Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng vụ công dân Mỹ bị kết án chung thân ở Đắk Lắk
VOA, 27/01/2024
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ "thực hiện nghiêm túc cam kết hỗ trợ công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài và theo dõi tình hình" khi được VOA hỏi về việc chính quyền Việt Nam tuyên án tù chung thân đối với một công dân Mỹ trong vụ án "khủng bố" ở Đắk Lắk.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 16/1/2024 ở Đắk Lắk.
Hôm 20/1, một phiên tòa lưu động ở Đắk Lắk xét xử 100 người trong vụ thực hiện hành vi "khủng bố" tấn công trụ sở chính quyền xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, hồi tháng 6/2023. Kết quả có 10 bị cáo bị tuyên tù chung thân, 5 bị cáo cùng nhận án 20 năm tù và 85 bị cáo còn lại bị phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù giam.
Truyền thông Việt Nam nói rằng trong số án chung thân có ông Y Sol Nie, một công dân Mỹ 48 tuổi, thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ đã nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này về Việt Nam và "dàn dựng" vụ tấn công.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết qua mail hôm 23/1 : "Chúng tôi đã thấy báo chí đưa tin về một phán quyết của tòa án liên quan đến một công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam", nhưng "vì lý do quyền riêng tư", bộ này không bình luận thêm.
Khi được hỏi về bản án đối với vụ án "khủng bố" trong đó phía Việt Nam cáo buộc một tổ chức ở Mỹ có tên Nhóm hỗ trợ người Thượng tại Mỹ (MSGI) tham gia, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra quan điểm : "Chúng tôi đã và đang tiếp tục lên án, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, các vụ tấn công ở Đắk Lắk", đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ Hoa Kỳ "vẫn là đối tác sẵn sàng hợp tác thực thi pháp luật".
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết nhóm MSGI "lôi kéo nhiều người trong nước hoạt động khủng bố, giết người, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong nhân dân".
Vụ tấn công xảy ra ngày 11/6/2023 được truyền thông nhà nước Việt Nam mô tả là do một nhóm người bịt mặt mang theo các loại vũ khí gồm súng và bom xăng xông vào hai trụ sở chính quyền xã, ở huyện Cư Kuin. Theo báo cáo, 9 người đã thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.
"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn thông qua hợp tác thực thi pháp luật", vẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ. "Chúng tôi kêu gọi Việt Nam đảm bảo quy trình pháp lý công bằng và minh bạch".
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/1 nói rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Mỹ về vụ tấn công ở Đắk Lắk, đồng thời cho biết Hoa Kỳ "khẳng định không dung túng" cho những ai liên quan đến vụ bạo động này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói phía Mỹ khẳng định với Bộ Công an Việt Nam rằng họ "không dung túng bất cứ tổ chức hay cá nhân nào liên quan đến vụ việc, và cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước", theo VietnamNet và Dân Trí.
Chính quyền Việt Nam nói phiên tòa xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk đưa ra bản án "nhân văn, đúng người, đúng tội", cho rằng dư luận nhân dân "đồng tình" với mức án mà Hội đồng xét xử đã tuyên.
Một bị cáo lên tiếng
Ông Y Quynh Bdap, một trong những người bị tòa án ở Đắk Lắk xử vắng mặt, bị tuyên mức án 10 năm tù trong vụ án này với tội danh "khủng bố", chia sẻ ý kiến của ông với VOA hôm 26/1 rằng bản án này là hành động "vu khống".
"Việc chính quyền kết án tôi 10 năm tù là điều phi lý, không đúng, vô căn cứ bởi vì tôi không tham gia vào vấn đề bạo lực. Tôi chỉ là người Thượng đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của người bản địa, đặc biệt đấu tranh bằng biện pháp ôn hòa", ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý, sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018, bày tỏ quan điểm.
"Họ cáo buộc tôi tội ‘khủng bố’ làm tôi hoang mang và những người trong nước cũng lo sợ. Việc kết tội như vậy là vu khống tôi, nhằm ngăn tôi không thể lên tiếng về việc chính quyền áp bức hay đàn áp các tôn giáo ở Tây Nguyên", vẫn lời ôngY Quynh Bdap.
Hồi cuối tháng 11/2023, Công an Đắk Lắk ban hành lệnh truy nã đặc biệt đối với 6 bị cáo đang lẩn trốn, trong đó có ông Y Quynh Bdap, và nói rằng đang phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật ở một số nước để xác định vị trí và bắt giữ các đối tượng này.
Nguồn : VOA, 27/01/2024
**************************
Điều kiện giam giữ rất tệ, nhà hoạt động Thúy Hạnh mắc bệnh hiểm nghèo
VOA, 26/01/2024
Cựu nhà báo, blogger tranh đấu cho tự do, dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh lên tiếng trên mạng xã hội cho hay vợ ông, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phải chịu điều kiện giam giữ rất tệ hại và mới đây phát hiện ra bị mắc ung thư giai đoạn giữa.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Huỳnh Ngọc Chênh biểu tình phản đối đường "lưỡi bò" của Trung Quốc trong một cuộc biểu tình năm 2018. Photo Facebook Nguyễn Thúy Hạnh.
