"Đàn áp" làm giới bất đồng chính kiến im lặng về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình
RFA, 12/12/2023
Sự đàn áp khốc liệt của chính quyền khiến những người bất đồng chính kiến không thể hiện những hành động cụ thể phản đối chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12-13/12 cho dù tâm lý chống sự bành trướng của Trung Quốc vẫn hiện diện trong dân chúng.
No-U FC
Đó là ý kiến của một số nhà hoạt động mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) ghi nhận được trong ngày 12/12, ngày đầu tiên trong chuyến thăm lần thứ ba của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc tới Việt Nam kể từ năm 2010 khi ông bắt đầu ở cương vị tổng bí thư đảng cầm quyền nhiệm kỳ thứ nhất.
Trong chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào tháng 11 năm 2015, ở cả Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra một số cuộc biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình và Trung Quốc. Các cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, nhiều người biểu tình bị bắt và bị đánh đập nhưng sau đó đều được trả tự do.
Lần đến Việt Nam thứ hai của ông Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 11/2017 dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC. Trong chuyến thăm này tuy không diễn ra cuộc biểu tình nào nhưng một số người đã thể hiện sự phản đối, bằng những hành động khác nhau.
Một số người bất đồng chính kiến đã cùng nhau chụp hình với những chiếc áo có dòng chữ "No Xi" (Tẩy chay Tập Cận Bình-PV) ở nơi công cộng.
Tuy nhiên, trong lần thứ ba sang Việt Nam của ông Tập ngoài những lời phản đối trên mạng xã hội, cho đến thời điểm này RFA chưa ghi nhận một hành động phản đối nào ở nơi công cộng.
Đàn áp khốc liệt làm người dân thận trọng
Một nữ trí thức ở Hà Nội, người tham gia nhiều hoạt động chống Trung Quốc từ 2011, cho rằng việc chính quyền Việt Nam bỏ tù nhiều người tích cực chống Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều năm gần đây làm nhiều người cẩn trọng hơn.
Bà này cho hay, những người công khai lên tiếng trong những năm 2015 hoặc 2017 đã bị bắt hoặc lui về ở ẩn nên không còn ai công khai phản đối nữa.
Trong vài năm trở lại đây, các toà án ở Việt Nam tuyên các bản án dài hạn hơn đối với các nhà hoạt động có tên tuổi, đồng thời lực lượng công an cũng tăng cường răn đe, phạt tiền đối với các trường hợp chia sẻ các bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích chính quyền Việt Nam hay phản đối Trung Quốc.
Một thành viên của Phong trào No-U (Nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) ở Hà Nội, nói với RFA trong tin nhắn :
"Người chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc bị chính quyền Việt Nam dùng công an các loại đàn áp dã man, người nặng thì tù, người nhẹ hơn thì chúng theo dõi theo dõi phá hoại việc làm ăn, nên nhiều người nản lòng.
Bản thân tôi liên tục bị chặn, có lần bị công an đánh đập nghiêm trọng ở ngay cửa nhà.
Việc ngăn chặn không cho đi làm ăn buộc nhiều người phải buông xuôi, mặc kệ cho việc Trung Quốc với Việt Nam đến đâu thì đến".
Theo cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, chỉ ba tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden cùng sự kiện Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Ông nói với RFA :
"Trung Quốc không ngừng trỗi dậy ngày càng hung hăng và đang gây sức ép với ban lãnh đạo Việt Nam để Hà Nội nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh lên trên cả mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (tức là vượt lên trên tất cả các quốc gia khác) và tham gia vào cái gọi là Cộng đồng chung vận mệnh và Sáng kiến Vành đai-Con đường".
Theo ông, trong bối cảnh đó, người Việt Nam cần phải tỏ rõ thái độ của mình đối với hiểm hoạ Trung Quốc nói chung và chuyến thăm này của Tập Cận Bình nói riêng.
