Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/08/2023

Quốc hội muốn sách giáo khoa phải theo đinh hướng chính trị của Đảng

VNTB, RFA

Ổn định trong chính sách giáo dục, tránh niên học nào cũng bất an

Mai Lan, VNTB, 16/08/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không tin rằng sách giáo khoa chỉ là… học liệu (!?) để có thể tư nhân tham gia biên soạn.

sgk1

Ông Vương Đình Huệ đưa ra yêu cầu cần phải có bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn với kinh phí được lấy từ ngân sách quốc gia.

Ông Vương Đình Huệ đưa ra yêu cầu cần phải có bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn với kinh phí được lấy từ ngân sách quốc gia. Yêu cầu này của ông Huệ cho thấy một lần nữa, giáo dục tiếp tục tạo sự bất an, khi các cấp quản lý dường như vẫn lúng túng trong vấn đề trao quyền tự chủ học thuật trong chuyện soạn các bộ sách giáo khoa.

Nhà nước phải giữ độc quyền về học thuật

Tại phiên họp giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, về vai trò của sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng sách giáo khoa chỉ là học liệu, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội không đồng ý. Ông cho rằng không thể nói người dạy muốn dạy gì thì dạy được.

"Đương nhiên sách giáo khoa có tốt đến mấy cũng không thể thay được cho người thầy, nhưng từ chương trình mới ra sách giáo khoa… Bộ sách giáo khoa quy định về nội dung, thể chế cái cốt lõi nhất của chương trình", ông Vương Đình Huệ diễn giải cho việc định hướng chính trị mang tính bắt buộc của nội dung sách giáo khoa khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường chủ động lựa chọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói rằng Nghị quyết 88 của Quốc hội  đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đến năm 2020 Quốc hội ra Nghị quyết 122 , có quy định là nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.

Lý do trong báo cáo của Chính phủ có nêu chủ yếu là do vốn của World Bank – vốn tài trợ nước ngoài cho nên không tổ chức đấu thầu để chọn người biên soạn được.

Ông Vinh nêu rõ quan điểm của đoàn giám sát cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh là đúng rồi, nhưng chương trình chỉ quy định là khung kiến thức. Còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa. Vì vậy, nếu bộ, Chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay sẽ chỉ là người thẩm định được nội dung đó có phù hợp hay không, nhưng trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nội dung đó thực hiện có được không, nếu với cách biên soạn như thế này.

"Liệu có thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức biên soạn nội dung hay không hoặc chuẩn bị nội dung không ? Vì trong đề nghị của đoàn đã đưa ra một phương án mang tính rất mở là chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa.

Chúng tôi kiến nghị trong tổng thể nếu Nhà nước nắm giữ nội dung của bộ sách giáo khoa nào hay quyển sách giáo khoa nào và tiền này chi từ ngân sách nhà nước thì nên miễn phí cho người dân. Tức là không cho phép tính giá bản quyền biên soạn sách vào trong giá sách giáo khoa. Đó sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm giá sách giáo khoa", ông Vinh diễn giải.

Giáo viên phải được quyền tự do lựa chọn học liệu

Phản biện lại các lập luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, "Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa – tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không ?".

Ông nêu thêm trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không ?

Ông nói thêm nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo Dục – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước – đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… Xem ra, điều này cũng rất khác với nội dung nghị quyết 122/2020 của Quốc hội cho phép bộ chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn.

"Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề", ông Sơn biện giải.

Giá bán lẻ sách giáo khoa là nguyên nhân ?

Phía đoàn giám sát về sách giáo khoa của Quốc hội đã đưa ra bốn ý kiến như sau :

Thứ nhất là đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng chiết khấu trong chi phí phát hành sách giáo khoa lên giá sách hiện nay. Vì mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao.

Thứ hai, cần đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ cung cấp sách giáo khoa cho thư viện các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh khuyết tật. Từ đó tính toán đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của việc bố trí ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cấp cho các thư viện trường học dùng chung.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ đánh giá về việc tiếp tục giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ tư, đánh giá chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Việc áp dụng nhiều sách giáo khoa khác nhau cho từng môn học ở một cơ sở giáo dục có thực sự cần thiết không. Ngoài ra xem xét tính cần thiết trong sửa đổi quy định để thống nhất việc lựa chọn sách giáo khoa, hướng tới để quyền lựa chọn sách giáo khoa của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Báo cáo giám sát cũng đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Thay lời kết

Đồng ý là Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như nội dung cuốn sách"Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"  của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế nhưng ở đây dù là lựa chọn con đường thể chế nào thì vẫn cần đảm bảo tính có thể dự báo, tính nhất quán và ổn định của chính sách là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành môi trường vĩ mô tốt.

