Việt Nam bớt nghi ngại Vành đai và Con đường của Trung Quốc ?
Thu Hằng, RFI, 14/12/2023
Phải chăng Việt Nam khó có thể đứng ngoài Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong khi hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt hiện trở thành tuyến đường vận tải huyết mạch nối Đông Nam Á với cường quốc đông dân nhất thế giới ? Trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 kết thúc chuyến công du Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác đường sắt giữa hai nước và nâng cao hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nuyễn Phú Trọng tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Minh Hoang
Trước đó, trả lời trang VnExpress, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết "phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng", trong đó có việc xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn. Theo đại sứ Hùng Ba, "Việt Nam có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc với các nước ASEAN".
Lào - Cam Bốt trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam
Dường như Hà Nội thay đổi cách nhìn về sáng kiến cơ sở hạ tầng vận tải của Bắc Kinh. Tháng 10/2023, khi tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường - BRI lần thứ ba và đánh dấu tròn 10 năm hình thành dự án, chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc khai thác BRI để tăng cường khả năng kết nối và trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
So với hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt, Việt Nam nhận được ít tài trợ nhất từ Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2015-2021, theo số liệu của Viện Lowy tại Úc, được nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà trích dẫn trong bài phân tích ngày 14/12/2023 trên trang Fulcrum của Singapore, chuyên phân tích về Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu cao cấp, điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS - Yusof Ishak, nêu một số lý do, như nguyên tắc của Việt Nam về chi tiêu công cho phát triển cơ sở hạ tầng chỉ được chiếm 6% GDP, tiếp theo là tâm lý nghi ngại Trung Quốc sau một số dự án như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội, nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án khai thác bauxite ở cao nguyên miền trung…
Tuy nhiên, những dự án quy mô lớn của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể không gian địa-kinh tế và năng lực cạnh tranh của Lào và Cam Bốt buộc Hà Nội cân nhắc lại, trong đó phải kể đến hai dự án lớn. Thứ nhất là tuyến đường sắt Boten-Vientiane dài 414 km nối tỉnh Côn Minh với thủ đô của Lào trở thành hành lang kinh tế Bắc-Nam nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Hoạt động từ năm 2021, chỉ trong năm đầu tiên khai thác, tuyến đường sắt đã vận chuyển 11,2 triệu tấn hàng hóa, gấp đôi khối lượng vận tải của cả Việt Nam (5,7 triệu tấn). Thái Lan đã từ bỏ trung chuyển qua Việt Nam, thay vào đó là sử dụng tuyến đường này để xuất nông phẩm sang Trung Quốc. Nông phẩm Việt Nam, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, cũng chịu nguy cơ cạnh tranh với hàng hóa Đông Nam Á khi tuyến đường này được sử dụng nhiều hơn.
Dự án thứ hai là kênh đào Funan Techo, mà Trung Quốc đề xuất với Cam Bốt, cũng có thể sẽ tác động đáng kể đến kinh tế và hệ sinh thái cho Việt Nam. Tuyến đường thủy dài 180 km trên sông Mêkông sẽ xuyên suốt Cam Bốt đến cảng của nước này mà không cần phải trung chuyển qua cảng biển của Việt Nam.
Việt Nam tham gia BRI để duy trì tính cạnh tranh trong khu vực ?
Do những dự án này đã và sẽ tái định hình kết nối trong vùng, nên chính phủ Việt Nam rơi vào thế khó. Hà Nội sẽ phải cân nhắc những lợi ích tiềm tàng của Sáng kiến Vành đai và Con đường để cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước so với những rủi ro về kinh tế và an ninh, cũng như phản ứng từ công luận.
