Trong tháng 10, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam với mức đầu tư hàng chục tỷ đô la sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam để cơ quan này thông qua chủ trương đầu tư. Những ngày gần đây, nổi lên nhiều cuộc tranh luận về việc có nên tiến hành dự án hay không và cũng xuất hiện những lời đề nghị cần trưng cầu dân ý về nó, theo quan sát của VOA.
Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội đăng infographic về đề án đường sắt cao tốc của Việt Nam, tháng 11/2023.
Báo chí Việt Nam đưa tin hôm 1/10 rằng một thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải cho biết chính phủ chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam với tốc độ thiết kế là 350 km/h, với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ đô la và dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Vẫn theo vị thứ trưởng, trong nửa cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị - nhóm có quyền quyết sách cao nhất trong Đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo - đã ra kết luận về chủ trương đầu tư dự án và bước tiếp theo là đưa chủ trương này ra Quốc hội để được phê duyệt trong tháng 10 này.
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, nhưng trên thực tế, ở đất nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, cơ quan này bị xem là "quốc hội nghị gật" hoặc "quốc hội con dấu củ khoai" có nhiệm vụ biểu quyết về mặt hình thức, có tính thủ tục, để thông qua nhân sự hay các chính sách đã được đảng quyết định từ trước.
Trong thời gian gần đây, trên các cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam lẫn trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, có nhiều bài viết và ý kiến ủng hộ dự án, cho rằng nó cần thiết, giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cũng như tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Ở chiều ngược lại, trên báo chí nhà nước lẫn mạng xã hội, cũng có không ít bài viết và ý kiến tỏ ý trăn trở, lo ngại về các vấn đề như lấy đâu nguồn vốn để thực hiện dự án, liệu có đội vốn, chậm tiến độ như đã xảy ra với nhiều dự án của nhà nước trong quá khứ, hiệu quả trong tương lai ra sao khi mà phần lớn các dự án đường sắt tương tự ở nước ngoài bị lỗ, và nguy cơ Việt Nam sẽ bị rơi vào bẫy nợ của nước ngoài.
Các cuộc thảo luận về vấn đề này thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác trong những nhóm hoặc trang cá nhân như Vietnam Projects Construction, Women News, Chân Trời Mới Media, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, luật sư Trần Vũ Hải, các ông Kim Văn Chính, Trần Trọng An, Tống Nguyên…
Bên cạnh vô số những lập luận trái chiều nhau gồm ủng hộ, phản biện, phản đối dự án, cũng có không ít người đề nghị cần trưng cầu dân ý về dự án. Những người này viện dẫn Luật trưng cầu ý dân của Việt Nam đã có từ năm 2015.
Luật này quy định rằng "Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước" là một trong những mục mà Quốc hội có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.
Có chung suy nghĩ với những người nêu trên, Luật sư Hoàng Văn Hướng nói với VOA : "Đường sắt cao tốc là một trong những dự án rất lớn, trải dài khắp đất nước. Về quy mô đầu tư, ảnh hưởng về xã hội, về địa lý, thì nên làm trưng cầu dân ý, lấy ý kiến của nhân dân. Chúng ta có luật rồi. Cái đó thể hiện tính dân chủ của một xã hội".
Ông Hướng nói thêm rằng cá nhân ông "hoàn toàn ủng hộ đường lối của Đảng, của nhà nước" về xây đường sắt cao tốc.
"Cá nhân tôi không tin có việc diễn ra trưng cầu dân ý về dự án này", Luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ ý kiến với VOA.
Dẫn quy định của Luật trưng cầu ý dân, ông Hải nhận định rằng "Nếu thực hiện các thủ tục để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân, phải mất thêm khoảng 1 năm để Quốc hội ra nghị quyết về trưng cầu ý dân về dự án này, mà theo tôi có khi kéo dài hơn".
Ông Hải đưa ra quan sát cá nhân rằng việc trưng cầu dân ý về một dự án hạ tầng ở một quốc gia là điều khá hiếm trên thế giới.
"Người dân Việt Nam còn chưa thực hiện được quyền này", Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét với VOA.
Chỉ ra điều cốt lõi là thể chế chính trị của Việt Nam, ông Sơn nói thêm : "Trong Hiến pháp, Điều 4 quy định là Đảng lãnh đạo nhà nước. Trước đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng Hiến pháp chỉ là thể hiện Cương lĩnh của Đảng thôi. Tôi cho là trưng cầu dân ý cũng thể hiện ý chí của Đảng thôi".
Từ góc nhìn của mình, Luật sư Sơn cho rằng nếu việc trưng cầu dân ý được tổ chức, nhiều khả năng kết quả sẽ không đáng tin cậy : "Thông qua các cơ quan, tổ chức, chính quyền có thể khống chế theo ý muốn được".
"Việc này chắc không khả thi đâu vì chưa có tiền lệ nào như vậy cả", nhà bình luận thời cuộc độc lập Dương Quốc Chính nhận định với VOA.
Hồi tháng 9/2023, báo Thanh Niên đăng bài nói rằng Luật trưng cầu ý dân của Việt Nam đã có hiệu lực được 7 năm nhưng "chưa tổ chức cuộc trưng cầu nào".
Cũng như Luật sư Sơn, ông Chính cho rằng nếu như có trưng cầu, kết quả sẽ "không đáng tin cậy lắm đâu".
Ông Chính đưa ra quan sát rằng các kênh truyền thông của nhà nước dường như đã và đang tác động hiệu quả đến suy nghĩ của người dân, vì vậy, nhiều người "hoan hỉ" về dự án đường sắt cao tốc và "không nhận thức cụ thể được về cái lợi hay cái hại như thế nào".
Theo ông Chính, với thực tế là gần như không thể có cơ hội để thể hiện lập trường qua một cuộc trưng cầu dân ý, những người muốn phản biện hay phản đối dự án chỉ có thể hy vọng vào "dư luận, mạng xã hội" để tác động đến các đại biểu Quốc hội, thậm chí đến các thành viên Trung ương Đảng hay Bộ Chính trị.
Một ví dụ được ông Chính nêu ra là "vụ Dự luật Đặc khu". Đó là sự kiện nhiều người lên tiếng và biểu tình về dự luật hồi mùa hè năm 2018, làm cho dự luật bị gác lại.
Công nhận rằng ở Việt Nam, những việc quan trọng, bao gồm trưng cầu dân ý, phải theo "chủ trương của Đảng", song Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng cử tri có nhiều hình thức để đề xuất việc trưng cầu, mà tốt nhất là "thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri".
Bên cạnh đó là những con đường khác, ông Hướng nói : "Những người có hiểu biểu có thể nêu ý kiến bằng nhiều cách : gửi văn bản, ý kiến trực tiếp, nhắn tin, gửi thư… nói rằng muốn thực hiện trưng cầu dân ý. Quan điểm của tôi là nếu làm được như thế, tính dân chủ tương đối khách quan".
Đối với những ý kiến hoài nghi về mức độ đáng tin cậy của trưng cầu dân ý, Luật sư Hướng cho rằng "không có gì phải sợ" nếu việc trưng cầu được làm "đúng luật, khách quan, dân chủ, đảm bảo tính minh bạch, giám sát của tất cả các bên".
VOA liên lạc với Quốc hội Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Nguồn : VOA, 04/10/2024