Trong khi một số bạn trẻ Việt bị nhiều người chỉ trích là ‘điên cuồng’ do ái mộ thái quá nhóm nhạc BlackPink thì cũng có ý kiến cho rằng sự hâm mộ thần tượng của giới trẻ là ‘bình thường’, ‘quyền của giới trẻ’ nhưng ‘sẽ bạo phát bạo tàn’, theo tìm hiểu của VOA.
Bốn cô gái của nhóm nhạc BlackPink có ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ Việt Nam
Hai đêm diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc tại Hà Nội vào cuối tháng 7 đã tạo ra cơn sốt chưa từng có trong giới trẻ Việt khi Sân vận động Mỹ Đình với sức chứa 30.000 người đã chật cứng mặc dù giá vé cao ngất ngưỡng so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam.
Nhiều khán giả trẻ được nhìn thấy hò hét, gào khóc trong đêm diễn hay đến tận sân bay hay khách sạn để chờ đón thần tượng. Những hình ảnh này đã nhận được nhiều lời chỉ trích trên mạng xã hội.
‘Gào rú điên loạn’
"Cả một biển người như đang ngáo đá, nghiêng ngả, ngả nghiêng… trên tay cầm điện thoại mở sáng reo hò, la hét, cuồng si, ngây ngất… như Phật, Chúa hiện hình … như ngày tận thế sắp đến nơi", một người tên là Nguyen Duong cảm thán trên Facebook
Tôi điên vì 270.000 người Việt đang đi làm osin (người giúp việc nhà) và nô lệ ở Hàn Quốc kiếm mỗi tháng vài chục triệu đồng và tiếp đến là chỉ 4 cô gái Hàn sang Việt Nam trong 2 đêm đã làm cho hàng ngàn bạn trẻ người Việt nhịn ăn, vay nợ chỉ để đi xem họ diễn trong 1 đêm, còn 4 cô cũng kiếm cả trăm tỷ chưa kể những khoản quảng cáo đi kèm", Phan Tan chỉ trích. "Tôi điên vì sự đắng cay của dân tộc này".
Một người khác tên là Dang Chuong Ngan viết lời cám ơn BlackPink trên Facebook như sau : "Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi thấy : lớp trẻ ở nước tôi có thể biết đến từng milimet vuông các loại vải may váy các bạn dùng, nhưng họ không biết đến ‘đường lưỡi bò’, đến Hoàng Sa, Trường Sa. Cho chúng tôi thấy sự đam mê âm nhạc của họ vượt lên trên cả chủ quyền của đất nước này !"
"Khi nhìn họ kéo đến sân bay, chen chân nhau trước khách sạn các bạn ở, rống lên như bò rống sung sướng được thấy thần tượng của mình, chúng tôi biết mọi thần tượng ở đất nước này đã chết", Dang Chuong Ngan viết tiếp. "Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi được nhìn một sân vận động đã được lớp trẻ nước tôi biến thành bãi rác sau đêm diễn. Bãi rác cho chúng tôi biết rõ về một lớp trẻ thiếu nhân cách, sự tự trọng và trách nhiệm cộng đồng".
Ngay sau hai đêm diễn, hôm 31/7, đích thân Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã gửi thư cám ơn BlackPink, khán giả và lực lượng chức năng đã tạo điều kiện cho đêm diễn.
‘Thần tượng ăn sâu’
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Tuấn, quản trị viên trang fanpage dành cho fan hâm mộ BlackPink ở Việt Nam, lý giải sự hâm mộ này như sau : "Một phần là mọi người ngưỡng mộ những gì mà mình đang còn thiếu. BlackPink xinh đẹp này, nổi tiếng này, dùng hàng hiệu này, truyền thông Hàn Quốc là số 1 về PR (quảng bá) giúp PR họ lên".
Nhận xét về âm nhạc và trình diễn của BlackPink, anh Tuấn nói ‘không hay bằng những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới khác’. Theo lời anh, khán giả Việt ‘không cảm được lời bài hát’ vì ‘họ không hiểu tiếng Hàn, còn tiếng Anh mà hát nhanh quá thì nghe không kịp’.
"Giai điệu sôi động, họ nhảy nhót đẹp, uốn éo, ăn mặc khêu gợi, lắc mông… đó là những thứ giới trẻ thích".
