Trong khi một số bạn trẻ Việt bị nhiều người chỉ trích là ‘điên cuồng’ do ái mộ thái quá nhóm nhạc BlackPink thì cũng có ý kiến cho rằng sự hâm mộ thần tượng của giới trẻ là ‘bình thường’, ‘quyền của giới trẻ’ nhưng ‘sẽ bạo phát bạo tàn’, theo tìm hiểu của VOA.
Bốn cô gái của nhóm nhạc BlackPink có ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ Việt Nam
Hai đêm diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc tại Hà Nội vào cuối tháng 7 đã tạo ra cơn sốt chưa từng có trong giới trẻ Việt khi Sân vận động Mỹ Đình với sức chứa 30.000 người đã chật cứng mặc dù giá vé cao ngất ngưỡng so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam.
Nhiều khán giả trẻ được nhìn thấy hò hét, gào khóc trong đêm diễn hay đến tận sân bay hay khách sạn để chờ đón thần tượng. Những hình ảnh này đã nhận được nhiều lời chỉ trích trên mạng xã hội.
‘Gào rú điên loạn’
"Cả một biển người như đang ngáo đá, nghiêng ngả, ngả nghiêng… trên tay cầm điện thoại mở sáng reo hò, la hét, cuồng si, ngây ngất… như Phật, Chúa hiện hình … như ngày tận thế sắp đến nơi", một người tên là Nguyen Duong cảm thán trên Facebook
Tôi điên vì 270.000 người Việt đang đi làm osin (người giúp việc nhà) và nô lệ ở Hàn Quốc kiếm mỗi tháng vài chục triệu đồng và tiếp đến là chỉ 4 cô gái Hàn sang Việt Nam trong 2 đêm đã làm cho hàng ngàn bạn trẻ người Việt nhịn ăn, vay nợ chỉ để đi xem họ diễn trong 1 đêm, còn 4 cô cũng kiếm cả trăm tỷ chưa kể những khoản quảng cáo đi kèm", Phan Tan chỉ trích. "Tôi điên vì sự đắng cay của dân tộc này".
Một người khác tên là Dang Chuong Ngan viết lời cám ơn BlackPink trên Facebook như sau : "Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi thấy : lớp trẻ ở nước tôi có thể biết đến từng milimet vuông các loại vải may váy các bạn dùng, nhưng họ không biết đến ‘đường lưỡi bò’, đến Hoàng Sa, Trường Sa. Cho chúng tôi thấy sự đam mê âm nhạc của họ vượt lên trên cả chủ quyền của đất nước này !"
"Khi nhìn họ kéo đến sân bay, chen chân nhau trước khách sạn các bạn ở, rống lên như bò rống sung sướng được thấy thần tượng của mình, chúng tôi biết mọi thần tượng ở đất nước này đã chết", Dang Chuong Ngan viết tiếp. "Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi được nhìn một sân vận động đã được lớp trẻ nước tôi biến thành bãi rác sau đêm diễn. Bãi rác cho chúng tôi biết rõ về một lớp trẻ thiếu nhân cách, sự tự trọng và trách nhiệm cộng đồng".
Ngay sau hai đêm diễn, hôm 31/7, đích thân Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã gửi thư cám ơn BlackPink, khán giả và lực lượng chức năng đã tạo điều kiện cho đêm diễn.
‘Thần tượng ăn sâu’
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Tuấn, quản trị viên trang fanpage dành cho fan hâm mộ BlackPink ở Việt Nam, lý giải sự hâm mộ này như sau : "Một phần là mọi người ngưỡng mộ những gì mà mình đang còn thiếu. BlackPink xinh đẹp này, nổi tiếng này, dùng hàng hiệu này, truyền thông Hàn Quốc là số 1 về PR (quảng bá) giúp PR họ lên".
Nhận xét về âm nhạc và trình diễn của BlackPink, anh Tuấn nói ‘không hay bằng những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới khác’. Theo lời anh, khán giả Việt ‘không cảm được lời bài hát’ vì ‘họ không hiểu tiếng Hàn, còn tiếng Anh mà hát nhanh quá thì nghe không kịp’.
"Giai điệu sôi động, họ nhảy nhót đẹp, uốn éo, ăn mặc khêu gợi, lắc mông… đó là những thứ giới trẻ thích".
Anh cho rằng thế hệ của anh và các thế hệ tiếp sau từ lúc đi học đến giờ ‘văn hóa và âm nhạc Hàn Quốc gần như ăn sâu’. "Hàn Quốc làm PR, truyền thông giỏi, họ giúp xây dựng thần tượng của họ. Giới trẻ Việt tiếp xúc với các thần tượng này từ nhỏ và tình yêu thần tượng ngày càng lớn mạnh".
"Họ gặp thần tượng trên truyền thông là chủ yếu. Mà trên tuyền thông chỉ cập nhập những hình ảnh họ đẹp đẽ này, họ đáng yêu này nên họ hùa theo đám đông", anh Tuấn nói thêm.
Các fan Việt còn bị tâm lý đám đông ở chỗ khi họ vào fanpage, họ đọc được những bình luận ca ngợi, yêu thương BlackPink. "Họ càng đọc càng thấy kích thích, càng thấy ái mộ hơn", anh giải thích.
