Nhìn từ chuyến thăm của Tập Cận Bình - Không có quá khứ không có tương lai
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 15/12/2023
Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, vào ngày 12 và 13/12/2023. Trước đó, ngày 11 và 12/12/2023, ông Hun Manet cũng viếng thăm chính thức Việt Nam, trên cương vị tân Thủ tướng Campuchia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón cấp Nhà nước Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh : TTXViệt Nam
Hai quốc gia Campuchia và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, cùng nhiều "ơn oán" với Việt Nam, đặc trưng bởi lịch sử hiện đại, xuất phát từ hai cuộc chiến được gọi tên : Chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1989) và Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 - 1990). Trải qua vô số thăng trầm thời cuộc, Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia vẫn cố gắng duy trì ngoại giao tốt đẹp lẫn nhau.
Trong 3 quốc gia này, chỉ có Campuchia - về mặt chính thức - không thuộc "hệ phái" cộng sản. Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn nhìn rõ tính chất "cha truyền con nối" của xứ sở Chùa Tháp. Dù phát triển kinh tế vẫn trên đà tiến triển nhưng Campuchia bị Hoa Kỳ cấm vận võ khí [1] vào tháng Mười Hai năm 2021. Còn Việt Nam đã được Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn [2] lịnh cấm vận võ khí vào tháng Năm năm 2016.
Trong 3 quốc gia kể trên, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang theo đuổi "hệ phái" cộng sản. Tuy nhiên, Trung Quốc chứng minh thành công nổi bật, khi từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ độc tài toàn trị, với hình ảnh Tập Hoàng Đế hiệu triệu "muôn người như một - tiền hô hậu ủng" là sự thật, không thể phủ nhận. Còn Việt Nam, dù trải qua gần nửa thế kỷ, vẫn dậm chân tại chỗ với chế độ độc đảng toàn trị, bằng sách lược "tập thể lãnh đạo - cá nhơn phụ trách". Có lẽ vì vậy, trang fanpge của đài RFA gây cảm giác một chút ngậm ngùi và một phần cay đắng [3] bằng clip dài 1 phút 30 giây, trong đó, hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng rất yếu đuối cùng bộ dạng run rẩy và không còn điều khiển nổi cơ thể, trước cuộc gặp quan trọng tầm vóc quốc tế. Trong giọng nói hụt hơi, ông Trọng không ngăn nổi sự xúc động với cách nói nghẹn ngào : "...đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi rất nhiều. Nhưng mà tôi thì đã già rồi. Rất muốn gửi gắm và trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ". Đi cùng lời nói nghẹn ngào của ông Trọng là cử chỉ vỗ vai nhè nhẹ với lòng thương xót cùng ánh mắt ái ngại của Hoàng đế Tập Cận Bình, dành cho Tổng bí thư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ! Fanpage RFA nhấn mạnh 30 con chữ này đã bị lược bỏ trên phương tiện truyền thông đại chúng, từ phía Việt Nam ! Việc lược bỏ này càng chứng minh rõ, ông Trọng chỉ là "cá nhơn" (trong Bộ Chính trị), còn "tập thể" (Bộ Chính trị) đã quyết định phải cắt bỏ.
Với thời gian viếng thăm ngắn ngủi, một khối lượng văn bản đồ sộ với 36 thỏa thuận được đôi bên ký kết, cùng với "Tuyên bố chung" dài hơn 6.000 con chữ [4]. Một kỷ lục, mà báo giới gọi là "chưa từng có trong lịch sử" ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Tất cả báo chí đều ca ngợi sự thành công cao độ của chuyến viếng thăm này.
Mới đó gần nửa thế kỷ với "chiến thắng vang dội địa cầu" bằng việc "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào". Nay :
Vui sao nước mắt lại trào
Thay bằng khóc hận thuở nào đa mang
Thành công bỗng hóa gian nan
Giang sơn một mối hoang mang tấc lòng
Nỗi niềm ông Trọng nghẹn ngào
Trách nhiệm nay đã trao vào tay ai
Gìn non giữ nước làm sao
Hỡi đồng chí tốt chớ xao lãng giùm...
Chuyến viếng thăm thành công, với 21 phát đại bác vang rền chào đón Tập Hoàng đế kia mà ?! Tại sao ông Trọng phải dùng chữ "Nhưng" trong câu nói 30 chữ nêu trên, như là phó thác mọi an nguy cận kề/sinh tồn hoại diệt, cho lớp cộng sản Việt Nam hậu bối đang cầm quyền ? Đó là băn khoăn không chỉ của hơn 5 triệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, mà bất cứ người dân nào cũng thắc mắc không kém, dành cho cuộc viếng thăm "thành công - thành công - đại thành công" của tình "đoàn kết - hữu nghị" và "keo sơn gắn bó" từ thuở Hồ Chí Minh "lập quốc" !
Dường như lịch sử - lịch sử chính trị - địa chính trị đã phôi pha, nhạt nhòa, theo suốt năm tháng cai trị bạo tàn và sắt máu của người cộng sản Việt Nam, khiến hầu hết người dân không còn hiểu gì thêm, ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (ngỡ là) bị cưỡng chiếm từ "người bạn 4 tốt", bởi những người cộng sản Việt Nam hiền lành - ngây thơ, như vô số đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam bày tỏ suốt nhiều chục năm qua (?). Của đáng tội thiệt !
Quá khứ thường được người đời coi là lịch sử. Sai lầm này không chỉ của thường dân, giới sử gia cũng gieo rắc vào trong sách báo, về Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc. Không dừng ở sai lầm về lý thuyết, cao hơn, khi "đóng đinh" lịch sử như là dấu chấm hết, lúc đó trở thành tội lỗi với di họa khôn lường cho hiện tại, qua câu nói nghẹn ngào của đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Báo chí trong nước không nhắc đến khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh". Chỉ có truyền thông nước ngoài như RFI, đề cập vào hôm 13 tháng Mười Hai năm 2023 : "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là "cộng đồng chia sẻ tương lai", khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là "cộng đồng chung vận mệnh". [5]
Lịch sử chính trị đã bị cắt khúc, cho đến nay vẫn mập mờ về "Hội nghị Thành Đô" năm 1990. Vào ngày 14/01/2020, tờ báo quan trọng nhứt mang tên Nhân Dân đã gọi "Mật ước Thành Đô - Một điển hình của sự dối trá" [6]. Vậy thì, Đảng cộng sản Việt Nam nên bạch hóa với bằng chứng rõ ràng về "sự dối trá" đó, trước toàn thể người dân Việt Nam được chăng ?
Trước khi nói về "tương lai", "quá khứ" phải được đào bới lại. Bởi quá khứ - hiện tại - tương lai là một dòng chảy liên tục của bất kỳ quốc gia nào. Không được cắt khúc quá khứ, như cắt ổ bánh mì đã gặm nhấm chán chê, rồi bỏ mứa nó vô cái thùng rác mang tên "lịch sử" nhằm trốn chạy sự thật !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 15/12/2023
[1] https://tuoitre.vn/phan-ung-lenh-cam-van-ong-hun-sen-ra-lenh-pha-huy-vu-...
[2] https://tuoitre.vn/my-go-bo-cam-van-vu-khi-doi-voi-viet-nam-1105993.htm
[3] https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/244936091946587/
[4] https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-va-trung-quoc-da-co-mot-tuyen-bo-chung...
[5] https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20231213-vi%E1%BB%87t-nam-trung-q...
[6] https://nhandan.vn/mat-uoc-thanh-do-mot-thi-du-dien-hinh-cua-su-doi-tra-...
***************************
Trung Quốc vẫn giữ ‘cộng đồng vận mệnh chung’ với Việt Nam trên văn bản chữ Hán ?
BBC, 15/12/2023
Bản tiếng Trung đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hà Nội vừa qua dùng khá nhiều lần cụm từ ‘vận mệnh chung’ vốn gây tranh cãi ở Việt Nam dù bản tiếng Anh của bộ này lại dùng ngôn từ hơi khác.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thưởn thức trà Việt Nam ở Hà Nội
Trang mfa.gov.cn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong văn bản đăng lúc 20 giờ 13 ngày 14/12/2023, giờ Bắc Kinh để ở nhan đề và nhắc lại nhiều lần trong bài cụm từ "cộng đồng vận mệnh chung Trung-Việt" (中越命运共同体-Zhong Yue mingyun gongtong ti).
Ngay ở nhan đề, bài viết dùng khái niệm "cùng chia sẻ vận mệnh tương lai" (命运与共创未来-mingyun yugong chuang weilai) để ca ngợi các tiến triển mới, chiến lược, trong quan hệ hai nước cùng do các đảng cộng sản lãnh đạo.
Đặc biệt, bài của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lời lãnh đạo nước này phát biểu ở Việt Nam, nói rằng đây là thời điểm đặc biệt tốt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để hai bên xác lập cộng đồng vận mệnh chung (nguyên văn : 中越命运共同体具有天时、地利、人和的独特优势- Trung-Việt mệnh vận cộng đồng thể hữu thiên thời, địa lợi, nhận hòa độc đặc ưu thế).
Tuy thế, bản tiếng Anh mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành một ngày trước đó trên cùng trang web mfa.gov.vn thì lại có nhan đề hơi khác. Đó là "Renewing Traditional Friendship and Embarking on a New Journey to Build a China-Viet Nam Community with a Shared Future" (tạm dịch : Làm mới tình hữu nghị truyền thống và bước vào cuộc hành trình mới để xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam với tương lai được chia sẻ).
Như thế, khái niệm ‘vận mệnh’ (mingyun) mà Trung Quốc thường dịch ra Anh ngữ là "destiny" không có ở nhan đề này và không hề thấy ở trong bài (xem toàn văn ở đây ).
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hướng tới giới trẻ Việt Nam, nói rằng họ là những người đi tiên phong trong trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của con người, và đóng góp vào việc "xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung/chia sẻ cùng nhau của nhân loại" (a community with a shared future for mankind).
Thanh niên được cho là đóng vai trò trọng tâm trong quan hệ vì tương lai của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Trung Quốc, theo các nhà lãnh đạo hai nước. Hình ảnh bà Bành Lệ Viện, đệ nhất phu nhân Trung Quốc, vẫy chào các thanh niên Việt Nam
Ngôn từ phục vụ các đối tượng khác nhau ?
Một biên tập viên ban tiếng Trung của BBC tại Hong Kong đánh giá rằng có thể thấy rõ bản Trung văn của phía Trung Quốc đưa ra giữ nguyên nhiều khái niệm chính quyền nước này tuyên truyền lâu nay, nhưng bản tiếng Anh thì có khác một chút.
Đặc biệt, việc các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam không có câu nào nói về "community of common destiny" (cộng đồng vận mệnh chung) là điều đáng chú ý, theo nhà báo ở Hong Kong.
Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình mà các báo chính thống ở Việt Nam đồng loạt đăng tải cũng chỉ dùng khái niệm "cộng đồng chia sẻ tương lai" trong hai bối cảnh, khi ông Tập nói về "tương lai nhân loại" và về quan hệ Trung-Việt.
Ngoài ra, ông cũng nhắc lại một số lần về "cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương".
