Còn quá sớm để nói VinFast có vốn hóa 85 tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ
Nguyễn Trường Sơn, RFA, 16/08/2023
Công ty sản xuất xe điện của Việt Nam hôm 15 tháng 8 đã có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ với mã VFS.
Xe VinFast 8 và giá trị cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq sau ngày đầu niêm yết - AP/RFA edited
Phiên giao dịch được cho là đã thành công khi giá trị cổ phiếu của công ty VinFast tăng hơn 250%, từ 10 USD lên 37 USD cho mỗi cổ phiếu của công ty này.
Việc này cũng biến VinFast trở thành một trong những hãng xe điện có giá trị vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán Mỹ, ở mức 85 tỉ USD. Chỉ đứng sau cổ phiếu của hãng xe Mỹ, Tesla đình đám, và hãng BYD của Trung Quốc.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup - công ty mẹ của VinFast cũng lọt vào nhóm 30 người giàu nhất thế giới, theo danh sách The Real-time Billionaires của Forbes.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhận định của chuyên gia các con số trên chưa phản ảnh thực chất giá trị cổ phiếu và vốn hóa của VinFast trên thị trường Mỹ, vì một vài lý do.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, cho biết tổng số lượng cổ phiếu của VinFast được giao dịch trong phiên đầu tiên là ở mức gần 7 triệu cổ phiếu, trong khi tổng số cổ phiếu mà hãng này phát hành là 2,41 tỉ cổ phiếu.
Tức là số cổ phiếu được giao dịch chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 0,3% tổng giá trị số cổ phiếu phát hành.
"Nếu muốn biết thị trường đánh giá giá trị của một công ty như thế nào thì phải xem số lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu công ty đó". Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho hay.
Do đó ông cho rằng với việc chỉ một lượng rất nhỏ cổ phiếu của VinFast được giao dịch như hiện nay, sẽ còn quá sớm để biết thị trường Mỹ đánh giá cổ phiếu này ra sao.
Ông này cũng đưa ra ví dụ về cổ phiếu của hãng xe điện Tesla, khi cho biết trung bình mỗi ngày có đến 133 triệu cổ phiếu của hãng xe Mỹ được giao dịch, chiếm hơn 4% tổng giá trị vốn hóa. So với con số gần 7 triệu cổ phiếu và 0,3% tổng giá trị vốn hóa của VinFast trong phiên giao dịch đầu tiên.
Ngoài ra, vị chuyên gia kinh tế sinh sống tại Na Uy này cũng cho biết VinFast vẫn đang giới hạn việc giao dịch cổ phiếu của họ, bằng cách không phép giới đầu tư bán khống (short sale), và không cho phép giao dịch quyền chọn (option). Đây là những dịch vụ phổ biến ở thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Việc thiếu vắng các dịch vụ chứng khoán phát sinh đã giúp đẩy giá của cổ phiếu VinFast lên cao do không có sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn, tránh được trường hợp bị bán khống. Giới quan sát cũng nhận định rằng hầu hết các giao dịch liên quan đến chứng khoán của VinFast hiện nay vẫn chỉ diễn ra trong nội bộ những cổ đông của công ty này.
Do vậy, ông Nguyễn Huy Vũ kết luận "vẫn còn quá sớm để nói thị trường đánh giá vốn hóa của VinFast là bao nhiêu".
VinFast là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ. Doanh nghiệp này cho biết việc quyết tâm "lên sàn" ở thị trường lớn nhất thế giới là để huy động vốn, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất xe điện của hãng.
Trước đó, hãng xe điện của Việt Nam này cũng công bố dự án đầu tư nhà máy sản xuất xe điện ở bang North Carolina, Hoa Kỳ, có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD.
Nguyễn Trường Sơn
Nguồn : RFA, 16/08/2023
****************************
VinFast đối mặt với áp lực về doanh số bán hàng để duy trì mức định giá hào nhoáng
Reuters, VOA, 16/08/2023
Công ty xe hơi điện của Việt Nam, VinFast, trong vài ngày qua đã gây chú ý khi chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq, và được định giá trị vốn hóa ở mức 85 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với Ford hay General Motors. Đây được xem là một mức định giá "hào nhoáng" đối với một công ty khởi nghiệp đang bị thua lỗ như VinFast, nhưng theo Reuters, giờ mới đến lúc cho phần khó khăn : đưa doanh số bán xe ở nước ngoài ra khỏi tình trạng lẹt đẹt lâu nay.
Xe điện VF-8 của VinFast được trưng bày tại một showroom ở Santa Monica, California, ngày 18/7/2022.
Theo hãng thông tấn Anh, trong 5 tháng còn lại của năm nay, VinFast cần phải đạt con số hơn gấp đôi doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay để có thể đạt được mục tiêu cả năm do người sáng lập đặt ra là bán được 50.000 xe điện.
Để làm được điều này, công ty của Việt Nam cần phải hoàn thành việc cải tiến chiến lược bán hàng để thu hút các nhà phân phối và đại lý, thay vì chỉ bán thông qua nền tảng của riêng mình, một cách tiếp cận mà VinFast vay mượn từ Tesla.
