Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/02/2024

Cải tổ doanh nghiệp nhà nước, báo cáo HRW, luật cấm ly hôn

RFA tổng hợp

Nhiệm vụ chính trị cản trở doanh nghiệp nhà nước cải tổ ?

RFA, 23/02/2024

Thủ tướng Việt Nam - Phạm Minh Chính hôm 22/2/2024 ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh... các doanh nghiệp nhà nước.

ddnn1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu năm 2024. Courtesy chinhphu.vn

Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế ; sắp xếp, tinh gọn bộ máy ; nâng cao khả năng cạnh tranh... Ông Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong đổi mới và phục hồi nền kinh tế.

Yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được Chính phủ đưa ra nhiều năm qua, đến nay đã thực hiện đến đâu ? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 23/2/2024 về vấn đề này :

"Việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước có một số tiến bộ, nhưng hiện nay việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước còn lại trở nên khó khăn. Bởi vì các nghiệp ấy là các doanh nghiệp có vị trí then chốt trong việc cung cấp các kết cấu hạ tầng và việc sắp xếp lại đòi hỏi có sự thu xếp tổ chức lại một cách rất nghiêm túc. Thứ hai về bộ máy tổ chức, Nhà nước cũng đã có nỗ lực sắp xếp lại bộ máy, tôi hy vọng trong thời gian sắp tới đây, với việc vận dụng kinh tế số, chính phủ điện tử thì bộ máy nhà nước có thể tin giản biên chế, cũng như sắp xếp lại các tổ chức trong việc tận dụng công nghệ thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn của viên chức, công chức nhà nước".

Đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng, xin được hỗ trợ hoặc tăng giá. Đơn cử như Tổng công ty Hàng không Việt nam -Vietnam Airlines dù có doanh thu trong năm 2022 phục hồi bằng hai năm trước đó cộng lại, nhưng vẫn than lỗ hơn 10 ngàn tỷ đồng với nguyên nhân được hãng này giải thích là do giá nhiên liệu và tỷ giá biến động mạnh. Dù theo truyền thông Nhà nước, các hãng hàng không tư nhân khác tại Việt Nam đã có lãi.

Một doanh nghiệp nhà nước độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng. Sau đó EVN cũng cho biết năm 2023 chịu lỗ 17.000 tỷ đồng.

Liên quan các khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói :

"Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như khoản nợ đối với tập đoàn điện, đây là điều khó khăn vì trong thời gian vừa qua, các đầu vào để cung cấp điện như dầu, than và các nguyên liệu khác đều tăng, nhưng giá điện ở Việt Nam do nhà nước quyết định và việc quyết định đó tuy là có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự biến đổi của giá cả trên thị trường. Vì vậy cho nên việc xác định nguồn gốc lỗ đó ở đâu, và trách nhiệm ở đâu, nhà nước có thể trợ giúp đến mức độ như thế nào... thì đấy là một quá trình không phải là dễ dàng".

Theo ông Doanh, Việt Nam phải tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, vận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, để giảm bớt các khoản lỗ. Đồng thời cần phải có các vận dụng điều chỉnh giá cả phù hợp hơn với biến động của thị trường. Ông Doanh nói tiếp :

"Việc này thì nhà nước đã có áp dụng, thí dụ như điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay, đã có mức điều chỉnh sát hơn với giá thị trường, trong một khoảng thời gian ngắn hơn, so với trước đây rất nhiều".

dnnn2

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines. AFP.

Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 được Chính phủ gửi tới Quốc hội, trong năm 2022 các doanh nghiệp nhà nước tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỉ đồng ; tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỉ đồng. Đáng chú ý tổng nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước là 1,9 triệu tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước cứ thua lỗ triền miên sẽ gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế :

"Các doanh nghiệp nhà nước cứ thua lỗ triền miên sẽ làm cho khối nợ của doanh nghiệp nhà nước lớn hơn, cộng thêm vào khối nợ công đang có của Việt Nam, làm cho vấn đề nợ càng trầm trọng. Nợ của doanh nghiệp nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng, làm cho hoạt động của ngân hàng kém hiệu quả đi. Nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng làm cho khối tài sản rất lớn của đất nước trao vào tay doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng hiệu quả. Do đó nó làm cho nền kinh tế bị kém hiệu quả trong khi các lực lượng khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân rất cần các nguồn lực hiện đại thì lại không tiếp cận được".