Anh cho rằng thế hệ của anh và các thế hệ tiếp sau từ lúc đi học đến giờ ‘văn hóa và âm nhạc Hàn Quốc gần như ăn sâu’. "Hàn Quốc làm PR, truyền thông giỏi, họ giúp xây dựng thần tượng của họ. Giới trẻ Việt tiếp xúc với các thần tượng này từ nhỏ và tình yêu thần tượng ngày càng lớn mạnh".
"Họ gặp thần tượng trên truyền thông là chủ yếu. Mà trên tuyền thông chỉ cập nhập những hình ảnh họ đẹp đẽ này, họ đáng yêu này nên họ hùa theo đám đông", anh Tuấn nói thêm.
Các fan Việt còn bị tâm lý đám đông ở chỗ khi họ vào fanpage, họ đọc được những bình luận ca ngợi, yêu thương BlackPink. "Họ càng đọc càng thấy kích thích, càng thấy ái mộ hơn", anh giải thích.
Theo quan sát của anh Tuấn thì trong vài năm trở lại đây với điều kiện kinh tế khá hơn, cùng sự phát triển của mạng xã hội, các thiết bị di động mà giới trẻ Việt Nam bây giờ ‘nhiều em từ sinh viên cho đến học sinh ai cũng có’ nên ‘dễ tiếp cận thần tượng hơn’.
"Ngày trước chỉ có tivi, sách báo, tạp chí thôi nên sự hâm mộ thần tượng lúc đó đối với các nhóm nhạc Hàn Quốc không được như bây giờ", anh phân tích.
Theo lời anh thì cũng nhờ mạng xã hội mà sự ái mộ BlackPink đã lan tỏa khắp cả nước Việt Nam, từ các thành phố lớn cho đến vùng quê đều có khán giả trẻ ra Hà Nội để ‘đu BlackPink’.
"Giá vé BlackPink còn cao hơn cả giá vé trung bình của show Taylor Swift ở Singapore trong khi thu nhập sinh viên không có", anh chỉ ra.
Giải thích về sự ‘cuồng’ của fan hâm mộ, anh cho là do ‘giới trẻ không kiểm soát được cảm xúc, họ dễ bị kích động bởi những tác động bên ngoài’ nên có những hành động như gào thét, khóc lóc…
‘Sẽ chóng quên’
Tuy nhiên, người quản trị trang fanpage này cho rằng sự ái mộ này của giới trẻ Việt Nam là ‘hời hợt’ nên ‘chỉ sau một thời gian sẽ rơi vào quên lãng’.
"Sự hâm mộ này không có ý nghĩa gì cả", anh nói. "Sau này khi họ lớn lên nữa thì họ nhìn lại họ sẽ thấy xấu hổ".
Theo lời anh thì đến lúc BlackPink rơi vào lãng quên thì Hàn Quốc sẽ tạo ra nhóm nhạc thần tượng mới.
Đối với những lời chỉ trích sự hâm mộ này, anh Tuấn cho rằng ‘cũng cần phải có người chỉ trích cho họ tỉnh ngộ do giới trẻ cần phải được định hướng’. "Nhưng chỉ trích vừa phải thôi, chỉ trích quá cũng không thay đổi được gì đâu", anh nói.
Anh Tuấn cũng chỉ ra tác hại của việc đu theo thần tượng quá nhiều là ‘bỏ lỡ việc học hành, bỏ lỡ những công việc hàng ngày thiết yếu, chẳng hạn như sinh viên-học sinh phải đến thư viện đọc sách, hay phải đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm’.
‘Thượng đẳng, trịch thượng’
Được sự cho phép của phụ huynh, VOA đã phỏng vấn một fan BlackPink là một em học sinh tên H., 13 tuổi, sắp lên lớp 8 ở một trường ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, về lý do em thần tượng nhóm nhạc này. Em nói đơn giản là ‘đẹp, hát hay, nhảy giỏi’.
"BlackPink hát hay ở chỗ đọc ráp rất hay, những vũ điệu rất là bắt mắt", em H. nói với VOA với điều kiện giấu tên vì bố mẹ không cho phép tiết lộ danh tính.