Bà Hạnh, 61 tuổi, bị công an Việt Nam bắt hồi đầu tháng 4/2021 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" sau nhiều năm bà đấu tranh cho tự do, dân chủ, đồng thời là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình của các tù nhân lương tâm.
Gần 3 năm trôi qua, bà Hạnh vẫn thuộc diện bị tạm giam và chưa thấy chính quyền thông báo khi nào sẽ đưa bà ra xét xử.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho VOA biết hôm 24/1 rằng trong một lần khám bệnh hồi đầu tháng này, Bệnh viện K Hà Nội, tức Bệnh viện Ung bướu Trung ương, phát hiện bà Nguyễn Thúy Hạnh bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.
Ông nhận định rằng điều kiện giam giữ tồi tệ tại Trại tạm giam số 2 của công an Hà Nội, nơi bà Hạnh bị giam sau khi bị bắt, là một phần lớn nguyên nhân.
Về mặt pháp luật, ông Chênh lập luận, những người ở trong trại tạm giam mới chỉ là những nghi can chưa bị toà án kết tội nên vẫn còn quyền công dân và cao hơn thế là quyền con người.
Nhưng trên thực tế, dưới góc nhìn của ông, trại tạm giam đã biến thành nơi trả thù, nơi khủng bố tinh thần và thể xác các nghi can qua điều kiện giam giữ sinh hoạt ăn uống vô cùng tệ hại.
"Người bị tạm giam phải uống nước bẩn, ăn thức ăn dơ bẩn mà bên ngoài đến heo chó cũng không muốn ăn", ông đưa ra nhận xét cá nhân, dựa trên những điều được vợ ông chia sẻ lại.
Nói về trường hợp cụ thể là vợ mình, ông Chênh thuật lại với VOA rằng 1 năm trong trại tạm giam cũng là lúc trùng với cao điểm của đại dịch Covid-19, bà Hạnh hoàn toàn không được gặp người nhà, không được gặp luật sư, chỉ được nhận áo quần, tuyệt đối không được nhận thức ăn người nhà gửi vào.
"Lợi dụng chính sách phòng ngừa Covid, trại tạm giam chỉ cho thân nhân duy nhất là tôi mua ký gửi đồ thăm nuôi hàng tháng qua căng tin của trại, giá bán rất cao nhưng chất lượng thực phẩm thì rất tệ hại", vẫn theo lời kể của ông Chênh.
Sau này, khi được gặp ông Chênh, bà Hạnh kể lại là bà hầu như không ăn được mọi thứ đồ ký gửi đó, chỉ có nước lọc đóng chai và sữa tươi là dùng được. Nhưng mỗi tháng ông chỉ được gửi cho bà không quá 5 chai nước và 5 hộp sữa. Do thiếu nước uống, bà Hạnh "đành phải uống nước bẩn trong bể nước tắm của phòng giam", ông Chênh cho VOA biết.
"Sống hơn 1 năm trong trại, đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, đã đưa đến hậu quả nặng nề mà ngày nay Hạnh phải nhận lãnh. Hạnh đã bị ung thư giai đoạn giữa", ông suy luận.
Ông cho biết thêm khi còn ở trong trại tạm giam, bà Hạnh đã 2 lần bị nhiễm Covid, ngoài ra, bệnh trầm cảm có từ trước của bà tăng nặng dần đến mức có lúc bà tự tử bất thành.
Qua báo chí và mạng xã hội, ông Chênh bày tỏ rằng ông mong các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước quan tâm đến bà Hạnh để có cách giúp đỡ hữu hiệu hoặc lên tiếng thúc đẩy cho bà được chữa trị nhanh chóng và tốt nhất có thể.
Ông cập nhật với VOA rằng vào sáng ngày 25/1, bà Hạnh đã được các bác sĩ ở Bệnh viện K Hà Nội hội chẩn và buổi chiều cùng ngày đã bắt đầu được xạ trị cuộc đầu tiên.
"Việc chữa trị sẽ kéo dài trong 3 tháng theo diện ngoại trú. Có nghĩa là Hạnh vẫn tiếp tục ở tại khoa chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, ở huyện Thường Tín, Hà Nội, mỗi lần xạ trị được xe của viện đưa qua Bệnh viện K ở Tân Triều, xong rồi trở về", ông cho hay.
VOA cố gắng liên lạc với Trại tạm giam số 2 để tìm hiểu phản ứng của họ đối với những nhận định, suy luận của ông Huỳnh Ngọc Chênh, nhưng không kết nối được.
Nguồn : VOA, 26/01/2024