Theo quan sát của anh Tuấn thì trong vài năm trở lại đây với điều kiện kinh tế khá hơn, cùng sự phát triển của mạng xã hội, các thiết bị di động mà giới trẻ Việt Nam bây giờ ‘nhiều em từ sinh viên cho đến học sinh ai cũng có’ nên ‘dễ tiếp cận thần tượng hơn’.
"Ngày trước chỉ có tivi, sách báo, tạp chí thôi nên sự hâm mộ thần tượng lúc đó đối với các nhóm nhạc Hàn Quốc không được như bây giờ", anh phân tích.
Theo lời anh thì cũng nhờ mạng xã hội mà sự ái mộ BlackPink đã lan tỏa khắp cả nước Việt Nam, từ các thành phố lớn cho đến vùng quê đều có khán giả trẻ ra Hà Nội để ‘đu BlackPink’.
"Giá vé BlackPink còn cao hơn cả giá vé trung bình của show Taylor Swift ở Singapore trong khi thu nhập sinh viên không có", anh chỉ ra.
Giải thích về sự ‘cuồng’ của fan hâm mộ, anh cho là do ‘giới trẻ không kiểm soát được cảm xúc, họ dễ bị kích động bởi những tác động bên ngoài’ nên có những hành động như gào thét, khóc lóc…
‘Sẽ chóng quên’
Tuy nhiên, người quản trị trang fanpage này cho rằng sự ái mộ này của giới trẻ Việt Nam là ‘hời hợt’ nên ‘chỉ sau một thời gian sẽ rơi vào quên lãng’.
"Sự hâm mộ này không có ý nghĩa gì cả", anh nói. "Sau này khi họ lớn lên nữa thì họ nhìn lại họ sẽ thấy xấu hổ".
Theo lời anh thì đến lúc BlackPink rơi vào lãng quên thì Hàn Quốc sẽ tạo ra nhóm nhạc thần tượng mới.
Đối với những lời chỉ trích sự hâm mộ này, anh Tuấn cho rằng ‘cũng cần phải có người chỉ trích cho họ tỉnh ngộ do giới trẻ cần phải được định hướng’. "Nhưng chỉ trích vừa phải thôi, chỉ trích quá cũng không thay đổi được gì đâu", anh nói.
Anh Tuấn cũng chỉ ra tác hại của việc đu theo thần tượng quá nhiều là ‘bỏ lỡ việc học hành, bỏ lỡ những công việc hàng ngày thiết yếu, chẳng hạn như sinh viên-học sinh phải đến thư viện đọc sách, hay phải đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm’.
‘Thượng đẳng, trịch thượng’
Được sự cho phép của phụ huynh, VOA đã phỏng vấn một fan BlackPink là một em học sinh tên H., 13 tuổi, sắp lên lớp 8 ở một trường ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, về lý do em thần tượng nhóm nhạc này. Em nói đơn giản là ‘đẹp, hát hay, nhảy giỏi’.
"BlackPink hát hay ở chỗ đọc ráp rất hay, những vũ điệu rất là bắt mắt", em H. nói với VOA với điều kiện giấu tên vì bố mẹ không cho phép tiết lộ danh tính.
Trả lời câu hỏi say mê BlackPink từ lúc nào, em H. nói : "Con hâm mộ từ năm 2021. Con lên mạng xã hội thấy mấy video viral (lan truyền mạnh) nên con nghe và con thấy thích".
Tuy nhiên, điều làm em H. ấn tượng nhất ở BlackPink là ‘tính cách của mấy chị dễ thương, mấy chị đối xử với người hâm mộ ai cũng thân thiện, vui vẻ’.
Khi được hỏi việc hâm mộ BlackPink có ảnh hưởng đến việc học hành không, em H. nói ‘mỗi ngày em chỉ dành ít thời gian ngoài giờ học để xem BlackPink’. Ngoài ra, em còn được mẹ ‘rất tạo điều kiện’ – thường cho tiền để mua các sản phẩm của BackPink.
Trong buổi phát sóng có tựa là ‘BlackPink và sự thượng đẳng’ hôm 1/8, kênh YouTube ‘Trà đá Tarot’ đã lên án những người chỉ trích fan BlackPink là ‘thành phần thượng đẳng, trịch thượng, giáo điều, nhố nhăng, đặt không đúng ngữ cảnh’,
"Giả sử dân ca quan họ, ca trù mang ra cho người nước ngoài chắc gì người ta đã hiểu", bạn ‘Trà đá Tarot’ lập luận để phản bác lại chỉ trích ‘giới trẻ nghe có hiểu gì đâu mà đi coi’.
Trước lời chỉ trích tại sao bỏ số tiền hàng chục triệu mua vé coi BlackPink, YouTuber này nói : "Chúng tôi mua vé bằng tiền của chúng tôi, chúng tôi có động tới nồi cơm nhà nào không ? Tiền của chúng tôi mà tại sao chúng tôi không được phép thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình ? Còn bố mẹ bỏ tiền mua vé đi coi cùng con cái là hành động rất tâm lý của bố mẹ".
Về lập luận giới trẻ Gen Z sung sướng quá nên ‘đú đởn’, chủ kênh ‘Trà đá Tarot’ phản bác : "Gen Z sinh ra vào thời kỳ no đủ thì hãy để họ được phép sống no đủ, chứ tại sao phải bắt họ sống kham khổ như các thế hệ trước ?"