Dù những sự kiện gần đây có thể cho thấy sự thay đổi về lập trường của Hà Nội, nhưng cũng cần chờ xem liệu những thay đổi đó có được cụ thể hóa thành những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng do Trung Quốc đầu tư hay không. Không chỉ Việt Nam nghi ngại về đầu tư của Bắc Kinh mà Trung Quốc cũng do dự, nếu nhìn vào mức độ tài trợ thấp của nước này vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà cho rằng một dấu hiệu quan trọng trong tương lai để xem Việt Nam có tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường hay không, có lẽ sẽ là Trung Quốc tham gia xây dự tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam ở quy mô nào. Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã tỏ ý được tham gia nhưng hiện tại chính phủ Việt Nam vẫn hướng đến Nhật Bản.
Thu Hằng
*************************
Việt Nam tham gia tầm nhìn chính sách đối ngoại do Trung Quốc dẫn dắt
RFA, 14/12/2023
Việt Nam đã trở thành quốc gia mới nhất ở Đông Nam Á đồng ý với "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung", tầm nhìn của Bắc Kinh về một trật tự toàn cầu mới do Trung Quốc dẫn dắt.
AP
Thỏa thuận này được công bố tại cuộc gặp hôm 12/12 tại Hà Nội giữa Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang thăm cấp nhà nước hai ngày tại Việt Nam.
"Việt Nam coi việc phát triển mối quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược", ông Trọng được báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, trích dẫn.
Ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên tại Đại học Quốc gia Việt Nam, cho biết : "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ chính trị và tư tưởng chặt chẽ, điều đó biến lời kêu gọi của ông Tập về ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai chung’ Trung Quốc-Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược".
"Điều này xảy ra cùng lúc khi quan hệ của Việt Nam với Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản được nâng lên mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’ ngang bằng với Trung Quốc", ông Sáng nói với Đài Á Châu Tự do (RFA).
Vị giảng viên này nhấn mạnh : "Bắc Kinh có thể đã cố gắng tăng cường quan hệ với Hà Nội để giữ Việt Nam trong vòng tay của mình".
Truyền thông nhà nước ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều nêu bật sự gần gũi và tương đồng của hai nước trong hệ thống chính trị.
"Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải.. Chúng ta tận hưởng sự gần gũi về văn hóa, trân trọng những lý tưởng giống nhau và có một tương lai chung phía trước", ông Tập Cận Bình viết trong một bài báo trước chuyến đi, chuyến thăm thứ ba tới nước láng giềng kể từ khi ông trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc.
Trật tự toàn cầu thay thế
Khái niệm "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung" ban đầu được đặt ra là "Cộng đồng có chung vận mệnh".
Ian Chong, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Singapore, cho biết : "Thuật ngữ này đã xuất hiện từ đầu những năm 2000, nhưng Tập Cận Bình đã chính thức đưa nó trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đưa nó vào Hiến pháp năm 2017".
Bắc Kinh đã công bố toàn văn các đề xuất và hành động của Trung Quốc về "Cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung" vào tháng 9.
Ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện nghiên cứu ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore cho biết :
"Đây là khuôn khổ được Trung Quốc đề xuất cho quan hệ quốc tế dưới thời Tập Cận Bình. Khái niệm này thường được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm định hình lại, hoặc thậm chí tạo ra một trật tự toàn cầu thay thế".
Ông Giang nói thêm rằng "Là một quốc gia được hưởng lợi đáng kể từ việc hội nhập sâu rộng vào trật tự toàn cầu hiện có, Việt Nam cho đến nay vẫn chống lại áp lực của Trung Quốc trong việc tham gia sáng kiến này".
Tuy nhiên, cũng theo ông Giang "người dân Việt Nam, với một lịch sử lâu dài và phức tạp với Trung Quốc, không quan tâm đến khái niệm này".
Người dân vẫy quốc kỳ Trung Quốc và Việt Nam trước sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội ngày 12/12/2023. (Ảnh : Lương Thái Linh/AP)
Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh truyền thống nhưng mối quan hệ giữa họ không hề suôn sẻ. Hà Nội và Bắc Kinh đã có một cuộc chiến tranh ngắn ngủi vào năm 1979 và nhiều cuộc đụng độ đẫm máu đã diễn ra trên đường biên giới chung trong những năm 1980.