"Nhưng đáng tiếc là ngoài màn đón tiếp linh đình, đặc biệt trọng thị của Hà Nội dành cho nguyên thủ Trung Quốc thì người ta hầu như không nghe thấy một tiếng nói phản đối nào của người dân Việt Nam, ngay cả trong giới bất đồng chính kiến.
Đây rõ ràng là một thắng lợi ngoạn mục của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Và họ sẽ càng dễ gây áp lực, càng dễ đạt được mục đích thâm hiểm của mình đối với Việt Nam".
Người dân Việt Nam vẫn quan ngại về Trung Quốc
Tuy bị chính quyền Việt Nam đàn áp khi cất lên tiếng nói phản đối Trung Quốc nhưng người dân vẫn quan ngại về âm mưu thôn tính biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh, vẫn theo nữ trí thức ở Hà Nội.
Bà nói người dân và giới bất đồng chính kiến vẫn quan tâm và bày tỏ sự thiếu lòng tin đối với chính quyền Trung Quốc nhiều hơn trên các diễn đàn trên mạng xã hội cho dù không có các hành động phản kháng trực tiếp như xuống đường biểu tình.
Tuy nhiên, theo bà, dân ngày càng có thái độ cảnh giác đối với Bắc Kinh có thể thấy qua các việc như phản ứng với việc đưa tiếng Trung vào dạy từ lớp 3 hoặc công khai chỉ trích đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng với vốn vay ODA từ Trung Quốc và do nhà thầu đến từ quốc gia này thực hiện nhưng liên tục trễ hẹn và đội vốn gấp nhiều lần.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của cựu sỹ quan tình báo quân đội Vũ Minh Trí. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :
"Tôi nghĩ so với hồi 2017, thái độ của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình đã thay đổi theo chiều hướng thực tế hơn, đó là không phản đối chung chung mà tập trung phản đối những chủ trương, chính sách, hành động… gây hại cho lợi ích của dân tộc Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Người ta không trưng khẩu hiệu ‘No China’ hay ‘No Xi’ nữa, mà tập trung vào từng chương trình, dự án có sự tham gia của Trung Quốc, vào các hành động gây hấn và lấn chiếm mà Bắc Kinh đang tiến hành".
Nói về chuyến thăm này, ông Trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là về chính trị và về kinh tế, thương mại, do vậy việc lãnh đạo hai nước thăm viếng lẫn nhau là rất bình thường.
Theo ông, chính phủ cần duy trì và phát triển quan hệ với Trung Quốc theo hướng đôi bên cùng có lợi, không phủ định sạch trơn các mặt tích cực, có lợi cho Việt Nam của mối quan hệ này.
Ông cho rằng trước một nước láng giềng lớn, mang nặng tư tưởng bành trướng, bá quyền như Trung Quốc thì để không bị thôn tính, Việt Nam không được phép sợ hãi mà phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Ông có nhận xét càng ngày càng có nhiều người thấy rõ rằng muốn thoát Trung, trước hết Việt Nam phải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều người bị an ninh theo sát, giao thông bị ùn tắc
Trước khi chuyên cơ của ông Tập Cận Bình hạ cánh xuống Hà Nội vào trưa 12/12, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập an ninh và áp dụng việc cấm giao thông ở nhiều tuyến phố của Hà Nội, khiến việc ùn tắc giao thông ở thủ đô vốn đã nghiêm trọng trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đưa lực lượng an ninh tới canh gác gần tư gia của nhiều người bất đồng chính kiến và thân nhân tù nhân lương tâm.
Trong số những người bất đồng chính kiến bị an ninh canh gác gần nhà có nhà báo kỳ cựu Nguyễn Đình Ấm (Long Biên) và bà giáo Trần Thị Thảo (phường Bách Khoa- quận Hai Bà Trưng) trong khi an ninh cũng theo sát bà Phạm Thị Lân - vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy, cô Nguyễn Thanh Mai - con gái của nhà hoạt động về quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm, và Đỗ Thị Lê Na - vợ nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng.