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tại tọa đàm  ‘Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp : Nhìn lại và hướng tới’ vào tháng 9 năm 2023 cho biết, ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng và tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt hơn 117,3 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 9% so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2023 dù hoạt động có lãi, song các doanh nghiệp nhà nước có lỗ lũy kế và nợ phải trả là khá lớn, bộc lộ nhiều hạn chế như hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Theo Bộ này, mặc dù, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng khu vực này chỉ đóng góp gần 40% GDP, còn lại 60% của GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ; Đồng thời doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển ; Vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có lỗ lũy kế lớn ; việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết thấu đáo...

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 23/2/2024 khi trả lời RFA cho rằng :

"Các doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm 100% vốn của Việt Nam hiện nay chiếm số lượng rất ít, chừng một phần ngàn, nhưng đều là các doanh nghiệp lớn, chiếm giữ lượng lớn về vốn, khoảng 10% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp, và thường lỗ hoặc lãi ít. Họ không chỉ đóng vai trò kinh doanh, mà họ còn đóng vai trò chính trị, giúp chính phủ điều phối nền kinh tế theo chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chính phủ".

Vì các doanh nghiệp này đóng một vai trò chính trị trong hệ thống nên theo ông Vũ, họ ít nhiều có một số quyền lực đặc thù và vì vậy chính phủ khó mà cải tổ được họ. Tiến sĩ Vũ cho biết tiếp :

"Những người nắm giữ các vị trí trong các công ty này đồng thời cũng là các đảng viên đảng Cộng sản. Mỗi công ty là một chi bộ đảng Cộng sản. Họ hoạt động như một chi bộ Đảng hơn là một doanh nghiệp tư nhân nỗ lực vì lợi nhuận và cạnh tranh thị trường. Ở một số lĩnh vực, các công ty này đóng vai trò độc quyền và vì vậy mà họ không có nhu cầu thay đổi để trở nên sáng tạo hay hiệu quả hơn. Bởi đơn giản là họ quá thoải mái với vị trí công ty của mình. Các cán bộ quản lý do đó cũng vậy. Tại sao họ phải chạy đua để thay đổi quá nhiều khi mà công ty họ vẫn giữ một thị phần gần như là duy nhất ở đất nước này".

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, nếu chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh... thì việc kêu gọi các công ty nhà nước tự cải cách hay tăng hiệu quả mới có thể thực hiện được.

Nguồn : RFA, 23/02/2024

****************************

Cựu giám đốc HRW Châu Á phản hồi cáo buộc "báo cáo nhân quyền bịa đặt" của Hà Nội

RFA, 22/02/2024

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Phạm Thu Hằng mới đây cho rằng báo cáo thường niên của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) về thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội năm 2023 là vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. 

dnnn3

Ông Brad Adam, cựu giám đốc khu vực Châu Á của HRW - Photo : RFA

Người dân Việt Nam cần biết sự thật

Phản hồi trước cáo buộc này, ông Brad Adam, từng là Giám đốc khu vực Châu Á của HRW trong 20 năm, từ 2002 - 2022, nói với RFA hôm 22/2, rằng mục tiêu của HRW là công bố thông tin chính xác và rằng, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ đưa ra một dẫn chứng cụ thể nào mà họ cho là sai :

"Nếu họ muốn nói rằng báo cáo là bịa đặt, họ nên chỉ rõ rằng "ở trang 10, đoạn thứ hai, tuyên bố này là không chính xác" ; Sau đó chúng ta có thể thảo luận về vấn đề đó.

Nhưng họ đã không làm như vậy. Họ chỉ đưa ra một tuyên bố chính trị bởi vì họ không thích việc mà các tổ chức như HRW đang làm là ghi lại những vụ việc và cách thức vi phạm nhân quyền của họ".

Ông Adam cũng khẳng định, HRW là tổ chức phi chính phủ đáng tin cậy, HRW chỉ trích tất cả các chính phủ vi phạm nhân quyền, không chỉ riêng Việt Nam :

"Chúng tôi chỉ trích cả chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi đã từng kêu gọi George Bush và Dick Cheney phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Hình sự Quốc tế và nhà lãnh đạo trên khắp thế giới phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhân quyền của đất nước mình".