Một loạt động thái thiếu nhất quán và lúng túng trong điều hành chính sách, không phải riêng một ngành mà diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau thời gian qua cho thấy thách thức về năng lực dự báo, năng lực hoạch định và thực thi chính sách của các bộ ngành tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm ở thế chế độc quyền chính trị hiện tại mà Hà Nội theo đuổi.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 16/08/2023

***************************

Lỗi ở sách giáo khoa hay ở việc giảng dạy ?

Thới Bình, VNTB, 16/08/2023

Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức…

sgk2

Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà "giáo dục" (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu…

Quốc hội Việt Nam đang diễn ra tranh luận rằng liệu có nên trở lại với việc thống nhất cả nước chi có một bộ sách giáo khoa theo đúng định hướng của Đảng về giáo dục.

Một báo cáo về vấn đề sách giáo khoa của đoàn giám sát thuộc Quốc hội, ghi nhận rằng mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.

Liên quan chi phí phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo là cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành là các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền, công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục miền phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022, cụ thể : Đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Báo cáo cũng chỉ rõ việc biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng. Việc triển khai thực hiện chủ trương "xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa" có một số nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục…

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước…

Xem ra thì "quan điểm của Đảng, Nhà nước" là lý do chính của chuyện cần kết thúc việc cạnh tranh trong sử dụng sách giáo khoa do các nhóm tư nhân biên soạn. Điều này cho thấy Hà Nội đã không chấp nhận kế thừa những gì mà nền giáo dục ở miền Nam trước đây trong chuyện sách giáo khoa.

Nhân chuyện sách giáo khoa ‘tư – công’ đang trên bàn nghị sự ở Quốc hội, nhà báo Vũ Thế Thành – một người bạn vong niên của người viết bài này, nói rằng ông nhớ đến thời niên thiếu tiểu học.

Ông kể : "Hồi nhỏ tôi học trong sách Tập đọc lớp Năm (lớp Một bây giờ) là Tô canh hẹ. Chuyện kể đại khái có một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh không ăn, chỉ nức nở khóc. Anh lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi nấu canh lặn lội đường xa đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ già khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.

Truyện chỉ có thế, hai trang : một trang in chữ to, trang kia là hình minh họa. Tôi còn nhớ tranh vẽ người lính mặc đồ như lính thú ngày xưa, đội nón lá đứng nhìn, còn người tù ngồi bệt dưới đất, mặc áo rách, một chân co lên, hai tay bưng tô canh trước mặt, nước mắt rơi lã chã.

Phần kết câu chuyện là anh lính gác nghe chuyện, thấy cảm động, trình lên quan, và quan đã tha tội cho người tù.

Ngày trước, ở miền Nam, sách giáo khoa được tự do biên soạn theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, dài chừng hai trang giấy cho mỗi môn học, mỗi cấp lớp. Sách nào viết hay thì thầy cô giới thiệu với phụ huynh, chứ không có người chủ biên hay nhóm biên soạn, rồi thêm hội đồng đánh giá, thẩm định bạc tỷ…

Thật ra, Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Giáo dục cũng nhờ người biên soạn sách giáo khoa, xuất bản. Sách in đẹp, bìa dày, giấy trắng, giá rẻ vì được viện trợ từ cơ quan văn hóa Hoa Kỳ, nhưng… bán ế, vì chẳng học sinh nào dùng, và cũng không có thầy cô nào giới thiệu nên dùng.

Quyển Tập đọc lớp Năm đó, tôi nhớ mang máng do nhà xuất bản tư nhân Thanh Đạm nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng ấn hành, nhưng không nhớ tác giả biên soạn là ai. Còn nhiều câu chuyện hàng tuần khác tương tự như Tô canh hẹ trong sách này, đến giờ vẫn còn trong đầu tôi như in, thậm chí cả hình minh họa.

Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà "giáo dục" (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu trong đấy. Những thứ cao siêu này sẽ đeo đuổi cuộc đời học sinh sau này. Khi nào chúng hiểu ra sự thật về "mặt trời chân lý", thì lúc đó mặt trời không còn "chói qua" tim, mà sẽ đốt cháy con tim…".

Kết thúc câu chuyện, nhà báo Vũ Thế Thành nói rằng câu chuyện Tô canh hẹ và người tù đã gây ấn tượng và kéo dài suốt sáu mươi năm sau trong đầu một đứa trẻ như ông, "vậy thì có xứng đáng nằm trong sách giáo khoa lớp Một không ? Có phải là một trong những chỉ tiêu giáo dục nhân cách cho trẻ không ? Tôi không đủ tư cách trả lời câu hỏi này".

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 16/08/2023

*************************

Nhà nước biên soạn sách giáo khoa là đi ngược mục tiêu xã hội hóa ?

