Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/05/2024

Giải cứu Vietnam Airlines, xây đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn

RFA tổng hợp

Sao cứ xin ‘giải cứu’ Vietnam Airlines ?

RFA, 17/05/2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/5/2024 thông báo, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 135 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

daovuon1

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 23/12/2020. Reuters/Kham

Lý do xin gia hạn trả nợ theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, vì Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn về tài chính, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 17/5/2024 nhận định với RFA về việc này :

"Đại dịch Covid-19 đã qua. Trong suốt hai năm nay, mọi thứ coi như đã trở lại hoạt động bình thường. Các chuyến bay cũng vậy. Một ví dụ điển hình là hãng hàng không quốc gia của Singapore đã đạt lợi nhuận kỷ lục cho năm tài chính 2024 và đã chia sẻ lợi nhuận đến nhân viên bằng cách thưởng cho họ gần 8 tháng lương.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ngược lại không có tiền trả nợ nó chứng tỏ một điều rằng cơ quan điều hành của hãng hàng không này có vấn đề".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thay vì xin Quốc hội khất nợ đối với khoản vay, chính quyền trước hết cần phải cử đoàn thanh tra và giám sát các hoạt động của hãng hàng không trong năm qua. Ông Vũ nói tiếp :

"Về lâu về dài, chính quyền cần bán hết các doanh nghiệp nhà nước ít có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận. Hãy để các doanh nghiệp tư này tự hoạt động và thu chi. Thị trường sẽ quyết định lợi nhuận và chỗ đứng của các doanh nghiệp tư".

Vào năm 2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết 135 cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cho phép hãng hàng không này chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Dù đã được hỗ trợ vào năm 2020, đến năm 2021 Vietnam Airlines lại đệ trình lên Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ để xin một gói cứu trợ trị giá 1,17 tỷ USD. Tờ Simpleflying.com, vào ngày 8/3/2021 dẫn nguồn từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết thông tin vừa nêu.

Đến tháng 9/2022, Vietnam Airlines lại trần tình về thực trạng thua lỗ liên tục và có nguy cơ bị hủy niêm yết chứng khoán.

Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của đại diện Vietnam Airlines thừa nhận trong hai năm 2020, 2021, hãng này lỗ tương ứng 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Sang nửa đầu năm 2022, khoản lỗ ròng cũng hơn 5.000 tỉ đồng. Tính đến cuối quý 2/2022, Vietnam Airlines lỗ lũy kế gần 29.000 tỉ đồng, và vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỉ đồng.

Một người sinh sống ở miền Trung Việt Nam, từng làm việc nhiều năm tại doanh nghiệp nhà nước, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 17/5/2024 cho RFA biết nhận xét của ông :

"Vietnam Airlines là một doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế nói chung, hàng không nói riêng. Mà đã hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thì lời ăn, lỗ chịu. Do đó, dùng ngân sách nhà nước để "cho vay" giải cứu Vietnam Airlines, mà chức năng cho vay thuộc các tổ chức tài chính, ngân hàng, đã là sai rồi, đồng thời với việc làm này là bất bình đẳng với các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airway, Pacific Air... trái với Luật cạnh tranh, vì Vietnam Airlines sẽ có lợi thế hơn vì được cho vay ‘giải cứu’ !"

Đối với việc chính phủ xin cho Vietnam Airlines hoãn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng, ông này cho biết ý kiến :

"Nay chính phủ xin gia hạn việc Vietnam Airlines hoàn lại khoản 4.000 tỷ cho ngân sách nhà nước trong tình hình tài chính quốc gia gặp khó khăn là lỗi của chính phủ và không khéo khoản vay này sau một thời gian nữa thì sẽ "để lâu cứt trâu hóa bùn" ! Đây cũng là đặc thù của nền kinh tế thị trường có cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" !"

Vào năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Không chỉ Vietnam Airlines, một doanh nghiệp Nhà nước độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng và năm 2023 lỗ 24.500 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam - TKV, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, vào năm năm 2023 cũng báo cáo nợ 74.000 tỉ đồng - tương đương khoảng hơn ba tỉ USD, lớn gấp 1,6 lần vốn sở hữu 45.000 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước cứ thua lỗ triền miên sẽ gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế :

"Các doanh nghiệp nhà nước cứ thua lỗ triền miên sẽ làm cho khối nợ của doanh nghiệp nhà nước lớn hơn, cộng thêm vào khối nợ công đang có của Việt Nam, làm cho vấn đề nợ càng trầm trọng. Nợ của doanh nghiệp nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng, làm cho hoạt động của ngân hàng kém hiệu quả đi. Nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng làm cho khối tài sản rất lớn của đất nước trao vào tay doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng hiệu quả. Do đó nó làm cho nền kinh tế bị kém hiệu quả trong khi các lực lượng khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân rất cần các nguồn lực hiện đại thì lại không tiếp cận được".