Trả lời câu hỏi say mê BlackPink từ lúc nào, em H. nói : "Con hâm mộ từ năm 2021. Con lên mạng xã hội thấy mấy video viral (lan truyền mạnh) nên con nghe và con thấy thích".
Tuy nhiên, điều làm em H. ấn tượng nhất ở BlackPink là ‘tính cách của mấy chị dễ thương, mấy chị đối xử với người hâm mộ ai cũng thân thiện, vui vẻ’.
Khi được hỏi việc hâm mộ BlackPink có ảnh hưởng đến việc học hành không, em H. nói ‘mỗi ngày em chỉ dành ít thời gian ngoài giờ học để xem BlackPink’. Ngoài ra, em còn được mẹ ‘rất tạo điều kiện’ – thường cho tiền để mua các sản phẩm của BackPink.
Trong buổi phát sóng có tựa là ‘BlackPink và sự thượng đẳng’ hôm 1/8, kênh YouTube ‘Trà đá Tarot’ đã lên án những người chỉ trích fan BlackPink là ‘thành phần thượng đẳng, trịch thượng, giáo điều, nhố nhăng, đặt không đúng ngữ cảnh’,
"Giả sử dân ca quan họ, ca trù mang ra cho người nước ngoài chắc gì người ta đã hiểu", bạn ‘Trà đá Tarot’ lập luận để phản bác lại chỉ trích ‘giới trẻ nghe có hiểu gì đâu mà đi coi’.
Trước lời chỉ trích tại sao bỏ số tiền hàng chục triệu mua vé coi BlackPink, YouTuber này nói : "Chúng tôi mua vé bằng tiền của chúng tôi, chúng tôi có động tới nồi cơm nhà nào không ? Tiền của chúng tôi mà tại sao chúng tôi không được phép thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình ? Còn bố mẹ bỏ tiền mua vé đi coi cùng con cái là hành động rất tâm lý của bố mẹ".
Về lập luận giới trẻ Gen Z sung sướng quá nên ‘đú đởn’, chủ kênh ‘Trà đá Tarot’ phản bác : "Gen Z sinh ra vào thời kỳ no đủ thì hãy để họ được phép sống no đủ, chứ tại sao phải bắt họ sống kham khổ như các thế hệ trước ?"
Giới trẻ Việt Nam cháy hết mình trong show BlackPink và những ý kiến trái chiều
Cảnh Chân, VNTB, 03/08/2023
Liveshow của nhóm nhạc nữ đến từ Hàn Quốc đã tạo ra một loạt những phản ứng trái chiều trong suốt tháng 7 vừa qua. Từ những vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, tới bản quyền, nguy cơ huỷ show, ế vé… Thậm chí khi các nữ ca sĩ đã về nước thì dư luận vẫn còn tranh cãi về sự cuồng nhiệt của những khán giả trẻ Việt Nam trong hai đêm nhạc này.
Nếu bắt giới trẻ phải sống như cách của những người già, thì chắc chắn là không thể, và có khi lại mang tới những hậu quả tiêu cực cho sự tiến bộ của nền văn minh.
Những góc nhìn tiêu cực của thế hệ đi trước
Một bài viết có tựa đề "thế là xong" của tác giả Anh Quốc đã dùng những ngôn từ mang tính nhục mạ fan hâm mộ của Blackpink như "đàn bò", "cỗ máy", "mất dạy". Đáng chú ý là bài viết này được rất nhiều người dùng facebook ở độ tuổi trung niên chia sẻ, đăng lại.
"Mưa vẫn xối xả, bò đã thấy thần tượng của mình xuất hiện, chúng rống lên theo từng tiếng hát, uốn éo của Idol. Sao bây giờ chúng như cỗ máy, răm rắp ngoan ngoãn và dễ bảo, chẳng nhốn nháo khi an ninh trật tự nhắc nhở… Thời đại bây giờ chăn dắt bò dễ thật". Một phần nội dung bài viết của tác giả Anh Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện bài viết chỉ trích thậm tệ giới trẻ Việt Nam. Trước đây cũng từng có bài viết "tuổi trẻ Việt Nam – một thế hệ vứt đi" được hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Tác giả thể hiện một góc nhìn đầy tiêu cực và dùng những ngôn từ lăng mạ nặng nề để chỉ trích thanh niên Việt Nam khi gọi họ là "con ngợm". Người này nhận xét "đa số chúng không thể nhận thức được những sai trái, bất công, thối nát trong xã hội chúng đang sống". Đa phần những người chia sẻ lại bài viết này cũng ở độ tuổi trung niên trở lên.
