Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/10/2024

Nghi vấn Ban Phụ huynh học sinh, thuế bất động sản

RFA tiếng Việt

Ban Phụ huynh học sinh : bao giờ mới hoạt động đúng chức năng ?

RFA, 04/10/2024

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo chí nhà nước, thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo lớp tại các trường phổ thông nhằm tránh tình trạng lạm thu…

phuhuynh1

Ảnh chụp tại một lớp học ở Hà Nội trước đây. AFP Photo.

Trả lời RFA hôm 4/10/2024, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa – giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, cho biết ý kiến :

"Nếu Thành phố Hồ Chí Minh quyết bỏ được Ban phụ huynh học sinh, thì đó được coi là một bước tiến, một sự dũng cảm của một thành phố đi đầu cả nước, chúng tôi ủng hộ điều đó. Hội phụ huynh học sinh ở các trường dạo này chỉ là cánh tay nối dài cho hiệu trưởng để thu các khoản tiền bất hợp pháp. Quỹ này là quỹ lớn nhất trong tất cả các quỹ mà trường thu. Năm nay có những trường ví dụ như trường Lê Lợi ở Hà Đông quỹ phụ huynh học sinh thu tới bảy tám triệu gì đó một em, còn là những trường ở nông thôn trung bình cũng 500 hay 1 triệu mỗi em, như vậy một trường học có thể thu cả tỷ đồng hay vài tỷ đồng và chi như thế nào có trời biết ?"

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, cho dù có thanh tra đến trường kiểm tra thì cũng sẽ cùng với hiệu trưởng hợp lý hóa với nhau :

"Tình trạng núp bóng hội phụ huynh học sinh để thu các khoản tiền bất hợp pháp diễn ra chưa bao giờ chấm dứt được là do có sự tiếp tay làm ngờ của các cấp lãnh đạo. Cho nên việc thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết giải tán ban phụ huynh học sinh thì chúng tôi rất mừng, đó là điều nên làm. Cả nước nên bỏ quỹ hội phụ huynh học sinh. Thật ra nếu nhìn thẳng vào vấn đề thì lãnh đạo các cấp nên kiên quyết cấm thu bất kỳ khoản tiền nào ngoài luật pháp quy định".

Trước ý kiến đề xuất bỏ Ban phụ huynh tại các trường phổ thông, tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã phản hồi cho rằng, hoạt động của Ban phụ huynh học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh.

Một phụ huynh có hai con đang trong tuổi đi học ở Việt Nam – ông Liêu Thái, hôm 4/10 nói với RFA :

"Trước đây tôi cũng là người làm trong ban phụ huynh nên tôi cũng có một chút kinh nghiệm. Thực ra ban phụ huynh bây giờ tồn tại hay không tồn tại cũng như nhau. Nếu như trường hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nên bỏ, trong đó có những trường hợp mình thấy trưởng ban phụ huynh nói với những phụ huynh khác nghèo hơn mình rằng ‘con em nghèo thì không nên học lớp này’… thành ra chia bè rẽ phải. Chứ còn thực ra về mặt lý thuyết ban phụ huynh thành lập rất hay, theo thông tư 55 của Bộ Giáo dục Đào tạo thì ban phụ huynh không được thu tiền, nhưng có thể tự vận động tiền để dùng cho mục đích tương trợ lẫn nhau giữa các phụ huynh. Ví dụ như gia đình nào khó khăn không nộp được bảo hiểm y tế cho con thì ban phụ huynh sẽ hỗ trợ. Hay nhà có tang, bệnh tật thì ban phụ huynh sẽ phụng điếu thăm hỏi… ý nghĩa đó rất hay. Ví dụ như ở Quảng Nam trưởng ban phụ huynh lớp con trai tôi xin được số tiền mang đến cho một phụ huynh khác bị ung thư giai đoạn ba…".

