho Chính phủ có giải thích biện pháp này nhằm xử lý nhanh các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung mà bộ này cho là "chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội".

Thứ ba, vào chiều 28-7, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh Lê Xuân Thế nêu ý kiến về vấn đề quản lý quân trang, mua bán trái phép.

Theo đó, Thiếu tướng Lê Xuân Thế cho rằng, vừa qua mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh mặc quân phục, đeo súng giả… Theo ông, cần ban hành quy định cụ thể để xử lý  các trường hợp này, không thể để nhan nhản các hình đó trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ. Tuy nhiên, việc mặc đồ rằn ri ảnh hưởng như thế nào đến giới trẻ thì ông Thế không nói rõ.

Trái cả Hiến pháp lẫn quyền cơ bản

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức, nói với RFA rằng những đề xuất vừa nêu chỉ nằm trong các Nghị định của Chính phủ thôi chứ không phải là luật. Mà nếu các đề xuất này được chính thức ban hành trong Nghị định mới thì bản thân nó cũng trái với Hiến pháp Việt Nam :

"Hiến pháp nói rất rõ là khi muốn hạn chế một quyền con người nào đó thì nó phải hưởng tiêu cực đến quốc phòng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội và nó ảnh hưởng đến môi trường hay điều kiện về y tế dịch bệnh. Nhưng trong tất cả các vấn đề quan chức đã nêu lên thì không có liên quan đến an ninh".

Luật sư Đặng Đình Mạnh, từng tham gia rất nhiều vụ án liên quan đến chính trị, nhân quyền khi còn ở Việt Nam, nhận định với RFA rằng mọi sự hạn chế bằng cách trừng phạt người dân thực hành quyền tự do ngôn luận đều vi phạm Hiến pháp, kể cả, vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR - 1966) mà chính quyền Việt Nam đã từng ký kết từ năm 1976 và có nghĩa vụ phải tôn trọng :

"Ở Việt Nam hiện nay, quả thật có tình trạng bóp nghẹt dần quyền tự do ngôn luận của người dân, cho dù đó đã là một quyền hiến định trong nước và là một quyền mang tính chất phổ quát trên thế giới.

Về phương diện xã hội, các đề xuất livestream phải xin phép, ngắt Internet nếu người dùng vi phạm hay phạt người mặc quần áo rằn ri… càng cho thấy mức độ gia tăng đàn áp các quyền tự do của người dân, kể cả can thiệp một cách rất khôi hài vào thời trang ăn mặc của người dân.

Cô Minh Trang, thạc sĩ chuyên ngành Quyền và thực hành quyền, nhận xét rằng đề xuất yêu cầu người livetream phải xin phép hay không cho người vi phạm sử dụng Internet gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân, trên cả không gian mạng lẫn trong đời sống thực tế :

"Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hội đồng nhân quyền đã nhiều lần ra nghị quyết kêu gọi các nước thành viên tôn trọng quyền được truy cập Internet của người dân cũng như đảm bảo những quyền người dân có trong đời sống thực tế, ví dụ như quyền tự do ngôn luận hay quyền riêng tư, cũng phải được bảo vệ trên không gian mạng".

Theo cô Trang, việc yêu cầu các nhà mạng từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dch vụ viễn thông, dịch vụ internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật không chỉ vi phạm đến nhóm quyền dân sự chính trị mà còn ảnh hưởng đến nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hoá… Bởi vì không gian mạng là nơi để mọi người thảo luận, tiếp cận thông tin, học tập và thực hiện các hoạt động giao thương buôn bán. Không thể kết nối Internet đồng nghĩa với việc các quyền khác đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Yếu kém về kiến thức pháp luật của quan chức

hoankiem3

Cơ quan chức năng xử phạt một cơ sở kinh doanh đồ rằn ri. Ảnh : Soha

Dù chưa biết những đề xuất, đề nghị trên có được chính thức thông qua trong tương lai hay không. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các luật sư và chuyên gia nhân quyền lo ngại về tư duy làm luật của quan chức các bộ ngành Việt Nam.

Theo luật sư Đài, các đề xuất nêu trên cho thấy tư duy làm luật của các quan chức Chính phủ Việt Nam là rất kém :

"Họ vẫn chưa có hiểu biết như thế nào là quyền con người trong Hiến pháp, như thế nào là xây dựng văn bản luật liên quan đến quyền con người. Cho nên, các phát biểu của họ mang tính chất rất bừa bãi, không đúng chuẩn mực của một người quan chức của đất nước".

Theo ông Đài, nếu quy định này được áp dụng, người dân, nếu muốn, cũng sẽ tìm cách lách luật được. Ví dụ, thay vì livestream trực tiếp, họ sẽ thu video sẵn rồi phát lại. Dù có trễ hơn phát trực tiếp một vài tiếng nhưng tác dụng thì vẫn tương đương. Hoặc người dùng khi bị từ chối cung cấp dịch vụ internet, họ có thể dùng chung internet với một chủ tài khoản khác. Điều này khá dễ dàng ở Việt Nam.

Luật sư Mạnh cũng cho rằng, những đề xuất nhu vậy bộc lộ rõ sự hạn chế và là mặt trái của các quan chức được giao phó quyền hạn từ đảng mà không được bầu cử từ người dân :

"Do đó, các đề xuất không xuất phát từ quyền lợi người dân mà xuất phát từ yêu cầu củng cố quyền lực của đảng bằng cách ngăn cấm mọi quyền tự do căn bản của người dân.

Thế nên, việc các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế phê phán về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác, không oan uổng gì cả".

Nguồn : RFA, 02/08/2023

****************************

Thành phố Hồ Chí Minh 'bốc thăm kê khai tài sản' đợt hai : tiếp tục diễn ?