Người trẻ nghĩ gì ?
Bạn Phương Dung, một người hoạt động xã hội thế hệ 9x bày tỏ trên facebook cá nhân : "Việc khóc hoặc hét hò trong một buổi concert mình thấy đó là một phản ứng cảm xúc hoàn toàn bình thường của một con người, chắc hẳn những người đang phán xét các bạn trẻ khóc lóc, gào hét chưa từng có được trải nghiệm đó, hoặc đã từng mà ko hề nhận ra. Một buổi festival, hoà nhạc hay concert nơi mà hàng chục ngàn người cùng một lý tưởng, kết hợp thêm hiệu ứng âm thanh, màu sắc, hình ảnh và các điệu nhảy cộng hưởng đám đông lên nhau khiến xúc động đến khóc đó là trạng thái hoàn toàn bình thường của con người".
Bạn này cho rằng việc lên án các fan hâm mộ thể hiện cảm xúc với thần tượng cũng giống như cách nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đấu tố những người yêu nhạc bolero hoặc nhảy đầm giai đoạn sau 1975. "Xem đá banh trên sân vận động cũng thế, chúng ta dễ chấp nhận khi thấy hình ảnh khóc lóc, vỡ oà khi xem đá banh nhưng lại buông câu ‘không biết giới trẻ sẽ đi về đâu’ khi thấy những bạn ấy xúc động ? Không chỉ riêng giới trẻ Việt, concert ở nước khác cũng thế thôi".
"Thần tượng, đam mê thứ gì đó là quyền cá nhân của mỗi con người, đọc những post lên án giới trẻ mình lại nhớ đến những hình ảnh đấu tố của thời ba mẹ mình ở Sài Gòn sau năm 1975 – nhảy đầm, nghe nhạc bolero là 1 cái tội sẽ đưa ra bêu rếu trên đường". Dung viết trên trang cá nhân.
Ngọc Diệp, một thạc sĩ nhân quyền thế hệ 9x cũng bày tỏ sự ủng hộ sự cuồng nhiệt của các fan hâm mộ Blackpink. "Ai dám khẳng định tất cả những người tham dự concert Blackpink vừa rồi không quan tâm gia đình, không đau đáu chuyện xã hội ? Họ sống rõ ràng với cảm xúc và sẵn sàng thể hiện điều đó thì đáng tự hào hơn nhiều những vỏ bọc kìm kẹp xã hội. Họ có thể vừa yêu thần tượng, vừa yêu gia đình hay yêu bất kỳ điều gì họ muốn mà không đòi hỏi sự công nhận của bạn". Diệp bày tỏ trên trang cá nhân.
Nữ thạc sĩ nhân quyền này tỏ ra quan ngại trước những kết luận mang tính cảm tính của những người "lo lắng giới trẻ thời nay". Ngọc Diệp dịch lại bài báo trên Thisrupt tựa đề "văn hoá Kpop đã dẫn đến cách mạng văn hoá Thái Lan như thế nào". Nhằm kể về việc những fan hâm mộ Kpop chính là lực lượng phản kháng sôi nổi và sáng tạo nhất của những chiến dịch xã hội tại Thái Lan.
"Một số thậm chí còn thường xuyên tổ chức các buổi diễn nhảy K-pop tại các địa điểm biểu tình. Họ muốn xây dựng tương lai của mình, nhưng điều đó đòi hỏi họ phải giải phóng mình, không bị trói buộc và không bị ràng buộc bởi chế độ cũ của Thái Lan", Diệp viết.
Nhìn lại các cuộc biểu tình lớn tại Việt Nam như phản đối Formosa 2016, phản đối luật đặc khu 2018, thì lực lượng đông đảo nhất chính là những người trẻ. Những đóng góp của họ, bằng cách này hay cách khác cũng đã mang tới những màu sắc đa dạng và sinh động cho xã hội hiện nay. Họ có thể xuống đường biểu tình phản đối bất công, có thể cuồng nhiệt ăn mừng một chiến thắng của đội tuyển bóng đá, cũng có thể gào thét vì thần tượng âm nhạc mà họ ngưỡng mộ. Đó là cách sống của người trẻ.