Qua đó, ông Adam kết luận :

"Không có mục tiêu chính trị nào trong các báo cáo về nhân quyền của HRW cả. Chính phủ Việt Nam cũng biết rằng không có âm mưu tạo ra sự chia rẽ, và đây cũng không phải là chuyện thời sự Đông và Tây trên toàn cầu, mà đó là sự thật. Người dân Việt Nam cần được biết sự thật là gì, và sự thật là họ đang sống trong một chế độ độc tài".

Nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ

Ông Brad Adam hiện là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của một tổ chức hoạt động về biến đổi khí hậu có tên Climate Rights International. Tổ chức này đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2023 không có gì tiến triển. Ông nói :

"Ở trong nước, người dân không có tự do chính trị, còn quyền công dân thì rất hạn chế. Chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính phủ".

Ông Adam cho rằng, gần đây Chính phủ Việt Nam ngay cả những nhà hoạt động, các chuyên gia lên tiếng vì môi trường, từng hợp tác với Chính phủ trong các chương trình bảo vệ môi trường sống cũng bị bắt bớ, thì rõ ràng "Chúng tôi không thấy bất kỳ cải tiến nào cả". 

Báo cáo nhân quyền năm 2023 của HRW nhận định Các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, kiềm tỏa chặt chẽ các quyền tự do biểu đạt, tự do lp hội, nhóm họôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.

Nói riêng về lĩnh vực đàn áp nhân quyền, ông Adam khẳng định nguyên nhân khiến tình trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu đi là vì "Việt Nam cảm thấy họ không phải đối mặt đáng kể với áp lực từ quốc tế". 

Một hiện thực có thể dễ dàng nhận thấy trong những năm gần đây đó là việc các chính phủ tổng thống Hoa Kỳ đã bỏ qua, hoặc coi nhẹ vấn đề nhân quyền trong khi thương lượng nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam. Ông Adam cho biết Hoa Kỳ coi Việt Nam là một phần trong chiến lược chống Trung Quốc của họ. Vì vậy, Hoa Kỳ ít nói về nhân quyền khi làm việc với các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Philippines, Indonesia, hay Malaysia...

Chia sẻ về nhận định trên của ông Adam, ông Nguyễn Vũ Bình, nhà quan sát chính trị - xã hội ở Việt Nam cho rằng, chuyện các chính phủ phương Tây chỉ chú trọng an ninh và kinh tế mà coi nhẹ nhân quyền đã xảy ra từ những nhiều năm trước :

"Điều này thì Việt Nam đã biết lâu rồi, cho đến năm 2005 và 2006 thì họ đã biết được là phương Tây họ không đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu mà chỉ có nâng cao mối quan hệ làm ăn".

Ông Bình cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do lãnh đạo đảng đồng lòng muốn dẹp bỏ những mầm mống rủi ro đến sự lãnh đạo của họ :

"Nguyên nhân bao trùm nhất là bởi vì Đảng Cộng Sản họ siết chặt sự kiểm soát, không để cho phong trào dân chủ hoặc những người phản biện được hoạt động.

Không để không gian cho những phong trào và những cá nhân này hoạt động nữa đó là tinh thần chung trong vòng tám năm trở lại đây, và họ thực hiện việc đó bằng nhiều cách và biện pháp khác nhau".

Đàn áp nặng nề chính là nguyên do mà ông theo ông Bình đã khiến cho phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đi xuống từ năm 2015 cho đến nay.

Bằng chứng là tất cả các tổ chức xã hội dân sự độc lập đều không thể hoạt dộng được nữa, một loạt những người bất đồng chính kiến bị bắt và bị kết án rất nặng. Các hoạt động công khai như biểu tình, tưởng niệm các ngày lễ liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, về chủ quyền Việt Nam… ngày càng giảm và dần dần không còn nữa. Các bài viết phản biện xã hội trên không gian mạng cũng ngày càng thưa dần và sau cùng là số lượng người đi tỵ nạn chính trị tăng vọt trong khoảng năm năm trở lại đây.

Nguồn : RFA, 22/02/2024

**************************

Luật cấm ly hôn ngay cả khi vợ có thai với người khác : Có hợp lý không ?