VinFast cũng sẽ cần phải giảm chi phí để cạnh tranh về giá với những công ty như Tesla, là công ty đã sử dụng quy mô và lợi nhuận dẫn đầu ngành của mình để giảm giá và gây áp lực lên các đối thủ kể từ đầu năm nay.
Cổ phiếu của hãng chỉ chuyên sản xuất xe điện VinFast, là hãng đã sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) Black Spade, đã tăng mạnh khi ra lần đầu lên sàn Nasdaq vào thứ Ba 15/8. Do 99% cổ phần của công ty thuộc về người sáng lập VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nên tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do rất nhỏ khiến cho cổ phiếu của VinFast càng nhiều biến động hơn.
Các giao dịch của các hãng xe điện theo kiểu SPAC khác, bao gồm cả hãng Lucid, là công ty xe điện mà Black Spade đã sử dụng để làm cơ sở định giá 23 tỷ đô la ban đầu cho VinFast, đã chứng kiến cổ phiếu của họ sụt giảm sau khi niêm yết.
Lucid hiện được định giá dưới 15 tỷ USD, thấp hơn gần 40% so với mức định giá qua SPAC là 24 tỷ USD vào năm 2021.
Ý định huy động thêm vốn của VinFast cũng là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với mức định giá cao của công ty này. Reuters dẫn lời Giám đốc tài chính David Mansfield cho biết hôm 15/8 rằng VinFast đang thảo luận với nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ đầu tư quốc gia, và đang trên đường huy động vốn bổ sung trong 18 tháng tới.
"Giống như bất kỳ giao dịch nào, giá cả do thị trường quyết định. Vì vậy, chúng tôi không thể nói là cứ lấy (mức giá) chứng quyền hay cổ phiếu của chúng tôi ngày hôm nay mà làm căn cứ được", Giám đốc điều hành (CEO) của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, nói với Reuters khi được hỏi về các điều kiện đầu tư trong tương lai.
Việc niêm yết của VinFast tạo ra một cách để công ty ô tô Việt Nam, vốn đã phải vất vả trong việc giữ chân các giám đốc điều hành cấp cao, đưa ra mức thù lao dựa trên cổ phần, một triển vọng được nêu rõ trong hồ sơ của họ.
Đem đối tác vào
CEO Thủy của VinFast Thuy nói hôm 15/8 rằng VinFast sẽ chuyển sang "mô hình bán hàng lai ghép" kiểu mới để bán hàng, thu hút các nhà phân phối và đại lý cho thị trường nước ngoài.
Kể từ khi công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, VinFast đã tính đến việc chỉ sử dụng các phòng trưng bày của riêng mình, giống như Tesla.
"Mở cửa hàng của riêng chúng tôi là điều tuyệt vời nhưng mất rất nhiều thời gian", bà Thủy nói. "Hợp lực với các đối tác khác để đi nhanh hơn luôn là bản chất của chúng tôi".
Tính đến tháng 6, VinFast đã mở 122 phòng trưng bày trên toàn cầu, chủ yếu tập trung ở Bờ Tây Hoa Kỳ, công ty cho biết.
Người sáng lập là tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi tháng 5 nói rằng VinFast có thể bán 50.000 xe điện trong năm nay.
Trong 7 tháng đầu tiên, VinFast đã bán được hơn 16.000 chiếc, tính cả doanh số bán hàng tại Việt Nam. Con số trên bao gồm doanh số bán chỉ được 137 chiếc mẫu VF8 tại Hoa Kỳ, mẫu duy nhất mà hãng hiện đang bán tại thị trường Mỹ.
Nhưng Giám đốc Tài chính (CFO) Mansfield vẫn khẳng định "Những con số ước tính mà chủ tịch của chúng tôi định ra cho năm nay vẫn đang đi đúng hướng".
Vẫn theo Reuters, VinFast chỉ bán được khoảng 1/6 công suất sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng. Còn nhà máy mới đang được xây dựng ở bang North Carolina, Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025.
Công ty tư vấn AlixPartners cho hay họ ước tính các nhà sản xuất xe điện cần phải đạt doanh số 400.000 xe hàng năm để hòa vốn, bao gồm cả ở Trung Quốc, nơi hầu hết đang thua lỗ trong cuộc chiến giá cả ngày càng lớn để giành thị phần.
Ngoài ra, giá cả là một thách thức khác.
Tesla hiện tiếp tục gây áp lực cho các đối thủ khi giới thiệu một phiên bản rẻ hơn của Model S và Model X vào ngày 15/8. Tesla Model Y rẻ hơn gần 7.000 USD so với mẫu VF8 của VinFast sau khi bao gồm các khoản trợ cấp liên bang.
Bà Thủy nói VinFast tin rằng các sản phẩm của họ có giá cạnh tranh nhưng đang nỗ lực để giảm giá.
"Không có (nhà sản xuất ô tô) nào khác trên thế giới có chi phí cơ sở thấp như ở Việt Nam", bà nói. "Tất cả những điều đó đang dẫn đến việc giảm chi phí trong tương lai".