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS, Singapore, giải thích với BBC hôm 13/12 về sự "thiếu vắng" khái niệm nhạy cảm từ Trung văn khi chuyển ngữ sang tiếng Việt trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Vận mệnh hay chung con đường, ngôn từ như thế có thể tạo ra phản ứng không tốt trong chính nội bộ của Việt Nam, khi mà tâm lý không thích Trung Quốc ở Việt Nam còn khá nhiều. Tôi nghĩ đấy là lý do hai bên lái đi một chút để tránh sự nhạy cảm, nghi ngờ từ cả phía nội bộ và người dân Việt Nam".
Cũng hôm 14/12/2023, một ngày sau khi Chủ tịch Tập về nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của báo chí về "nội hàm của hợp tác Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, giải thích trước câu hỏi từ truyền thông nước ngoài về khái niệm này như sau :
"Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới".
Nguồn : BBC, 15/12/2023
*************************
Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc gặp nhân sĩ hữu nghị và thanh niên Việt – Trung
Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 15/12/2023
Kính thưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bà Ngô Thị Mẫn,
Thưa các đồng chí và các bạn thanh niên hai nước Trung Quốc, Việt Nam,
Xin gửi mọi người lời chào buổi chiều tốt lành !
Rất vui được gặp các bạn. Sau sáu năm, tôi lại đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, thấy các bạn tràn trề nhiệt tình tôi vô cùng vui mừng. Hôm nay ở đây có không ít bạn cũ từng nhiều năm dốc sức phấn đấu vì tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, cũng có rất nhiều bạn trẻ mới. Thay mặt Đảng và Chính phủ Trung Quốc, tôi xin gửi tới các bạn lời thăm hỏi thân thiết !
Hôm qua, tôi và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhau tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước Trung Quốc, Việt Nam. Đây là quyết sách chiến lược trọng đại mà chúng ta đưa ra xuất phát từ sự chấn hưng chủ nghĩa xã hội thế giới và thực hiện hòa bình, ổn định lâu dài cho hai nước Trung – Việt, bắt nguồn sâu sắc từ tình hữu hảo truyền thống Trung – Việt, phù hợp với lợi ích chung. và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta cùng chung chí hướng và giúp đỡ lẫn nhau. Từ thời cận đại đến nay, hai đảng, nhân dân hai nước Trung Quốc – Việt Nam luôn giữ vững lý tưởng, niềm tin chung, trong tiến trình sự nghiệp đấu tranh giành độc lập nhà nước, giải phóng dân tộc, chúng ta luôn cùng hội cùng thuyền, ủng hộ lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc lâu tới 12 năm, lần lượt thành lập Hội Đồng chí Thanh niên Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu và Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông. Ông còn ở Vân Nam, Quảng Tây và các nơi khác trong một thời gian dài, từ đó tiến hành chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Nông Kỳ Trấn (Nong Qizhen), một dân làng ở huyện Long Châu, Quảng Tây, từng liều mạng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Quảng Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết "Thư gửi đồng bào Việt Nam" nổi tiếng và năm 1945 từ đó trở về Việt Nam lãnh đạo "Cách mạng tháng Tám" đi đến thắng lợi, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, hơn 1.400 tướng sĩ Trung Quốc đã hy sinh anh dũng và yên nghỉ trên đất nước Việt Nam bao la. Bệnh viện Nam Khê Sơn (Nanxishan) ở Quế Lâm, Quảng Tây đã cứu trợ hơn 5.000 chiến sĩ Việt Nam bị thương. Trường Dục Tài (Yucai) [tức Khu Học xá Trung ương Nam Ninh] đã đào tạo cho Việt Nam hơn 10.000 học sinh. Việt Nam cũng tích cực ủng hộ cách mạng Trung Quốc, Tướng quân Hồng Thuỷ (Hong Shui) [tức tướng Nguyễn Sơn] tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, tham gia cuộc Trường chinh của Hồng quân Trung Quốc, là "Lưỡng quốc Tướng quân" tiếng tăm hiển hách. Câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Việt -Trung tình hữu nghị sâu sắc, vừa là đồng chí, vừa là anh em" đã trở thành ký ức lịch sử không thể phai mờ của nhân dân hai nước về những năm tháng phi thường ấy.
Căn cứ vào tình hình hiện tại, chúng ta trước sau như một kiên định hợp tác cùng có lợi. Trong 15 năm thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam đã kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm, ra sức thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Kể từ thời đại mới đến nay, các Tổng bí thư hai đảng Trung Quốc và Việt Nam đã hai lần thăm lẫn nhau, dẫn dắt hiệu quả sự phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Cách đây không lâu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến đi trồng "Cây hữu nghị" tại cửa khẩu Hữu nghị ở biên giới hai nước, thể hiện sự coi trọng đặc biệt mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Hai bên đã phát huy vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo hợp tác song phương và thúc đẩy hơn 30 cơ chế hợp tác như hội thảo lý luận hai Đảng, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, các hội nghị hợp tác Bộ Công an hai nước đấu tranh chống tội phạm, thúc đẩy hiệu quả trao đổi kinh nghiệm quản trị Đảng và quản trị nước, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước.
Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới. Với việc triển khai các chuyến tàu quốc tế Trung Quốc-Việt Nam và khởi công xây dựng cửa khẩu thông minh, tăng tốc kết nối các cửa khẩu biên giới trên đất liền, các nông sản chất lượng cao của Việt Nam như vải thiều, sầu riêng, thanh long đã được bán sang Trung Quốc với số lượng lớn. Nguyên liệu thô và máy móc, thiết bị do Trung Quốc xuất khẩu cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển ngành chế tạo của Việt Nam, thúc đẩy việc nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Tuyến đường sắt nhẹ Hà Nội số 2 do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng đã vận chuyển gần 20 triệu lượt người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân Hà Nội. Các công ty Trung Quốc đã xây dựng cụm công nghiệp quang điện ở nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đầu tư và xây dựng nhiều dự án phát điện từ rác thải ở Hà Nội và những nơi khác, giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam.
Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới Thác Đức Thiên (Detian, Bản Giốc) Trung Quốc-Việt Nam đã vận hành thử nghiệm thành công. Các hoạt động như giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh biên giới, liên hoan nhân dân biên giới Trung Quốc – Việt Nam được triển khai vô cùng sinh động. Các tác phẩm kinh điển truyền thống của Trung Quốc rất nổi tiếng ở Việt Nam, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình đương đại của Trung Quốc cũng được người dân Việt Nam vô cùng yêu thích. Các ca khúc nhạc pop Việt lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt cũng thu hút được lượng lớn "fan" Trung Quốc trên các chương trình văn nghệ của Trung Quốc. Trao đổi và hợp tác hiệu quả đã tăng cường sự thông cảm giữa nhân dân hai nước.
Nhìn về tương lai, chúng ta có chung tương lai và vận mệnh. Trước một thế giới đan xen hỗn loạn, tôi đề xuất ý tưởng xây dựng Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, nhằm thúc đẩy các nước trên thế giới cùng chung tay ứng đối những thách thức toàn cầu. Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy toàn diện sự nghiệp vĩ đại xây dựng nước mạnh, phục hưng dân tộc theo mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Điều chúng tôi theo đuổi không phải là hiện đại hóa theo cách chỉ lo cho mình mà sẽ kiên quyết không đổi đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên trì phương châm ngoại giao thân thiện và kết bạn với các nước láng giềng, kiên trì tư tưởng ngoại giao chân thành bao dung với các nước xung quanh, sao cho công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước xung quanh. Việt Nam đang ra sức đẩy mạnh xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng tới hai mục tiêu phấn đấu đặt ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và đất nước.
Thưa các đồng chí và các bạn thanh niên !
Nền tảng của tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam là ở nhân dân và tương lai là ở lớp thanh niên. Tôi muốn nêu ra ba niềm hy vọng.
Hy vọng rằng các bạn sẽ là người kế thừa tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam và góp sức xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Ngày nay, Trung Quốc và Việt Nam đã dùng những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế – xã hội để chứng minh một cách hùng hồn với thế giới rằng con đường phát triển mà chúng ta đã chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hai nước chúng ta tăng cường đoàn kết hợp tác sẽ có lợi cho sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước. Hy vọng rằng các nhân sĩ hữu hảo thuộc mọi tầng lớp xã hội ở hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ trở thành những người đi đầu trong hành trình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam và góp sức thực hiện hành trình trăm năm của mỗi nước cũng như xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Hy vọng rằng các bạn sẽ cố gắng trở thành người tham gia vào quá trình chấn hưng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đóng góp cho hòa bình và ổn định lâu dài của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, điều đó vừa là kết quả của sự tự thân phấn đấu mà cũng được hưởng lợi từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, cởi mở và bao dung. Châu Á – Thái Bình Dương là nơi chúng ta yên thân lập phận, là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cởi mở, bao dung và hợp tác cùng có lợi mới là con đường đúng đắn của loài người. Chúng ta phải giương cao ngọn cờ của cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương, hội tụ thêm năng lượng tích cực đoàn kết và tiến lên phía trước, cùng nhau đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hài hòa và phồn vinh.
Hy vọng rằng các bạn sẽ dám trở thành những người đi tiên phong phấn đấu không ngừng cho sự xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại. Hai đảng Trung Quốc và Việt Nam đều là những chính đảng Mác-xít hướng tới thế giới, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hai nước phải trở thành lực lượng trung kiên thúc đẩy sự nghiệp tiến bộ của nhân loại. Mục tiêu hùng vĩ xây dựng một cộng đồng nhân loại cùng chia sẻ tương lai đòi hỏi nhiều thế hệ con người chạy tiếp sức thì mới thực hiện được. Chúng ta phải gánh vác trách nhiệm của thời đại với tấm lòng rộng mở hơn và tầm nhìn bao quát hơn, lên tiếng bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ toàn cầu.
Thưa các đồng chí và các bạn thanh niên !
Tục ngữ Việt Nam có câu : "Mọi vật trên thế giới không ngừng thay đổi, chỉ có trái tim này là vững chắc". Không quên con đường dẫn mình đến thì mới biết mình sẽ đi đâu. Hành trình gian truân và những thành tựu vẻ vang của sự phát triển lớn mạnh trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và Việt Nam thể hiện đầy đủ rằng việc Trung Quốc và Việt Nam tăng cường đoàn kết, hợp tác là kinh nghiệm lịch sử quan trọng để chúng ta chiến thắng mọi rủi ro, thách thức trên con đường tiến lên, không ngừng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhìn về tương lai, chúng ta phải luôn không quên nguyện vọng ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh của mình và cùng nhau tay nắm tay đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của mỗi nước, sao cho kết quả xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước, và cùng nhau đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại.
Xin cảm ơn mọi người.
Tập Cận Bình
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nguyên tác tiếng Trung của Tân Hoa Xã, ngày 13/12/2023 习近平会见中越两国青年和友好人士代表时的讲话(全文), 来源:新华网, 新华社河内12月13日电.
************************
Ngoại giao Trung Quốc nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình ?
VOA, 15/12/2023
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/12 đã dành phần lớn cuộc họp báo để nói về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, Vương Nghị, ca ngợi chuyến công du đã đạt được những thành tựu to lớn và được phía Việt Nam đón tiếp "nồng hậu, ở mức độ trang trọng nhất và chưa từng có".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh.
"Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước", Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc (State Council) hôm 15/12 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói.
"Phía Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm này và bày tỏ sự đón tiếp nồng hậu ở mức trang trọng nhất và chưa từng có", ông Vương nói thêm và lưu ý việc đích thân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã ra tận sân bay để đón tiếp và tiễn đoàn Trung Quốc.
Những nhận xét trên của ông Vương Nghị cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, lặp lại trong cuộc họp báo ngày 15/12, và lưu ý thêm rằng "báo chí quốc tế đã theo sát chuyến thăm và tin tưởng rộng rãi rằng chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và hơn thế nữa, sẽ có tác động quan trọng và sâu rộng đến sự phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước cũng như trên toàn bộ khu vực và thậm chí cả bối cảnh toàn cầu".
Người đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tóm tắt 3 điểm nổi bật trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, bao gồm : Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới.
"Điểm nổi bật của chuyến thăm là khi lãnh đạo hai đảng và hai nước đưa ra quyết định lịch sử quan trọng là xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai, mang ý nghĩa chiến lược", bà Mao nói.
Đây được xem là "kết quả chính trị quan trọng nhất của chuyến thăm", và là "kết quả tất yếu, phản ánh xu hướng của thời đại và phục vụ lợi ích cơ bản của hai đất nước, hai dân tộc", vẫn theo lời bà Mao.
Bà Mao Ninh cũng không quên nhắc đến các sáng kiến mà Bắc Kinh đã nỗ lực lôi kéo các nước tham gia trong nhiều năm qua như : Sáng kiến Vành đai, Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu…, và khẳng định các sáng kiến toàn cầu này do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất "nhằm bảo vệ lợi ích chung của nhân loại".
"Phía Việt Nam kiên quyết ủng hộ và sẽ tích cực tham gia các sáng kiến này", người phát ngôn Mao Ninh nói, và thêm rằng phía Việt Nam xem việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược, "không bị quấy rầy, phá hoại bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào".
"Điều này đặt nền tảng chính trị vững chắc cho việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai", vẫn lời bà Mao.
Nội dung nổi bật thứ hai là việc hợp tác trên thực tế, trong đó có việc ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh, vận tải, kiểm dịch, quốc phòng, hợp tác hàng hải…
Nội dung thứ ba là "một chương mới được viết cho tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam", bà Mao Ninh nói, và cho biết ông Tập Cận Bình đã lưu ý với phía Việt Nam rằng điều quan trọng là phải thực hiện "một cách tiếp cận có hệ thống" để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai bên, cần tập trung vào lĩnh vực sinh kế, hợp tác về thanh niên để mối quan hệ hữu nghị là được truyền từ đời này sang đời khác, "cung cấp nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược".
Theo người đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm của ông Tập là một ví dụ sinh động về việc Trung Quốc theo đuổi ngoại giao láng giềng với tinh thần thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện, cũng như một thực tiễn thành công khác của Tư tưởng Tập Cận Bình về Ngoại giao.
Trong khi phía Trung Quốc hết lời ca ngợi chuyến thăm, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ lên tiếng giải thích về "nội hàm Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc", một khái niệm gây tranh cãi trong giới ngoại giao, nghiên cứu và công luận tại Việt Nam.
"Trong Tuyên bố chung nước Cộng hòa xã hội chủ Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại", báo Lao Động dẫn lời người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói.
"Hai bên cũng nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế. Hai bên kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình", vẫn theo lời bà Hằng.
"Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.
Bà lưu ý rằng những phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực và toàn cầu đã được nêu cụ thể trong Tuyên bố chung giữa hai nước.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất, ngang với Trung Quốc và Nga. Giới quan sát và nghiên cứu quốc tế cho rằng chuyến đi nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á.
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng về mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế cho đến an ninh và các vấn đề quốc tế.
Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng Chủ tịch Trung Quốc trong ngày công du cuối cùng ở Hà Nội đã nói với nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính : "Trung Quốc và Việt Nam nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương", China Daily tường thuật.
Nguồn : VOA, 15/12/2023
Việt Nam bớt nghi ngại Vành đai và Con đường của Trung Quốc ?
Thu Hằng, RFI, 14/12/2023
Phải chăng Việt Nam khó có thể đứng ngoài Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong khi hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt hiện trở thành tuyến đường vận tải huyết mạch nối Đông Nam Á với cường quốc đông dân nhất thế giới ? Trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 kết thúc chuyến công du Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác đường sắt giữa hai nước và nâng cao hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nuyễn Phú Trọng tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Minh Hoang
Trước đó, trả lời trang VnExpress, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết "phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng", trong đó có việc xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn. Theo đại sứ Hùng Ba, "Việt Nam có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc với các nước ASEAN".
Lào - Cam Bốt trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam
Dường như Hà Nội thay đổi cách nhìn về sáng kiến cơ sở hạ tầng vận tải của Bắc Kinh. Tháng 10/2023, khi tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường - BRI lần thứ ba và đánh dấu tròn 10 năm hình thành dự án, chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc khai thác BRI để tăng cường khả năng kết nối và trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
So với hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt, Việt Nam nhận được ít tài trợ nhất từ Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2015-2021, theo số liệu của Viện Lowy tại Úc, được nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà trích dẫn trong bài phân tích ngày 14/12/2023 trên trang Fulcrum của Singapore, chuyên phân tích về Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu cao cấp, điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS - Yusof Ishak, nêu một số lý do, như nguyên tắc của Việt Nam về chi tiêu công cho phát triển cơ sở hạ tầng chỉ được chiếm 6% GDP, tiếp theo là tâm lý nghi ngại Trung Quốc sau một số dự án như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội, nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án khai thác bauxite ở cao nguyên miền trung…
Tuy nhiên, những dự án quy mô lớn của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể không gian địa-kinh tế và năng lực cạnh tranh của Lào và Cam Bốt buộc Hà Nội cân nhắc lại, trong đó phải kể đến hai dự án lớn. Thứ nhất là tuyến đường sắt Boten-Vientiane dài 414 km nối tỉnh Côn Minh với thủ đô của Lào trở thành hành lang kinh tế Bắc-Nam nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Hoạt động từ năm 2021, chỉ trong năm đầu tiên khai thác, tuyến đường sắt đã vận chuyển 11,2 triệu tấn hàng hóa, gấp đôi khối lượng vận tải của cả Việt Nam (5,7 triệu tấn). Thái Lan đã từ bỏ trung chuyển qua Việt Nam, thay vào đó là sử dụng tuyến đường này để xuất nông phẩm sang Trung Quốc. Nông phẩm Việt Nam, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, cũng chịu nguy cơ cạnh tranh với hàng hóa Đông Nam Á khi tuyến đường này được sử dụng nhiều hơn.
Dự án thứ hai là kênh đào Funan Techo, mà Trung Quốc đề xuất với Cam Bốt, cũng có thể sẽ tác động đáng kể đến kinh tế và hệ sinh thái cho Việt Nam. Tuyến đường thủy dài 180 km trên sông Mêkông sẽ xuyên suốt Cam Bốt đến cảng của nước này mà không cần phải trung chuyển qua cảng biển của Việt Nam.
Việt Nam tham gia BRI để duy trì tính cạnh tranh trong khu vực ?
Do những dự án này đã và sẽ tái định hình kết nối trong vùng, nên chính phủ Việt Nam rơi vào thế khó. Hà Nội sẽ phải cân nhắc những lợi ích tiềm tàng của Sáng kiến Vành đai và Con đường để cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước so với những rủi ro về kinh tế và an ninh, cũng như phản ứng từ công luận.
Dù những sự kiện gần đây có thể cho thấy sự thay đổi về lập trường của Hà Nội, nhưng cũng cần chờ xem liệu những thay đổi đó có được cụ thể hóa thành những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng do Trung Quốc đầu tư hay không. Không chỉ Việt Nam nghi ngại về đầu tư của Bắc Kinh mà Trung Quốc cũng do dự, nếu nhìn vào mức độ tài trợ thấp của nước này vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà cho rằng một dấu hiệu quan trọng trong tương lai để xem Việt Nam có tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường hay không, có lẽ sẽ là Trung Quốc tham gia xây dự tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam ở quy mô nào. Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã tỏ ý được tham gia nhưng hiện tại chính phủ Việt Nam vẫn hướng đến Nhật Bản.
Thu Hằng
*************************
RFA, 14/12/2023
Việt Nam đã trở thành quốc gia mới nhất ở Đông Nam Á đồng ý với "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung", tầm nhìn của Bắc Kinh về một trật tự toàn cầu mới do Trung Quốc dẫn dắt.
AP
Thỏa thuận này được công bố tại cuộc gặp hôm 12/12 tại Hà Nội giữa Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang thăm cấp nhà nước hai ngày tại Việt Nam.
"Việt Nam coi việc phát triển mối quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược", ông Trọng được báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, trích dẫn.
Ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên tại Đại học Quốc gia Việt Nam, cho biết : "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ chính trị và tư tưởng chặt chẽ, điều đó biến lời kêu gọi của ông Tập về ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai chung’ Trung Quốc-Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược".
"Điều này xảy ra cùng lúc khi quan hệ của Việt Nam với Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản được nâng lên mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’ ngang bằng với Trung Quốc", ông Sáng nói với Đài Á Châu Tự do (RFA).
Vị giảng viên này nhấn mạnh : "Bắc Kinh có thể đã cố gắng tăng cường quan hệ với Hà Nội để giữ Việt Nam trong vòng tay của mình".
Truyền thông nhà nước ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều nêu bật sự gần gũi và tương đồng của hai nước trong hệ thống chính trị.
"Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải.. Chúng ta tận hưởng sự gần gũi về văn hóa, trân trọng những lý tưởng giống nhau và có một tương lai chung phía trước", ông Tập Cận Bình viết trong một bài báo trước chuyến đi, chuyến thăm thứ ba tới nước láng giềng kể từ khi ông trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc.
Khái niệm "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung" ban đầu được đặt ra là "Cộng đồng có chung vận mệnh".
Ian Chong, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Singapore, cho biết : "Thuật ngữ này đã xuất hiện từ đầu những năm 2000, nhưng Tập Cận Bình đã chính thức đưa nó trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đưa nó vào Hiến pháp năm 2017".
Bắc Kinh đã công bố toàn văn các đề xuất và hành động của Trung Quốc về "Cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung" vào tháng 9.
Ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện nghiên cứu ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore cho biết :
"Đây là khuôn khổ được Trung Quốc đề xuất cho quan hệ quốc tế dưới thời Tập Cận Bình. Khái niệm này thường được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm định hình lại, hoặc thậm chí tạo ra một trật tự toàn cầu thay thế".
Ông Giang nói thêm rằng "Là một quốc gia được hưởng lợi đáng kể từ việc hội nhập sâu rộng vào trật tự toàn cầu hiện có, Việt Nam cho đến nay vẫn chống lại áp lực của Trung Quốc trong việc tham gia sáng kiến này".
Tuy nhiên, cũng theo ông Giang "người dân Việt Nam, với một lịch sử lâu dài và phức tạp với Trung Quốc, không quan tâm đến khái niệm này".
