Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Việt Nam ‘coi trọng cao độ’ và ‘ưu tiên hàng đầu’ quan hệ Việt – Trung
VOA, 01/12/2023
Lãnh đạo Đảng cộng sản cầm quyền Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vào chiều 1/12 khẳng định Việt Nam coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, ủng hộ một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội ngày 1/12/2023.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa đến Hà Nội hôm 1/12 trong chuyến thăm hai ngày để đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, vốn là một diễn đàn truyền thống để hai nước thảo luận về hợp tác thương mại và kinh tế.
Chuyến đi của ông Vương được thực hiện theo lời mời của Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói hôm 30/11.
Chuyến đi diễn ra vào thời điểm mà một số nguồn tin nói nói với hãng thông tấn Reuters rằng hai quốc gia láng giềng đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra trong tháng này.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, quốc gia vừa nâng cấp mối quan hệ với Washington lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua. Việc nâng cấp này đã đưa Mỹ, là cựu thù của Hà Nội, lên ngang hàng với Bắc Kinh và Moscow.
Trong quá trình trước và sau khi nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất với Washington, Hà Nội được cho là đã không quên thực hiện các động thái xoa dịu Bắc Kinh, với các chuyến thăm cấp cao diễn ra thường xuyên. Trong đó, ba trong số "tứ trụ" lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền Việt Nam đã lần lượt thăm chính thức Trung Quốc, mở màn là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, kế đó là các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong năm 2023 và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhận được lời mời "sớm thăm Trung Quốc" gần đây.
Tại buổi tiếp ông Vương Nghị hôm 1/12, ông Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ sự trân trọng những giúp đỡ của Trung Quốc "đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước của Việt Nam", VnExpress đưa tin.
Trước đó trong ngày 1/12, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khi đồng chủ trì phiên họp với Bộ trưởng Vương Nghị đã đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện để nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông, thủy sản của Việt Nam.
Khi bàn về các vấn đề trên biển, hai bên được cho là đã "trao đổi ý kiến thẳng thắn". Trong đó, ông Trần Lưu Quang đề nghị hai bên cần kiểm soát và xử lý thỏa đáng những bất đồng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đề nghị Trung Quốc cùng với ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết thêm.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn lớn thứ 4 trên thế giới của Trung Quốc và lớn nhất trong khối ASEAN.
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 5,5% lên 175,5 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó các chuyến hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm 67%, theo Bộ Công thương Việt Nam.
Nguồn : VOA, 01/12/2023
**************************
Trung Quốc, Việt Nam tính kết nối đường sắt xuyên qua trung tâm đất hiếm
Reuters, VOA, 01/12/2023
Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp đáng kể các tuyến đường sắt còn kém phát triển để tăng cường tuyến đường đi qua trung tâm đất hiếm và đến cảng biển hàng đầu ở miền bắc của Việt Nam, Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao cho biết hôm 1/12.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, Hà Nội, ngày 1/12/2023.
Các quan chức và các nhà ngoại giao cho biết rằng cuộc đàm phán này là một phần trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội trong vài tuần tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này sẽ khẳng định thêm vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, tranh giành ảnh hưởng chuỗi cung ứng này.
Các nhà ngoại giao cho biết rằng mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn và kết nối đường sắt dự kiến sẽ được thảo luận vào ngày 1/12 khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang tại Hà Nội.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam trong một tuyên bố đưa ra vào tháng trước, sau khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào có chuyến thăm hiếm hoi tới Việt Nam.
Từ trước đến nay các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng với nước láng giềng phía Nam.
Việt Nam có đường sắt kết nối với Trung Quốc nhưng hệ thống này cũ kỹ và năng lực vận chuyển từ phía Việt Nam còn hạn chế. Hai hệ thống này hiện không thể tương tác với nhau, nghĩa là các chuyến tàu phải dừng ở biên giới để hành khách và hàng hóa được chuyển sang dịch vụ nội địa.