Liên quan các khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA nhận định :

"Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như khoản nợ đối với tập đoàn điện, đây là điều khó khăn vì trong thời gian vừa qua, các đầu vào để cung cấp điện như dầu, than và các nguyên liệu khác đều tăng, nhưng giá điện ở Việt Nam do nhà nước quyết định và việc quyết định đó tuy là có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự biến đổi của giá cả trên thị trường. Vì vậy cho nên việc xác định nguồn gốc lỗ đó ở đâu, và trách nhiệm ở đâu, nhà nước có thể trợ giúp đến mức độ như thế nào... thì đấy là một quá trình không phải là dễ dàng".

Theo ông Doanh, Việt Nam phải tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, vận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, để giảm bớt các khoản lỗ. Đồng thời cần phải có các vận dụng điều chỉnh giá cả phù hợp hơn với biến động của thị trường.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, các doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm 100% vốn của Việt Nam hiện nay chiếm số lượng rất ít, chừng một phần ngàn, nhưng đều là các doanh nghiệp lớn, chiếm giữ lượng lớn về vốn, khoảng 10% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp, và thường lỗ hoặc lãi ít. Họ không chỉ đóng vai trò kinh doanh, mà họ còn đóng vai trò chính trị, giúp chính phủ điều phối nền kinh tế theo chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chính phủ.

Vì các doanh nghiệp này đóng một vai trò chính trị trong hệ thống nên theo ông Vũ, họ ít nhiều có một số quyền lực đặc thù và vì vậy chính phủ khó mà cải tổ được họ. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, nếu chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh... thì việc kêu gọi các công ty nhà nước tự cải cách hay tăng hiệu quả mới có thể thực hiện được.

Nguồn : RFA, 17/05/2024

*****************************

Xây dựng đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn : thầy bùa vẽ ước mơ ?

RFA, 16/05/2024

Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đưa ra đề xuất làm các đảo vườn nổi trên sông Sài Gòn. Theo tư vấn từ hai tổ chức này, những đảo trên sông Sài Gòn có thể xây cố định hoặc nổi, bố trí gần bờ nơi có dòng chảy chậm, hạn chế ảnh hưởng đi lại của tàu thuyền. Trên đảo có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, nhà hàng… tạo điểm nhấn du lịch, giải trí hấp dẫn cho khu trung tâm thành phố.

daovuon2

Một đoạn sông Sài Gòn - AFP

Theo bản vẽ, khu vực đề xuất làm đảo vườn sẽ chảy dọc từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm. Nhóm nghiên cứu coi khúc sông này là nơi để thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị với thế giới, đồng thời trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị.

Dư luận cho rằng, khi thành phố đã quá ô nhiễm, sông hồ bị lấp nhiều, cần giữ gìn không gian sông nước quý giá trong thành phố, hạn chế tối đa xây dựng trên sông nước thiên nhiên. Điều cần làm hiện nay là chống ngập, giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường…

Một nhà báo yêu cầu ẩn danh nói với RFA quan điểm của ông :

"Đầu tư, làm đẹp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho một thành phố là điều mà bất kỳ người dân nào cũng mong muốn. Nhưng câu chuyện mở ra một loạt dự án mới rất xa xôi và chưa thấy là sẽ tốn tiền của đến mức nào, trong khi có còn quá nhiều bất cập ở đời sống thành phố mà người dân phải chịu đựng như nước ngập, thiếu cây xanh, Metro dằng dai không có lời kết, đền bồi cho những người dân Thủ Thiêm hay vườn rau Lộc Hưng bị cướp đất...

