Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/02/2024

Phần mềm SocialBeat : Chính quyền lo sợ sự phản ứng của người dân

RFA tiếng Việt

Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/2/2024 vừa cho ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội – SocialBeat. Theo cơ quan này, SocialBeat là phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội khác… được cho là sẽ giúp cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh có thông tin đầy đủ, đa chiều về ý kiến, suy nghĩ và trào lưu trên mạng.

phanmem1

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu Phần mềm Lắng nghe mạng xã hội – SocialBeat

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang phải lánh nạn tại Hoa Kỳ vì sự trấn áp của Chính quyền Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 28/2/2024 cho biết ông không hề ngạc nhiên khi chính quyền đưa chương trình SocialBeat vào hoạt động để nhằm kiểm soát, theo dõi người dùng mạng xã hội tại Sài Gòn hoặc trong cả nước. Ông Mạnh nói tiếp :

"Đánh giá về phương diện pháp lý, việc chính quyền tổ chức theo dõi tất cả các phát ngôn của người dân là sự công nhiên xâm phạm vào các quyền tự do cơ bản của người dân do Hiến pháp công nhận, vốn mang tính phổ quát trên thế giới bao gồm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…".

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thêm về mặt xã hội liên quan chương trình SocialBeat :

"Song song đó, về phương diện xã hội, việc chính quyền phải sử dụng những thủ thuật để tìm hiểu người dân đang nghĩ gì ? Ủng hộ hoặc phản đối một chính sách, một sự kiện phát sinh trong xã hội chỉ có những chính quyền độc tài, phản dân chủ và đàn áp tự do. Bởi lẽ, từ nguồn gốc thành lập, hoạt động thì chính quyền độc tài chỉ hành xử vì lợi ích của một nhóm người cầm quyền mà thôi chứ không vì lợi ích của người dân. Do đó, họ luôn lo sợ sự phản ứng của người dân, nên phải dùng thủ thuật để nắm bắt, đo lường sự suy nghĩ, đánh giá của người dân để kịp thời đàn áp".

Nhìn ra thế giới bên ngoài theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, ở các quốc gia dân chủ, chính quyền không bao giờ phải dùng các biện pháp theo dõi dân bao giờ. Vì ở đó, chính quyền của dân, do dân và vì dân là sự thật trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của chính quyền chứ không chỉ là những khái niệm dùng để tuyên truyền. Trong trường hợp đó Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, khi các ý nguyện của dân chúng đều được thỏa mãn, họ không có lý do gì phản ứng lại với các chính sách của chính quyền thì việc theo dõi người dân là không cần thiết.

Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 28/2/2024, ông Quang, một cư dân ở miền Trung cho RFA biết ý kiến của mình :

"Theo tôi, đây không phải là một bước gia tăng kiểm soát internet, ngăn chặn tự do ngôn luận. Nói ngăn chặn tự do ngôn luận thì trong thực tế thời gian qua cũng đã có an ninh mạng theo dõi rồi. Viết gì, nói gì họ cũng biết và sẽ xử lý tùy theo trường hợp tùy thuộc vào nội dung, lĩnh vực mà bài viết đề cập".

Còn đối với việc triển khai phần mềm thu thập dữ liệu mạng xã hội, theo ông Quang, việc này là một hình thức khảo sát, nắm thông tin về các ý kiến, thái độ của cư dân mạng, của người dân nói chung về những vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành xã hội của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương ; đến việc thực các chính sách mà Nhà nước ban hành nhằm kịp thời chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống. Ông Quang nói tiếp :

"Tôi nghĩ, đây là việc làm tích cực phù hợp với xu thế hội nhập. Tất nhiên, việc thu thập dữ liệu mạng xã hội cũng có một phần để nắm bắt những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia".

Còn Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khi nhận định với RFA hôm 28/2/2024, cho rằng :

"Tôi thấy đứng về mặt nguyên tắc, việc thu thập dữ liệu mạng xã hội thì về mặt quản lý không thành vấn đề. Vấn đề là thu thập bằng cách gì và thu thập xong thì xử lý thông tin đó như thế nào ? Nó có tôn trọng quyền tự do của công dân hay không ? Nó có can thiệp một cách thỏa đáng và tránh những thô bạo, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm của công dân. Cái đó mới đáng bàn, chứ riêng cái phần mềm nó không thành vấn đề gì cả".

Vào tháng 3/2023, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đức Kiên, Phó Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 35, khi phát biểu trên tờ Tiền phong từng cho rằng : ‘hiện nay, đang có 'cuộc chiến' thông tin với các thế lực thù địch, chống phá’. Theo ông này, các đối tượng, tổ chức phản động chủ yếu lợi dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, Google, YouTube... lợi dụng các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... để cài cắm các thông tin xấu độc, lập các trang giả mạo.v.v.

Trước đó vào tháng 6/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra mắt hệ thống Mạng xã hội – VCNET. Đây là nỗ lực được cho là để gần gũi dân, nhưng dư luận mạng xã hội cho rằng đây có thể là kế sách tăng cường kiểm soát mạng xã hội của Việt Nam.

