Hà Nội muốn thành lập các hội đoàn phủ kín cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Chính phủ Việt Nam mong muốn thành lập các hội, đoàn của người việt tại 100% các địa bàn có cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục đích nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Người Việt ở Mỹ diễu hành với cờ của Việt Nam Cộng Hòa và cờ Mỹ tại Washington hôm 26/5/2013 - AFP
Đây là nội dung của một quyết định mới được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký vào ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Truyền thông Nhà nước trích dẫn quyết định này cho thấy Chính phủ Việt Nam xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mục tiêu được đặt ra trong đề án này là tạo môi trường, cơ chế trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước. Xây dựng hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo…
Đề án cũng nhìn nhận tầm quan trọng của nguồn tiền người Việt ở nước ngoài gửi về nước. Điều này thể hiện trong mục tiêu đặt ra là "duy trì đà tăng trưởng của kiều hối ; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của người Việt Nam ở nước ngoài".
Liên quan đến việc kết nới với người Việt Nam ở nước ngoài, đề án mới đặt ra mục tiêu là củng cố mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới. Hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành lập được các hội, đoàn.
Theo thống kê của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tính đến cuối năm 2022, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.
Về mặt kinh tế, tính đến cuối năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào.
Kiều hối cũng được coi là nguồn thu quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm từ 10-12 tỷ USD.
Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2003 đã có Nghị quyết 23 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, và Nghị quyết 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài, nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Kiều mà họ thường gọi là "khúc ruột ngàn dặm".
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến của các Việt Kiều ở các nước phát triển cho rằng Đảng và Chính phủ Việt Nam chưa thực tâm muốn đoàn kết với người Việt ở nước ngoài bằng nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, và vẫn còn cái nhìn thù địch với những người khác chính kiến.
RFA, 11/11/2013