RFA, 02/08/2023

Cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/8/2023 cho báo chí biết đã tổ chức bốc thăm chọn 168 cán bộ thuộc 10 cơ quan để xác minh tài sản, thu nhập đợt hai. Vào tháng 5/2023, đã có 98 cán bộ thuộc địa phương này đã được chọn để xác minh tài sản.

hoankiem4

Ảnh minh họa chụp tại một kỳ họp Quốc hội trước đây. AFP PHOTO

Theo Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, 168 người từ 10 cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm : 19 cán bộ thuộc UBND quận 12, UBND huyện Hóc Môn 26 người, Sở Nội vụ ba cán bộ, Sở Xây dựng 62, Sở Khoa học và Công nghệ sáu người, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là 28 cán bộ công chức.

Trong khi đó, theo số liệu của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6 năm 2022, tổng biên chế công chức của Thành phố Hồ Chí Minh là 14.470 người và số biên chế viên chức là 99.985 người. Với số liệu trên, có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 100 ngàn công chức, viên chức, thế nhưng chỉ có 168 người bị chọn được nói là ngẫu nhiên… để xác minh tài sản, thu nhập. Liệu con số nhỏ nhoi trên sẽ phản ánh được tình trạng công chức, viên chức "tha hóa" hay "trong sạch" được chăng ?

168/100 ngàn người- có khách quan ? Từ Việt Nam hôm 2/8, cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nhận định với RFA :

"Giữa một số đông thì không thể bình bầu hay chỉ định, mà việc xác minh phải mang tính ngẫu nhiên. Ví dụ cơ quan có 100 người mà chỉ xác mình ba người… thì đương nhiên phải bốc thăm một cách ngẫu nhiên. Không phải trong xã hội thì cơ quan nào tính chất công việc cũng như nhau, cho nên với những công việc có thể có tham ô, tham nhũng nhiều hoặc thu nhập không chính đáng nhiều… ví dụ như Hải quan, Xây dựng, Giao thông…. thì tỷ lệ người được bốc thăm phải cao hơn những ngành ít có cơ hội kiếm những đồng tiền bất chính như giáo viên…"

Thứ hai, theo ông Trí, việc xác minh phải do những cơ quan có thẩm quyền làm đến nơi đến chốn và phải diễn ra một cách công khai minh bạch, chứ không thể nào đánh trống bỏ dùi như thời gian vừa qua. Ông Trí nêu dẫn chứng :

"Thời gian vừa qua cũng có xác minh tài sản hẳn hoi, báo chí cũng nêu nhiều trường hợp cá nhân có sai phạm… nhưng rồi đâu cũng vào đó. Ví dụ như cách đây khoảng 10 năm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh báo chí đã đề cập ông này có rất nhiều tài sản nhà đất trong một thời gian ngắn… Nhưng cuối cùng chẳng ai xử lý gì và ông Ngô Văn Khánh vẫn tiếp tục làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho đến ngày về hưu".

Luật Thanh tra của Việt Nam quy định, người được chọn kê khai tài sản là người thuộc diện phải kê khai tài sản, chưa được xác minh về tài sản trong thời gian bốn năm liền trước đó và không thuộc một trong các trường hợp đang bị điều tra, truy tố, đang điều trị bệnh hiểm nghèo và người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên...

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề xác minh tài sản công chức, viên chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :

"Nếu mà đã kiểm soát số lượng tài sản thì nên làm tất cả cán bộ. Chứ chỉ là một số nào đấy, kể cả làm nhiều hơn thì cũng không giải quyết được vấn đề. Cái khó nhất hiện nay là câu hỏi, nguồn gốc tiền từ đâu mà các cán bộ của nhà nước, của đảng có nhiều người có các tài sản lớn".

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 31/8/2022, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức bốc thăm chọn cán bộ để xác minh tài sản kê khai, một biện pháp đã bị công luận chỉ trích. Cụ thể, theo Thanh tra thành phố Đà Nẵng cho báo chí Nhà nước biết đã tổ chức bốc thăm và xác định được năm trong số 29 cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.

Trước đó, vào ngày 25/8/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó, người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị cũng được lựa chọn bằng hình thức bốc thăm. Mục đích của kế hoạch này theo cơ quan chức năng Hà Nội là để kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp Chí Cộng sản nói với RFA hôm 2/8 :

"Xác minh tài sản nếu làm thực sự thì rất là đơn giản, tất cả các cán bộ có chức vụ, quyền lực thì phải xác minh, đó là muốn làm thật sự, rất là dễ. Nhưng hiện tại không ai muốn làm thật sự cả, bởi vì nếu xác mình như vậy thì 100% tài sản của các quan chức là không chứng minh được. Cho nên họ tìm mọi cách lách bằng cách chọn ra 168 người đấy. Họ chọn những người ở các bộ phận các lĩnh vực an toàn, những cán bộ tương đối ít tài sản và có thể là kín kẽ, giấu được tài sản của họ. Họ làm với tính chất đối phó như vậy, chứ nếu muốn làm thật sự thì rất đơn giản. Còn làm một cách phó như họ đang làm thì không đại diện cho một cái gì cả. Họ dùng cách này, cách khác và nói là đã đạt mục tiêu nọ kia, nhưng không có giá trị gì cả, họ diễn hết, họ không làm thật".

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi trao đổi với RFA về vấn đề này cho rằng, nếu chính sách xác minh tài sản là để loại bỏ tham nhũng thì đúng ra phải là xác minh tất cả cán bộ, và mọi người đều như nhau trước các chính sách và pháp luật. Chứ làm như hiện nay chỉ là những trình diễn nhằm lấy lòng người dân.

Nguồn : RFA, 02/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 306 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)