Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/03/2024

Giới đấu tranh nghĩ gì về việc Hà Nội bắt bớ hàng loạt theo Điều 117 ?

RFA tiếng Việt

Từ đầu năm 2024 đến nay, tức chưa đến ba tháng, có ít nhất sáu người ở các tỉnh thành khác nhau trong cả nước bị Chính phủ Hà Nội bắt theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 : "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

batbo01

Hai nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến (trái) và Nguyễn Vũ Bình

Liên quan Chỉ thị 24 ?

Một số nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước cho rằng, việc bắt bớ hàng loạt có liên quan đến Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị vừa bị rò rỉ trên mạng. Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở Đức nhận định :

"Việc bắt bớ liên tục như thế này tôi nghĩ là liên quan đến Chỉ thị 24 của Bộ chính trị, của Đảng cộng sản về việc tăng cường đàn áp. Phía an ninh họ chỉ đạo bắt cả những người hoạt động ít tên tuổi hay đã ngưng hoạt động từ lâu rồi.

Tất cả những gì giới đấu tranh dân chủ làm đều tốt cho xã hội, cho đất nước và tốt cho cả chính Đảng cộng sản, vì họ cũng cần phải có cạnh tranh, có đối lập để tự cải tiến, tự làm tốt hơn. Nhưng trong con mắt của những người đang cai trị độc quyền trên đất nước này thì họ vẫn coi đó là những thành phần nguy hiểm, bởi họ không muốn mất đặc quyền đặc lợi trong việc độc quyền cai trị đất nước của họ. Do đó, họ coi những người Việt Nam yêu nước là kẻ thù và họ luôn tìm cách bắt bớ".

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, hiện ở Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm với RFA :

"Chỉ thị 24, một tài liệu mật của Bộ chính trị mới bị rò rỉ ra bên ngoài. Có một mục đáng chú ý đó là không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước. Như vậy phải tiêu diệt những cá nhân đối lập về chính trị, hoặc không cần chính trị gì cả, chỉ là những cá nhân mà nhà nước cho rằng có tư tưởng, quan điểm, mong muốn khác biệt với nhà cầm quyền là họ bắt. Thêm nữa, bắt nhiều để gia tăng sự sợ hãi trong dân chúng. Trong nước, họ thủ tiêu tất cả những gì thuộc về quyền con người. Với quốc tế thì các nhà tài trợ, các đối tác thương mại làm ăn với Việt Nam lại không có những chế tài với những vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Tôi cho rằng chưa bao giờ bức tranh nhân quyền và đời sống không gian chính trị ở Việt Nam lại ngột ngạt và khó khăn như bây giờ. Tôi nghĩ là sẽ còn bắt rất nhiều nữa, thậm chí bắt cả người thân của những tù nhân lương tâm đang ở trong tù".

Bà Phạm Thanh Nghiên nói thêm, Đảng cộng sản Việt Nam đang thể hiện mong muốn sẽ được cầm quyền mãi mãi một cách điên cuồng, nên đã, đang và sẽ bắt bất cứ ai đối kháng hoặc bị cho là có tư tưởng, quan điểm trái với nhà cầm quyền. Bà nhận xét :

"Như chúng ta quan sát thì vài năm trước, họ chỉ bắt những người lập hội, lập đảng hoặc những người tham gia vào các hội nhóm thôi. Sau đó họ dấn thêm một bước là bắt từ những người đấu tranh độc lập, bắt đến những bloggers viết bài ; bắt những người mà được công luận biết tới hay chú ý tới. Sau đó nữa thì lại dấn thêm một bước là bắt cả những người không viết bài chỉ trích, nhưng có tư tưởng cổ súy cho nhân quyền, hoặc bắt những người biểu tình ôn hòa. Tức là việc bắt bớ thời gian đó vẫn có sự chọn lựa, cân nhắc. Nhưng theo quan sát của tôi thì khoảng một năm qua, đặc biệt là mấy tháng trở lại đây, việc bắt bớ trở nên vô tội vạ. Họ bắt cả những cái tên chúng ta chưa từng nghe bao giờ". 

Vào ngày 13/7/2023, Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam ban hành một chỉ thị có đóng dấu "Mật", nêu bật những thách thức trong việc bảo vệ chế độ khi mở rộng bang giao quốc tế và yêu cầu toàn thể bộ máy thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm giữ vững thể chế. Đó là Chỉ thị 24-CT/TW về "bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng". Chỉ thị chỉ ra những nguy cơ của chế độ trong tình hình mới khi Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác với quốc tế.

Chỉ thị này được Dự án 88 (một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam) tiết lộ vào đầu tháng 3 năm 2024. Một trong những nội dung của chỉ thị là cảnh báo khả năng lợi dụng các định chế, cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, ký kết để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy "cách mạng màu" hoặc "cách mạng đường phố".

Quy luật của chế độ toàn trị

Trong số sáu người bị bắt gần đây theo điều 117 có hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình. Cả hai đều ở Hà Nội, ngoài ra còn có các ông Phan Đình Sang ở Hà tĩnh ; Ông Hoàng Việt Khánh ở Lâm Đồng ; Ông Trần Văn Khanh ở An Giang và ở Hưng Yên có ông Phạm Văn Chờ.

Ông Nguyễn Chí Tuyến là một nhà hoạt động xã hội, thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình về chủ quyền đất nước, bảo vệ môi trường, ủng hộ dân oan. Ông Nguyễn Vũ Bình từng có 10 năm làm phóng viên cho tờ Tạp Chí Cộng Sản, thời ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng biên tập. Sau đó ông trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng ở Hà Nội và có nhiều bài viết cộng tác cho trang blog của RFA.

Trong hai bài viết cuối cùng trên trang blog của RFA vào ngày 20 và 22 tháng 2 năm 2024, ông Bình phân tích về phong trào dân chủ trong những năm vừa qua, cho rằng "quy luật của tất cả các chế độ toàn trị cộng sản là nó sẽ tự sụp đổ trước sức nặng của chính nó", đồng thời nhận định "nó sẽ xảy ra trong tương lai rất gần".

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhận định về Hà Nội bắt hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền như sau :

"Tôi cho đó là chính sách be bờ của nhà cầm quyền. Họ không muốn cho bất cứ ai dùng Facebook để bày tỏ một cách ôn hòa và ủng hộ cải cách dân chủ, muốn dân chủ hóa đất nước lan rộng. Thời đại ngày nay là thời đại của internet, của công nghệ thông tin. Người dân trong nước dùng Facebook, dùng mạng xã hội rất là nhiều. Chính quyền họ rất lo ngại rằng nếu không ngăn chặn thì nó sẽ rộ lên một trào lưu rất lớn và khó lòng để đối phó.

Mới đây thì họ bắt Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình. Đây là mình hai trường hợp mà họ cho là hạt nhân của phong trào dân chủ. Nó rơi vào với chủ trương mới của công an Việt Nam, tức là như ông Tô Lâm đã nói mùa xuân vừa rồi là phải có cách thức đề phòng từ xa, cộng với tiết lộ về chủ trương của Bộ công an bảo vệ an ninh chính trị trong tình hình mới".

Ông Nguyễn Khắc Toàn nói thêm, chính quyền cho rằng, nhận định của nhà báo Nguyễn Vũ Bình gieo rắc sự hoang mang trong dân chúng. Nhưng theo ông, thực tế, nó chỉ trong khuôn khổ tự do ngôn luận, tự do tư tưởng mà thôi.

Đúng một tuần sau khi Công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình, báo chí nhà nước mới đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ này.

Nguồn : RFA, 13/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)