Người dân vẫy quốc kỳ Trung Quốc và Việt Nam trước sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội ngày 12/12/2023. (Ảnh : Lương Thái Linh/AP)
Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh truyền thống nhưng mối quan hệ giữa họ không hề suôn sẻ. Hà Nội và Bắc Kinh đã có một cuộc chiến tranh ngắn ngủi vào năm 1979 và nhiều cuộc đụng độ đẫm máu đã diễn ra trên đường biên giới chung trong những năm 1980.
Hai nước cũng đang đối đầu nhau về yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1991, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất đối với nước láng giềng nhỏ hơn.
Học giả Chong từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết, theo quan điểm của ông, Trung Quốc "đang cố gắng tiếp cận vào thời điểm hiện tại khi gặp khó khăn trong nước và sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ Mỹ và các đồng minh".
"Vì vậy, mặc dù nó có thể không biến thành bất cứ điều gì cụ thể, nhưng việc không tham gia ('Cộng đồng chia sẻ tương lai chung') có thể giống như một sự từ chối trực tiếp đối với Tập Cận Bình", ông Chong nói với RFA cho rằng "đó có thể là điều mà Việt Nam và các nước khác trong khu vực muốn tránh".
Mặt khác, việc tham gia có thể giúp Hà Nội "phát tín hiệu thiện chí và tìm kiếm các lĩnh vực trao đổi kinh tế khả thi", ông nói.
Theo truyền thông nhà nước, trong chuyến thăm của ông Tập, hai bên đã ký 36 thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
"Xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại nên bắt đầu từ Châu Á", ông Tập Cận Bình viết trong bài báo mới được đăng gần đây.
Ông Huỳnh Tâm Sáng từ Đại học Quốc gia Việt Nam cho biết : "Từ ngữ trong bài viết của ông Tập như một lời nhắc nhở rằng tương lai của các nước Châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam, chỉ nên do người Châu Á quyết định".
"Tuy nhiên, theo nhận định của Tập Cận Bình và các đồng chí, Trung Quốc là động lực cho tương lai của Việt Nam và các nước Châu Á khác".
Trước Việt Nam, bảy quốc gia Đông Nam Á khác – Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Brunei, Malaysia và Indonesia – đã đồng ý gia nhập cộng đồng do Trung Quốc lãnh đạo.
Tuy nhiên, cam kết cao hơn ở Campuchia và Lào, nhưng lại thấp hơn ở Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, theo Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii.
Vuving viết trên mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter : "Singapore và Philippines khó có thể sớm đứng về phía Trung Quốc".
Ông nói thêm : "Với 8 trong 10 thành viên nằm trong ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai chung’ của Trung Quốc, ASEAN đang ngày càng trở nên không phù hợp, như đã được chứng minh trong cuộc xung đột đang diễn ra trên Biển Đông".
Trong trường hợp của Việt Nam, Hà Nội khẳng định văn bản có bổ sung các từ "phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, và kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình".
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Zhang Baohui, giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, cho biết : "Việt Nam hiểu rằng bất chấp những tranh chấp chưa được giải quyết ở Biển Đông, Việt Nam cần duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, vì cả lý do an ninh và kinh tế".
Zhang cho rằng việc ủng hộ "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung" của Trung Quốc, đồng thời duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, thể hiện "tín hiệu tử tế" của Hà Nội đối với Bắc Kinh.
Theo ông, chuyến thăm Hà Nội của các nhà lãnh đạo thế giới cho thấy "nền ngoại giao tinh tế của Hà Nội với các cường quốc".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dùng trà tại Văn phòng Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 12/12/2023. (Ảnh : Trí Dũng/VNA)
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã và đang thúc đẩy khái niệm "ngoại giao cây tre" tượng trưng bằng khả năng cây tre có thể uốn cong theo gió nhưng không bao giờ gãy.
Trong tiệc trà giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng, người ta nhìn thấy một đồ trang trí phức tạp với hai cành tre xoắn ốc từ một chiếc bình ở phía sau.
Hai nhà lãnh đạo cùng nhâm nhi tách trà xanh Việt Nam.
Ông Trương Nhân Tuấn, một nhà bình luận chính trị người Việt ở Pháp, cho biết : "Giới lãnh đạo Việt Nam quyết định xây dựng một tương lai chung với Trung Quốc có lẽ xuất phát từ những lo ngại về địa chính trị".
"Tuy nhiên, Hà Nội phải luôn ghi nhớ những tham vọng của Bắc Kinh", ông Tuấn cảnh báo, đồng thời cho biết thêm "và Hoa Kỳ cũng nên lo ngại về việc Việt Nam xích lại gần Trung Quốc hơn".
Nguồn : RFA, 14/12/2023
Bài viết của RFA ban Tiếng Anh do ban tiếng Việt dịch lại
*******************************
Thời báo Hoàn Cầu bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình
Thời báo Hoàn cầu, Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2023
Nhận lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Việt Nam của Tổng bí thư Tập Cận Bình sau 6 năm. Cộng đồng xã hội hai nước tràn đầy hy vọng chuyến đi này sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên một "vị trí mới" và đạt "tầm cao mới".
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 12/12/2023.
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã lần lượt đến thăm Trung Quốc, mật độ thăm Trung Quốc cao như vậy là điều ít thấy trong quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới. Lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam có sự giao lưu đi lại mật thiết, thường xuyên đến và đi như thăm người thân, điều đó thể hiện đầy đủ mức độ cao và đặc biệt của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Tình hữu nghị sâu sắc "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam làm cho hai nước có mục tiêu đi đến chỗ gặp nhau, cũng có động lực để cùng nhau hợp tác. Điều này có thể khó hiểu đối với một số quốc gia ngoài khu vực.
Trong thời gian từ khi Mỹ "trở lại Châu Á – Thái Bình Dương" cho đến lúc Mỹ lộ rõ ý đồ đưa ra và triển khai thực hiện "Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương" nhằm kiềm chế Trung Quốc, mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam nhận được sự "quan tâm chăm sóc" đặc biệt, một số người thích viết những "tiểu luận" về Trung Quốc và Việt Nam. Việc đi lại bình thường giữa Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, được họ hiểu là dấu hiệu cho thấy Việt Nam "muốn gia nhập hệ thống của Mỹ". Theo logic của họ, Trung Quốc và Việt Nam không thể hòa hợp tốt được, Việt Nam là một trong những nước láng giềng của Trung Quốc có hy vọng lớn nhất được lôi kéo vào "đội ngũ Mỹ". Có lẽ dựa vào phán đoán này mà Mỹ đã tăng cường đáng kể sự lôi kéo Việt Nam, hành động đó đầy ác ý với Trung Quốc và cũng cực kỳ thiếu tôn trọng Việt Nam. Nhưng thực tế chứng tỏ đây chỉ là sự phán đoán sai lầm, hoặc là sự tưởng tượng của phương Tây. Ngoại giao của Việt Nam và mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam hoàn toàn không đi theo con đường ấy.
Tháng 9 năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam ; hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Cuối tháng trước, Võ Văn Thưởng đến thăm Nhật Bản cũng đã nâng tầm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Điều này có nghĩa là trong hệ thống cấp bậc ngoại giao của Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản đã có được vị thế ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Một số dư luận phương Tây bắt đầu "lo lắng cho Trung Quốc", nói rằng đây là "thắng lợi ngoại giao" của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời là "thất bại ngoại giao", hay ít nhất là một "tổn thất ngoại giao" của Trung Quốc. Cần nói là trong vài năm qua, những lập luận tương tự của phương Tây đã xuất hiện rất nhiều lần, nhưng cuối cùng chúng đều bị sự phát triển hơn nữa của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam vả vào mặt.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư Tập Cận Bình cần mang đến cho những kẻ suốt ngày theo dõi quan hệ Trung-Việt nhưng lại đầy dốt nát và đánh giá sai lầm ấy một nhận thức toàn diện và khách quan hơn. Đường lối chính của quan hệ Trung -Việt rất rõ ràng. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của mình, cả hai đều coi quan hệ Trung – Việt là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước và đều coi sự phát triển của đối phương là cơ hội cho sự phát triển của mình. Như Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chỉ ra một cách sâu sắc : "Sự phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và hai dân tộc, có lợi cho sự phát triển thịnh vượng của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, có lợi cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy phát triển phồn vinh".
Kể từ đầu năm nay, sự hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã tăng tốc rõ rệt : các chuyến thăm và tiếp xúc giữa các đoàn cấp cao và các cấp khác trở nên thường xuyên hơn ; kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam trong hai năm liên tiếp vượt mức 200 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 185,1 tỷ USD. Trung Quốc nhiều năm liên tiếp vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc và Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với nhau và bổ sung mạnh mẽ về mặt kinh tế, sự hòa nhập lợi ích ngày càng khăng khít, điều đó làm cho nền tảng ổn định trong quan hệ giữa hai nước ngày càng vững chắc và rộng lớn hơn. Nếu phương Tây có người cho rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ lú lẫn về mối quan hệ như vậy thì điều đó cho thấy chính họ mới là kẻ thực sự lú lẫn.
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn tốt núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ môi hở răng lạnh, là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chí hướng, cùng con đường đi, có chung vận mệnh, là cộng đồng cùng tương lai có ý nghĩa chiến lược. Trong bối cảnh quốc tế luôn thay đổi, "bốn điểm tốt" ấy không những không phai nhạt mà ngược lại còn trở nên đậm đà hơn. Tin rằng chuyến thăm này của Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ đưa mối quan hệ "bốn tốt" giữa Trung Quốc và Việt Nam lên một tầm cao mới, tăng thêm động lực mới cho sự ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời mang lại thêm nhiều tính xác định, tính ổn định cho thế giới đan xen biến động này.
Hoàn Cầu Thời Báo
Nguyên tác : 社评:中越关系再上"新高度"令人期待, 环球时报, ngày 11/12/2023.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2023
*************************
Cộng đồng 'chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc' nghĩa là gì ?
Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc' khi Chủ tịch Tập Cận Bình trở lại Hà Nội sau sáu năm.
Chuyến thăm cấp nhà nước này đánh dấu lần thứ ba ông Tập đến Hà Nội trong cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, sau chuyến đi năm 2017 và 2015
Hai nước đã không sử dụng cụm từ 'cộng đồng chung vận mệnh', một sáng kiến do nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xướng cách đây 10 năm, khi mới lên nắm quyền.
Về ngôn từ, "nhất trí xây dựng" có thể hiểu đây mới là sự khởi đầu của một quá trình.
Chuyến đi của ông Tập diễn ra chỉ ba tháng sau khi Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên tầm 'đối tác chiến lược toàn diện', ngang bằng với Trung Quốc.
Có khác nhau ?
Trả lời BBC News tiếng Việt trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Giáo sư Steve Tsang, từ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), trực thuộc Đại học London giải thích về khái niệm này, "Khái niệm gọi là 'Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai' là thể hiện chưa đúng [misrepresentation] từ cụm từ gốc của Trung Quốc mà Tập Cận Bình đã dùng, đó là 'Cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại'.
Tập Cận Bình đề cập nếu là một phần của nhân loại thì nên tham gia cộng đồng chung vận mệnh đó".
Nhiều người cho rằng 'cộng đồng chia sẻ chung tương lai' khác với 'cộng đồng chung vận mệnh'.