Nhà cầm quyền cứ xử sự như những kiểu thầy bùa vẽ ước mơ, bỏ dang dở những điều tồi tệ vẫn tiếp diễn mà không có lời giải đáp, lại mở ra thêm các công trình mới để ghi dấu ấn nhiệm kỳ của người cầm quyền, bỏ mặc người dân chật vật trong đời sống. Ngay trong chuyện cầu đường mở ra về phía Miền Tây, mỗi năm đều tắc nghẽn và khốn khổ nhưng chính quyền làm ngơ, coi như chuyện đó là việc không phải của mình. Nếu không lầm thì dự án đầy tiền của và rắc rối này sẽ được chính thức khởi công vào năm 2025 để chào mừng cái gọi là giải phóng miền Nam của chính quyền Hà Nội".

Khai thác giá trị dòng sông Sài Gòn từng được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói tới khi trao đổi với truyền thông trong nước về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo ông Mãi, "Thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển sông Sài Gòn là lấy không gian ven sông làm "mặt tiền" để phát triển dải đô thị hiện đại. Sông Sài Gòn trong tương lai sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách, điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố".

Với đề xuất làm các đảo vườn trên sông Sài Gòn khi quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TP.HCM, một người dân Sài Gòn không muốn nêu tên, nói với RFA quan điểm của mình :

"Đây là một công trình có thể xếp vào công trình văn hóa. Mà văn hóa hiện nay là văn hóa XHCN với đặc điểm tự ti nên thích những gì đồ sộ, to nhất để che đậy mặc cảm tự ti đó ; đặc điểm đua đòi, thấy thế giới có cái gì thì họ phải có cái đó dù nó không phù hợp, chẳng hạn như phố đi bộ kéo theo dẹp hàng rong ; đặc điểm tôn thờ kim tiền, tức cái gì càng mắc tiền càng đáng tin cậy. Do đó, xét về mặt văn hóa thì tôi thấy công trình này vô nghĩa.

Xét về mặt kinh tế - xã hội thì đây là công trình do công ty nước ngoài tư vấn về cấu trúc, thiết kế nên tôi chắc chắn là tiền thiết kế rất mắc. Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp hiện nay rất lớn, người dân chạy ăn từng bữa ; y tế thì bệnh viện công lúc nào cũng quá tải ; giáo dục thì giáo viên bỏ việc rất nhiều ; ngân sách của thành phố được giữ lại rất hạn hẹp. Do đó, xét về mặt kinh tế - xã hội đối với công trình này là chuyện phù phiếm, xa hoa.

Xét về quy hoạch, đây là một công trình văn hóa, giải trí và làm đẹp cho thành phố. Người dân chúng tôi cần chính phủ giải quyết nạn kẹt xe, nạn ngập lụt, nạn ô nhiễm môi trường trước. Tóm lại, đây là một công trình viển vông, vô bổ và tốn kém không cần thiết".

Ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội nói với RFA :

"Thật ra, việc làm đảo vườn nổi giữa sông cũng là một sáng kiến hay. Có thể thu hút du khách, phát triển du lịch. Vị trí này của Sài Gòn cũng phù hợp với du lịch sông nước. Tuy nhiên, sáng kiến hay cỡ nào thì cũng cần phải coi lại năng lực và cơ chế làm việc của hệ thống chính trị Việt Nam. Theo tôi, dự án lớn và cần nguồn tài chính cao, được thực hiện trong khoảng thời gian dài. Trong khi đó, với các lãnh đạo cộng sản, không lĩnh vực nào mà không có tham nhũng. Dự án càng lớn thì tham nhũng càng nhiều và nguy cơ đổ vỡ dự án càng cao. Dễ thấy nhất là dự án cả chục ngàn tỷ chống ngập cho thành phố mấy chục năm qua". 

Nhắc đến dự án chống ngập, trong cơn mưa lớn kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ chiều 15 tháng 5 vừa qua, nước từ các con hẻm xối xả đổ ra đường Võ Văn Ngân, dồn về chợ Thủ Đức ở cuối tuyến khiến khu vực này ngập nửa mét. Đây là khu vực nằm trong phạm vi dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, vốn đầu tư hơn 248 tỷ đồng vừa được khánh thành trước đó 3 tuần.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm 2018 đi qua các Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh với 6 cống ngăn triều lớn gồm Mương Chuối, Bến Nghé, Phú Xuân, Cây Khô, Phú Định và Tân Thuận. Kể từ khi khởi công đến nay, dự án đã phải tạm ngừng nhiều lần vì các lý do khách quan khác nhau.

Nguồn : RFA, 16/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)