Hai nước cũng đang đối đầu nhau về yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1991, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất đối với nước láng giềng nhỏ hơn.
Học giả Chong từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết, theo quan điểm của ông, Trung Quốc "đang cố gắng tiếp cận vào thời điểm hiện tại khi gặp khó khăn trong nước và sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ Mỹ và các đồng minh".
"Vì vậy, mặc dù nó có thể không biến thành bất cứ điều gì cụ thể, nhưng việc không tham gia ('Cộng đồng chia sẻ tương lai chung') có thể giống như một sự từ chối trực tiếp đối với Tập Cận Bình", ông Chong nói với RFA cho rằng "đó có thể là điều mà Việt Nam và các nước khác trong khu vực muốn tránh".
Mặt khác, việc tham gia có thể giúp Hà Nội "phát tín hiệu thiện chí và tìm kiếm các lĩnh vực trao đổi kinh tế khả thi", ông nói.
Theo truyền thông nhà nước, trong chuyến thăm của ông Tập, hai bên đã ký 36 thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
"Xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại nên bắt đầu từ Châu Á", ông Tập Cận Bình viết trong bài báo mới được đăng gần đây.
Ông Huỳnh Tâm Sáng từ Đại học Quốc gia Việt Nam cho biết : "Từ ngữ trong bài viết của ông Tập như một lời nhắc nhở rằng tương lai của các nước Châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam, chỉ nên do người Châu Á quyết định".
"Tuy nhiên, theo nhận định của Tập Cận Bình và các đồng chí, Trung Quốc là động lực cho tương lai của Việt Nam và các nước Châu Á khác".
‘Ngoại giao cây tre’
Trước Việt Nam, bảy quốc gia Đông Nam Á khác – Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Brunei, Malaysia và Indonesia – đã đồng ý gia nhập cộng đồng do Trung Quốc lãnh đạo.
Tuy nhiên, cam kết cao hơn ở Campuchia và Lào, nhưng lại thấp hơn ở Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, theo Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii.
Vuving viết trên mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter : "Singapore và Philippines khó có thể sớm đứng về phía Trung Quốc".
Ông nói thêm : "Với 8 trong 10 thành viên nằm trong ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai chung’ của Trung Quốc, ASEAN đang ngày càng trở nên không phù hợp, như đã được chứng minh trong cuộc xung đột đang diễn ra trên Biển Đông".
Trong trường hợp của Việt Nam, Hà Nội khẳng định văn bản có bổ sung các từ "phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, và kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình".
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Zhang Baohui, giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, cho biết : "Việt Nam hiểu rằng bất chấp những tranh chấp chưa được giải quyết ở Biển Đông, Việt Nam cần duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, vì cả lý do an ninh và kinh tế".
Zhang cho rằng việc ủng hộ "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung" của Trung Quốc, đồng thời duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, thể hiện "tín hiệu tử tế" của Hà Nội đối với Bắc Kinh.
Theo ông, chuyến thăm Hà Nội của các nhà lãnh đạo thế giới cho thấy "nền ngoại giao tinh tế của Hà Nội với các cường quốc".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dùng trà tại Văn phòng Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 12/12/2023. (Ảnh : Trí Dũng/VNA)
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã và đang thúc đẩy khái niệm "ngoại giao cây tre" tượng trưng bằng khả năng cây tre có thể uốn cong theo gió nhưng không bao giờ gãy.
Trong tiệc trà giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng, người ta nhìn thấy một đồ trang trí phức tạp với hai cành tre xoắn ốc từ một chiếc bình ở phía sau.
Hai nhà lãnh đạo cùng nhâm nhi tách trà xanh Việt Nam.
