Vụ Trương Mỹ Lan ‘lớn chưa từng thấy’, hậu quả ‘rất nghiêm trọng’
VOA, 29/11/2023
Vụ án bà Trương Mỹ Lan thao túng, rút ruột ngân hàng SCB có quy mô ‘từ trước đến nay chưa từng thấy’ trong lịch sử cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam và để lại hậu quả kinh tế-xã hội vô cùng to lớn, các nhà quan sát từ trong nước nhận định với VOA.
Chủ tịch Tập đoàn Cạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị công an bắt ngày 7/10/2022
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị truy tố hàng loạt tội danh bao gồm ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô tài sản’ và ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến việc phát hành trái phiếu ‘rác’ cho dân. Tất cả những tội danh này đều xảy ra tại hay liên quan đến ngân hàng SCB.
Những con số ‘khủng’
Kết luận điều tra của Bộ Công an được công bố hôm 17/11 cáo buộc bà Lan đã biến ngân hàng SCB thành sân sau để bà bòn rút tiền cho bản thân cũng như cho hoạt động kinh doanh của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Có đến 93% số tiền mà SCB huy động được là để cho bà Lan và tập đoàn của bà vay.
Cụ thể, trong khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày 1/1/2012, tức là từ khi SCB đi vào hoạt động, đến ngày 7/10/2022, tức là ngày bà Lan bị bắt, SCB đã cho hệ sinh thái của bà Lan vay 2.500 lần với tổng số tiền là gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la. Số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’, theo cơ quan điều tra.
Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tiền lời là gần 130.000 tỉ đồng, cộng với 64.000 tỉ đồng thiệt hại được xác định của việc vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Tổng cộng, số tiền SCB bị thiệt hại do bà Lan là gần 500.000 tỷ đồng, tương đương gần 21 tỷ đô la.
Nếu chỉ tính riêng số tiền mà bà Lan đã chiếm đoạt của SCB là trên 304.000 tỷ đồng, quy ra đô la là khoảng 12,5 tỷ, thì con số này đã tương đương với hơn 3% GDP của Việt Nam vào năm 2022 (409 tỷ đô la), bằng 2,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng cho bất động sản.
Số tiền này lớn gấp ba lần tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam hiện nay, lớn hơn tài sản của tất cả 5 tỷ phú đô la của Việt Nam cộng lại, và gấp 1,75 lần giá trị vốn hóa của tập đoàn Vingroup của ông Vượng (hơn 173.000 tỷ đồng).
Để so sánh, cao ốc Landmark 81, tòa nhà cao nhất và đắt nhất Việt Nam, tiêu tốn 300 triệu đô la. Số tiền 12,5 tỷ đô la mà bà Lan đã chiếm đoạt đủ để xây 42 cao ốc chọc trời như vậy. Số tiền trên 304.000 tỷ đồng cũng đủ để xây gần 61 cây cầu dây văng hoành tráng như cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền đang được xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hàng triệu công nhân trong cả nước không có tiền mua nhà, dù là nhà ở xã hội theo mức giá của Nhà nước, giả sử một căn nhà xã hội có diện tích 50 mét vuông với giá 20 triệu đồng mỗi mét vuông thì số tiền bà Lan đã chiếm đoạt đủ để mua nhà cho 304.000 công nhân.
Đó chỉ là mới tính số tiền thiệt hại ở mức nhỏ nhất là 12,5 tỷ đô la, chưa tính tiền lời và tiền thiệt hại do vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, cũng như chưa tính số dư nợ mà hệ sinh thái của bà Lan không còn khả năng thanh toán cho SCB là 28 tỷ đô la.
Vụ án của bà Lan cũng có số tiền hối lộ cho một cá nhân được biết lớn nhất trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, với cáo buộc bà Lan đã hối lộ 5,2 triệu đô la cho bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra do Ngân hàng Nhà nước cử tới thanh tra ngân hàng SCB. Khoản hối lội đó là để bà Nhàn bao che cho những vi phạm tại SCB.
‘Căm giận bọn hút máu dân’
Trao đổi với VOA, luật sư Trần Quốc Thuận, vốn từng là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ lòng ‘căm giận, căm thù’ đối với bà Lan và đồng bọn của bà trong vụ án này mà ông mô tả là ‘bọn hút máu dân’.
Theo quan sát của ông, người dân và cán bộ khi nghe thông tin về vụ án ‘đều có cảm giác rất bàng hoàng’, nhưng do ‘đã chai lì’ trước những vụ việc tham nhũng lớn nên ‘nghe rồi tặc lưỡi vậy thôi’.
"Đây là vụ án chưa từng thấy, lớn nhất kể từ khi có Đảng cộng sản cầm quyền", ông Thuận cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết đến là blogger Ba Sàm, nhận định với VOA rằng hậu quả kinh tế trong vụ án của bà Trương Mỹ Lan là ‘rất khủng khiếp’.
