Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2024

Nếu không phải là đàn áp tôn giáo thì phải gọi là gì ?

RFA tiếng Việt

Tín đồ Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên chết bất thường sau khi bị công an đem ra đấu tố

RFA, 20/03/2024

Một tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk bị cho là đã thắt cổ tự tử trong ngày 08/3, chỉ ba tháng sau khi chính quyền địa phương đem ông này ra đấu tố trước buôn làng nhằm buộc ông phải bỏ đạo.

danap1

Ông Y Bum Bya trong cuộc đấu tố ngày 09/12/2023 (ảnh trái) và lúc đem về nhà (ảnh phải) vào ngày 8/3/2024 - Ảnh chụp từ video clip/ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên

Ông Y Bum Bya, sinh năm 1975, cư trú ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Ông là thầy truyền đạo kiêm thủ quỹ của hội thánh bị Nhà nước xem là tổ chức phản động, một số tín đồ của hội thánh này từng bị sách nhiễu và bỏ tù.

Sáng ngày 08/3, người dân trong buôn tìm thấy ông ở tư thế treo cổ trên mái vòm của một ngôi mộ trong khu nghĩa địa, cách nhà ông khoảng 500 mét.

Trong thông cáo phát hành ngày 19/3 từ tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên cho rằng ông Y Bum Bya bị sát hại sau nhiều lần bị đánh đập, đe doạ bởi công an địa phương và bị đưa ra kiểm điểm trước cư dân trong khu vực.

"Tuy những hung thủ chưa được nhận diện nhưng diễn tiến sự việc đưa đến cái chết của ông Y Bum Bya lại có dính líu tới công an thành phố Buôn Ma Thuột", thông cáo viết.

Mục sư Aga, người sáng lập hội thánh hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/3 về lý do nghi ngờ :

"Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ nghi ngờ cái chết của Y Bum Bya là có bàn tay của chính quyền sát hại vì ông liên tục bị đàn áp bị sách nhiễu, bị mời, bị đánh bị đập trong tháng 12 rồi kiếm điểm trước dân bắt ông phải từ bỏ hội thánh.

Công an đã đe dọa nếu mà ông không từ bỏ hội thánh thì sẽ bị đánh, bóp cổ chết. Chính vì ông không chấp nhận từ bỏ nên họ đã tìm cách sát hại ông".

Theo thông cáo, ngày 08/12 năm ngoái, ông Y Bum Bya đã bị bốn công an địa phương đến tận rẫy tịch thu điện thoại và đánh đập. Sau đó, ông đã bị đưa vào đồn công an và tiếp tục bị đánh đập dã man đến gây thuơng tích để buộc ông từ bỏ hội thánh. Công an cũng doạ sẽ đánh chết nếu ông không từ bỏ.

Ông chỉ được thả về nhà vào buổi tối cùng ngày, và ngày hôm sau ông bị đưa ra kiểm điểm và bị ép phải công khai từ bỏ hội thánh trước dân chúng trong làng.

Buổi đấu tố ngày 09/12/2023 được quay lại và phát trong chương trình An ninh trật tự Đắk Lắk của truyền hình tỉnh và đưa lại trên kênh Youtube, ông Y Bum Bya bị buộc phải từ bỏ đạo, nói xấu về đạo của mình, không được tiếp cận bạn bè và người thân, và không được sử dụng điện thoại thông minh vì trước đó ông sử dụng điện thoại để chụp hình, quay video rồi báo cáo ra nước ngoài.

Ông bị buộc thú nhận từ năm 2021 do "nhẹ dạ cả tin nghe theo lời của tên Aga một đối tượng Fullro phản động lưu vong ở Mỹ đang bị cơ quan công an truy nã, điện thoại về lôi kéo xúi giục và tham gia các lớp thông công trực tuyến của nhóm Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên phản động".

Ông cũng bị cho là "thường xuyên đi quay phim chụp ảnh gửi cho đối tượng Aga để xuyên tạc bóp méo sự thật nhằm chống phá chính quyền Việt Nam".

danap2

Tường trình có chữ ký của ông Y Bum Bya về việc bị đánh ngày 7/12 và bị đem ra đấu tố ngày hôm sau

Vẫn theo thông cáo, sáng ngày 08/3 vừa qua, khi vợ chồng ông đang làm việc ở trên rẫy thì nhận được cuộc gọi của công an đề nghị về nhà để nhận lại điện thoại. Khi hai vợ chồng ông về tới nhà thì công an lại không chịu vào nhà mà hẹn gặp ông tại nghĩa trang gần nhà.

Ông Y Bum Bya đi ra gặp họ tại điểm hẹn nhưng không quay trở về nhà. Khoảng chừng một giờ đồng hồ sau đó, người dân phát hiện ông đã chết. Tại hiện trường không có thư từ gì để lại.

Theo hình ảnh chụp lại lúc đưa Y Bum Bya về nhà cho thấy thi thể của ông không có vết bầm tím trong khi cổ ông không có dấu vết rõ ràng của dây thắt cổ.

Phóng viên không thể liên lạc được với gia đình của nạn nhân để xác minh vụ việc.

Một người bạn gần nhà của ông Y Bum Bya, người không muốn xưng danh vì lý do an ninh, cho RFA biết người đã khuất tính tình hiền lành và tinh thần ổn định, không có thù oán với ai, không nợ nần ai.

Mục sư Aga nói ông thường xuyên nói chuyện qua điện thoại với ông Y Bum Bya, và khẳng định người này không có mâu thuẫn cá nhân với ai. Ông cũng loại trừ khả năng ông này tự tử :

"Ông là một người rất là hiền lành, rất là trung tín trong Chúa. Con người mà họ đã trung tín với Chúa, họ sẽ không bao giờ dám tự tử vì việc tự tử chẳng khác gì mình đi giết người khác".