RFA, 21/02/2024

Theo Nghị quyết đang được Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra dự thảo, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ đang mang thai, không phân biệt người vợ có thai với ai. Dự thảo này đang bị công luận phản đối, cho là trái với đạo lý vợ chồng của người Á Đông.

dnnn04

Khi người vợ đang mang thai và có con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền ly hôn. Nếu vợ chủ động ly hôn thì được. Ảnh minh họa. AFP

Ông Quang, một người dân Sài Gòn, hoàn toàn phản đối điều luật này, cho dù dưới bất kỳ góc độ nào, như bảo vệ trẻ em hoặc phụ nữ. Ông nói :

"Theo tôi là vô lý. Như vậy thì bất hạnh quá. Nó như tra tấn vậy. Một khi như vậy thì tình cảm bị xúc phạm. Giải pháp tốt nhất là giải thoát cho nhau, tức là ly hôn. Mắc gì mà không cho ly hôn ? !"

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố. Hồ Chí Minh nói với RFA về điều khoản này :

"Cái này nó liên quan đến ngành y tế. Khi người phụ nữ đang mang thai thì có thể họ rất nóng tính và cơ thể họ có thể có những bất thường. Do đó, khi người vợ đang mang thai và có con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền ly hôn. Nếu vợ chủ động ly hôn thì được. Luật này nhằm bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em mà Việt Nam đã tham gia công ước này".

Luật sư Hậu cho rằng, đứa bé trong bụng không có tội gì cả nên cần phải bảo vệ đứa bé bằng cách không cho người chồng ly hôn khi bà mẹ đang mang thai, cũng như khi người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hiến pháp Việt Nam 2013, Điều 37, chương II, quy định : ‘Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục ; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em ; nghiêm cấm việc xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm Quyền trẻ em’.

Cũng nhân danh bảo vệ quyền trẻ em, tháng 3/2023, Trường Trung học cơ sở Lương Yên ở Hà Nội tổ chức hội nghị "Lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)". Sự kiện này gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Luật Hôn nhân và Gia đình được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2014, quy định chế độ hôn nhân và gia đình ; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình ; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.

Kết hôn được coi là một hành vi pháp lý xác lập quan hệ hôn nhân, bắt đầu một mối quan hệ vợ chồng chính thức theo quy định của pháp luật. Ly hôn là căn cứ pháp lý để chấm dứt một mối quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đó theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Kết thúc mối quan hệ vợ chồng và các quyền liên quan khác.

Kết quả của một cuộc khảo sát  do tạp chí La Croix International công bố giữa tháng 6/2023 cho thấy, trong 10 năm - từ năm 2009 đến năm 2019 - tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ 1% lên 1,8%. Theo tạp chí này, việc ly hôn gia tăng do cuộc sống gia đình không ổn định, các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp và giá trị gia đình đang thay đổi. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 60.000 vụ ly hôn. Con số này tương đương 30% tổng số cuộc hôn nhân.

Thống kê cũng cho thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, bao gồm không hòa hợp lối sống 27,7% ; ngoại tình 25,9% ; vấn đề kinh tế 13% ; bạo lực trong gia đình chiếm 6,7% và vấn đề sức khỏe chiếm 2,2%.

Với dự thảo không cho người chồng có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, bất kể có thai với ai, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, nếu thật sự để bảo vệ đứa trẻ thì luật cũng phải cấm người vợ ly hôn khi đang mang thai, hay đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Ông phân tích :

"Lịch sử có câu "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". Tức là người soạn thảo luật phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Chứ ông chỉ ngồi trong phòng lạnh ra luật, mà luật áp dụng ra ngoài cuộc sống muôn hình vạn trạng ; áp dụng cho đa số người dân với trình độ văn hóa khác nhau thì không phù hợp. Phải hướng cái thiện, cái tốt chứ không thể áp đặt luật một cách chủ quan cho người khác khác như vậy được.

Trong trường hợp cụ thể này, về mặt pháp luật thì phải lấy ý kiến nhân dân xem dân có ủng hộ không, đó là dân chủ nhất. Có bao giờ ông đặt trường hợp này xảy ra với gia đình ông, xem ông có xử được không ?

Chuyện này nghe chừng viển vông, không thực tế. Luật nó phải thực tế và có sức thuyết phục và khả thi. Không thể ‘đem bục công an đặt giữa trái tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước’. Nếu luật này ra đời thì không khác gì lời ‘tiên đoán’ của nhà thơ Lê Đạt nửa thế kỷ trước".

Câu "Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước" là của nhà thơ Lê Đạt (phong trào Nhân Văn Giai Phẩm), khi ông bị Đảng răn đe : "Dù vợ đồng chí có bằng lòng ly dị, Đảng cũng không đồng ý".

Nguồn : RFA, 21/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 262 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)