Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/10/2024

Với luật mới : Cảnh sát giao thông được tự do lộng hành

RFA tổng hợp

Quy định dân không được giám sát Cảnh sát giao thông bằng cách ghi âm, ghi hình có trái Hiến pháp ?

RFA, 09/10/2024

Theo lý giải của Bộ Công an, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định ; có tình trạng lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông.

csgt1

Theo thông tư mới được Bộ Công an ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, người dân không được giám sát Cảnh sát giao thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình nữa.

Ngoài ra, cũng theo thông tư mới, trang phục, số hiệu công an nhân dân không còn công khai nữa, Cảnh sát giao thông chỉ cần công khai các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cựu công an Nguyễn Doãn Tú nêu quan điểm của ông về quy định thay đổi vừa nêu :

"Điều này rất dễ hiểu vì hiện tại, Việt Nam đang trong thời kỳ công an trị rõ nhất, huy hoàng nhất. Công an đề ra cả rừng luật nhưng hiến pháp quy định công dân có quyền giám sát cơ quan công quyền. Như vậy công an đã làm trái Hiến pháp, mà Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất. Tất cả các luật đều phải dựa vào Hiến pháp thì mới được ban hành. Bây giờ công an quy định như vậy thì thể hiện rõ nhất sự lạm quyền. Dân mà phản kháng thì họ sẽ bắt, nhốt theo đúng quy trình của họ tạo ra để bịt miệng, không cho tiếng nói dân chủ".

Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò của Nhân dân trong giám sát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền, đó là : Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

Quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân bao gồm các quy phạm pháp luật quy định chủ thể là Nhân dân có thẩm quyền giám sát, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ với chủ thể giám sát ; phạm vi giám sát ; hình thức và phương pháp giám sát ; trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát…

Từ năm 2013, việc người dân được phép quay phim, chụp hình cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ hay không, đã được Bộ công an đưa ra bàn thảo nhiều lần. Đến tháng 10/2019, Bộ Công an chính thức đề xuất công dân được giám sát hv    Cảnh sát giao thông bằng hình thức ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Theo đề xuất này, người dân được phép giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ.

Ngày 15/1/2020, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực. Theo đó, người dân sẽ có năm hình thức giám sát đối với lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thứ năm, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Chỉ năm năm sau, chính Bộ Công an lại bỏ quy định người dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. Về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh về phương diện luật pháp :

"Về phương diện luật pháp, nếu bỏ quy định thì cũng không sai luật vì công an có quyền soạn thảo luật theo kiểu như vậy. Tuy vậy, bỏ hay giữ quy định thì cũng không giới hạn được quyền giám sát của người dân theo hiến pháp. Nếu công an bỏ quy định người dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình thì thật ra, công an tự làm khó chính họ, bởi người dân vẫn có quyền thực hiện quyền của mình theo hiến pháp, chứ đâu phải thực hiện theo quy định của công an".

Cảnh sát giao thông Việt Nam bị cáo buộc lạm quyền, sử dụng vũ lực với dân một cách rõ ràng ; đặc biệt qua những video clip do người dân quay lại. Chẳng hạn như một đoạn clip được đăng trên mạng xã hội chiều 26/4/2022, ghi lại cảnh một cảnh sát giao thông có hành động quật ngã một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường, sau đó đã dùng chân đạp vào mặt người đàn ông này.

Tháng 4 năm nay, Bộ Công an lại đề xuất, nếu người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ được quyền sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định để phòng vệ chính đáng.

Lập luận đối với tình trạng này là một khi Cảnh sát giao thông hành xử vũ lực với người dân càng nhiều thì người dân chống đối lại càng nhiều, cho dù Bộ Công an đề xuất nhiều biện pháp để bảo vệ lực lượng này.

Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 78 vụ chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông, tăng 45 vụ (tương đương 136%) so với cùng thời gian năm trước.

Theo nhận định của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, chuyện người vi phạm chống đối Cảnh sát giao thông là bức tranh phản ánh hiện thực ‘thượng bất chính hạ tắc loạn’ trong xã hội hôm nay, và lỗi đến từ phía dân, phía xã hội, phía đảng, phía nhà nước và chính quyền. Ông nói thêm :

"Một xã hội văn minh, kỷ cương phép nước được tôn trọng thì cả hai phía đều ý thức. Nhân dân phải tôn trọng pháp luật và Nhà nước phải gương mẫu, trong sạch. Người dân có sự coi thường cảnh sát giao thông bởi những hình ảnh nhận tiền công khai trên đường phố".

Theo nhà báo này, bây giờ Bộ Công an cấm người dân giám sát Cảnh sát giao thông bằng hình thức quy phim, chụp hình, trong khi lực lượng này có quá nhiều quyền hạn như quyền dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ ; quyền kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ ; quyền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác… sẽ dẫn đến một xã hội bất ổn hơn về phương diện an toàn giao thông.