(Reuters)
****************************
Cổ phiếu VinFast tăng vọt 250% ngày đầu lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ
RFA, 15/08/2023
Cổ phiếu của VinFast (mã : VFS) tăng vọt trong phiên giao dịch hôm thứ ba cho lần đầu niêm yết bằng cửa sau trên sàn Nasdaq của Mỹ, công ty khởi nghiệp xe hơi điện của Việt Nam cho biết họ có khả năng huy động tiền từ các nhà đầu tư toàn cầu trong vòng 18 tháng.
Công ty xe hơi điện VinFast của Việt Nam lần đầu ra mắt sàn Nasdaq của Mỹ - Reuters
Cổ phiếu mở cửa ở mức 22 đô la, cao hơn gấp đôi so với mức 10 đô la/một cổ phiếu đã thỏa thuận với đối tác SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) của VinFast là Black Spade Acquisition đã định giá VinFast ở mức 23 tỷ đô la.
Nó biến động hơn nữa trong phiên, và đạt mức 37,06 đô la lúc đóng cửa thị trường hôm 15/8, định giá nhà sản xuất xe hơi điện (chưa từng có lãi), ở mức 85 tỷ đô la, nhiều hơn vốn hóa thị trường của Ford ở mức 48 tỷ đô la và giá trị thị trường chứng khoán của General Motors là 46 tỷ đô la.
Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 185 triệu đô la cổ phiếu của công ty này đã được trao đổi trong ngày.
Tuy nhiên, tờ tạp chí Barron's chuyên về tài chính/thị trường của Mỹ lưu ý rằng, các công ty có thỏa thuận tương tự với VinFast khi lên sàn chứng khoán Hoa Kỳ cũng từng tăng vọt giá trị rất nhiều, tuy nhiên sau đó lại rớt thê thảm.
Điển hình là cổ phiếu của Nikola, một nhà sản xuất xe đầu kéo điện, đã tăng gấp đôi vào ngày 8/6/2020, chỉ vài ngày sau khi vụ sáp nhập SPAC của nó kết thúc.
Cổ phiếu đạt 79,73 đô la một ngày sau đó, tuy nhiên cổ phiếu này chỉ còn ở mức 2,50 đô la sau khi đóng cửa phiên giao dịch hôm 14/8.
Các công ty xây dựng doanh nghiệp xe hơi điện khó hơn nhiều so với những gì các nhà đầu tư tưởng tượng ban đầu, cũng theo tạp chí của Mỹ.
Việc sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) đã giúp VinFast niêm yết tại thị trường mà người sáng lập Phạm Nhật Vượng hy vọng sẽ soán ngôi đầu ngành của Tesla với nhà máy trị giá 4 tỷ USD đang được xây dựng ở North Carolina và cách tiếp cận bán hàng mới.
Người giàu nhất Việt Nam, ông Vượng là chủ sở hữu hưởng lợi của 99% trong số 2,3 tỷ cổ phiếu phổ thông của VinFast sau khi sáp nhập thông qua công ty hàng đầu của ông và các chi nhánh.
Nguồn : RFA, 15/08/202
****************************
Cổ phiếu VinFast và những chuyển động trong ngày lên sàn Nasdaq
RFA, 15/08/2023
Cổ phiếu Vinfast trong ngày lên sàn chứng khoán Nasdaq 15/8 có thể cao hơn do giao dịch giới hạn trên thị trường trước khi lên sàn.
Hai chiếc xe điện của Vinfast tại triển lãm xe ô tô ở Mỹ. AP
Reuters loan tin ngày 15/8 cho biết chỉ ít giờ trước khi lên sàn, giá trị giao dịch tiền thị trường của VinFast chỉ tăng hơn gấp đôi chừng dưới 4% cổ phiếu của hãng này.
Tin cho biết một số nhà sản xuất xe điện khác cũng niêm yết cổ phiếu thông qua những giao dịch tương tự như VinFast với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) như Black Spade Acquisition.
Biện pháp sáp nhập để niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ được cả giới đầu tư và chức năng về cổ phiếu xem xét kỹ lưỡng ; đặc biệt khi mà cạnh tranh trên thị trường xe hơi điện đang nóng lên cũng như cuộc chiến giá cả xe hơi tại Trung Quốc.
Một số đối thủ của VinFast, gồm cả Nikola Corp và Lucid, từng chứng kiến tình trạng giá trị sụt giảm sau khi niêm yết thông qua SPAC. Cụ thể giá trị thị trường hiện nay của Nicola Corp là 1,4 tỷ USD so với con số gần 14 tỷ USD trước khi niêm yết ; và Lucid hiện có giá trị thị trường là 15,5 tỷ USD so với 24 tỷ USD vào năm 2021 khi tiến hành thỏa thuận SPAC.
Hiện chưa rõ trong ngày lên sàn 15/8, bao nhiêu cổ phiếu VinFast sẽ được giao dịch và với giá bao nhiêu.
Nguồn : RFA, 15/08/2023