Tuyến đường sắt được nâng cấp sẽ đi qua khu vực Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, mà Trung Quốc cho đến nay là nhà tinh chế đất hiếm lớn nhất thế giới.
Việt Nam đang cố gắng xây dựng ngành đất hiếm của riêng mình. Nhưng điều này có thể thách thức sự thống trị của Trung Quốc, và dường như sự đấu đá nội bộ đã phủ bóng đen lên những nỗ lực này.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, các chuyên gia ngành đất hiếm Trung Quốc và Việt Nam hồi tuần trước đã thảo luận vào về việc hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc chế biến đất hiếm.
Không rõ Trung Quốc sẽ đóng góp bao nhiêu cho việc nâng cấp tuyến đường sắt ở Việt Nam và liệu Hà Nội có chấp nhận khoản tài trợ lớn từ Bắc Kinh cho việc này hay không.
Một nhà ngoại giao cho biết rằng tuyến đường này có thể được coi là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hàng đầu của Trung Quốc nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, nhưng không rõ liệu nó có được gắn nhãn là dự án BRI hay không.
Tuyến đường sắt được tăng cường cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy du lịch Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam và hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của hai nước, điều mà các chuyên gia coi là sự cộng sinh, với các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu lắp ráp linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và từ đầu năm đến nay cũng là nhà đầu tư chính, bao gồm cả đầu tư từ Hong Kong, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển một số hoạt động sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Bất chấp các mối liên kết kinh tế đang bùng nổ, hai quốc gia cộng sản vẫn bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài nhiều năm ở Biển Đông và từng xảy ra một cuộc chiến ngắn vào năm 1979, cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc.
Reuters
Nguồn : VOA, 01/12/2023
****************************
Bắc Kinh và Hà Nội xem xét nâng cấp tuyến đường sắt xuyên qua vùng giàu đất hiếm của Việt Nam
Trọng Nghĩa, RFI, 01/12/2023
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hà Nội vào hôm nay 01/12/2023 để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 15 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung. Theo hãng tin Anh Reuters, một nội dung được bàn thảo là nâng cấp một tuyến đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam, đi ngang qua vùng giầu đất hiếm ở miền bắc Việt Nam.
Các nguồn tin từ giới quan chức cao cấp của Việt Nam và các nhà ngoại giao cho biết là Trung Quốc và Việt Nam đang bàn thảo vấn đề nâng cấp đáng kể tuyến đường sắt còn kém phát triển nối liền hai nước, đi xuyên qua khu trung tâm đất hiếm của Việt Nam và đến Hải Phòng, cảng lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam. Ảnh minh họa VOA Express tiếng Việt
Theo các nhà ngoại giao, kế hoạch nâng cấp đường sắt cùng với việc tăng cường quan hệ thương mại song phương dường như được thảo luận vào hôm nay nhân cuộc tiếp xúc giữa ngoại trưởng Trung Quốc với phó thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang tại Hà Nội.
Vào tháng trước, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã kêu gọi nâng cấp tuyến đường sắt nối liền thành phố Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam, sau khi bộ trưởng Thương mại Trung Quốc có chuyến thăm hiếm hoi tới Việt Nam.
Việt Nam đã có đường sắt kết nối với Trung Quốc, nhưng hệ thống này rất cũ kỹ nên khả năng vận chuyển từ phía Việt Nam còn hạn chế. Hai hệ thống này lại không thể kết nối với nhau, khiến cho các đoàn tàu phải dừng ở biên giới và hành khách cũng như hàng hóa phải chuyển qua sử dụng phương tiện của nước sở tại.
Theo Reuters, một khi được năng cấp, tuyến đường sắt sẽ đi qua khu vực Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, trong bối cảnh Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới trong lãnh vực tinh lọc đất hiếm.
Việt Nam đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp của riêng mình, có thể thách thức sự thống trị của Trung Quốc, nhưng theo Reuters, dường như đấu đá nội bộ ở Việt Nam đã phủ bóng đen lên những nỗ lực đó.