Tuy nhiên trong Trung văn, khái niệm của có gốc ngữ nghĩa rộng hơn quan hệ hai nước : 'cộng đồng chung vận mệnh' là 人类命运共同体-renlei mingyun gongtongti - nhân loại vận mệnh cộng đồng thể, là đoạn ngắn của cả cụm từ về nhân loại mà phía Trung Quốc dịch sang tiếng Anh là 'community of common destiny of mankind' (CCD).
Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye đánh giá trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng 'cộng đồng chia sẻ tương lai' chính là 'cộng đồng chung vận mệnh', và Trung Quốc đã thay đổi cách dịch nghĩa để tránh những ý nghĩa tiêu cực về 'chung một vận mệnh'.
Cho phép hiện nội dung từ Twitter ?
Twitter. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Twitter trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.
Giáo sư Alexander L Vuving cũng đưa ra một ẩn dụ "cây tre Việt Nam đang bị Gấu trúc Trung Quốc xơi từng miếng một".
Reuters ngày 12/12 dẫn lời một nhà ngoại giao từ Hà Nội, nhận định "một tuyên bố, nhiều cách dịch", khi nói đến cách diễn dịch cụm từ 'cộng đồng chung vận mệnh' này.
Như vậy Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ tám, và có lẽ là cuối cùng trong Đông Nam Á tham gia cộng đồng do Trung Quốc dẫn đầu, sau Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Brunei, Malaysia, và Indonesia. Giới quan sát nhận định, hai quốc gia còn lại trong ASEAN chưa tham gia cộng đồng này gồm Singapore và Philippines, và khó có khả năng hai quốc gia này tham gia trong tương lai.
Có thể thấy một khác biệt trong tuyên bố chung xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai' giữa Trung Quốc và Thái Lan hồi tháng 11/2022.
Cụ thể, tựa đề tuyên bố chung thay vì "đồng ý xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai', thì chỉ nêu "working towards" (có nghĩa là "hướng tới") vì "tăng cường ổn định, thịnh vượng và bền vững".
Trước đó, theo quan sát của BBC trên trang Facebook và YouTube của BBC News tiếng Việt, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ trước cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh", và phản đối việc Việt Nam tin tưởng, cùng chung một vận mệnh với quốc gia láng giềng khổng lồ phương bắc sau một ngàn năm Bắc thuộc và những khác biệt trong điều Bắc Kinh nói và làm trong các năm qua.
Trước đó, Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá với BBC về cộng đồng này như sau, "Chúng ta cứ hiểu cộng đồng này là một cái bình không có rượu. Trung Quốc rao bán cái bình, nhưng chưa đổ rượu vào. Cái bình rất đẹp, và được quảng cáo rất hay, nói về những điều hay ho lắm, nào là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, những điều mọi người đều mong ước cả… Thế nhưng rượu thì chưa đổ. Các nước thì đôi khi bị ép quá thì họ cứ nhận cái bình đã, Trung Quốc sẽ rót rượu vào sau".
Ngoài ra việc xây dựng cộng đồng này được hai nước tuyên bố sẽ "phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế".
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Bắc bình luận với BBC về ý này, "Việc thêm một đoạn khá dài và chi tiết như vậy rõ ràng có chủ đích và khá khéo léo, có thể nhằm "trấn an" người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẽ tôn trọng và bám sát vào các nguyên tắc nêu trên trong quá trình xây dựng cộng đồng với Trung Quốc. Qua đó, ta có thể thấy Việt Nam - dù là quốc gia láng giềng nhỏ hơn so với Trung Quốc - vẫn "tôn trọng" Bắc Kinh - nhưng khéo léo không quá "nhún nhường" cường quốc này. Nói cách khác, Việt Nam vẫn nỗ lực tối đa để duy trì quan hệ ổn định với nước láng giềng lớn hơn, song song với đảm bảo không gian sinh tồn với các nguyên tắc và giá trị đan xen", Tiến sĩ Sáng nhận định.
Reuters ngày 12/12 dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore đánh giá việc Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' là "mang tính biểu tượng".
"Việc Việt Nam thiếu niềm tin với Trung Quốc có gốc rễ sâu xa, và từ quan điểm của người dân Việt Nam, hầu như không có chuyện "chia sẻ chung vận mệnh" giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông", ông nói.
36 văn bản thỏa thuận hợp tác, thay vì 45
Hình ảnh cây tre Việt Nam xuất hiện trong buổi thưởng trà hôm qua giữa ông Trọng và ông Tập cũng gây chú ý dư luận.
Tại tiệc trà, các loại trà đã được lựa chọn từ những vùng trà nổi tiếng ở Việt Nam như Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La), Lai Châu và Thái Nguyên, theo truyền thông nước này.
Một chuyên gia về quan hệ ngoại giao Việt - Trung trong nhiều năm qua nói với BBC News tiếng Việt với điều kiện ẩn danh về hình ảnh bonsai Lưỡng long tranh Châu làm nền trong buổi thưởng trà.
"Trong tâm thức người dân Việt Nam, Rồng có vị trí đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, đó là biểu tượng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phượng". Hình ảnh Rồng cũng xuất hiện thuở sơ khai với sự tích "con rồng, cháu tiên" và tập quán trồng lúa nước, trong đó Rồng đóng vai trò giúp gió mưa thuận hoà.
Hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực Âm - Dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của thái cực, là biểu tượng của vũ trụ. Đây chính là biểu tượng của một trong hai thế lực âm (hoặc dương) đang chi phối vũ trụ (âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại). Còn bonsai Lưỡng long tranh Châu làm khung nền khi tiếp Tổng bí thư Tập Cận Bình thì quá xấu. Điều này sẽ làm khách thấy được "trình độ của Việt Nam".
Ngoài ra hình ảnh cây tre của Việt Nam trong buổi thưởng trà, cũng được giới quan sát cho rằng mang dụng ý về phong cách ngoại giao cây tre mà ông Trọng nhấn mạnh trong những năm qua, dù có hiệu quả hay không, có thể vẫn là câu hỏi lớn trong những năm tới trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường.
Hôm nay cũng là ngày cuối cùng ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, ít hơn con số 45 văn bản được đề xuất trước đó, theo nguồn tin từ một quan chức Việt Nam nói với Reuters, và không bao gồm các thỏa thuận liên quan đến khoáng sản quý và đất hiếm mà ông Tập đã hối thúc trước đó.
Các thỏa thuận bao gồm hai biên bản ghi nhớ về phát triển tuyến đường sắt xuyên biên giới, bao gồm hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Quan chức hai nước trước đó đã ra sức thúc đẩy về một tuyến kết nối đường sắt nối liền thành phố Côn Minh của Trung Quốc và cảng Hải Phòng của Việt Nam, đi qua các khu vực giàu đất hiếm của Việt Nam, giúp tăng tốc việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam để lắp ráp, mở rộng hiệu quả Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) do Trung Quốc khởi xướng.
Hiện chưa rõ quy mô, và các điều khoản trong các khoản vay của Bắc Kinh dành cho Hà Nội sẽ ra sao liên quan đến dự án đường sắt này.
Cho đến nay, chỉ có tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội là dự án duy nhất tại Việt Nam nhận các khoản vay từ Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) và không bị dánh nhãn là một phần của sáng kiến này, trong bối cảnh tâm lý 'chống Trung' ở Việt Nam.
Hai quốc gia cũng đồng ý cùng thúc đẩy sáng kiến "hai hành lang, một vành đai kinh tế", là thuật ngữ từ phía Việt Nam dành cho các cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam cũng được cho sẽ tăng cường các kế hoạch được cho là Con đường tơ lụa kĩ thuật số (Digital Silk Road), và hai quốc gia đã ký một vài thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông và nền kinh tế số.
Nội dung của các thỏa thuận này vẫn không rõ ràng và giới chức tuyên bố việc tăng cường hợp tác viễn thông có thể bao gồm các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như mạng 5G và những tuyến cáp quang dưới biển.
Nguồn : BBC, 13/12/2023
Hôm nay ngồi nhà có coi mấy audio và video clip của VOA, RFA... trong tuần qua. Có câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể tham gia vào "cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình (có thể) sắp tới hay không ? Nhiều người trả lời câu hỏi này nhưng tôi thấy không mấy thuyết phục.
Việt Nam - Trung Quốc nhất trí hợp tác cùng xây dựng ‘Vành đai và Con đường’ - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh Nhật Bắc
Chuyện này tương tự như vụ hội luận vài tuần trước về chủ đề "vành đai - con đường" của Trung Quốc.
Theo tôi, Việt Nam hiện thời đã "liền da liền thịt" với Trung Quốc rồi. Nhứt là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và các tỉnh thuộc về dự án "hai hành lang một vành đai" của Trung Quốc. Dự án này đã được hai bên Việt Nam-Trung Quốc triển khải từ những năm 2004 đến nay.
Chỉ số phát triển (GRDP) trung bình hiện nay của các tỉnh này 8,5% so với cả nước 5%.
Từ 2016 đến 2021, bất chấp Covid, GRDP các tỉnh đồng bằng sông Hồng tăng gần gấp đôi (gấp 1,8 lần). Riêng Hải Phòng liên tục tăng trưởng ở mức 13%, Quảng Ninh 10%...
Đóng góp các tỉnh đồng bằng sông Hồng (gồm Hà Nội) vào GDP cả nước là 30,4%.
Tức là phát triển khu vực miền Bắc gắn liền với Trung Quốc và việc này làm cho Hà Nội qua mặt Sài Gòn.
Dự án "hai hành lang - môt vành đai" thực tế là một phần không tách rời của đại dự án 2013 "Vành đai - con đường" của Tập Cận Bình.
Hai hành lang : 1/ Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. 2/ Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội - Hải Phòng.
Một vành đai : vành đai kinh tế Vịnh Bắc Việt và tỉnh Hải Nam.
Dự án "hai hành lang - môt vành đai" thực tế là một phần không tách rời của đại dự án 2013 "Vành đai - con đường"
Mục đầu tiên của kết ước hợp tác "hai hành lang một vành đai" giữa Việt Nam và Trung Quốc là "phát triển cơ sở hạ tầng". Ta thấy trên thực tế hệ thống đường cao tốc ở miền Bắc đã được xây dựng, vượt xa miền Nam.
Theo tôi, các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Lạng sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc... trên thực tế đã "có chung vận mệnh" với Trung Quốc rồi.
Tức là chuyện "gia nhập" hay không chỉ là "đầu môi chót lưỡi", chỉ có giá trị "tiếng vang" mà thôi.
Trở lại chuyện khen Hà Nội hôm trước (mà tôi bị ném đá).
Tôi thấy là Sài Gòn vẫn "dậm chân" tại chỗ, vẫn cắm cúi làm việc để góp cho trung ương 82% của cải làm ra.
Tôi cũng thấy là quan chức "làm nhiệm vụ đảng giao", Sài Gòn ra sao thì "kệ mẹ" Sài Gòn.
Chốt lại một điều : xe bus Sài Gòn thua xa với Hà Nội.
Vấn đề là dân Sài Gòn cũ, nhứt là những người hải ngoại, hình như đồng hồ đã đứng kim vào ngày 30/4/75.