****************************

Cảnh sát giao thông không còn phải công khai kế hoạch tuần tra

RFA, 07/10/2024

Tất cả những kế hoạch của Cảnh sát Giao thông (Cảnh sát giao thông) về tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông với các nội dung như tên đơn vị, tuyến đường, các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, thời gian thực hiện… sẽ không còn được công khai cho dân chúng biết.

csgt1

Cảnh sát giao thông được tuần tra cơ động. Ảnh : L.Thoa

Thông tin vừa nêu được Bộ Công an ban hành trong thông tư sửa đổi thông tư số 67/2019 về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong khi trước đó yêu cầu Cảnh sát giao thông phải công khai các nội dung nêu trên.

Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội, hôm 7/10/2024 nói với RFA :

"Đảng cộng sản thường xuyên hô hào phương châm ‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng’… Thì việc công khai kế hoạch tuần tra sẽ giúp người dân thực hiện đúng phương châm kiểm tra giám sát cán bộ nhà nước. Chứ nếu coi việc tuần tra là bí mật phải giấu kín thì dễ xảy ra trường hợp cảnh sát lợi dụng chức quyền, tự tiện mặc cảnh phục, sử dụng xe chuyên dụng đi ‘làm tiền’ người dân. Trước nay đã có nhiều tiền lệ Cảnh sát giao thông tự tiện chặn xe xin tiền đểu khiến người dân rất bức xúc rồi".

Hơn nữa theo ông Quân, trong thông tư số 67/2019 về ‘thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông’ có quy định phải công khai kế hoạch tuần tra. Nếu bây giờ sửa thông tư 2019 thì chẳng khác nào nói thông tư mới là không dân chủ ? Ông Quân nói tiếp :

"Hoặc nếu nói thông tư 67/2019 là sai thì người ra thông tư đó phải chịu trách nhiệm, chứ 5 năm nay thực hiện sai lầm mà không ai chịu trách nhiệm thì không được. Phải xử lý hình sự những người ban hành các quy định sai lầm để làm gương thì đời sau mới tốt hơn đời trước được. Nếu không thì cứ vài ba năm lại sửa tới sửa lui, chỉ khổ cho dân thôi".

Bộ Công an hôm 6/10/2024 khi trả lời báo nhà nước cho rằng, việc công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm hành chính đang bị lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông làm công tác trên đường… do đó cần phải sửa đổi.

Một người dân ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến hôm 7/10/2024 :

"Tôi không hiểu nghiệp vụ của ngành công an, trong đó có Cảnh sát giao thông. Song, tôi nghĩ rằng, bất kỳ ngành nào khi thực hiện nhiệm vụ của ngành mình, cơ quan mình cũng phải có kế hoạch công tác ngắn hạn (tuần, tháng) và dài hạn (quý, năm) và căn cứ vào đó để thực hiện. Tất nhiên, kế hoạch có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung khi xuất hiên những tình huống mới phát sinh, mà khi lập kế hoạch chưa lường trước được. Từ đó, tôi cho rằng, nếu làm việc mà không theo kế hoạch hoặc kế hoạch đó không công khai thì sẽ dẫn đến tùy tiện, tùy hứng, thích đâu làm đó vì không ai biết để kiểm tra".

Đặc biệt theo ông này, nếu kế hoạch được lập trước đó có kết hợp với các ngành khác (gọi là kế hoạch liên ngành) mà ngành mình thay đổi/bỏ đi, không công khai thì sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc chung. Từ cơ sở vừa nêu trên ông này cho rằng, đối với Cảnh sát giao thông, việc không công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông sẽ dẫn đến tùy tiện, vì khi họ thực thi công vụ sẽ không ai biết để giám sát việc làm của họ, nhất là người dân khi tham gia giao thông !

csgt2

Một cảnh sát giao thông phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội. AFP.

Một cựu Đại úy công an không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 7/10/2024 nhận định với RFA :

"Bộ Công an ra chỉ thị, công văn, mình gọi là thông tư (sửa đổi thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông), vấn đề này cũng rất dễ hiểu. Vì hiện tại bây giờ đất nước Việt Nam đang trong thời kỳ công an trị, họ đề ra cả một rừng luật, bây giờ cái hiện rõ nhất cho thời điểm huy hoàng nhất của công an, là họ xây dựng luật rừng. Hiến pháp quy định công dân, nhân dân có quyền giám sát cơ quan công quyền. Tuy nhiên họ lại làm trái với Hiến pháp, trong khi Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất, tất cả các luật đều phải dựa vào Hiến pháp thì mới được ban hành".

Nhưng bây giờ Cảnh sát giao thông quy định không công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông, theo cựu Đại úy công an giấu tên, là thể hiện sự lạm quyền, nếu người dân phản kháng thì sẽ bị bắt để bịt miệng, không cho nói lên tiếng nói dân chủ. Quy trình Bộ Công an tạo ra theo cựu công an này, rõ ràng là lạm quyền.