Các quan chức và nhà ngoại giao cho biết các cuộc hội đàm tại Hà Nội của ngoại trưởng Vương Nghị nằm trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội trong vài tuần tới của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một sự kiện sẽ khẳng định thêm vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu với các cường quốc, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang cố tranh giành ảnh hưởng.
Trọng Nghĩa
******************************
Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam bất đồng với hai bộ khác về đề án đường sắt tốc độ cao
An Tôn, VOA, 30/11/2023
Bộ Kế hoạch và đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra đánh giá "không khả thi" đối với cả 3 phương án xây đường sắt tốc độ cao do Bộ Giao thông và vận tải đề xuất, trong đó 1 phương án được Bộ Xây dựng ủng hộ, theo tin của các báo Việt Nam hôm 30/11.
Tàu tốc độ cao Shinkansen của Nhật. Chưa rõ Việt Nam sẽ chọn công nghệ của nước nào.
Cách đây 2 ngày, theo tin của Thanh Niên và một số báo khác, Bộ Giao thông và vận tải trình chính phủ đề án xây đường sắt tốc độ cao, trong đó nêu ra 3 sự lựa chọn.
Phương án số 1 đề nghị chi hơn 67 tỷ đô la xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, chỉ để chạy tàu chở khách. Tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện tại sẽ được nâng cấp để chở hàng.
Tiếp đến là ý tưởng xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc-Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, phục vụ cả tàu chở khách lẫn tàu chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, tốc độ tối đa để chạy tàu hàng là 120 km/h. Nếu chọn kịch bản này sẽ cần số vốn đầu tư khoảng 72 tỷ đô la.
Cuối cùng là phương án 3, cần đến xấp xỉ 69 tỷ đô la để xây tuyến đường sắt Bắc-Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, chủ yếu để tàu chở khách chạy và dự phòng cho tàu chở hàng khi có nhu cầu. Trong trường hợp đầu tư luôn để khai thác tàu hàng chạy Bắc-Nam, vốn đầu tư cho phương án sẽ là gần 72 tỷ đô la.
Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính và một số báo khác cho hay phương án 3 đã nhận được sự tán đồng từ Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, các bản tin hôm 30/11 trên VnExpress, VTC News và các trang tin khác nói rằng Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra đánh giá "không khả thi" khi góp ý chính thức về đề án của Bộ Giao thông và vận tải.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng phương án 1 không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ và Bộ Chính trị thuộc Đảng cộng sản, phương án 2 không đúng với kiến nghị của Hội đồng Thẩm định nhà nước, còn phương án 3 vừa không đáp ứng được yêu cầu vừa bất hợp lý về số tiền đầu tư.
Vẫn bộ này bình luận thêm rằng "Liên hệ thực tiễn với kinh nghiệm quốc tế thì hiện nay trên thế giới chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có tốc độ thiết kế 350 km/h có thể vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hóa", theo trích dẫn trên VTC News và một số trang tin.
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư có sự cộng hưởng với quan điểm của một loạt các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về đường sắt, theo quan sát của VOA.
Họ - cũng là thành viên của các hội khoa học kỹ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - đã nêu ý kiến bằng văn bản gửi tới Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tức VnEconomy.
Văn bản có đoạn : "Thế giới có đường sắt tốc độ cao chuyên dùng cho chở khách, tốc độ đạt tới 350 km/h với tải trọng trục 17 tấn nhưng không ở đâu trên thế giới có đường sắt tốc độ cao khai thác hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng với tải trọng trục 22,5 tấn mà tốc độ các đoàn tàu khách lại trên 300 km/h. Lý do là bởi không đảm bảo được năng lực thông qua và an toàn chạy tàu".
Các nhà khoa học và chuyên gia này tiếp đó lên tiếng cảnh báo : "Vì vậy, nếu chủ trương thực thi theo kịch bản 350 km/h, chạy tàu hỗn hợp nêu trên sẽ là một cuộc thử nghiệm hết sức tốn kém, đầy rủi ro và nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế của đất nước".
An Tôn
Nguồn : VOA, 30/11/2023