Dĩ nhiên so sánh Hà Nội 75 với Sài Gòn 75 là so sánh đom đóm với ánh đèn. Không mấy ai chịu "thức tỉnh", về thực tại để thấy Hà Nội 2023 đã vượt vô cùng xa Sài Gòn 75. So sánh Sài Gòn 2023 thì Hà Nội 2023 vẫn qua mặt, trên nhiều phương diện. Con người cũng vậy.
Cả miền Nam, Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, một bên là túi tiền của đảng. Một bên là vựa lúa của cả nước. Trong một thời gian dài.
Tình hình là nay là GDP của Hà Nội và đồng bằng sông Hồng đã vượt qua GDP của Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng Sài Gòn vẫn là túi tiền của đảng và đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa của cả nước.
Dân Sài Gòn vẫn coi đồng hồ chỉ giờ 30/4/1975 để quan sát và phán đoán sự việc.
Nói sao không thua kém người ta.
Trương Nhân Tuấn
(03/12/2023)
Sáng kiến cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN của Trung Quốc và phản ứng hai chiều từ ASEAN
Đề xuất này là dấu hiện cho sự kết tinh của một chiến lược có chủ ý và được đầu tư từ phía Trung Quốc về tương lai của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhằm củng cố sự thay đổi quyền lực đang diễn ra ở Đông Nam Á và tạo ra sự chuyển đổi suôn sẻ sang trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm trong bối cảnh Mỹ suy giảm ảnh hưởng trong khu vực.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22 được tổ chức tại Bangkok vào ngày 3 tháng 11 năm 2019.
Bài viết này xem xét các lập luận và biểu hiện của Trung Quốc về Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc (ASEAN-China Communitity Common Destiny - CDD). Bài viết chỉ ra rằng đề xuất này là dấu hiện cho sự kết tinh của một chiến lược có chủ ý và được đầu tư từ phía Trung Quốc về tương lai của quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Chiến lược này nhằm củng cố sự thay đổi quyền lực đang diễn ra ở Đông Nam Á và tạo ra sự chuyển đổi suôn sẻ sang trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm trong bối cảnh Mỹ suy giảm ảnh hưởng trong khu vực. Trong quá trình này, một số thiên hướng về hệ thống phân cấp khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm đã xuất hiện trở lại ở thời điểm mà Trung Quốc đang nỗ lực tái đàm phán về quy chuẩn thông thường của trật tự khu vực và phân loại tương ứng các nước thành viên ASEAN là "bên có hành vi tốt" dựa theo hệ thống phân cấp đó. Bài viết cũng phân tích những giới hạn của khái niệm CCD trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, được thể hiện qua các phản ứng hai chiều và chọn lọc từ ASEAN. Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc là một thuyết quyết định về tính tất yếu của vận mệnh đan xen giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN trên cơ sở là địa lý, lịch sử và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, những yếu tố thúc đẩy này đồng thời có thể là những gánh nặng trong một mối quan hệ bất cân xứng khiến các quốc gia thành viên ASEAN luôn lo ngại về sự phụ thuộc quá mức và đánh mất quyền tự chủ. Do đó, bài viết chỉ ra rằng Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không phải là một quỹ đạo tuyến tính bởi vì ASEAN và hầu hết các quốc gia thành viên khối này sẽ vừa tiếp tục tăng cường hợp tác và can dự với Trung Quốc vừa kiên trì theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở và duy trì đa cực ở Đông Nam Á.
Từ khóa : ASEAN, Trung Quốc, Cộng đồng chung vận mệnh, quan hệ bất cân xứng, trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Sự can dự và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, bao gồm cả thông qua khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, đã phát triển đáng kể từ đầu những năm 1990. Sự phát triển này vừa là hệ quả tự nhiên do sức tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc, vừa là hệ quả từ mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á gần gũi về địa lý, đồng thời cũng là hệ quả từ sự đầu tư kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh trong việc xây dựng các mối quan hệ khu vực trên cả song phương với các quốc gia thành viên ASEAN và đa phương thông qua ASEAN cùng với kiến trúc khu vực do ASEAN lãnh đạo. Trong vài năm qua, Cộng đồng chung vận mệnh ASEAN-Trung Quốc, cụm từ lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu vào năm 2013, và sau đó được quảng bá tích cực trong khuôn khổ hợp tác giữa các bên, là biểu hiện cho sự can dự trong khu vực của Trung Quốc.
Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc là khái niệm của Trung Quốc liên quan đến sự chuyển đổi khu vực về một "cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại" [i], khái niệm được lặp đi lặp lại trong diễn văn chính sách đối ngoại của Trung Quốc và được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến cụm từ này gần một trăm lần kể từ năm 2012 [ii], kể cả trong các tuyên bố về chính sách lớn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 70 (tháng 9/2015), diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (WEF) (tháng 1/2017), hội nghị thượng đỉnh khai mạc Sáng kiến Vành đai và Con đường (tháng 5/2017) và Đại hội Đảng lần thứ 19 (tháng 10/2017).
Khái niệm được ban hành từ trên xuống và còn mập mờ này chứa đựng những nguyên tắc cao cả như bình đẳng giữa các quốc gia, công bằng, cùng đóng góp vì lợi ích chung, hài hòa, bao quát, tôn trọng sự khác biệt và phát triển bền vững [iii]. Tuy nhiên, khái niệm này thiếu tính cụ thể và kế hoạch hành động sau đó. Để giải mã khái niệm này đòi hỏi tham khảo các sáng kiến chính sách đối ngoại khác của Trung Quốc, đặc biệt là các sáng kiến thể hiện Trung Quốc ngày càng tích cực hơn trong việc quản lý khu vực và toàn cầu như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), khái niệm an ninh Châu Á và các đề xuất "kiểu mới" về quan hệ nước lớn và quan hệ quốc tế.
Cộng đồng chung vận mệnh có thể bị loại bỏ bởi sự mơ hồ, một khẩu hiệu trống rỗng và thiếu thực chất. Tuy nhiên, trong trường hợp Cộng đồng chung vận mệnh được phân tích kỹ lưỡng, cũng sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Denghua Zhang, Cộng đồng chung vận mệnh tiếp tục là bản điệp khúc về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, tức là để "loại bỏ sự nghi ngờ chiến lược từ bên ngoài về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi cho Trung Quốc phát triển kinh tế". Tuy nhiên, Denghua Zhang đã chỉ ra những khác biệt chính giữa khái niệm "sự trỗi dậy hòa bình" và "Cộng đồng chung vận mệnh", trong đó "Cộng đồng chung vận mệnh" báo hiệu sự thay đổi của Trung Quốc từ ngoai giao ẩn mình sang mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong quản trị toàn cầu" [iv]. Do đó, sự nhấn mạnh của "Cộng đồng chung vận mệnh" về kế hoạch lãnh đạo toàn cầu là tương thích với sức mạnh quốc gia toàn diện mới của đất nước này. Điều này đã được đề cập trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 19 : "Trung Quốc đấu tranh cho sự phát triển của một cộng đồng chung vận mệnh và khuyến khích sự đổi mới của hệ thống quản trị toàn cầu. Nhờ đó, chúng ta đã được chứng kiến ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc được gia tăng hơn cùng với khả năng truyền cảm hứng và định hình sức mạnh" [v].
Các học giả cũng cố gắng giải thích khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh dựa trên truyền thống văn hóa và triết học của Trung Quốc. Ví dụ, Zhaohe Chen chỉ ra rằng nguồn gốc tư tưởng Cộng đồng chung vận mệnh xuất phát từ Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo, nhìn nhận thế giới là một cộng đồng, trong đó sự hòa hợp rất quan trọng và ca ngợi sự lãnh đạo bằng đạo đức thay vì vũ lực [vi]. Khi Trung Quốc mở rộng các lợi ích toàn cầu, các học giả Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến các khái niệm về "nhân loại", "chủ nghĩa thế giới", "thế giới ảo" hay "thế giới linh hồn" và làm phong phú thêm bản điệp khúc bằng cách đan xen những suy nghĩ cổ xưa của Trung Quốc vào việc suy nghĩ lại và tái cấu trúc trật tự thế giới đương đại. Do đó, như Sabine Morky đã lưu ý, "định hướng xã hội chủ nghĩa" là "đặc điểm mang tính Trung Quốc" mà phân biệt chủ nghĩa phổ quát của Trung Quốc với chủ nghĩa thế giới của phương Tây coi trọng quyền cá nhân [vii].
Một ví dụ nổi bật về việc kết hợp truyền thống cộng sản Khổng giáo vào chủ nghĩa phổ quát Trung Quốc đương đại là các tác phẩm của các học giả hàng đầu Trung Quốc, như Zhao Tingyang, đã làm sống lại trật tự Thiên hạ. Đó là một khái niệm cổ xưa từ thời nhà Chu (1046–256 trước Công nguyên), mô tả trật tự thế giới trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm (Vương quốc Trung tâm) dưới triều đại của Hoàng đế Trung Hoa (Thiên tử) với thiên mệnh, đạo đức và văn hóa vượt trội. Theo Thuy T. Do, bản chất góc nhìn toàn diện về thế giới của Zhao là mối quan hệ gia đình kiểu Khổng giáo. Theo quan điểm của ông ấy, nếu các quốc gia dân tộc được xây dựng dựa trên tinh thần mối quan hệ trong gia đình, thế giới này sẽ trở thành một thế giới đại đồng (giảm tối đa các bất đồng về kinh tế và văn hóa) và không ai bị bỏ lại [viii]. Điều không được nói đến trực diện là bản chất của các mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trong chế độ mối quan hệ gia đình và làm thế nào để hòa hợp. Những mối quan hệ này dựa trên nguyên tắc bình đẳng có chủ quyền hay dựa trên việc một số chủ thể được định trước phải tuân theo sức mạnh của một chủ thể khác ? Sự hài hòa cần đạt được thông qua tôn trọng thứ bậc hay thông qua tôn trọng luật pháp quốc tế là "thước đo tốt nhất" ?
Mặc dù mức độ ảnh hưởng từ những tư tưởng mới này đến khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh không rõ ràng, nhưng Cộng đồng chung vận mệnh chắc chắn là một thế giới quan mà Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong quản trị toàn cầu. Bất kể nền tảng của khái niệm này là từ chính sách đối ngoại hay từ các học giả Trung Quốc về Thiên hạ mới, thì ý định chính là chỉ ra con đường của Trung Quốc được xây dựng dựa trên trí tuệ của người Trung Quốc để tái xây dựng trật tự thế giới. Cộng đồng chung vận mệnh là khái niệm kết hợp từ cả lợi ích và đạo đức, cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình và có lợi cho nhân loại, đồng thời mang đến một hình thức quản trị toàn cầu mới mà các bên đều có lợi thay vì chỉ một bên có lợi, hợp tác thay vì hung hăng, và do đó, thể hiện tính khác biệt vượt trội về mặt đạo đức so với các cường quốc đang đi lên khác trong quá khứ. Nhìn từ quan điểm tự do, Melanie Hart và Blaine Johnson cho rằng Cộng đồng chung vận mệnh là tầm nhìn của Bắc Kinh về một hệ thống quản trị toàn cầu mới, khác với trật tự dân chủ tự do hiện hành, phản ánh hệ thống chính trị và mô hình quản lý đất nước của Trung Quốc mà đảng/chính phủ cầm quyền tối cao : "Trong một trật toàn trị mà Trung Quốc ưa thích, quyền và lợi ích tập thể - cái gọi là nhân loại - quan trọng hơn quyền và lợi ích cá nhân, và chính phủ thay mặt tập thể. Bắc Kinh đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng, ở khía cạnh này, trật tự toàn trị tốt hơn nền dân chủ" [ix].