RFA, 15/08/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 14/8/2023 yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88 (trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước).

sgk1

Ảnh minh họa : Quầy bán sách giáo khoa lớp 1 ở Sài Gòn. RFA

Gây xáo trộn ?

Trả lời RFA hôm 15/08/2023 từ Sài Gòn về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Có thể khẳng định ngay nó đi ngược lại chủ trương của chính Quốc Hội đã ban hành, có văn bản hẳn hoi. Theo văn bản này, Bộ Giáo dục chuẩn bị một bộ sách giáo khoa của nhà nước trong trường hợp, nếu tư nhân nhỏ không viết, hoặc viết mà chất lượng không đạt… khi đó mới cần sách giáo khoa của nhà nước để học sinh có sách học. Nhưng thực tế cho đến nay, sau mấy năm thực hiện thì trường hợp đó không xảy ra. Mà đã không xảy ra thì không còn lý do gì để mà phải tốn tiền tốn bạc làm một bộ sách giáo khoa của nhà nước cả".

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, dù hiện nay các địa phương được giao quyền chọn sách, nhưng trên tinh thần vẫn là giáo viên chọn. Do đó, Tiến sĩ Dũng cho rằng : nếu nhà nước cứ biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng, thì chưa chắc giáo viên tự quyết định "tự chọn". Ông lý giải :

"Thứ nhất các lớp đã được học sách giáo khoa biên soạn trước, ví dụ lớp một đã cho học sách của tác giả A, không lẽ sang lớp hai lại chuyển sang tác giả B ? Vì người ta biên soạn đã có hệ thống, mà đến bây giờ đặt ra vấn đề biên soạn sách giáo khoa của bộ thì đã đi sau, trong lúc thị trường người khác đã chiếm cả rồi. Cho nên tôi không chắc rằng là sách giáo khoa của nhà nước mà được người dân ủng hộ đâu. Thành ra tôi cho rằng sẽ tốn tiền vô ích, mà lại trái chủ trương của chính Quốc Hội".

Nội dung Nghị quyết 88  – ban hành năm 2014 được truyền thông loan, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Cũng theo nghị quyết này, từ năm học 2018 - 2019, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, từ năm học 2018 – 2019 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng, do đó các trường đã chọn các bộ sách tư nhân để giảng dạy.

Đến năm 2020, Quốc hội ra Nghị quyết 122, có quy định là nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm 14/8, lý giải cho yêu cầu của mình, ông Huệ cho rằng nghị quyết 122 giải quyết tình thế lúc đó chứ không thay thế cho nghị quyết 88 về việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước.

sgk2

Một trường cấp 2 ở huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái. AFP.

Ai hưởng lợi ?

Cũng tại cuộc họp hôm 14/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc Bộ đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa mới không chỉ ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa, trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Tuy vậy, nhìn nhận vấn đề này, thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 15/8 lại cho biết ông ủng hộ nhà nước độc quyền sách giáo khoa. Ông giải thích :

"Vấn đề này tôi thấy có mặt nọ mặt kia, một mặt nếu để cho nhiều nhà xuất bản, nhiều nhóm viết sách khác nhau cùng tham gia thì nó có xu hướng chống độc quyền, xã hội hóa được hoạt động phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam đã tốn hàng trăm giáo sư tiến sĩ tham gia vào biên soạn rất nhiều bộ sách khác nhau, mỗi bộ môn có bốn năm nhóm biên soạn, mà sách lại theo một chương trình khung, cho nên nó giống nhau đến 90 - 95% nội dung kiến thức…"

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, đó chính là một sự lãng phí. Thầy Khoa nói tiếp :

"Riêng về độc quyền sách giáo khoa, như nhà xuất bản giáo dục trước kia, thì quan điểm của tôi lại thấy nên như vậy. Một nhóm in ấn sáng tạo, phát huy những cái đã có và bổ sung những cái chưa được. Sau đó có một chính sách là sách phải được sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ. Có rất nhiều vấn đề cần phải hỗ trợ, trợ cấp, rồi tặng học sinh miền núi… Cái này mà để các nhà xuất bản tư nhân làm thì họ không thể tặng được, họ không có vốn. Nói là xã hội hóa, nhưng thực chất không hoàn toàn có lợi cho xã hội".

Nếu quay về cách cũ, thì riêng sách giáo khoa, theo ý kiến của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, cũng không có nhiều vấn đề nhưng ông lo ngại cách cũ nghĩa là trở về như trước đây : một chương trình một bộ sách giáo khoa. Trong khi, vẫn theo tiến sĩ Hoàng Dũng việc một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa như hiện nay là một sự tiến bộ.

Nguồn : RFA, 15/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Thới Bình, RFA tiếng Việt
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)