Tuy nhiên, an ninh chỉ canh gác gần nhà hoặc bám theo mỗi khi họ đi công việc, chứ không có những hành động khiếm nhã nào.
RFA, 12/12/2023
***************************
Giới đấu tranh dân chủ trong nước : Việt Nam cần cảnh giác trong mối quan hệ với Trung Quốc
RFA, 11/12/2023
Những tiếng nói và hành động công khai phản đối Trung Quốc có thể giảm đi do bị đàn áp nhưng tinh thần chống Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam, bởi láng giềng phương Bắc luôn là mối đe doạ đối với Việt Nam.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch hồi năm 2017 - Reuters
Một số người dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước nói với RFA như vậy trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12 và 13/12 sắp tới.
"Cần cảnh giác với Trung Quốc"
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, phát biểu với truyền thông trong nước rằng chuyến thăm này mang kỳ vọng về một "định vị mới, tầm mức mới" của quan hệ hai nước, trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo rằng chuyến đi của ông Tập tới Hà Nội sẽ tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị, các vấn đề đa phương và hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược hơn nữa.
Cựu nhà báo Tạp chí Cộng sản Nguyễn Vũ Bình, hiện đang ở Hà Nội, nhận định với RFA rằng ông không muốn Việt - Trung thắt chặt thêm mối quan hệ. Bởi, theo ông, Hà Nội luôn bị láng giềng phía Bắc o ép trong mọi lĩnh vực :
"Tôi không mong muốn nhiều về mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi vì, trong mối quan hệ đó thì Việt Nam bị o ép rất nhiều, kể cả trên biển Đông và trên đất liền hay trong quan hệ giao thương".
Ông Lê Anh Hùng, một cựu tù nhân lương tâm vừa được mãn hạn tù hồi giữa năm nay, cho rằng Việt Nam cần phải luôn đề cao cảnh giác trong mối quan hệ với Trung Quốc :
"Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa mà còn là hiểm họa đối với Việt Nam và Việt Nam cần phải cảnh giác trong mọi mối quan hệ đối với Trung Quốc.
Ông Lê Anh Hùng lấy ví dụ về trường hợp nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Tuy Hoà, Bình Thuận :
"Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận được ưu đãi từ sáng kiến Vành đai - Con đường, nhiêu đó đủ thấy rằng là Trung Quốc họ muốn dụ dỗ Việt Nam tham gia vào sáng kiến Vành đai - Con đường. Các dự án này đều tiềm ẩn mối nguy hại về an ninh quốc phòng cho Việt Nam".
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do các công ty Trung Quốc nắm đến 95% tổng số vốn đầu tư. Đây là lĩnh vực được Bộ Quốc phòng Việt Nam xếp vào các lĩnh vực đặc biệt do có liên quan tới an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.
Trong khi đó, theo Đài phát thành Quốc tế Trung Quốc Tiếng Việt cho biết nhà máy này là "dự án trọng điểm thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam dưới sáng kiến Vành đai - Con đường".
Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc được chính thức công bố từ 2013, đến nay đã 10 năm. Dự án có quy mô toàn cầu này nhận được cảnh báo về những nguy hại khôn lường, trong đó có nhiều ý kiến coi đó là một "bẫy nợ" Trung Quốc dành cho các nước nghèo.
Thúc ép tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh"
Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức nhận định với RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng lần này, Trung Quốc sẽ cố gắng thúc ép Việt Nam phải gia nhập "Cộng đồng chung vận mệnh".
Theo luật sư Đài, từ xưa tới nay, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là sân sau hay nước phên giậu để bảo vệ họ từ xa.
Vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nâng cấp "nhảy cóc" quan hệ với Mỹ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngang hàng quan hệ với Trung Quốc. Điều này, theo lậu sư Đài, đã làm Trung Quốc không hài lòng.