Về mặt không gian địa lý, Cộng đồng chung vận mệnh là một "khái niệm động" [x]. Thuật ngữ "Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh" đã được quảng bá tích cực tại các diễn đàn toàn cầu như WEF, G-20 và Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, thuật ngữ này đã được sử dụng một cách linh hoạt tại các bối cảnh khác nhau trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với các biến thể khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc có xu hướng liên kết Cộng đồng chung vận mệnh với các nước đang phát triển hơn là với các nước phát triển [xi]. Cộng đồng chung vận mệnh cũng được đưa vào vào không gian mạng qua đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Internet thế giới lần thứ hai vào tháng 12/2015 [xii]. Theo Hart và Johnson, đề xuất này của Trung Quốc thể hiện sự thúc đẩy tính quy tắc trong lĩnh vực internet để khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước hoặc chủ quyền không gian mạng, điều này có thể nhìn thấy trong việc đưa giám sát kỹ thuật số vào các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số do Trung Quốc thực hiện tại một số quốc gia [xiii].
Tuy nhiên, Cộng đồng chung vận mệnh được thể hiện rõ ràng nhất trong ngoại giao ngoại vi của Trung Quốc, nghĩa là các nước láng giềng với Trung Quốc, bao gồm Đông Nam Á. Tại Hội nghị Trung ương về Công tác Ngoại giao năm 2014, Chủ tịch Tập tuyên bố rằng mục tiêu của Trung Quốc là nhằm "đưa khu vực lân cận Trung Quốc thành một cộng đồng chung vận mệnh" [xiv]. Ưu tiên mà Cộng đồng chung vận mệnh dành cho các khu vực lân cận không chỉ dựa theo địa lý tự nhiên mà còn phù hợp với văn hóa chiến lược của Trung Quốc, dự án ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài thông qua các vòng tròn đồng tâm. Tan See Seng nhận xét : "việc tiếp cận các nước xung quanh của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng thông qua các cam kết và hành vi đa phương : mạnh mẽ, tích cực và thậm chí sáng tạo các nước láng giềng kề cận và giảm dần theo khoảng cách địa lý tính từ Trung Quốc" [xv]. Do đó, Đông Nam Á và ASEAN chiếm một vị trí quan trọng trong Cộng đồng chung vận mệnh.
Bài viết này chỉ ra rằng Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc báo hiệu một chiến lược có đầu tư của Trung Quốc nhằm ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN vào một hệ thống khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm và điều chỉnh hành vi của các nước láng giềng này theo hệ thống đó. Bài viết tiếp tục chỉ ra rằng ASEAN đã phản ứng lại với Sáng kiến này theo hai chiều, vừa thích nghi, vừa chống cự. Bài viết gồm ba phần.
Phần đầu tiên trình bày nền tảng bao quát của Cộng đồng chung vận mệnh, đặt trong bối cảnh Trung Quốc muốn đẩy mạnh vai trò trong quản trị toàn cầu và sự xuất hiện của chủ nghĩa phổ quát đương đại Trung Quốc chịu ảnh hưởng của truyền thống Cộng sản Khổng giáo.
Phần thứ hai giải mã Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua phân tích các Sáng kiến kinh tế thực hiện Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như thông qua tường thuật cơ bản về lập trường và các cam kết can dự của Trung Quốc đối với Đông Nam Á so với một nước Mỹ xa cách dưới thời chính quyền Trump. Phần lớn dựa vào các quan điểm lịch sử, phần này thảo luận về sự tương đồng nhất định giữa hệ thống phân cấp khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm cận đại với trật tự khu vực mới mà Trung Quốc đang tìm cách hình thành ở Đông Nam Á.
Phần cuối cùng phân tích phản ứng hai chiều và có chọn lọc của ASEAN đối với Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh, nắm bắt các cơ hội mang lại lợi ích kinh tế đồng thời chống lại các yếu tố liên quan đến một liên minh chính trị độc quyền giữa ASEAN và Trung Quốc. Phần này giải thích phản ứng hai chiều đó thông qua mối quan hệ bất cân xứng giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN mà về mặt cấu trúc gây ra lo ngại cho các nước thành viên ASEAN về việc mất bản sắc và quyền tự chủ, thông qua hồ sơ hợp tác kinh tế được chia cấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, thông qua lịch sử của Đông Nam Á với tính chất đa cực và ý định duy trì tình trạng này thông qua việc theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở.
Giải mã Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc
Chủ tịch Tập lần đầu tiên tuyên bố tầm nhìn của Trung Quốc về một Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia vào ngày 2/10/2013 : "Một Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ hơn phù hợp với xu hướng của thời đại là hướng tới hòa bình, phát triển, hợp tác cùng có lợi" [xvi]. Bài phát biểu nhấn mạnh ba yếu tố gắn kết ASEAN và Trung Quốc với nhau : thứ nhất, sự gần gũi về mặt địa lý ("Trung Quốc và các nước ASEAN núi liền núi, sông liền sông"); thứ hai, gắn kết về mặt lịch sử ("Trung Quốc và các nước ASEAN gắn bó rất mật thiết với nhau") ; và thứ ba, nền kinh tế phát triển của Trung Quốc ("cho phép các nước ASEAN hưởng lợi nhiều hơn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc").
Kể từ năm 2013, việc xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc đã trở thành một điệp khúc trong quan điểm của Trung Quốc về quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Ví dụ, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), nhận thấy rằng ASEAN là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong ngoại giao láng giềng và trong việc thực hiện BRI, mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN là mô hình tiên phong trên thế giới để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng chung vận mệnh [xvii]. Tính nhất quán của thông điệp này được thể hiện trong các trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2014 ở Naypyidaw, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố rằng : "Trung Quốc sẽ cùng với các nước ASEAN tăng cường hợp tác trên thực tiễn ở tất cả các lĩnh vực, tiếp tục tăng cường hội nhập vì lợi ích của hai bên trên cơ sở khuôn khổ 2 + 7 cũng như xây dựng một Cộng đồng chung vận mệnh gần gũi hơn giữa ASEAN và Trung Quốc" [xviii]. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2015 ở Kuala Lumpur, một thông điệp tương tự được đưa ra : "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để nâng cao niềm tin lẫn nhau về chính trị, tăng cường hợp tác thiết thực trong kinh tế, văn hóa cùng các lĩnh vực khác, và phấn đấu vì một Cộng đồng chung vận mệnh gần gũi hơn giữa ASEAN và Trung Quốc" [xix].
Năm 2018, kỷ niệm 15 năm Hiệp định Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc mang đến cơ hội thực hiện Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh dưới hình thức "Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030". Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2017 ở Manila, Thủ tướng Lý đề xuất xây dựng tầm nhìn như vậy hướng tới thành lập "Một cộng đồng chung cùng lý tưởng chung, thịnh vượng chung và trách nhiệm chung" [xx]. Cốt lõi của Tầm nhìn mới này là nâng cấp "Khuôn khổ hợp tác 2 + 7" thành "Khuôn khổ hợp tác 3 + X" [xxi]. Tầm nhìn trước bao gồm hai nhận thức chung (xây dựng lòng tin và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai bên và hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi) và bảy kiến nghị (chính trị, kinh tế, kết nối, tài chính, hợp tác biển, an ninh và ngoại giao nhân dân) [xxii]. Tầm nhìn mới được mô phỏng theo ba trụ cột của cộng đồng ASEAN về an ninh-chính trị, kinh tế-thương mại cũng như ngoại giao dân nhân và trao đổi văn hóa trong khi đó X tạo ra sự linh hoạt tại các lĩnh vực hợp tác mới khi mối quan hệ giữa các bên tiến triển.
Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 (Tầm nhìn 2030)
Tiếp nối đề xuất này, Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 (Tầm nhìn 2030) đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc năm 2018 ở Singapore. Tầm nhìn này đã không thông qua Cộng đồng chung vận mệnh như là câu chuyện phổ quát trong mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, thông điệp của Thủ tướng Lý vẫn nhất quán : "Chúng ta cần chung tay để đưa quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN lên một tầm cao hơn và tạo nên một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN gần gũi hơn với một tương lai chung" [xxiii]. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2019 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhắc đến Cộng đồng chung vận mệnh bốn lần, nói rằng Trung Quốc nâng cao quan điểm về vận mệnh chung với các nước thành viên ASEAN" [xxiv]. Cần lưu ý rằng Trung Quốc cũng đã đẩy khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh vào quan hệ song phương với một số thành viên ASEAN. Ví dụ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRI lần thứ 2 tại Bắc Kinh vào tháng 4/ 2019, Bắc Kinh đã ký hai văn bản lần lượt với Campuchia và Lào hướng tới việc xây dựng cộng đồng tương lai chung với các nước này [xxv].
Chiến lược cho tương lai của mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc tiếp tục chính sách của Bắc Kinh về "một khu vực thân thiện, an toàn và thịnh vượng", đây là chính sách định hướng sự can dự của Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, Sáng kiến này có ý nghĩa quan trọng hơn thế vì báo hiệu một chiến lược có chủ ý, toàn diện và đầu tư hơn của Trung Quốc để mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển lâu dài – "một chiến lược lớn cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN do Thủ tướng Lý đưa ra vào năm 2014 [xxvi]. Thông qua thương hiệu Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc, chiến lược này nhằm củng cố sự thay đổi liên tục trong cán cân quyền lực ở Đông Nam Á, nhằm tạo ra sự chuyển đổi suôn sẻ sang trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Một sự chuyển đổi suôn sẻ chỉ có thể đạt được khi hầu như không hoặc không có sự kháng cự nào từ ASEAN và các quốc gia thành viên – không phải vì các chủ thể này chịu áp lực hay ép buộc mà do chiến lược có tính toán của họ, chống lại sự chuyển đổi sẽ là vô ích trong khi thích nghi là lẽ tự nhiên. Khái niệm về xu hướng của sự vật trong các bức tượng truyền thống của Trung Quốc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh. Theo François Jullien, đó là tiềm năng của một tình huống có thể xảy ra trong sự ưu ái của một người" bằng cách "tạo ra để làm sáng tỏ sự tiến bộ của mọi sự vật [và] làm sáng tỏ sự gắn kết nội bộ của tình huống đó để hành động tương ứng" [xxvii].
Nhìn vào bối cảnh này, việc xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh dự định tạo ra một tình huống sẽ khiến ASEAN và các quốc gia thành viên sẵn sàng chấp nhận sự lãnh đạo và trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm bằng cách giải thích sự gắn kết giữa các bên thông qua ba yếu tố được đề cập trước đó : sự gần gũi về địa lý, quan hệ lịch sử và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nói cách khác, quan điểm lâu dài của Trung Quốc đã hình dung ra vòng tròn lịch sử để định hình nên một cộng đồng ASEAN-Trung Quốc gắn bó. Đới Bỉnh Quốc, khi đó là Ủy viên Quốc vụ Viện, đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại Ban Thư ký ASEAN năm 2010 : "Càng đi xa, chúng ta sẽ càng tìm thấy nhiều lợi ích chung và nhu cầu chung và số phận của chúng ta sẽ kết nối chặt chẽ hơn" [xxviii].