Ông nhắc lại các vụ án kinh tế chấn động ở Việt Nam ở thế kỷ trước như vụ Nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, vụ Epco Minh Phụng cũng có số nạn nhân bị lừa đảo ‘đông khủng khiếp’ nhưng về quy mô thiệt hại thì ‘không thể so được với vụ án bà Trương Mỹ Lan’.
‘Tầm mức khuynh loát của vụ việc trong hệ thống ngân hàng và cả trong chính quyền rất là ghê gớm", ông nhận định.
Blogger này cho rằng hai vấn đề quan ngại hiện nay là tác động của vụ việc đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam – phải làm sao tránh sụp đổ dây chuyền – và bồi thường cho các nạn nhân của SCB như thế nào.
Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền Việt Nam ‘vẫn có thể giải quyết được hậu quả ở SCB’. Kể từ khi bà Lan bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, ngân hàng này đã bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt và hiện tại mọi hoạt động vay, gửi tiền ở ngân hàng này vẫn diễn ra bình thường.
Sẽ khắc phục được bao nhiêu ?
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng đây là vụ án ‘vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.
"Cái mà có lẽ đau lòng nhất là ngoài kia có hàng chục nghìn nạn nhân là những nhà đầu tư vào các trái phiếu của Vạn Thịnh Phát", ông Hiếu nói.
Các công ty con trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã có hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu thông qua ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền lên đến 2,4 tỷ đô la của hơn 40.000 nạn nhân, đa số là dân lao động và tầng lớp trung lưu, trên khắp cả nước. Vụ án này đang được công an tách ra để điều tra riêng.
Ông Hiếu bày tỏ băn khoăn ‘không biết chừng nào các nạn nhân trái phiếu mới nhận lại được tiền’ vì ‘với mức độ nghiêm trọng như thế thì việc điều tra các tài sản liên quan cũng sẽ mất đến vài năm’.
Chẳng hạn việc xử lý các tài sản đã bị thu hồi của bà Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ gặp những vướng mắc như là ‘đứng tên chủ quyền của ai’ và ‘tính cách pháp lý như thế nào’, ông chỉ ra.
Còn đối với những người gửi tiền vào SCB, chuyên gia này cho rằng ‘không đáng lo’ vì số tiền của họ ‘được công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia đảm bảo’.
"Trong trường hợp SCB phá sản thì những người gửi tiền tại SCB sẽ được bảo hiểm tới mức mà pháp luật quy định", ông giải thích. "Còn những ai gửi nhiều hơn mức đó thì phải đợi cho đến khi tất cả tài sản của SCB được thanh lý thì mới được bồi thường tiếp".
Trả lời câu hỏi liệu vụ việc ở SCB có tác động dây chuyền đến hệ thống ngân hàng Việt Nam hay không, vị chuyên gia này cho rằng ‘có thể có’ vì ‘trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng dù có tài sản riêng biệt nhưng lại vay mượn lẫn nhau’.
"Nó có thể tạo ra sự bất an cho khách hàng của các ngân hàng khác. Trường hợp SCB có thể Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm cách cô lập nó để tác động không có tính chất lan toả", ông nói.
Theo quan sát của VOA, bên cạnh việc bày tỏ sự phẫn nộ, nhiều người dân và một số cơ quan báo chí Việt Nam như Tạp chí điện tử Pháp Lý và Tạp chí Giáo dục Việt Nam còn chỉ trích, chất vấn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng như mức độ chặt chẽ của các quy định pháp luật.
Họ cho rằng các sai phạm, sự ‘buông lỏng quản lý’ không chỉ dừng lại ở bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước, vì vậy, nhà chức trách cần điều tra kỹ lưỡng thêm nữa để làm rõ còn có những quan chức nào liên quan, đồng thời để bịt lại các ‘kẽ hở’, ‘lỗ hổng’ nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.
Nguồn : VOA, 29/11/2023
**********************
Vạn Thịnh Phát : Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị cho là 'rút của SCB' hơn 1 triệu tỷ VND mà bị xử lý 304.096 tỷ ?
BBC, 28/01/2023
Trong vòng 10 năm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, cùng đồng phạm được cho là rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), trong đó bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.
Vì sao có sự khác biệt đó ? Ở bài viết này, BBC sẽ giải thích những con số trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Các số liệu trong bài là từ kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an Việt Nam. BBC không có điều kiện kiểm chứng các con số này.
Con số 1 triệu tỷ đồng là gì ?
Là tổng số tiền mà bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo cho các cá nhân, tổ chức thực hiện vay từ ngân hàng SCB, qua 2.527 khoản vay, từ ngày 01/01/2012 đến 07/10/2022, theo kết luận điều tra của cơ quan công an.
Nhưng đến ngày 17/10/2022, nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ là 677.286 tỷ đồng (27,87 tỷ USD), gồm 483.971 nợ gốc và 193.315 nợ lãi. Đây là số tiền được xác định là không thể thu hồi.