Trước đó vào tháng 9 năm 2023, Bộ Công an cũng đã ban hành thông tư 32/2023/TT-BCA, cho phép Cảnh sát giao thông hóa trang, phối hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Cụ thể theo thông tư này, Cảnh sát giao thông hóa trang phải có kế hoạch trước, được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch cần nêu rõ phương pháp thực hiện ; lực lượng ; trang phục ; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, thiết bị nghiệp vụ ; vũ khí, công cụ hỗ trợ…

Đến tháng 4 năm 2024, Bộ Công an lại tiếp tục công bố Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, khi người tham giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ… thì lực lượng thi hành nhiệm vụ được quyền sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định để phòng vệ chính đáng.

Với thông tư sửa đổi thông tư số 67 mới đây, cho phép Cảnh sát giao thông không cần công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông… dư luận quan ngại làm sao có thể kiểm soát tình trạng Cảnh sát giao thông lạm quyền ?

Nguồn : RFA, 07/10/2024

***************************

Không giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu. Vì sao ?

RFA, 07/10/2024

Bộ Công an mới đây bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở.

csgt3

Cảnh sát giao thông đang đo nồng độ người tham gia giao thông - Photo : Báo Chính Phủ

Nghị định 100 do Chính phủ Hà Nội ban hành hôm 30 tháng 12 năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, tức chỉ sau hai ngày ký.

Theo nghị định này, mức phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Như vậy, chỉ cần có nồng độ cồn là đã bị phạt. Điều này gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Tại dự thảo hồi tháng 8 năm nay, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền còn từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng với hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở, thay vì mức phạt 6 đến 8 triệu đồng hiện hành. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức phạt đề xuất giảm xuống còn 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, thay vì phạt 2 đến 3 triệu đồng như quy định hiện hành.

Tuy vậy, chỉ hai tháng sau, tại dự thảo mới nhất đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đã rút đề xuất này, giữ lại mức phạt cũ, đồng thời bị trừ 3 điểm trong giấy phép lái xe.

Một cựu công an nêu quan điểm của ông với RFA :

"Theo tôi biết, ở nước ngoài, ngoài việc đo nồng độ cồn thì cảnh sát kiểm tra hành vi của người lái xe vì tửu lượng mỗi người mỗi khác. Nhưng ở Việt Nam thì chỉ biết đo nồng độ rồi phạt một cách máy móc. Mục đích là công an phải móc được tiền trong túi dân.

Trước đây có đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Nhưng đó chỉ là hành vi mị dân cho thấy có vẻ dân chủ chứ thực tế không bao giờ họ giảm mức phạt".

Một nữ tài xế nói với RFA quan điểm của bà :

"Tất cả là do quản lý. Họ không quản lý được độ chính xác khi đo nồng độ cồn ; không giải quyết được việc không uống rượu mà nồng độ cồn vẫn có trong máu do uống nước trái cây lên men chẳng hạn, nên họ phạt hết. Khỏi tranh cãi".

Theo nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10 tháng 11 năm 2023, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông năm 2022, 15% còn lại dành cho các địa phương để chi cho các lực lượng khác tại địa phương tham gia đảm bảo an toàn giao thông.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 2.800.000 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Số tiền phạt thu được là hơn 4.100 tỷ đồng. Trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông xử lý hơn 3.400.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 6.600 tỷ đồng.

Nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 2.100.000 trường hợp trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, số tiền phạt thu được là hơn 4.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024 mà mức tiền phạt thu được gần bằng cả năm 2022.

Một nhà báo yêu cầu ẩn danh nói với RFA sáng 07 tháng 10 năm 2024 :

"Rượu bia luôn được xếp vào nguyên nhân đầu tiên gây tai nạn giao thông. Chính vì quan điểm đó mà họ phạt vi phạm nồng độ cồn rất nặng. Hơn nữa, triết lý của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xưa nay là thi hành trước, khiếu nại sau. Và việc họ dứt khoát không giảm mức đóng phạt cho thấy, phía công an coi đây là một nguồn doanh thu của họ. Nếu giảm mức phạt có nghĩa thu nhập của công an giảm. Công an coi việc phạt này là kinh doanh của một doanh nghiệp chứ không phải là một hình thức giáo dục người dân tuân thủ luật lệ giao thông.

Thực tế, mức phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhưng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ có doanh thu từ các quán nhậu ; doanh thu từ các nhà máy bia, rượu là giảm. Như vậy, lập luận phạt nặng người uống rượi bia để giảm tai nạn giao thông là không thuyết phục".

Tổng Cục Thống kê Việt Nam trong Báo cáo tình hình Kinh tế- Xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024 cho biết có hơn 8.000 nạn nhất chết trong hơn 17.200 vụ tai nạn giao thông trên cả nước ; số bị thương trong các vụ này trên 13.160 người. 

So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 7,2% ; số người bị thương tăng 17,4% ; tuy nhiên số tử vong được thống kê giảm 9,7%. Trung bình mỗi ngày tại Việt Nam trong 9 tháng qua xảy ra hơn 60 vụ tai nạn giao thông, khiến 29 người tử vong và gần 50 người bị thương.

Chỉ trong tháng 8 năm nay, trên cả nước Việt Nam xảy ra 1.760 vụ tai nạn giao thông khiến 906 người tử vong và 1.252 người bị thương.

Nguồn : RFA, 07/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 141 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)