Theo ông Thái, nếu nhìn vào ý nghĩa chung thì không nên bỏ ban phụ huynh, vì nếu tương trợ được lẫn nhau thì rất tốt. Ông Thái dẫn chứng thêm :

"Đặc biệt vấn đề con em đánh nhau, ban phụ huynh liên lạc với nhau để nói chuyện trước, để tìm phương pháp khả dĩ nhất để giải quyết. Đó là cách thành lập ban phụ huynh theo lý thuyết. Còn ngược lại nếu như ban phụ huynh chỉ vận động tiền này, tiền khác các thứ để hỗ trợ cho nhà trường giống như là trợ lý của giáo viên chủ nhiệm, rồi hội trưởng giống như trợ lý của hiệu trưởng… thì ban phụ huynh không nên tồn tại. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có hiện trạng đó, có nghĩa ban phụ huynh giống như một cánh tay nối dài của nhà trường, chứ không tương trợ giữa phụ huynh với nhau, cho nên bỏ ban phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có cái lý của nó".

Trong Thông tư 55 về Ban phụ huynh của Bộ Giáo dục- Đào đạo có quy định : Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường ; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường ; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường ; hỗ trợ công tác quản lý, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…

Thực tế còn một bất cập trong việc bầu chọn người đại diện phụ huynh học sinh, mà thực chất là do nhà trường chỉ định chứ không hề có cuộc bầu chọn. Những người được nhà trường chỉ định này, thường lại là những người có kinh tế khá giả, chẳng phải lo lắng chuyện thu chi. Do đó hội phụ huynh được cho là không thể nào bao quát được quyền lợi chung về kinh tế của các thành viên.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 4/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định :

"Tôi với tư cách phụ huynh cũng đã từng ở trong ban phụ huynh mấy mươi năm trước. Thực ra ban phụ huynh nếu làm đúng công việc của nó thì cũng có ích. Bởi vì không phải khi nào toàn bộ phụ huynh của một lớp cũng có thể có mặt với nhau để có ý kiến với nhà trường. Trong lúc đó có rất nhiều chuyện mà nhà trường cần hỏi ý kiến phụ huynh. Thành ra có một ban đại diện quyền lợi của phụ huynh học sinh trong việc tiếp xúc với nhà trường, phối hợp với trường cùng làm việc… thì cái đó trên thực tế làm việc tôi thấy cũng có ích".

Nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện nay nhiều trường Ban phụ huynh chỉ là cánh tay nối dài của trường :

"Hiện nay nhiều trường cần cái này, cần cái kia… mà quy định nhà nước là không cho phép, thế là họ giương ngọn cờ phụ huynh tự nguyện. Mà muốn như vậy thế là họ bắt ép Ban phụ huynh đó phải ra thông báo. Như vậy khi mà bên trên kiểm tra hay ai đó phản ứng, nhà trường sẽ xoa tay nói ‘không tôi không biết, đây là ý Ban phụ huynh’… Nhưng ai ở trong cuộc đều biết, Ban phụ huynh làm thật đó là bề mặt, còn bề trong là nhà trường giật dây. Kiểu đó là nhiều lắm, điều tôi nói không lạ, báo chí cũng nói hoài".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, đề nghị giải tán ban phụ huynh đó cũng là một sự thừa nhận rằng, trên thực tế nhìn chung Ban phụ huynh đã trở nên vô ích, thậm chí có hại :

"Cái đó cũng thể hiện sự bất lực, giải tán cũng được, không sao… Nhưng vấn đề phải có một hình thức khác, sao cho tiếng nói của phụ huynh đối với nhà trường có nơi để tiếp nhận, có cách để tiếp nhận đầy đủ và không bị đứt quãng… thì cái đó phải tính tới. Chứ còn dẹp nó đi rồi cuối cùng kêu phụ huynh cần một tiếng nói chung với nhau, thì không cách nào tiếp xúc được, cái đó là hỏng, được cái này mà mất cái kia".

