Tín đồ Phật giáo Hòa hảo Nguyễn Hoàng Nam bị tuyên 8 năm tù vì cáo buộc "dùng Facebook để chống Nhà nước"
RFA, 11/12/2023
Tòa án tỉnh An Giang kết án tám năm tù giam đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (Phật giáo Hòa hảo) Nguyễn Hoàng Nam trong phiên tòa chỉ hai giờ đồng hồ và không có luật sư.
Ông Nguyễn Hoàng Nam tại phiên tòa - Tiền Phong
Ngày 11/12, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Hoàng Nam với cáo buộc "'Phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Bà Lâm Thị Yến Trinh, vợ ông Nguyễn Hoàng Nam thuật lại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều cùng ngày :
"Hôm nay chỉ có tôi và chồng tôi trong phòng xử. Các nhân chứng không có mặt. Nó (tòa án- PV) có đưa giấy nhưng người ta không đi vì từ đây xuống đấy tốn mấy trăm ngàn tiền xe, người ta không có khả năng nên người ta không có khả năng đi".
Bà cho biết gia đình bà đã ký hợp đồng thuê luật sư ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng luật sư không thể đến gặp thân chủ để chuẩn bị bào chữa cũng như không đến phiên tòa vì luật sư trưởng của văn phòng không cho phép đi. Bà không biết tên văn phòng luật sư này và cũng từ chối tiết lộ danh tính vị luật sư kia.
Bà cho biết, chồng bà không nhận tội và không đồng ý với mức án mà tòa đã tuyên và tuyên bố sẽ kháng cáo.
Trích dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh An Giang, báo chí nhà nước đưa tin từ tháng 7/2021, ông Nguyễn Hoàng Nam bắt đầu sử dụng 4 tài khoản Facebook : "Hoang Nam Nguyen", "Nam Nguyễn Hoàng", "Nam Nguyen Hoang", và "Trinh Yến" để thực hiện các hành vi chia sẻ, phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh, video clip bị cho là "có nội dung chống phá Đảng và Nhà nước".
Ông còn bị cho là nhiều lần livestream trên tài khoản Facebook cá nhân để châm biếm, xúc phạm chính quyền địa phương ; thường xuyên quay phim, chụp hình cán bộ, chính quyền địa phương đi ngang nhà, với mục đích đăng lên các trang mạng xã hội để xúc phạm, lăng mạ.
Theo lời bà Trinh, trong phiên tòa, chồng bà phản bác các cáo buộc, nói rằng chỉ chụp hình những người hay lăng mạ và trêu chọc ông rồi đưa lên Facebook.
Bình luận về phiên tòa, ông Phil Robertson- Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 11/12 :
"Ý tưởng vô lý của Chính phủ Việt Nam về thế nào là "tội" được thể hiện rõ ràng qua bản án 8 năm tù quá đáng dành cho Nguyễn Hoàng Nam chỉ vì anh ta đăng những quan điểm mà Chính phủ không thích trên Facebook.
Nhốt người trong nhiều năm vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa là điều mà các chế độ độc tài nhỏ mọn làm, và cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thiếu sót một cách thảm hại như thế nào trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền".
Đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Hoàng Nam ngay lập tức và "phải chấm dứt chiến dịch sách nhiễu những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không chịu chịu sự kiểm soát khắt khe của nhà nước".
Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn :
"Bản án 8 năm tù dành cho nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Hoàng Nam về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ là quá đáng. Nó nêu bật sự trừng phạt nghiêm khắc mà các nhà hoạt động ở Việt Nam phải đối mặt và những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền nhằm bịt miệng những cá nhân có quan điểm chỉ trích hoặc bất đồng chính kiến.
Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền Việt Nam phải chấm dứt việc sử dụng một cách có hệ thống các luật hạn chế mơ hồ như Điều 117 của Bộ luật Hình sự để bắt và bỏ tù những nhà hoạt động như Nguyễn Hoàng Nam chỉ vì lên tiếng trên mạng".
Ông cho biết việc Việt Nam bắt giữ và kết án ông Nguyễn Hoàng Nam và hàng trăm nhà hoạt động khác là lý do tại sao tổ chức CIVICUS Monitor tiếp tục đánh giá không gian dân sự của Việt Nam là "đóng"- mức xếp hạng tồi tệ nhất mà một quốc gia có thể có.
Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Hoàng Nam, 41 tuổi, bị kết án tù vì các hoạt động đấu tranh đòi tự do tôn giáo và quyền con người.
Hồi tháng 2/2018, ông bị tuyên án bốn năm tù giam cùng với năm đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo độc lập khác, với cáo buộc "gây rối trật tự" và "chống người thi hành công vụ".
Phật giáo Hòa Hảo độc lập cùng với các nhóm đạo độc lập khác như Cao Đài Chơn truyền và nhiều nhóm Tin Lành độc lập thường bị sách nhiễu, đàn áp bởi chính quyền ở nhiều địa phương của Việt Nam.
***************************
Tù nhân lương tâm Trương Văn Dũng được trao Giải thưởng Lê Đình Lượng 2023
RFA, 11/12/2023
Nhà hoạt động bất đồng chính kiến Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng), người đang thụ án sáu năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", được tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay với chủ đề "75 Năm Quốc Tế Nhân Quyền- Tự Do, Bình Đẳng & Công Lý cho Việt Nam".