Tuy nhiên, nếu để làm vừa lòng Trung Quốc mà Việt Nam tham gia vào "Cộng đồng chung vận mệnh" là một hành động không thể chấp nhận được :
"Nếu nhà cầm quyền Việt Nam tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc thì họ đã trói buộc cả đất nước và dân tộc Việt Nam với Trung Quốc. Tôi coi đó là hành động bán nước của nhà cầm quyền Việt Nam".
"Cộng đồng chung vận mệnh" là chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc trong tương lai. Chính sách này, trong một bài viết được đăng trên The Diplomat, cho rằng dưới thời của Tập Cận Bình thì Trung Quốc sẽ đóng vai trò như là một nước lớn và tham gia tích cực vào việc cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu.
South China Morning Post trong một bài viết hôm 11/12 cho biết Bắc Kinh đã thúc đẩy ý tưởng này, ít nhất là từ năm 2015. Kể cả khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam vào ngày 1/12 vừa qua cũng nhấn mạnh rằng hai nước Xã hội chủ nghĩa "có chung khát vọng và vận mệnh".
Mạng báo này cũng dẫn lời nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Khắc Giang rằng trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác đã chấp nhận ý tưởng "chung vận mệnh" của Trung Quốc thì "Việt Nam dường như vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện nó một cách trọn vẹn", ông lưu ý đến những tranh chấp lãnh thổ lâu đời giữa hai nước.
Ở Đông Nam Á, hiện đã có bốn nước tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh" là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Tinh thần chống Trung Quốc
Ông Trương Dũng biểu tình phản đối khi Tập Cận Bình sang Việt Nam năm 2015. Ảnh : Citizen
Ông Tập Cận Bình, trên cương vị là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc đã đến thăm chính thức Việt Nam hai lần, hồi năm 2015 và 2017 nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam.
Vào năm 2015, các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm ông Tập Cận Bình đã diễn ra ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng chục người đã xuống đường, giương cao các khẩu hiệu như "Phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam", "Phản đối lệ thuộc Trung Cộng"… đi qua các con đường trong thành phố. Chính quyền Hà Nội khi đó ngay lập tức đàn áp, đánh đập và bắt bớ, câu lưu những người biểu tình.
Trong số những người tham gia tuần hành năm đó, có rất nhiều cái tên hiện đang bị chính quyền Hà Nội bỏ tù, bao gồm Nguyễn Lân Thắng, Hoàng Bình, Bùi Tuấn Lâm, Đỗ Nam Trung, Trần Bang, Nguyễn Thúy Hạnh, Trương Văn Dũng… Những người này bị khởi tố theo nhiều tội danh khác nhau, như "Lợi dụng quyền tự do dân chủ", "Tuyên tuyền chống nhà nước", "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền"…
Ông Lê Anh Hùng nhận thấy, trước chuyến thăm của ông Tập lần này, tình hình có vẻ im ắng, mọi người khá e dè trước sự đàn áp khốc liệt từ chính quyền Hà Nội trong những năm qua, chỉ còn một số tiếng nói phản đối lẻ tẻ trên mạng xã hội :
"Lần thứ ba thì lần này phong trào đấu tranh gần như là đã bị dập tắt, chỉ còn những tiếng nói phản ứng dè chừng ở trên Facebook trên mạng xã hội chứ hầu như không còn những hoạt động biểu tình như trước đây nữa".
Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần chống Trung Quốc trong xã hội Việt Nam chưa bao giờ giảm sút :
"Phong trào dân chủ nói chung và chống Trung Quốc nói riêng trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh cho nên bị lắng xuống, chứ còn tinh thần chống Trung Quốc và cảnh giác đối với Trung Quốc thì ngày càng nâng lên trong mặt bằng chung của xã hội".
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết từ đầu tháng 11, những nhà hoạt động ở khu vực Hà Nội đã bị đe dọa không được tổ chức hội họp hay biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập cận Bình.
Ông Đài cho rằng mọi người Việt Nam vẫn yêu nước nhưng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì họ phải kìm chế lòng yêu nước mà không thể thể hiện ra bên ngoài.
Nguồn : RFA, 11/12/2023