Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/02/2024

Thủ tục hành chính : chưa cải cách xong, lại đòi cải tiến

RFA tiếng Việt

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp thứ ba của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành hôm 26/2 đã cho rằng, không tiếp tục cải cách, việc không thông sẽ thất bại, do đó cần có cải tiến.

hanhchinh1

Phiên họp thứ ba của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính hôm 26/2/2024. Courtesy chinhphu.vn

Theo truyền thông nhà nước, dù đã cải cách hành chính nhiều năm qua, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương… thủ tục một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, tình trạng trễ hẹn vẫn còn phổ biến như : đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hôm 27/2/2024 nhận định với RFA :

"Tôi thấy trong cải cách hành chánh hiện nay có đổi mới. Tức là đã chuyển đổi số, người ta ít đến cơ quan hành chính, do người ta dùng mạng để giải quyết giấy tờ. Ví dụ như làm giấy tờ nhà đất thì không cần đến cơ quan công quyền nữa, họ chuyển đổi qua kỹ thuật số và có thể đưa lên mạng, họ có thể biết hồ sơ của họ đang ở đâu… Đây là một trong những cái đổi mới mà tôi cho rằng trong chuyển đổi số hiện nay nếu chúng ta làm tốt cái này, thì nó sẽ bớt đi những thủ tục không cần thiết".

Dù nhiều lĩnh vực có thể làm online, nhưng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu riêng trong lĩnh vực tư pháp thì chưa hoàn thiện :

"Lĩnh vực tư pháp còn đang nghiên cứu vấn đề chuyển đổi số trong giao dịch dân sự, còn giao dịch của người dân thì dĩ nhiên còn một số lĩnh vực mang tính chất nhạy cảm. Tôi thấy cần phải nghiên cứu thêm để làm sao những thông tin, những chính sách người dân dễ tiếp cận và thông qua tiếp cận, người ta phản hồi về những chính sách đó ví dụ như ‘không hài lòng’ hoặc ‘đồng tình’ với chính sách đó".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, nếu làm được như vậy thì sẽ phù hợp lòng dân hơn.

Cải cách hành chính ở Việt Nam được tiến hành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời gian đầu bị cho chủ yếu chỉ là tuyên truyền. Cho đến những năm gần đây, khi công nghệ internet phát triển, việc chuyển đổi số của chính phủ được thực hiện... dẫn tới nhiều thủ tục hành chính cũng được số hóa, hy vọng đem lại thuận lợi cho dân. Nhưng thực tế hiện nay ra sao ?

Một cán bộ về hưu, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại từ năm 1991 đến năm 1997, nhận định với RFA hôm 27/2/2024 :

"Cải cách hành chính tính thì ít lắm, chưa thấy rõ, chưa thấy kết quả của chuyện cải tiến. Thường thường chính quyền nói cải tiến cái này, cải tiếng cái nọ… nhưng sự thật không cải tiếng gì mấy. Chuyện làm giấy tờ qua mạng thì theo tiến bộ khoa học và kỹ thuật của thế giới. Qua mạng làm thì đỡ giao dịch, đi tới đi lui mất thời giờ, cái đó thì thấy có tiến bộ. Nhưng mạng có khi vô được, có khi vô không được, nó nghẽn mạch, đó là chuyện bình thường".

Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 27/2/2024 nói với RFA :

"Thấy cải cách nhiều lắm, nhưng chỉ đặc biệt ở những thành phố lớn thôi. Còn những tỉnh nhỏ thì khổ lắm, ví dụ như nếu nợ tiền lao động thì đừng hòng ký giấy xin việc làm. Tất tần tật nợ gì của xã, của thôn là không ký. Những thành phố gần mặt trời thì mọi cái đều tốt lên. Còn ở những tỉnh xa mà đi giải quyết giấy tờ thì ối giời ơi khủng khiếp lắm. Thiếu tiền học đóng cho con mà ra ký tờ giấy sẽ không ký, ở tỉnh nhỏ hầu như họ bắt chẹt người dân đủ cách".

Trong khi thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề, cải cách hành chính vẫn không đạt mục tiêu mà cơ quan quản lý lại muốn đề ra tiêu chuẩn cao hơn thì liệu có khả thi ?

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây nhận định :

"Cải cách hành chính cũng phải đến 20 năm rồi, kể cả hiện nay Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, ví dụ như căn cước, hôn thú, khai sinh đều được tích hợp vào cơ sở dữ liệu dân cư dạng số. Nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam vẫn bỡ ngỡ trong việc chuyển đổi số quản lý hành chính".

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng việc chuyển đổi số trong quản lý chung về hành chính vẫn còn nhiều vấn đề, đôi khi còn phát sinh nhiều phiền phức hơn hệ thống cũ. Theo ông Võ, đáng lẽ chuyển đổi số để mọi việc đơn giản hơn, nhưng bây giờ lại có nhiều thứ phức tạp hơn. Về chủ trương thì ông Võ cho là đúng, nhưng kỹ thuật thực hiện thì vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc cũ, mà đã phát sinh vướng mắc mới khiến nhiều người ca thán.

Nguồn : RFA, 27/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 350 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)