Con số 677.286 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn.
- Từ năm 2012-2017 là 132.247 tỷ (68.305 tỷ nợ gốc và 63.942 tỷ lãi)
- Từ năm 2018-2022 là 545.039 tỷ (415.666 tỷ nợ gốc và 129.373 tỷ lãi)
Vì sao chia làm hai giai đoạn ?
Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 mở rộng nội hàm khái niệm để xử lý hành vi tham nhũng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, tức khu vực tư nhân
"Tham ô tài sản" là một tội danh thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng.
Như vậy, từ 2012-2017, tuy đã có luật hình sự về tham ô tài sản nhưng chưa mở rộng áp dụng cho tổ chức, cơ quan ngoài nhà nước nên tội tham ô không áp dụng lên bà Trương Mỹ Lan. Các sai phạm của bà Lan và đồng phạm trong giai đoạn này được quy vào tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Còn sai phạm của bà Lan từ 2018-2022, với Bộ luật Hình sự đã đi vào hiệu lực năm 2018, có quy định xử lý tội "Tham ô tài sản" trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì bà Lan bị đề nghị tội này.
Biểu đồ giải thích hai giai đoạn gắn với hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan
304.096 tỷ đồng là gì ?
Đây là con số mà Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an kết luận bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của SCB trong giai đoạn 2018-2022. Con số này được Cảnh sát điều tra quy vào tội "Tham ô tài sản", quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Con số này được tính bằng cách lấy tổng số nợ gốc là 415.666 tỷ mà bà Mỹ Lan và đồng phạm được cho là đã rút từ SCB từ 2018-2022 qua việc lập khống 916 hồ sơ vay, trừ đi giá trị tài sản đảm bảo có tính pháp lý là 111.570 tỷ đồng, ra con số 304.096 tỷ đồng. Đây là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt, gắn với tội danh "Tham ô tài sản".
Bên cạnh số tiền trên, lãi phát sinh từ nợ gốc lên tới 129.373 tỷ đồng. Như vậy, tổng thiệt hại bà Lan và đồng phạm gây ra được công an xác định là hơn 433.469 tỷ đồng.
Hình phạt cao nhất của tội Tham ô tài sản ?
Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp, tội "Tham ô tài sản" có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.
"Tuy nhiên, trong quá trình lượng hình, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể được hưởng mức án thấp hơn", luật sư Sơn nhận định.
Theo cơ quan điều tra, giúp sức cho bà Lan trong hành vi "Tham ô tài sản" là hàng loạt nhân sự cấp cao của SCB như các nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB - ông Đinh Văn Thành, và ông Bùi Anh Dũng. Hàng loạt những người khác giữ chức vụ cao đều được xem là "tay chân" của bà Trương Mỹ Lan và cũng chịu chung tội danh "Tham ô tài sản".
Trong số những nhân vật này có bà Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Trương Mỹ Lan), là Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn VTP và được cho là người trực tiếp sử dụng số tiền mà VTP rút khỏi SCB, bằng việc dựng lên nhóm 52 công ty "ma" để tạo các khoản vay khống. Ông Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt, cũng góp phần lập các hồ sơ vay khống để rút ruột SCB.
Ông Hồ Bửu Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VTP, được cho là "kiến trúc sư" tham mưu cho bà Lan để bày binh bố trận các khoản vay khống.
Bà Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, giữ vai trò chỉ đạo cho nhóm nhân viên của Tập đoàn VTP lập ra các pháp nhân "ma" và là người điều hành việc sử dụng dòng tiền sau khi giải ngân theo chỉ đạo của bà Lan.
Ông Bửu Phương và bà Huệ Vân là những người bị bắt cùng lúc với bà Mỹ Lan vào tháng 10/2022.
64.621 tỷ đồng là gì ?
Đây là con số mà bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại trong giai đoạn từ năm 01/01/2012 - 31/12/2017.
Những vi phạm của bà Lan và đồng phạm trong giai đoạn này được cơ quan điều tra liệt vào tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng"... quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Khung hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù giam.
Trong giai đoạn này, bà Lan đã chỉ đạo hợp thức 3.680 hồ sơ vay vốn để SCB giải ngân cho 304 khách hàng thuộc nhóm bà Lan qua 204 mã tài sản.
Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ này còn hơn 132.247 tỷ đồng, gồm 68.306 tỷ đồng nợ gốc và 63.942 tỷ đồng nợ lãi, được xếp vào nhóm không có khả năng thu hồi.
Trên 204 mã tài sản đảm bảo, theo đánh giá của Ngân hàng SCB, chỉ có 96 mã tài sản có đủ pháp lý trích lập dự phòng rủi ro.
Vì vậy, sau khi trừ đi các tài sản đủ điều kiện và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm trị giá 67.626 tỷ từ 204 mã tài sản nói trên, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại 64.621 tỷ đồng.
Nguồn : BBC, 28/11/2023