Mỹ-Việt Nam đang đàm phán thỏa thuận mua vũ khí có thể khiến Trung Quốc khó chịu
RFA, 24/09/2023
Chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong buổi quốc yến trưa ngày 11/9. (HMH) - Reuters
Một bài viết của hãng tin Reuters đăng ngày 23/9 cho biết như trên. Trong bài viết, tác giả có dẫn nguồn từ hai người (dấu tên) biết rõ về thỏa thuận này - mà theo Reuters có thể khiến Trung Quốc khó chịu và đồng thời sẽ gạt Nga ra ngoài.
Nguồn tin của Reuters cho rằng, một gói vũ khí có thể được thực hiện trong năm tới, gồm một thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Việt Nam vào khi Việt Nam đang phải đối mặt trong căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông với Bắc Kinh.
Vẫn theo Reuters, thỏa thuận này vẫn đang ở giai đoạn đầu và các điều khoản chính xác vẫn chưa bàn bạc xong, và có thể không đạt được sự đồng thuận. Nhưng đó là chủ đề chính của các cuộc đàm phán chính thức giữa Việt-Nam và Mỹ tại Hà Nội, New York và Washington trong tháng qua.
Theo một nguồn tin khác giấu tên của Reuters, Washington đang xem xét cơ cấu các điều khoản tài chính đặc biệt cho các thiết bị đắt tiền có thể giúp Hà Nội đang thiếu tiền mặt thoát khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào vũ khí giá rẻ do Nga sản xuất.
Người phát ngôn của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.
Tuy nhiên, Reuters dẫn phát biểu từ một quan chức Mỹ (dấu tên) nói rằng : "Chúng tôi có mối quan hệ an ninh rất hữu hiệu và đầy hứa hẹn với phía Việt Nam và chúng tôi nhận thấy có chuyển động thú vị từ phía họ trong một số hệ thống của Mỹ, đặc biệt là bất kỳ thứ gì có thể giúp họ theo dõi tốt hơn lĩnh vực hàng hải của mình, có thể là máy bay vận tải và một số nền tảng khác"...
Quan chức này cũng nhấn mạnh đó một phần trong những gì Mỹ đang thực hiện để cố gắng cung cấp các lựa chọn tài chính tốt hơn cho Việt Nam để cung cấp cho Việt Nam những thứ có thể thực sự hữu ích cho họ.
Một thỏa thuận vũ khí lớn giữa Mỹ và Việt Nam có thể khiến Trung Quốc, nước vốn đang cảnh giác với những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Bắc Kinh, khó chịu. Theo Reuters.
Chính quyền Biden cho biết họ đang cố gắng cân bằng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, bao gồm cả ở Thái Bình Dương, và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ giữa hai siêu cường quốc.
Hôm 10/9, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên vị thế ngoại giao cao nhất là "đối tác chiến lược toàn diện" cùng với Trung Quốc và Nga, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam.
Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vũ khí và Washington lạc quan rằng về lâu dài, Chính phủ Việt Nam có thể chuyển một phần ngân sách đó sang vũ khí từ Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc và Ấn Độ.
Chi phí vũ khí của Mỹ cũng như việc huấn luyện sử dụng thiết bị là một trở ngại lớn với Việt Nam. Và, đó cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam mua ít hơn 400 triệu USD vũ khí của Mỹ trong thập kỷ qua. Reuters cho biết,
Bài viết trên Reuters cũng phân tích rằng, trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã làm phức tạp thêm mối quan hệ lâu đời của Hà Nội với Moscow, khiến việc tiếp cận vật tư và phụ tùng cho vũ khí do Nga sản xuất trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với Moscow về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới có thể gây ra các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nguồn : RFA, 24/09/2023
***************************
Mỹ đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận mua bán vũ khí
Thanh Hà, RFI, 23/09/2023
Hãng tin Anh Reuters ngày 23/09/2023 trích dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận mua bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước cựu thù. Thỏa thuận có thể được đúc kết vào năm tới. Washington không loại trừ khả năng cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Hà Nội. Thỏa thuận này chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc và giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí của Nga.
Các chiến đấu cơ F-16 của quân đội Mỹ biểu diễn tại California. Ảnh tư liệu chụp ngày 19/03/2015. Reuters/Mario Anzuoni/File Photo
Reuters cho biết thêm đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện chỉ mới ở "giai đoạn đầu" và kế hoạch cũng có thể bất thành, nhưng đây là một trong những điểm chính trong các cuộc trao đổi giữa đại diện của hai nước đã diễn ra từ cả tháng nay tại Hà Nội, Washington và New York. Một quan chức Mỹ, được Reuters trích dẫn giải thích thêm là kế hoạch này có thể bao gồm luôn cả hợp đồng bán chiến đấu cơ F-16 của Mỹ cho Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng tại Biển Đông. Một nguồn tin thứ nhì cho Reuters biết là Washington đang tìm phương án hỗ trợ tài chính, để lôi kéo Việt Nam về phía mình, xa rời nhà cung cấp truyền thống là Nga.
Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc và là một khách hàng mua vũ khí của Nga.
Nhà Trắng cũng như bộ Ngoại Giao Việt Nam đều đã từ chối bình luận về tin trên. Tuy nhiên, theo lời một quan chức Mỹ, "quan hệ về an ninh giữa Hoa Kỳ với Việt Nam rất hiệu quả và đầy hứa hẹn". Chính quyền Biden muốn cung cấp cho Việt Nam một số công cụ để "tăng cường khả năng giám sát trên biển, cũng có thể là máy bay vận tải".
Trong chuyến công du Việt Nam hai ngày 10 và 11/09/2023, tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng chính thức nâng quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện, tức là mức cao nhất. Từ năm 2016, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, tuy nhiên Nga vẫn là nguồn cung cấp đến 80 % trang thiết bị quân sự cho Hà Nội. Reuters nhắc lại, mỗi năm Việt Nam mua khoảng 2 tỷ đô la vũ khí của nước ngoài.
Thanh Hà
*************************
Mỹ và Việt Nam đang đàm phán bước đầu về thỏa thuận mua vũ khí
Reuters, VOA, 24/09/2023
Chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước từng là đối thủ thời Chiến tranh Lạnh, Reuters đưa tin, dẫn nguồn là hai người biết về thỏa thuận này.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ thống trị bảng xếp hạng với 37% lượng vũ khí được xuất khẩu trên toàn thế giới. Raytheon
Một gói vũ khí, có thể được chung quyết vào năm sau, bao gồm một thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Việt Nam khi nước này đối mặt với căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông có tranh chấp, một nguồn tin nói với Reuters.
Thỏa thuận này vẫn đang ở giai đoạn đầu, với các điều khoản chính xác vẫn chưa bàn bạc xong, và có thể không đạt được sự đồng thuận. Nhưng đó là chủ đề chính của các cuộc đàm phán chính thức giữa Việt-Nam và Mỹ tại Hà Nội, New York và Washington trong tháng qua.
Washington đang xem xét cơ cấu các điều khoản cho vay đặc biệt đối với các thiết bị đắt tiền có thể giúp Hà Nội thoát khỏi sự lệ thuộc truyền thống vào vũ khí giá rẻ do Nga sản xuất, theo một nguồn tin khác giấu tên.
Người phát ngôn của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.
"Chúng tôi có mối quan hệ an ninh rất hữu hiệu và đầy hứa hẹn với phía Việt Nam và chúng tôi nhận thấy có chuyển động thú vị từ phía họ trong một số hệ thống của Mỹ, đặc biệt là bất kỳ thứ gì có thể giúp họ theo dõi tốt hơn lĩnh vực hàng hải của mình, có thể là máy bay vận tải và một số nền tảng khác," một quan chức Mỹ nói.
Một thỏa thuận vũ khí lớn giữa Mỹ và Việt Nam có thể khiến Trung Quốc, nước láng giềng lớn hơn của Việt Nam, vốn đang cảnh giác với những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Bắc Kinh, theo Reuters. Tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nóng lên ở Biển Đông, theo các nhà quan sát, là lý do tại sao Việt Nam đang tìm cách xây dựng hệ thống phòng thủ trên biển.
Chính quyền Biden cho biết họ đang cố gắng cân bằng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, bao gồm cả ở Thái Bình Dương, và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ giữa hai siêu cường quốc.
Đầu tháng này, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên vị thế ngoại giao cao nhất của Hà Nội - đối tác chiến lược toàn diện - cùng với Trung Quốc và Nga, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm nước này.
Bước ngoặt ngoại giao này đánh dấu một bước chuyển hướng rõ ràng gần nửa thế kỉ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ vào năm 2016, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Việt Nam chỉ giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện, trong khi Nga cung cấp khoảng 80% kho vũ khí của nước này.
Việt Nam chi khoảng 2 tỉ đôla mỗi năm để nhập khẩu vũ khí và Washington lạc quan rằng về lâu dài, họ có thể chuyển một phần ngân sách đó sang vũ khí từ Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc và Ấn Độ.
Chi phí vũ khí của Mỹ là một trở ngại lớn, cũng như việc huấn luyện sử dụng thiết bị, và là một trong những lý do khiến nước này mua ít hơn 400 triệu đôla vũ khí của Mỹ trong thập niên qua.
Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã làm phức tạp thêm mối quan hệ lâu đời của Hà Nội với Moscow, khiến cho việc mua vật tư và phụ tùng cho vũ khí do Nga sản xuất trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với Moscow về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới mà có thể kích hoạt các chế tài của Mỹ, Reuters đưa tin
Reuters