Ông Trương Nhân Tuấn, một nhà bình luận chính trị người Việt ở Pháp, cho biết : "Giới lãnh đạo Việt Nam quyết định xây dựng một tương lai chung với Trung Quốc có lẽ xuất phát từ những lo ngại về địa chính trị".
"Tuy nhiên, Hà Nội phải luôn ghi nhớ những tham vọng của Bắc Kinh", ông Tuấn cảnh báo, đồng thời cho biết thêm "và Hoa Kỳ cũng nên lo ngại về việc Việt Nam xích lại gần Trung Quốc hơn".
Nguồn : RFA, 14/12/2023
Bài viết của RFA ban Tiếng Anh do ban tiếng Việt dịch lại
*******************************
Thời báo Hoàn Cầu bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình
Thời báo Hoàn cầu, Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2023
Nhận lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Việt Nam của Tổng bí thư Tập Cận Bình sau 6 năm. Cộng đồng xã hội hai nước tràn đầy hy vọng chuyến đi này sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên một "vị trí mới" và đạt "tầm cao mới".
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 12/12/2023.
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã lần lượt đến thăm Trung Quốc, mật độ thăm Trung Quốc cao như vậy là điều ít thấy trong quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới. Lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam có sự giao lưu đi lại mật thiết, thường xuyên đến và đi như thăm người thân, điều đó thể hiện đầy đủ mức độ cao và đặc biệt của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Tình hữu nghị sâu sắc "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam làm cho hai nước có mục tiêu đi đến chỗ gặp nhau, cũng có động lực để cùng nhau hợp tác. Điều này có thể khó hiểu đối với một số quốc gia ngoài khu vực.
Trong thời gian từ khi Mỹ "trở lại Châu Á – Thái Bình Dương" cho đến lúc Mỹ lộ rõ ý đồ đưa ra và triển khai thực hiện "Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương" nhằm kiềm chế Trung Quốc, mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam nhận được sự "quan tâm chăm sóc" đặc biệt, một số người thích viết những "tiểu luận" về Trung Quốc và Việt Nam. Việc đi lại bình thường giữa Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, được họ hiểu là dấu hiệu cho thấy Việt Nam "muốn gia nhập hệ thống của Mỹ". Theo logic của họ, Trung Quốc và Việt Nam không thể hòa hợp tốt được, Việt Nam là một trong những nước láng giềng của Trung Quốc có hy vọng lớn nhất được lôi kéo vào "đội ngũ Mỹ". Có lẽ dựa vào phán đoán này mà Mỹ đã tăng cường đáng kể sự lôi kéo Việt Nam, hành động đó đầy ác ý với Trung Quốc và cũng cực kỳ thiếu tôn trọng Việt Nam. Nhưng thực tế chứng tỏ đây chỉ là sự phán đoán sai lầm, hoặc là sự tưởng tượng của phương Tây. Ngoại giao của Việt Nam và mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam hoàn toàn không đi theo con đường ấy.
Tháng 9 năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam ; hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Cuối tháng trước, Võ Văn Thưởng đến thăm Nhật Bản cũng đã nâng tầm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Điều này có nghĩa là trong hệ thống cấp bậc ngoại giao của Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản đã có được vị thế ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Một số dư luận phương Tây bắt đầu "lo lắng cho Trung Quốc", nói rằng đây là "thắng lợi ngoại giao" của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời là "thất bại ngoại giao", hay ít nhất là một "tổn thất ngoại giao" của Trung Quốc. Cần nói là trong vài năm qua, những lập luận tương tự của phương Tây đã xuất hiện rất nhiều lần, nhưng cuối cùng chúng đều bị sự phát triển hơn nữa của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam vả vào mặt.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư Tập Cận Bình cần mang đến cho những kẻ suốt ngày theo dõi quan hệ Trung-Việt nhưng lại đầy dốt nát và đánh giá sai lầm ấy một nhận thức toàn diện và khách quan hơn. Đường lối chính của quan hệ Trung -Việt rất rõ ràng. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của mình, cả hai đều coi quan hệ Trung – Việt là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước và đều coi sự phát triển của đối phương là cơ hội cho sự phát triển của mình. Như Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chỉ ra một cách sâu sắc : "Sự phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và hai dân tộc, có lợi cho sự phát triển thịnh vượng của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, có lợi cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy phát triển phồn vinh".