Nếu bắt giới trẻ phải sống như cách của những người già, thì chắc chắn là không thể, và có khi lại mang tới những hậu quả tiêu cực cho sự tiến bộ của nền văn minh. Xã hội hiện nay, không phải là kết quả mà người trẻ tạo ra, mà nó là hậu quả của những thế hệ đi trước, những nhà lãnh đạo chính trị độc tài và những người dân chấp nhận loại lãnh đạo đó. Thay vì phán xét, chỉ trích, lên án, đổ lỗi ; hãy bồi dưỡng, chăm sóc. Để có được những người trẻ dám xuống đường phản kháng cường quyền như Hongkong, Thái Lan thì các bậc ông bà, cha mẹ của họ đã phải đắp xây từ hàng chục năm trước. Việt Nam cũng vậy. Thế hệ đi trước phải là nền tảng để thanh niên có thể bật dậy, phải là tấm khiên che chắn trước những bạo lực bất công…
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 03/08/2023
***************************
BlackPink – Mua bán sòng phẳng, ơn nghĩa gì ở đây ?
Ngọc Linh Lan, VNTB, 02/08/2023
Bầu show đã ‘tranh thủ’ quảng bá ‘đường lưỡi bò’ và còn đôi co chi phí bản quyền, vậy mà ông chủ tịch Hà Nội còn biên thư cảm ơn…
"Thư cảm ơn" là một thứ… kém duyên của một chính khách
Bạn đọc viết
Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Ban Cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội đã có thư gửi nhóm nhạc K-pop BlackPink và khán giả hâm mộ nhóm nhạc, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ đêm nhạc sau khi ban nhạc trên vừa có hai đêm diễn tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thu hút khoảng 60.000 khán giả.
Toàn văn bức thư này được cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam đăng có nội dung như sau :
Thư cảm ơn
"Thân gửi : Ban nhạc BlackPink, khán giả hâm mộ ban nhạc và các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội
Các buổi biểu diễn tại thành phố Hà Nội – điểm dừng chân cuối cùng của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink tại Châu Á trong "Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới 2023" được tổ chức trong hai ngày 29 và 30/7/2023 đã thành công tốt đẹp.
Sự thành công của đêm nhạc tiếp tục khẳng định hình ảnh của Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của Thủ đô.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, cảm ơn Ban nhạc BlackPink đã mang đến cho khán giả Thủ đô Hà Nội, du khách trong và ngoài nước hai đêm nhạc tuyệt vời và đáng nhớ. Cảm ơn các khán giả tham gia hai đêm diễn một cách sôi động, văn minh, thanh lịch, góp phần quan trọng vào sự thành công của các đêm diễn.
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của các lực lượng chức năng của Thành phố đã đảm bảo công tác tổ chức, an toàn tuyệt đối của sự kiện này.
Hy vọng rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ được đón và tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần thực hiện xây dựng nền công nghiệp văn hóa Thủ đô – xứng tầm là một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Thân ái !
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
Trần Sỹ Thanh".
Theo dõi những hình ảnh và tin tức liên quan về show diễn trên, cá nhân tôi cho rằng việc gửi lá thư này với tư cách là người đứng đầu chính quyền thủ đô là một hành động cảm tính cá nhân của một chính khách xuất thân là ông chủ doanh nghiệp nhà nước như ông Trần Sỹ Thanh.
Có các ý cần trao đổi như sau trên tư cách quyền công dân theo Hiến định tại điều 25 về bảo hộ quyền tự do ngôn luận, và từ căn cứ của điều 28, Hiến pháp 2013 :
"1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội ; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân".
Sở dĩ rào trước đón sau vậy vì nhà chức trách hay chụp mũ các tiếng nói trái chiều bằng điều luật hình sự 331.