Với những hoạt động lấn sân, trái nhiệm vụ và biến tướng của Hội Phụ Huynh tại nhiều trường học khắp nơi lâu nay, công luận đang đòi hỏi khi nào thì vấn nạn này được giải quyết ? Đây cũng là một phần trong công cuộc chấn chỉnh hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Nguồn : RFA, 04/10/2024

*******************************

Thuế đối với bất động sản thứ hai hay bỏ hoang- nhiều lần đề xuất, sao chưa ‘đánh’ được ?

RFA, 02/10/2024

Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam – VARS, mới đây tiếp tục đề xuất đánh thuế với bất động sản thứ hai hoặc bỏ hoang. VARS đưa ra đề xuất này trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng, chưa có tín hiệu giảm…

phuhuynh2

Người đi xe qua một khu nhà đang xây dựng dở dang ở Hà Nội - AFP Photo

Bộ Xây dựng trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ từng cho rằng đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Vì sao việc đánh thuế bất động sản được đưa ra nhiều lần nhưng vẫn dừng lại ở đề xuất ?

Một kỹ sư từng tham gia xây dựng nhiều dự án bất động sản, hôm 2/10 cho biết, bất động sản có nhiều loại sản phẩm, nhưng chủ yếu là nhà ở gồm chung cư và đất nền khu đô thị mới đã được xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, có 2 hiệp hội hoạt động liên quan đến bất động sản, đó là Hiệp hội môi giới Bất động sản Việt Nam (Vietnam Association of Real Estate Brokers - VARS) và Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam (Vietnam Real Estate Association - VREA. Ông này nêu lý do vì sao đề xuất đánh thuế bất động sản 'vẫn trên giấy' :

"Hai Hiệp hội này mâu thuẫn về lợi ích : Trong khi VARS thì muốn bất động sản được bán ra càng nhiều càng tốt, còn VREA thì muốn ghìm hàng để chờ tăng giá, nhất là hiện nay tại Việt Nam nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là ở các đô thị cung không đủ cầu ! VREA lại là nơi sân sau của nhiều quan chức nhà nước gửi gắm trong đó. Vì vậy, trong khi VARS chỉ làm dịch vụ và không có chân của các quan chức nhà nước, thì muốn bán được nhiều bất động sản nên đã đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, nếu chủ bất động sản chịu không nổi thì buộc phải bán…"

Ngược lại theo vị này VREA, mà trong đó có sân sau của quan chức nhà nước, thì ghìm hàng chờ tăng giá nên không muốn thêm thuế bất động sản thứ 2 vì ảnh hưởng xấu đến lợi ích của họ. Chính mâu thuẫn này mà nhiều lần đề xuất tăng thêm thuế bất động sản thứ 2 đến nay vẫn không thực hiện được !

Trước đó vào đầu tháng 5/2023, chính phủ Việt Nam cũng đã gửi cho Quốc hội báo cáo giải trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đáng chú ý, trong đó có dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 do Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất áp thuế bất động sản thứ hai trở lên để tránh đầu cơ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 2/10 nhìn nhận việc áp thuế bất động sản gặp thách thức bởi rơi vào thế giằng co nhiều năm qua. Theo ông, đối tượng bị đánh thuế là người sở hữu nhiều bất động sản, thường là nhà đầu tư, đầu cơ, chủ đầu tư - vốn là nhóm có nguồn lực tài chính lớn hoặc quyền lực. Nhóm này luôn ở thế xung đột với những người vất vả để mua nhà, hay số đông người lao động tài chính ít… Ông nói tiếp :

"Đưa ra sắc thuế chỉ đánh mạnh vào những trường hợp nhiều bất động sản, nhưng không đưa vào sử dụng, chủ yếu đánh vào đấy để hạ thấp đầu cơ bất động sản. Nhưng hạ tầng quản lý ở Việt Nam không phát triển mặc dù chú trọng số hóa, thiết lập cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất… Nhưng hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu nào để có thể quản được tất cả tình trạng của đất đai, bất động sản ở trên cả nước. Bây giờ chỉ mới quản được đến cấp tỉnh, đấy là sự yếu kém trong hoạt động quản lý".

phuhuynh3

Ảnh chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. AFP Photo.