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng và Giải thưởng Lê Đình Lượng 2023 - Việt Tân
Ông Trương Văn Dũng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ 2011 và nhiều hoạt động phản đối vi phạm quyền con người và quyền dân sự ở Việt Nam. Ông cũng tích cực trợ giúp dân oan và những người yếu thế, nhiều lần cất lên tiếng nói bênh vực cho họ.
Đảng Việt Tân tổ chức trao giải thưởng vắng mặt cho ông Dũng trong một buổi lễ ở thủ đô Paris của Pháp trong ngày 10/12, đúng vào ngày kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và cũng là ngày sinh nhật của ông Lê Đình Lượng, người cũng đang thụ án tù 20 năm về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".
Trong thông cáo công bố thông tin người được trao giải, tổ chức Việt Tân viết :
"Ông Trương Văn Dũng được công luận trong nước và quốc tế biết đến là một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền quả cảm và đầy nhiệt huyết. Được bạn bè gọi một cách trân quý là ‘Trương Tráng Sĩ’ vì ông luôn đi đầu trong các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những nạn nhân của bất công và độc tài như các tù nhân lương tâm, bà con dân oan".
Tiến sĩ Đông Xuyến, phát ngôn nhân của đảng Việt Tân, viết trong tin nhắn gửi Đài Ấ Châu Tự Do (RFA) ngày 10/12 :
"Anh Trương Văn Dũng là một người lên tiếng ôn hòa dù bị đàn áp đánh đập nhiều lần, anh vẫn quyết tâm lên tiếng cho đồng bào mình và bất chấp sự tù đày.
Nói đến anh, mọi người đều nhớ hình ảnh anh hay đứng ở những nơi đông người qua lại, có lúc chỉ một mình, anh giương cao khẩu hiệu chống Trung Quốc, bảo vệ quyền con người, phản đối việc đàn áp dân, nhất là mặc chiếc áo in chữ : ‘Dân chủ không phải là tội.’ Sự kiên cường và tấm lòng của anh đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người".
Bà cho biết việc trao giải thưởng cho ông Trương Văn Dũng, người bị bắt giam từ hồi tháng 05/2022, cũng là sự biết ơn với những người nhiều tình yêu thương, chuộng lẽ phải và quả cảm như ông.
Cựu tù nhân lương tâm, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, đánh giá về khôi nguyên của Giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay :
"Cá nhân tôi thấy anh Trương Văn Dũng xứng đáng với giải thưởng này. Anh đã rất là tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau ủng hộ cho tự do dân chủ nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề về biển đảo.
Anh là một con người phải nói là rất dũng cảm, có thể đứng ra ngay giữa đường giơ biểu ngữ và anh chống tham nhũng hoặc là yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hoặc là thách thức đối với Đảng cộng sản về vấn đề lãnh đạo".
Bà Nghiêm Thị Hợp cho biết giải thưởng là một nguồn động viên rất lớn cho gia đình bà để vượt qua những khó khăn. Bà nói với RFA trong ngày 11/10 :
"Rất là mừng, thứ nhất là tinh thần, thứ hai là có mọi người luôn đồng hành, thì mình không bị cô đơn, không bị lẻ loi, còn có sự quan tâm của cộng đồng".
Bà Hợp nói sau khi ông Dũng bị chuyển đến Trại giam Gia Trung cách xa nhà hơn 1.000 km, ông cảm thấy khoẻ hơn vì khí hậu ở vùng Tây Nguyên đỡ khắc nghiệt hơn ở trại giam An Điềm (Quảng Nam), nơi ông bị đánh và biệt giam cùng với tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương và Phan Công Hải trong tháng 9 năm nay sau khi biểu tình phản đối việc trại giam đối xử vô nhân đạo với tù nhân.
Trước khi bị bắt giam, bên cạnh các hoạt động đường phố, ông Dũng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện trợ giúp dân oan và gia đình tù nhân lương tâm trong hai nhóm Bầu Bí Tương Thân và Quỹ 50K của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người cũng đang bị điều tra về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trước phiên xử sơ thẩm ông, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam phóng thích ông và hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ông. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng thúc giục chính quyền các quốc gia dân chủ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để ủng hộ ông, và kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, đồng thời có các bước tiến thực sự hướng tới cải cách.
Giải thưởng Lê Đình Lượng được Việt Tân thành lập vào năm 2018, mang tên của chính nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị kết án 20 năm tù giam sau các hoạt động công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.
Trong những năm trước, giải thưởng này được trao cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước như bà Nguyễn Thuý Hạnh, ông Phan Kim Khánh, linh mục Đặng Hữu Nam, và giảng viên cao đẳng sư phạm Nguyễn Năng Tĩnh. Họ đều là các công dân có trách nhiệm nhưng bị đàn áp hoặc bị cầm tù với những bản án nặng nề, hoặc bị bắt rồi đưa vào bệnh viện tâm thần như trường hợp của bà Nguyễn Thuý Hạnh.
Nhà nước Việt Nam luôn coi các giải thưởng nhân quyền, kể cả Giải thưởng Lê Đình Lượng, của các tổ chức của người Việt, và quốc tế, là sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phục vụ cho ý đồ chống phá chính quyền hay "diễn biến hòa bình". Hà Nội coi các cá nhân hoặc tổ chức được trao giải thưởng là "những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật".
Cũng trong ngày 10/12, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2023 ở Toronto (Canada) cho ba nhà hoạt động Trần Văn Bang, Y Wo Nie, và Lê Trọng Hùng. Cả ba đang bị cầm tù ở Việt Nam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" hoặc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" với mức án từ bốn năm đến tám năm tù giam.