Kể từ đầu năm nay, sự hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã tăng tốc rõ rệt : các chuyến thăm và tiếp xúc giữa các đoàn cấp cao và các cấp khác trở nên thường xuyên hơn ; kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam trong hai năm liên tiếp vượt mức 200 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 185,1 tỷ USD. Trung Quốc nhiều năm liên tiếp vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc và Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với nhau và bổ sung mạnh mẽ về mặt kinh tế, sự hòa nhập lợi ích ngày càng khăng khít, điều đó làm cho nền tảng ổn định trong quan hệ giữa hai nước ngày càng vững chắc và rộng lớn hơn. Nếu phương Tây có người cho rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ lú lẫn về mối quan hệ như vậy thì điều đó cho thấy chính họ mới là kẻ thực sự lú lẫn.
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn tốt núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ môi hở răng lạnh, là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chí hướng, cùng con đường đi, có chung vận mệnh, là cộng đồng cùng tương lai có ý nghĩa chiến lược. Trong bối cảnh quốc tế luôn thay đổi, "bốn điểm tốt" ấy không những không phai nhạt mà ngược lại còn trở nên đậm đà hơn. Tin rằng chuyến thăm này của Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ đưa mối quan hệ "bốn tốt" giữa Trung Quốc và Việt Nam lên một tầm cao mới, tăng thêm động lực mới cho sự ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời mang lại thêm nhiều tính xác định, tính ổn định cho thế giới đan xen biến động này.
Hoàn Cầu Thời Báo
Nguyên tác : 社评:中越关系再上"新高度"令人期待, 环球时报, ngày 11/12/2023.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2023
*************************
Cộng đồng 'chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc' nghĩa là gì ?
Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc' khi Chủ tịch Tập Cận Bình trở lại Hà Nội sau sáu năm.
Chuyến thăm cấp nhà nước này đánh dấu lần thứ ba ông Tập đến Hà Nội trong cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, sau chuyến đi năm 2017 và 2015
Hai nước đã không sử dụng cụm từ 'cộng đồng chung vận mệnh', một sáng kiến do nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xướng cách đây 10 năm, khi mới lên nắm quyền.
Về ngôn từ, "nhất trí xây dựng" có thể hiểu đây mới là sự khởi đầu của một quá trình.
Chuyến đi của ông Tập diễn ra chỉ ba tháng sau khi Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên tầm 'đối tác chiến lược toàn diện', ngang bằng với Trung Quốc.
Có khác nhau ?
Trả lời BBC News tiếng Việt trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Giáo sư Steve Tsang, từ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), trực thuộc Đại học London giải thích về khái niệm này, "Khái niệm gọi là 'Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai' là thể hiện chưa đúng [misrepresentation] từ cụm từ gốc của Trung Quốc mà Tập Cận Bình đã dùng, đó là 'Cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại'.
Tập Cận Bình đề cập nếu là một phần của nhân loại thì nên tham gia cộng đồng chung vận mệnh đó".
Nhiều người cho rằng 'cộng đồng chia sẻ chung tương lai' khác với 'cộng đồng chung vận mệnh'.
Tuy nhiên trong Trung văn, khái niệm của có gốc ngữ nghĩa rộng hơn quan hệ hai nước : 'cộng đồng chung vận mệnh' là 人类命运共同体-renlei mingyun gongtongti - nhân loại vận mệnh cộng đồng thể, là đoạn ngắn của cả cụm từ về nhân loại mà phía Trung Quốc dịch sang tiếng Anh là 'community of common destiny of mankind' (CCD).
Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye đánh giá trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng 'cộng đồng chia sẻ tương lai' chính là 'cộng đồng chung vận mệnh', và Trung Quốc đã thay đổi cách dịch nghĩa để tránh những ý nghĩa tiêu cực về 'chung một vận mệnh'.
Cho phép hiện nội dung từ Twitter ?
Twitter. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Twitter trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.
Giáo sư Alexander L Vuving cũng đưa ra một ẩn dụ "cây tre Việt Nam đang bị Gấu trúc Trung Quốc xơi từng miếng một".
Reuters ngày 12/12 dẫn lời một nhà ngoại giao từ Hà Nội, nhận định "một tuyên bố, nhiều cách dịch", khi nói đến cách diễn dịch cụm từ 'cộng đồng chung vận mệnh' này.
Như vậy Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ tám, và có lẽ là cuối cùng trong Đông Nam Á tham gia cộng đồng do Trung Quốc dẫn đầu, sau Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Brunei, Malaysia, và Indonesia. Giới quan sát nhận định, hai quốc gia còn lại trong ASEAN chưa tham gia cộng đồng này gồm Singapore và Philippines, và khó có khả năng hai quốc gia này tham gia trong tương lai.
Có thể thấy một khác biệt trong tuyên bố chung xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai' giữa Trung Quốc và Thái Lan hồi tháng 11/2022.
Cụ thể, tựa đề tuyên bố chung thay vì "đồng ý xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai', thì chỉ nêu "working towards" (có nghĩa là "hướng tới") vì "tăng cường ổn định, thịnh vượng và bền vững".
Trước đó, theo quan sát của BBC trên trang Facebook và YouTube của BBC News tiếng Việt, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ trước cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh", và phản đối việc Việt Nam tin tưởng, cùng chung một vận mệnh với quốc gia láng giềng khổng lồ phương bắc sau một ngàn năm Bắc thuộc và những khác biệt trong điều Bắc Kinh nói và làm trong các năm qua.
Trước đó, Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá với BBC về cộng đồng này như sau, "Chúng ta cứ hiểu cộng đồng này là một cái bình không có rượu. Trung Quốc rao bán cái bình, nhưng chưa đổ rượu vào. Cái bình rất đẹp, và được quảng cáo rất hay, nói về những điều hay ho lắm, nào là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, những điều mọi người đều mong ước cả… Thế nhưng rượu thì chưa đổ. Các nước thì đôi khi bị ép quá thì họ cứ nhận cái bình đã, Trung Quốc sẽ rót rượu vào sau".
Ngoài ra việc xây dựng cộng đồng này được hai nước tuyên bố sẽ "phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế".
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Bắc bình luận với BBC về ý này, "Việc thêm một đoạn khá dài và chi tiết như vậy rõ ràng có chủ đích và khá khéo léo, có thể nhằm "trấn an" người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẽ tôn trọng và bám sát vào các nguyên tắc nêu trên trong quá trình xây dựng cộng đồng với Trung Quốc. Qua đó, ta có thể thấy Việt Nam - dù là quốc gia láng giềng nhỏ hơn so với Trung Quốc - vẫn "tôn trọng" Bắc Kinh - nhưng khéo léo không quá "nhún nhường" cường quốc này. Nói cách khác, Việt Nam vẫn nỗ lực tối đa để duy trì quan hệ ổn định với nước láng giềng lớn hơn, song song với đảm bảo không gian sinh tồn với các nguyên tắc và giá trị đan xen", Tiến sĩ Sáng nhận định.
Reuters ngày 12/12 dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore đánh giá việc Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' là "mang tính biểu tượng".
"Việc Việt Nam thiếu niềm tin với Trung Quốc có gốc rễ sâu xa, và từ quan điểm của người dân Việt Nam, hầu như không có chuyện "chia sẻ chung vận mệnh" giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông", ông nói.