Trước hết, nếu nịnh nọt ông Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII, tôi sẽ ngợi ca rằng "ta lớn lên bởi vì ta biết cúi xuống". Ông Trần Sỹ Thanh thể hiện tình cảm cộng sản không chỉ của người đứng đầu chính quyền Thành phố mà còn của người dân Thủ đô với nhóm nhạc, vì họ đã tạo sự lan tỏa tình yêu âm nhạc từ Hà Nội ra toàn thế giới.
Và cũng là bài "test" sinh động chứng minh khả năng đưa Hà Nội trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, âm nhạc tầm cỡ thế giới để biến chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa là khả thi.
Tuy nhiên nếu nói lời thật lòng, tôi cho rằng ở đây thuần là sòng phẳng của một show diễn của doanh thu lợi nhuận, không liên quan gì đến chuyện đao to búa lớn "trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, âm nhạc tầm cỡ thế giới".
Bởi với những lùm xùm trước đó từ bầu show về ‘đường lưỡi bò’, cho tới ‘bản quyền âm nhạc’, và… sân vận động Mỹ Đình đầy rác sau hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc được bầu show Trung Quốc tổ chức này, cho thấy "thư cảm ơn" là một thứ… kém duyên của một chính khách.
Ngọc Linh Lan
Nguồn : VNTB, 02/08/2023
Blackpink, bốn cô con gái Hàn Quốc đã làm rung chuyển Hà Nội, để lại nhiều chấn động tâm lý cho các bậc phụ huynh, đặc biệt những bậc phụ huynh đã lớn tuổi, đã trải qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời.
Những fans hâm mộ sẵn sàng bỏ thêm tiền để thuê các loại điện thoại có khả năng phóng to tốt (Ảnh : Nation).
Thực ra các hiện tượng "fans cuồng" đã có nhiều ở các nước phương tây, nhưng các tác động tâm lý với xã hội của họ nhỏ hơn…
Ở nước ta nó là hiện tượng có vẻ là lạ, nhưng thực ra không phải là lạ.
Nhiều phụ huynh chỉ thấy giá của vé đi xem Blackpink đã cảm thấy vô cùng "đau bụng", rồi khi thấy các cháu gào khóc thảm thiết thì lại thấy vô cùng "đau tim".
Tôi biết một số phụ huynh đã thay đổi cả suy nghĩ của mình, tình cảm của mình đối với các con sau vụ này. Họ cho rằng, cả đời họ chắt chiu từng đồng, tạo dựng được một lượng tài sản nhất định cho các con chẳng có ý nghĩa gì cả khi mà các con có thể vung tay mua luôn một cặp vé vài chục triệu đồng. Khi thấy các cháu khóc hơn cha chết thì cha mẹ cũng lại thấy mình chẳng là cái gì. Chúng nó coi thần tượng của chúng hơn chúng mình rồi.
Nói chung thế hệ già trách thế hệ trẻ vô tâm, chạy theo những chuyện nhảm nhí.
Vậy, ở trong xã hội ta thế hệ già có làm những chuyện tương tự không ? Có đấy mà quý vị không biết.
Ông Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội ngày 25/11/1961. Ảnh : hochiminh.vn
Fans chẳng qua là hiện tượng quá ngưỡng mộ một nhân vật nào đó, thần tượng của họ. Các fans khóc lóc thảm thiết vì họ có cảm giác được giao tiếp với thần tượng và cũng để chứng tỏ họ thuộc vào nhóm đó, có thần tượng chung.
Chính bản thân tôi đã từng được tham dự một cuộc họp, ở đó có một ông quan chức "nổi tiếng" đến phát biểu. Thực tế là ông ta là kẻ bất tài, quá già và lẩm cẩm, hoàn toàn không hiểu biết gì về lĩnh vực của chúng tôi. Ông ta toàn nói nhảm, nhưng đám fans ở dưới cứ trầm trồ khen ngợi. Điều đáng lạ là ngày hôm sau, bọn fans này còn tụ tập ở một phòng của cơ quan để nghe lại băng ghi âm của ông ta đã phát biểu hôm trước. Trời ơi. Tôi thấy bọn này giống hệt như mấy cháu khóc lóc thảm thiết ở sân Mỹ Đình.