Theo ông Võ, Luật Thuế Bất động sản có thể ra sớm thì cơ quan quản lý có thể thấy thấy tạm ổn, nhưng sự thật số lượng người trốn thuế trong tất cả khu vực bất động sản giá cao sẽ tìm cách trốn thuế bằng cách sang tên cho con, cháu, người nhà… Ông Võ nói tiếp :

"Hạ tầng quản lý của Việt Nam không quản được việc trốn thuế này và khi một hệ thống quản lý thuế để mọi người dễ dàng trốn thuế bằng cách sang tên, thì chắc chắn lúc đấy luật thuế không hiệu quả. Bên cạnh thấp kém về quản lý, thì có một điều là tư duy về quyền riêng tư đối với tài sản chưa được rành mạch và vẫn mâu thuẫn với chủ trương công khai, minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng. Vậy thì giữ thông tin bí mật về tài sản hay mở ra đến đâu ? Mà nếu không mở ra công khai cho người dân, thì người dân sẽ không thực hiện được quyền giám sát của mình. Đấy thành ra nó vẫn vướng víu và chưa mạch lạc về tư duy".

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là lực cản mà những người có nhiều bất động sản cũng đủ thông minh để tạo ra những ngữ cảnh ‘điều kiện quản lý’, ‘điều kiện tư duy’ chưa đủ… để có thể vận hành một cách phù hợp ở Việt Nam sao cho chống được tham nhũng mà vẫn chống được đầu cơ. Theo ông Đặng Hùng Võ, việc này không thể giải quyết ngày một, ngày hai và cũng nên có lộ trình, có thể luật cứ ra, nhưng nó phải là luật có các quy định rất thông minh và chặt chẽ.

Một người môi giới bất động sản không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA liên quan việc này, cho biết :

"Mua một cái bán một cái thì không bị. Còn nếu cái thứ hai, thứ ba phải đóng thuế, thì những tay buôn thì thấy hợp lý vì họ đã tính toán phần đó. Còn những người thừa kế hoặc mua thêm cái thứ hai cũng hơi cay đắng, bực mình. Theo tình hình chung thì người ta sẽ để tên con cái, để tên người khác…".

Đây không phải là lần đầu việc đánh thuế bất động sản thứ hai được đề xuất. Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau đó không được thông qua, một số ý kiến khi đó cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh thuế bất động sản thứ hai.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 2/10 nhận định với RFA :

"Thực ra các chính sách nhằm làm giảm đầu cơ đất đai và nhà đất đã được các nước khác nhau họ dùng lâu rồi và rất hiệu quả. Chẳng hạn như nhà đất mua đi và bán lại trong vòng 5 năm chẳng hạn thì sẽ chịu thuế suất rất cao và giảm dần theo thời gian. Hoặc chính phủ cũng có thể đánh thuế cao hơn đối với đất để hoang ở thành thị chẳng hạn để tránh tình trạng găm đất".

Nếu chính phủ quyết tâm thực hiện các chính sách như vậy thì theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thị trường bất động sản sẽ không còn có thể thổi giá được. Ông Vũ nói tiếp :

"Vấn đề là ai cũng biết chuyện này nhưng nó không được thực hiện bởi đơn giản rằng các quan chức đầu cơ đất đai rất nhiều. Khi các quan chức có phần lợi trong việc thổi giá bất động sản thì không hi vọng gì họ sẽ ra một luật để kìm hãm giá bất động sản lại".

Giáo sư Đặng Hùng Võ thì lại cho rằng, Nhà nước nên nghiên cứu việc bãi bỏ quy định về bảng giá đất, để thay bằng hình thức thuế bất động sản. Nếu duy trì thì bảng giá đất phải ngang bằng với giá thị trường, từ đó làm căn cứ để thu thuế, phí. Khi thuế tăng lên thì hiện tượng đầu cơ, tích trữ giảm.

Nguồn : RFA, 02/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 116 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)