36 văn bản thỏa thuận hợp tác, thay vì 45
Hình ảnh cây tre Việt Nam xuất hiện trong buổi thưởng trà hôm qua giữa ông Trọng và ông Tập cũng gây chú ý dư luận.
Tại tiệc trà, các loại trà đã được lựa chọn từ những vùng trà nổi tiếng ở Việt Nam như Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La), Lai Châu và Thái Nguyên, theo truyền thông nước này.
Một chuyên gia về quan hệ ngoại giao Việt - Trung trong nhiều năm qua nói với BBC News tiếng Việt với điều kiện ẩn danh về hình ảnh bonsai Lưỡng long tranh Châu làm nền trong buổi thưởng trà.
"Trong tâm thức người dân Việt Nam, Rồng có vị trí đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, đó là biểu tượng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phượng". Hình ảnh Rồng cũng xuất hiện thuở sơ khai với sự tích "con rồng, cháu tiên" và tập quán trồng lúa nước, trong đó Rồng đóng vai trò giúp gió mưa thuận hoà.
Hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực Âm - Dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của thái cực, là biểu tượng của vũ trụ. Đây chính là biểu tượng của một trong hai thế lực âm (hoặc dương) đang chi phối vũ trụ (âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại). Còn bonsai Lưỡng long tranh Châu làm khung nền khi tiếp Tổng bí thư Tập Cận Bình thì quá xấu. Điều này sẽ làm khách thấy được "trình độ của Việt Nam".
Ngoài ra hình ảnh cây tre của Việt Nam trong buổi thưởng trà, cũng được giới quan sát cho rằng mang dụng ý về phong cách ngoại giao cây tre mà ông Trọng nhấn mạnh trong những năm qua, dù có hiệu quả hay không, có thể vẫn là câu hỏi lớn trong những năm tới trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường.
Hôm nay cũng là ngày cuối cùng ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, ít hơn con số 45 văn bản được đề xuất trước đó, theo nguồn tin từ một quan chức Việt Nam nói với Reuters, và không bao gồm các thỏa thuận liên quan đến khoáng sản quý và đất hiếm mà ông Tập đã hối thúc trước đó.
Các thỏa thuận bao gồm hai biên bản ghi nhớ về phát triển tuyến đường sắt xuyên biên giới, bao gồm hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Quan chức hai nước trước đó đã ra sức thúc đẩy về một tuyến kết nối đường sắt nối liền thành phố Côn Minh của Trung Quốc và cảng Hải Phòng của Việt Nam, đi qua các khu vực giàu đất hiếm của Việt Nam, giúp tăng tốc việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam để lắp ráp, mở rộng hiệu quả Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) do Trung Quốc khởi xướng.
Hiện chưa rõ quy mô, và các điều khoản trong các khoản vay của Bắc Kinh dành cho Hà Nội sẽ ra sao liên quan đến dự án đường sắt này.
Cho đến nay, chỉ có tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội là dự án duy nhất tại Việt Nam nhận các khoản vay từ Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) và không bị dánh nhãn là một phần của sáng kiến này, trong bối cảnh tâm lý 'chống Trung' ở Việt Nam.
Hai quốc gia cũng đồng ý cùng thúc đẩy sáng kiến "hai hành lang, một vành đai kinh tế", là thuật ngữ từ phía Việt Nam dành cho các cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam cũng được cho sẽ tăng cường các kế hoạch được cho là Con đường tơ lụa kĩ thuật số (Digital Silk Road), và hai quốc gia đã ký một vài thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông và nền kinh tế số.
Nội dung của các thỏa thuận này vẫn không rõ ràng và giới chức tuyên bố việc tăng cường hợp tác viễn thông có thể bao gồm các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như mạng 5G và những tuyến cáp quang dưới biển.
Nguồn : BBC, 13/12/2023