Ngoài ra, tôi cũng đã từng được xem các video khi một thằng kể toàn những chuyện nhảm nhí về một nhân vật nổi tiếng nào đó, ở bên dưới cũng đầy bọn khóc thút thít. Già hơn nên không khóc to như bọn trẻ kia thôi. Thế rồi chúng ta cũng đã chứng kiến đầy rẫy những bọn làm thơ… ca ngợi các thần tượng của mình, còn thương thần tượng hơn cả cha mẹ của mình…
Hai sự việc mà tôi nêu trên là cùng một hiện tượng, cùng bản chất cả thôi.
Vậy, bọn fans nào nguy hiểm hơn, đáng trách nhiều hơn ? Câu trả lời quá dễ.
Tôi có thể viết rất dài về chuyện này, nhưng thôi, tôi nghĩ các bạn còn nhiều trí tưởng tượng hơn tôi. Các bạn sẽ có nhiều câu trả lời hay hơn tôi và nhiều ý tưởng tuyệt vời hơn. Mong các bạn mở lòng trong phần bình luận.
Đất nước bị đưa vào con đường bế tắc vì đám fans già.
Bây giờ chỉ còn trông chờ vào giới trẻ.
Giời ơi là giời !
Hoàng Quốc Dũng
(03/08/2023)
Hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) cuối tháng 7 vừa qua thu hút khoảng 60.000 khán giả tham dự. Số tiền bản quyền được nói lên đến 10 tỷ đồng. Báo chí nhà nước dùng những từ như "bùng cháy" ; "ấn tượng" ; "cơn sốt" ; "máu lửa"… để diễn tả sự cuồng nhiệt của khán giả, hầu hết là giới trẻ, đến coi hai buổi diễn này.
Quảng cáo ban nhạc Blackpink trên xe bus tại Hà Nội ngày 28 tháng 7 năm 2023. AFP
Một số video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những khán giả trẻ la hét, gào khóc trong hai đêm diễn của nhóm nhạc này với nhiều bình luận đồng cảm có, chê cười có.
Blogger Tuấn Khanh nhận định về hiện tượng này với RFA :
"Một khi giới trẻ không tìm thấy thần tượng quốc nội, những thần tượng mà lâu nay người ta bằng mọi cách tuyên truyền và ấn vào đầu rằng đó là thần tượng, thì họ đã im lặng chối bỏ theo một cách thức bản năng nào đó, và họ tìm đến thần tượng theo sở thích và bản năng của họ.
Vậy cần phải xét lại rằng, chương trình giáo dục và giới thiệu về những nhân vật đáng kính trọng của Việt Nam theo ý của Nhà nước và cái cách của tổ chức như vậy là thất bại.
Không thể trách được giới trẻ Việt Nam khi họ la hét hay gào khóc trong chương trình, bởi đó là sự tuyệt vọng của giới trẻ nhìn ra một thế giới tự do và đang phát triển mà không thấy bước chân của mình ở đó. Đó sự khóc cho sự tuyệt vọng".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tuấn từ Châu Âu nêu nhận xét với RFA về hiện tượng này :
"Những chương trình ca nhạc trong nước không có sức hút với giới trẻ bởi họ chưa nắm bắt được tâm lý giới trẻ ; không đánh được vào thị hiếu của giới trẻ. Tôi không trách các bạn trẻ mà tôi trách những người làm công tác nghệ thuật.
Việc giới trẻ cuồng nhiệt, thậm chí thái quá trong đêm diễn cũng như trong các trận đá bóng cho thấy giới trẻ sống không có niềm tin và đó là một sự bế tắc của họ. Bế tắc cả về cảm nhận lẫn các tác phẩm nghệ thuật. Người lớn không nên áp đặt quá khứ của mình vào thế hệ trẻ bây giờ".
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh sau hai đêm diễn đã gửi thư cảm ơn ban nhạc Blackpink, cảm ơn cả khán giả hâm mộ ban nhạc. Theo ông Trần Sỹ Thanh, sự thành công của hai đêm nhạc đã khẳng định hình ảnh của thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của thủ đô.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội hy vọng thành phố này sẽ được đón và tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần thực hiện xây dựng nền công nghiệp văn hóa thủ đô - xứng tầm là một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Một số bình luận trên mạng xã hội cho rằng, việc tổ chức những sự kiện tương tự với những ban nhạc trong nước là điều không thể khi nền giải trí ở Việt Nam luôn bị siết chặt bởi cái vòng kim cô mang tên "kiểm duyệt".