Mới nhất là vào tháng 12/2023, Chính phủ Việt Nam hôm đã tổ chức lễ ra mắt một mạng xã hội mới ‘thuần Việt Nam’ có tên Vdiarybook được nói là để ‘Chia sẻ khoảnh khắc - Lưu giữ kỷ niệm đẹp’ với các tiêu chí hàng đầu gồm bảo mật thông tin, tuân thủ pháp luật và lọc sạch các thông tin xấu, độc ngay từ đầu bằng định danh.

Dù đã dùng nhiều biện pháp, công cụ nhằm kiểm soát mạng xã hội, nhưng đến nay chính quyền Việt Nam lại tiếp tục ra mắt phần mềm SocialBeat để thu thập dữ liệu từ Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội khác… nhưng lại được cho là ‘lắng nghe dân’ (!?).

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 28/2/2024 khi trả lời RFA nhận định :

"Mục tiêu của phần mềm là thu thập ý kiến và dư luận của nhân dân. Và sau khi có thông tin về dư luận của người dân thì bước tiếp theo chính quyền sẽ ra tay kiểm soát và ngăn chặn. Việc này chính quyền đã làm từ rất lâu rồi, và nay, như họ quảng cáo, là dùng phần mềm này để gia tăng hoạt động giám sát khi ngày càng có nhiều cá nhân thể hiện ý kiến và định hướng dư luận".

Với việc cơ quan chứ năng Thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo rằng phần mềm dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), một công nghệ rất thời thượng, để tăng hiệu quả giám sát… thì Tiến sĩ Vũ cho rằng, những kinh nghiệm đã từng diễn ra cho thấy những phần mềm mà giới chức lãnh đạo cộng sản mua cuối cùng không có hoạt động hiệu quả. Theo ông Vũ, chủ yếu lãnh đạo cộng sản lập dự án, mua những thứ nào đó trông có vẻ hoành tráng, để cuối cùng là moi tiền ngân sách mà thôi. Ông Vũ cho rằng, phần mềm giám sát dư luận cũng sẽ như vậy.

Để tìm hiểu thêm về kỹ thuật liên quan hiệu quả của phần mềm SocialBeat, RFA hôm 28/2/2024 liên lạc Chuyên gia Công nghệ Thông tin Hoàng Ngọc Diêu từ Sydney - Úc, và được ông giải thích :

"Để mà nhận định một cách khoa học, chính xác về SocialBeat thì cần phải hiểu tầm cỡ của nó như thế nào, làm việc như thế nào, cơ sở hạ tầng như thế nào... thì mới đánh giá được. Mình coi sơ qua thì thấy không có một thông tin kỹ thuật nào về SocialBeat một cách chi tiết hay rõ ràng, nó nói rất chung chung, nhưng nhìn chung nó có vẻ rất tham vọng. Tại vì theo thông tin của bài báo trên VnExpress, SocialBeat thu thập dữ liệu từ Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nên tảng mạng xã hội khác... có nghĩa tầm cỡ của nó không phải là nhỏ".

Tại vì theo ông Diêu, để thu thập tất cả thông tin từ những mạng xã hội kể cả YouTube, cần phải có cơ sở hạ tầng rất lớn và đây không phải là chuyện đơn giản. Ông Diêu nói tiếp :

"Tôi không biết hiện giờ Việt Nam sử dụng AI (trí khôn nhân tạo) cỡ nào, tôi cũng không dám chắc họ đủ khả năng và cơ sở hạ tầng để có thể thu thập dữ liệu từ nhiều mạng xã hội đầy tham vọng như vậy, tôi không tin họ có khả năng như vậy. Tại vì một đất nước như Hoa Kỳ, một cơ quan muốn thu thập tất cả những thông tin cũng cần một cơ sở hạ tầng rất lớn không thể tưởng tượng được. Ngay cả như vậy cũng không thể thu thập hết tất cả mọi thứ, mà chỉ có thể thu thập thông tin dựa trên những từ khóa mà họ cho rằng quan trọng".

Còn ở Việt Nam theo bài báo nói SocialBeat thu thập thông tin đầy đủ, đa chiều về ý kiến, suy nghĩ và trào lưu trên mạng... thì chuyên gia Công nghệ Thông tin Hoàng Ngọc Diêu cho rằng hơi khó tin. Ông Diêu lý giải :

"Về mặt tầm cỡ của nó thì cũng có thể nó chỉ thu thập bằng cách dựa trên những thông tin đã có công khai trên mạng xã hội, chứ những người có những nhóm kín với nhau thì những cỗ máy theo dõi của SocialBeat chắc chắn cũng không thể lấy thông tin. Cho nên chuyện SocialBeat có kết quả toàn diện và đầy đủ như bài báo nói thì mình nghĩ chắc không khả thi đâu".

Theo chuyên gia Công nghệ Thông tin Hoàng Ngọc Diêu, đây là một cố gắng mang tính đe dọa để người dân sợ. Ông Diêu cho rằng, đó cũng là một cái cách để giới cầm quyền duy trì chế độ, cũng như duy trì hệ thống tuyên truyền của chế độ. Cũng theo ông Diêu, việc chính quyền luôn luôn tiếp tục có những cố gắng công khai hay bí mật để kiểm soát thông tin là chuyện không bao giờ chấm dứt, chừng nào còn chế độ độc tài, chừng đó chính quyền vẫn còn có kinh phí, cách thức để kiểm soát thông tin.

Nguồn : RFA, 29/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 479 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)