Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/02/2024

Luân chuyển cán bộ có giúp chống tham nhũng ?

RFA tiếng Việt

Quyết định 135/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành hôm 4/2/2024 có nêu rằng xây dựng chế độ tiền lương mới nhằm đảm bảo ổn định tổ chức, hạn chế luân chuyển cán bộ.

canbo1

Cán bộ Công chức làm việc. Courtesy dongnai.gov.vn

Cụ thể, Chính phủ nhấn mạnh trong Quyết định "Cần bảo đảm kế thừa, ổn định trong tổ chức bộ máy, chỉ điều chuyển những vị trí thực sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp, một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh tương đương".

Luân chuyển cán bộ & tiền lương

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, hôm 5/2/2024 khi trả lời RFA về quyết định mới này cho biết ông ủng hộ chính sách tiền lương nhưng theo ông không nên theo đó mà hạn chế luân chuyển cán bộ. Ông giải thích :

"Vấn đề chống tham nhũng trong đó có vấn đề tiền lương. Chính vì vậy hiện nay đang xây dựng chính sách tiền lương hợp lý để mà chống tham nhũng. Và để chống tham nhũng hiệu quả thì tôi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương, nâng cao mức sống cho người lao động. Bởi vì chính sách tiền lương còn nhiều bất cập".

Liên quan việc luân chuyển cán bộ để chống tham nhũng, luật sư Hậu cho rằng :

"Tôi thấy việc điều chuyển cán bộ là việc cần phải làm. Bởi vì có như vậy mới không tạo ra lợi ích nhóm và tham nhũng khi ở một vị trí quá lâu. Tôi cho rằng việc điều chuyển đến nơi mới để cho cán bộ sau này làm lãnh đạo cũng đã trải qua nhiều nơi, có kinh nghiệm, sẽ nâng cao trình độ cán bộ, phòng ngừa lợi ích nhóm và giúp chống tham nhũng".

Vào tháng 11 năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ - Đoàn Hồng Phong khi báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội cho biết sẽ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ các cấp, các ngành… nhằm phòng ngừa tham nhũng cho 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, theo tinh thần Quyết định 135, việc xây dựng chế độ tiền lương mới lại nhằm đảm bảo ổn định tổ chức, hạn chế điều chuyển cán bộ (?!).

Với những thông tin mới này, nhất là có liên quan đến việc điều chuyển cán bộ, khi trao đổi với RFA từ Hà Nội hôm 5/2/2024, cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí, cho rằng trước kia Chính phủ đề ra việc luân chuyển cán bộ liên tục đã là không đúng, nhưng bây giờ lại bảo hạn chế luân chuyển, thì phải xem xét : nếu cần thì luân chuyển, không cần thì không nên :

"Luân chuyển cán bộ tôi nghĩ nó không hiệu quả, nó tạo điều kiện, cơ hội rất tốt cho những trường hợp là con ông cháu cha hoặc những cán bộ được ưu ái có thể nhảy hết vị trí này đến vị trí kia rất là nhanh. Ví dụ trong quân đội muốn lên được Thiếu tá thì phải qua Đại úy, Thượng úy... nhưng luân chuyển cán bộ người ta có thể đưa cán bộ lên không theo quy định bậc cấp, nhiệm kỳ, bất chấp thâm niên công tác, bất chấp kinh nghiệm. Có người trong vòng bốn năm luân chuyển đến 12 vị trí công tác như Chủ tịch UBND Hà Nội đương nhiệm Trần Sỹ Thanh".

Ngoài ra theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, việc luân chuyển cán bộ ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng đều cần kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết ở vị trí đấy thì mới có thể làm được. Ông Trí cho rằng, rất nguy hiểm khi việc luân chuyển cán bộ hiện nay là bất chấp quy luật, bất chấp yêu cầu của vị trí công tác. Như vậy theo ông là hoàn toàn không đúng thực tế, không đúng với yêu cầu của công việc.

Chống tham nhũng khó hiệu quả

Vẫn câu chuyện về việc luân chuyển cán bộ nhất là vào khi rất nhiều cán bộ cấp cao của Việt Nam những năm gần đây phải hầu tòa vì dính án tham nhũng, cựu trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, những biện pháp chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam khó có thể có hiệu quả :

"Tôi nghĩ tất cả những quy định để chống tham nhũng cũng như lấy giấy để bọc lửa, nó không có tác dụng gì. Chúng ta có thể thấy hai ba chục năm trở lại đây, tham nhũng ở Việt Nam ngày càng gia tăng trên mọi lĩnh vực và ngày càng khủng khiếp. Ví dụ cách đây chừng 10 năm tham nhũng một tỷ đồng đã là quá to. Khoảng năm 1995-1996, lúc đó tôi còn công tác có đóng góp vào luật hình sự thì chỉ cần tham nhũng 500 triệu là có thể bị tử hình. Nhưng đến thời điểm cách đây năm năm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ ba triệu đô la. Còn mới đây chỉ một Cục trưởng Cục Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước mà ăn hối lộ một vụ đã là năm triệu đô la".

Những con số tăng lên theo cấp số cộng, cấp số nhân như vậy theo ông Trí là rất ghê gớm và cho thấy mức độ, quy mô của nạn tham nhũng càng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, theo ông Trí, tham nhũng mỗi năm một tăng như vậy nhưng tất cả các biện pháp Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm chống tham nhũng cho thấy vẫn không hiệu quả. Ông giải thích :

"Nguyên nhân xảy ra tham nhũng thì họ không dám nói đến, đó là tham nhũng về chính trị. Những người không do dân bầu lên, không do dân cử ra, nhưng tự mình nắm lấy quyền quản lý nhà nước và xã hội. Họ chia chác các ghế trong bộ máy công quyền và chia nhau các ghế đó để có khả năng tham nhũng. Cho nên suy cho cùng, để chống tham nhũng tôi nghĩ phải có tam quyền phân lập và có tự do bầu cử, ứng cử, đề cử... Khi đó người dân sẽ tự chọn ra được những người họ tin tưởng và họ có quyền, có khả năng phế truất ngay lập tức những người họ không tin tưởng hay có dấu hiệu tham nhũng".

Nguồn : RFA, 05/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)