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với RFA sáng 1/8/2023 :
"Sẽ không bao giờ có một nền giải trí đúng nghĩa tại Việt Nam, bởi công nghệ giải trí phải khởi đầu bằng sự tiên phong và những sáng tạo rất bất ngờ. Mà những điều đó ở Việt Nam phải đi qua ý tưởng kiểm duyệt. Cái thứ hai, trong một đất nước mà truyền hình là nòng cốt của tất cả mọi thứ, lại đều do Nhà nước kiểm soát. Nhà nước chỉ ban phát cho những ai làm đúng ý Nhà nước thì công nghiệp giải trí chỉ phát triển theo khuynh hướng của Nhà nước thôi.
Khi Nhà nước thấy xuất hiện YouTube, là nơi người ta có thể phát triển khả năng mà không cần xin phép, thì Nhà nước bằng mọi cách kiểm soát, ngăn chặn, bắt phạt thậm chí bỏ tù, thì làm sao công nghệ giải trí của Việt Nam phát triển được. Đừng quên Việt Nam đã bỏ rất nhiều tiền để mua những format của những nước tự do trên thế giới như Vietnam Idol, The Voice, Vietnam Next Top Model… cả triệu đô la nhưng không thể thành công.
Lý do bởi Việt Nam là một quốc gia kiểm soát mọi thứ trong lòng bàn tay chứ không phải là một quốc gia mà những ý tưởng sáng tạo và vượt lên cùng với thời đại và dẫn đường cho những người nghệ sĩ có khả năng bộc phát tinh thần của mình".
Một fan đứng chụp hình trước một xe buýt cổ động cho nhóm BlackPink ở Hà Nội hôm 28/7/2023. AFP
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định :
"Qua hai đêm nhạc tôi thấy rất rõ thế hệ Z (thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ) thể hiện một cái khao khát tự do phi chính trị. Nó bộc lộ một mâu thuẫn rất khó hóa giải giữa thế hệ Z và những thế hệ trước về nhân sinh quan và thế giới quan.
Tôi cho rằng mâu thuẫn này vô cùng trầm trọng không thể hóa giải được. Cái sai lầm của thế hệ trước là họ chính trị hóa âm nhạc nên đã tạo ra xung đột rất lớn về lãnh vực nhân sinh quan và thế giới quan.
Với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đây là dịp để họ nhìn nhận lại hai lĩnh vực quan trọng là giáo dục và văn hóa. Tức là nền văn hóa suốt hàng chục năm qua đã bị chính trị hóa một cách trầm trọng nên nó bóp nghẹt tự do mọi mặt. Để có một nền công nghệ giải trí thực sự cho Việt Nam thì nhà cầm quyền nên để cho người nghệ sĩ tự do sáng tạo".
Kiểm duyệt chặt chẽ tất cả tác phẩm nghệ thuật là cách mà Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện từ sau năm 1954 ở Miền Bắc và sau năm 1975 ở cả Miền Nam. Sự kiểm duyệt này bị nhiều người cho là phơi bày sự yếu đuối về mặt chính trị của nhà cầm quyền. Chính điều đó kìm hãm sự phát triển nghệ thuật của giới trẻ từ trong tâm thức.
Có thể nêu ví dụ, cuộc triển lãm tranh ở Hà Nội tháng 7 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phải đóng cửa trong ngày đầu tiên vì cơ quan văn hóa cho rằng, bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu.
Cũng tháng 7 năm ngoái, một bài viết trên mạng Nikkei Asian có tựa "Vietnam lures Hollywood crews but censorship hangs over film sector", tạm dịch : "Việt Nam thu hút đoàn làm phim Hollywood nhưng kiểm duyệt là sợi dây trói lơ lửng đối với lĩnh vực này".
Theo bài viết, có nhiều bộ phim không được phép trình chiếu ở Việt Nam vì vi phạm qui định của Luật Điện Ảnh, nhưng ra khỏi nước thì được hoan nghênh vì nội dung hay, hình ảnh đẹp và diễn xuất chân thực.
Nguồn : RFA, 01/08/2023