Ông lý giải về mục tiêu sát hại ông Y Bum Bya :

"Họ rất căm ghét ông này. Thứ hai, mục đích của họ sát hại ông để đe dọa những người còn lại là thân viên trong Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ. Bao năm rồi họ muốn xóa sổ hội thánh".

Trong thông cáo, hội thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền thúc ép Nhà nước Việt Nam "làm sáng tỏ sự việc và trả lại công lý cho ông Y Bum Bya và gia đình".

Theo mục sư Aga, công an thành phố Buôn Ma Thuột muốn mổ tử thi để điều tra nguyên nhân gây ra cái chết nhưng gia đình không đồng ý. Gia đình đã làm lễ mai táng người xấu số ở nghĩa trang địa phương vào ngày 11/3.

Phóng viên gọi điện cho Công an thành phố Buôn Ma Thuột để hỏi thông tin về cái chết của ông Y Bum Bya. Người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.

Phóng viên gọi cho Công an tỉnh Đắk Lắk nhưng người trực điện thoại nói gọi cho phòng tham mưu- đơn vị chịu trách nhiệm phát ngôn, tuy nhiên, người này từ chối cung cấp số điện thoại.

Báo mạng Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an hồi tháng 9/2023 có bài viết với tiêu đề "Xóa bỏ ‘Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên’ ở miền núi Phú Yên".

Bài viết cho biết, chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp và cho đến nay các đối tượng thuộc hội thánh ở huyện Sông Hinh đã bị "phân hóa tan rã, không còn tụ tập mưu tính phạm pháp".

Tác giả Hữu Toàn tiết lộ, trong số 29 người cam kết từ bỏ Hội Thánh, có 24 người đã chuyển sang sinh hoạt Tin Lành thuần túy, năm người còn phải tiếp tục cảm hóa giáo dục.

Thầy truyền đạo Nay Y BLang của hội thánh hồi tháng 5/2023 bị khởi tố với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Cuối tháng 1 vừa qua, ông bị kết án bốn năm sáu tháng tù giam.

Nguồn : RFA, 20/03/2024

 ***************************

Chính quyền cấm sửa chữa chùa Phước Bửu của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Một cơ sở tôn giáo thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất xây từ năm 1989 đã xuống cấp, cần phải sửa chữa nhưng chính quyền địa phương không cho phép.

chua1

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước và Biên bản của xã Phước Thuận - Ảnh Thượng tọa Thích Vĩnh Phước

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hôm 18/3 trong lúc công nhân trám và sơn lại vách tường bị nứt, thay ngói vỡ thì một đoàn cán bộ địa phương đến yêu cầu dừng công việc và bảo "chờ xin ý kiến cấp trên".

Đoàn bảy người dẫn đầu bởi Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Phước Thuận Đinh Văn Tám, Phó Công an xã Phạm Văn Dũng và một đại diện Ban Chỉ huy quân sự xã.

Theo biên bản lập tại chùa, đoàn cán bộ phát hiện có chín công nhân đang tiến hành sửa chữa. Phía chính quyền yêu cầu nhà chùa dừng thi công và làm tờ trình về nội dung công việc gửi Uỷ ban Nhân dân xã.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 19/3 :

"Họ nói luật tôn giáo phải xin phép, sau nói là thầy phải làm tờ trình. Tôi nói sai gì mà trình, nhà dột thì sơn sửa, trình cái gì ? !"

Một người trong đoàn cán bộ đã đe dọa hành hung sư trụ trì khi bị chất vấn.

Đây là lần thứ hai chính quyền địa phương buộc nhà chùa dừng việc sơn sửa chỉ trong tháng 03/2024. Trước đó sáu ngày, khi thượng tọa trụ trì đi vắng, cán bộ địa phương đã đến buộc các công nhân ngừng sửa chữa.

Theo Luật Tôn giáo 2016 và Luật Xây dựng sửa đổi 2020, các cơ sở tôn giáo chỉ phải xin giấy phép xây dựng trong trường hợp xây mới các công trình tôn giáo.

Theo Điều 16 của Nghị định 162 năm 2017 của Chính phủ, khi cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo không phải là di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình thì được miễn giấy phép xây dựng.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước khẳng định việc làm của chính quyền xã Phước Thuận là một trong những hành động sách nhiễu cơ sở tôn giáo này.

Năm ngoái, nhà chùa sử dụng cây gỗ để dựng một nhà kho chứa củi đốt, chính quyền đến buộc phải làm bản tường trình để xin phép.

"Luật tôn giáo đặt ra họ không thực hiện luật đó, luôn luôn sách nhiễu và để ý một cách rất khắt khe công việc tại chùa Phước Bửu", vị thượng tọa nói.

Đặc biệt, từ năm 2019, chính quyền địa phương đã lắp đặt một camera ở ngay cổng ra vào để theo dõi nhà chùa, kèm theo một đèn pha công suất lớn chĩa vào sân chùa.

Phóng viên gọi điện cho Uỷ ban Nhân dân xã Phước Thuận để hỏi về các cáo buộc của chùa Phước Bửu nhưng không có ai nghe máy.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước lý giải thái độ của nhà chức trách địa phương đối với nhà chùa :

"Nguyên nhân là chúng tôi là thuộc về Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và hay lên tiếng ủng hộ dân quyền dân chủ, và tự do tôn giáo".

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một tổ chức tôn giáo có từ trước năm 1975, độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền thành lập năm 1981.

Nhiều tăng lữ và cơ sở tôn giáo của tổ chức này thường xuyên bị sách nhiễu bởi chính quyền địa phương.

Năm 2014, một số sư thầy thuộc giáo hội đã tách ra thành lập Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nguồn : RFA, 19/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 392 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)