Jullien cũng nhận thấy rằng tiềm năng của một tình huống được tận dụng bằng cách tiến hành đánh giá các trường hợp mà sau đó "có thể dần trở thành lợi thế nhờ xu hướng được tạo ra từ tình huống đó" [xxix]. Cộng đồng chung vận mệnh phù hợp khi nhìn qua lăng kính này vì thể hiện các cơ quan trong chính phủ Trung Quốc ở cả việc tận dụng tiềm năng của tình huống và tạo ra một câu chuyện hấp dẫn về tình huống, thông qua ba khía cạnh sau đây.
1. Làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc cấu trúc kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN vào Trung Quốc
Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc được thực chất hóa thông qua Khuôn khổ hợp tác 2 + 7 nhằm đưa ASEAN và các thành viên gần gũi hơn với Trung Quốc về chính trị và kinh tế. Khuôn khổ này bao gồm nhiều sáng kiến khác nhau theo cơ chế ASEAN-Trung Quốc như ký kết một Hiệp định láng giềng tốt, nâng cấp Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), sử dụng Quỹ hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc đặc biệt và xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác văn hóa Trung Quốc-ASEAN. Các đề xuất khác không giới hạn trong hợp tác ASEAN-Trung Quốc liên quan đến các thỏa thuận đa phương, tiểu vùng và song phương, ví dụ : thiết lập cơ chế hợp tác AIIB, đường sắt Xuyên Á và cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc thành lập các khu vực hợp tác kinh tế và thương mại ở nước ngoài, v.v. Chính sách về ASEAN của Trung Quốc là một phần không thể tách rời trong Chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Nam Á, tạo ra một nền tảng để huy động hỗ trợ và cung cấp tính hợp pháp cho các sáng kiến khác của Trung Quốc ở cấp độ song phương và tiểu vùng.
Trong khi cả hai khuôn khổ 2 + 7 và 3 + X đều mở rộng phạm vi, phần lớn các sáng kiến tập trung vào hợp tác kinh tế. Đây là sự tiếp nối cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trao đổi và phát triển kinh tế như là công cụ để thúc đẩy các mục tiêu chính trị và an ninh với nước láng giềng yếu hơn.[xxx] Tuy nhiên, có hai yếu tố mới và liên quan đến nhau. Thứ nhất, kết nối được nhấn mạnh thông qua các khoản đầu tư và cho vay của Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển cơ sở hạ tầng, điều này phù hợp với việc thực hiện BRI. Thứ hai, ngoài an ninh ngoại vi, mục tiêu chiến lược lớn hơn của những khoản đầu tư này là làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN vào Trung Quốc, thông qua các các dự án đường sắt cao tốc và đập đa dạng. Như Bilahari Kausikan đã quan sát :
Lực hấp dẫn tự nhiên của Trung Quốc đang được tăng cường bởi nhiều dự án cơ sở hạ tầng. […] Dù có ý đồ hay không thì những dự án này đều tác động đến địa chính trị. Các dự án có thể mang lai hiệu quả hợp nhất Tây Nam Trung Quốc và Đông Nam Á lục địa thành một không gian kinh tế. Ranh giới quốc tế tất nhiên sẽ vẫn là các đường được vẽ trên bản đồ nhưng lúc đó chúng có thể bị xem là bất tiện hoặc không còn phù hợp.[xxxi]
Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng giữa ASEAN và Trung Quốc tạo ra động lực mạnh mẽ để Trung Quốc tự tin vào sự hội tụ lợi ích và vận mệnh giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, do đó có xu hướng chiến lược hơn. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, chiếm 17,2% tổng ngoại thương năm 2017. Dòng vốn FDI hàng năm của Trung Quốc rót vào các nước thành viên ASEAN đã tăng gần 75 lần từ 104 triệu USD năm 1996 lên 11,3 tỷ USD năm 2017, biến Trung Quốc trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ ba ở Đông Nam Á. Trung Quốc cũng là nguồn khách du lịch lớn nhất trong khu vực (trừ du lịch nội khối ASEAN) tăng từ 7,3 triệu trong năm 2011 lên 25,3 triệu trong năm 2017, chiếm 20,1% tổng số khách nước ngoài đến Đông Nam Á [xxxii]. Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc dựa chủ yếu vào, cũng như nhằm củng cố thêm, những nhân tố mang tính cấu trúc trên để kéo các quốc gia thành viên ASEAN đến gần hơn với Trung Quốc.
2. Thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc đi vào quỹ đạo
Không chỉ củng cố các yếu tố cấu trúc, Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc còn liên tục cung cấp các sáng kiến mới cùng các nguồn lực liên quan để mở rộng hình thức hợp tác phù hợp với bản chất của mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Về niềm tin đối với Bắc Kinh, mặc dù tham gia sau các cấu trúc ASEAN Cộng, Trung Quốc đã trở thành Đối tác Đối thoại ASEAN ngay trong năm 1996, và hiện nay với 47 cơ chế mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc là toàn diện và cao nhất trong tất cả các đối tác đối thoại (xem Bảng 1) [xxxiii]. Trung Quốc là nước tiên phong trong quan hệ đối ngoại với ASEAN trên nhiều lĩnh vực : Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á 1976 (TAC) vào năm 2003; là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN vào năm 2003 ; và là quốc gia có vũ khí hạt nhân đầu tiên và duy nhất cho đến nay sẵn sàng tham gia Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)) mà không có các điều khoản bảo lưu.
Hoàng Thị Hà
Nguyên tác : Understanding China's Proposal for an ASEAN-China Communitity Common Destiny and ASEAN's Ambivalent Response, Contemporary Southeast Asia : A Journal of International and Strategic Affairs, ISEAS–Yusof Ishak Institute , Volume 41, Number 2, August 2019
Mai Hương (dịch)
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 13/04/2020
Hoàng Thị Hà là Trưởng nhóm nghiên cứu II (Chính trị và An ninh) tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN, ISEAS - Viện Yusof Ishak. Địa chỉ : 30 Heng Mui Keng Terrace, Singapore, 119614; email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..
Bài viết được đăng trên Contemporary Southeast Asia , Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) –Yusof Ishak Institute.
Bản viết PDF : Sáng kiến cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN của Trung Quốc và phản ứng hai chiều từ ASEAN (PDF)
----------------------
Chú thích :
[i] "Cộng đồng chung vận mệnh", "cộng đồng có tương lai chung" và cộng đồng có vận mệnh chung" có thể được sử dụng để thay thế cho nhau trong các bài phát biểu công khai của các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao Trung Quốc.
[ii] Nadège Rolland, "Examining China’s ‘Community of Common Destiny’", Power 3.0: Understanding Modern Authoritarian Influence, 23/01/20180.
[iii] Denghua Zhang, "The Concept of ‘Community of Common Destiny’ in China’s Diplomacy : Meaning, Motives and Implications", Asia & The Pacific Policy Studies 5, no. 2 (Tháng 5/ 2018) : 196–207.
[iv] Ibid.
[v] Toàn văn Báo cáo của Tập Cận Bình tại Đại hội toàn quốc Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa lần thứ 19, China Daily, 4/01/2017.
[vi] Zhaohe Chen, "The Chinese Cultural Root of the Community of Common Destiny for All Mankind", 4th International Conference on Education, Language,and Inter-cultural Communication (ICELAIC 2017), Atlantis Press, Advances in Social Science, Education and Humanities Research, vol. 142, trang 718–22.
[vii] Sabine Mokry, "Decoding Chinese Concepts for the Global Order: How Chinese Scholars Rethink and Shape Foreign Policy Ideas", Mercator Institute for China Studies (Merics), 4/10/2018.
[viii] Thuy T. Do, "China’s Rise and the ‘Chinese Dream’ in International Relations Theory", Global Change, Peace & Security 27, no. 1 (2015): 21–38.
[ix] Melanie Hart and Blaine Johnson, "Mapping China’s Global Governance Ambitions", Centre for American Progress, 28/02/2019.
[x] Rolland, "Examining China’s "Community of Common Destiny".
[xi] Zhang, "The Concept of ‘Community of Common Destiny’ in China’s Diplomacy".
[xii] Li Zheng, "Why is a Cyber Community of Shared Destiny Important ?", China & US Focus, 23/11/2016.
[xiii] Hart and Johnson, "Mapping China’s Global Governance Ambitions".
[xiv] Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, "The Central Conference on Work Relating to Foreign Affairs was Held in Beijing", 21/11/2014.
[xv] Xem Seng Tan, Multilateral Asian Security Architecture: Non-ASEAN Stakeholders (Abingdon, UK: Routledge, 2016), trang 88.
[xvi] "Phát biểu của Tập Cận Bình trước Quốc hội Indonesia", China Daily, 2/10/2013.
[xvii] Phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN, "New Era, New Mission", 9/04/2018.
[xviii] Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, "Remarks by H.E. Li Keqiang Premier of the State Council of the People’s Republic of China at the 17th ASEAN-China Summit", 14/11/2014.
[xix] Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, "Full Text of Premier’s Speech at 18th China-ASEAN Summit", 24 November 2015.
[xx] Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, "Li Keqiang : To Construct a Community of Common Destiny Featuring Common Ideals, Common Prosperity, and Common Responsibility", 14/11/2017.
[xxi] "China, ASEAN to Formulate Strategic Partnership Vision Toward 2030", Xinhua, 13/112017.
[xxii] Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, "Take China-ASEAN Relations to a New Height", Remarks by China Premier Li Keqiang at the 17th ASEAN-China Summit, Nay Pyi Taw, Myanmar, 13/11/2014.
[xxiii] Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, "Full Text of Premier Li Keqiang’s Speech at China-ASEAN Summit", 15/11/2018.
[xxiv] "Fourth Plenary Speech by General Wei Fenghe, Minister of National Defence, State Councilor of China", Shangri-La Dialogue 2019.
[xxv] Phỏng vấn của tác giả với các quan chức ASEAN tại Singapore và Hà Nội, tháng 5-6/2019.
[xxvi] "Take China-ASEAN Relations to a New Height".
[xxvii] François Jullien, A Treatise on Efficacy: Between Western and Chinese Thinking, translated by Janet Lloyd (Honolulu, Hawaii: University of Hawai’i Press, 2004), trang 15–18.
[xxviii] "Embrace New Opportunities for China-ASEAN Cooperation", Address by Dai Bingguo, State Councilor of the People’s Republic of China at ASEAN Secretariat, Jakarta, 22/1/2010.
[xxix] Jullien, A Treatise on Efficacy, trang 21.
[xxx] Jeffrey Reeves, Chinese Foreign Relations with Weak Peripheral States: Asymmetrical Economic Power and Insecurity (Abingdon, UK: Routledge, 2016), trang 39–58.
[xxxi] Bilahari Kausikan, "ASEAN : Vital but Limited", NUS Lecture, 13/3/2019.
[xxxii] Dữ liệu được tổng hợp từ cổng thông tin thống kê của Ban Thư ký ASEAN.
[xxxiii] Phỏng vấn của tác giả với các Ban thư ký ASEAN tại Jakarta, tháng 4/2019.