Tân Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ nhậm chức : Có gì đáng chú ý ?
BBC, 21/10/2024
Chiều 21/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Tân Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ - Dang Anh/AFP
Nghị quyết bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội bầu chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư.
Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Lương Cường đã được Đảng cộng sản Việt Nam quyết định từ trước.
Chiều 20/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết tại hội nghị lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 18-20/9), Trung ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước.
Bà Hải nói việc thực hiện quy trình bầu chủ tịch nước là "cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Quốc hội".
Như vậy, việc bầu chủ tịch nước tại Quốc hội chỉ là thủ tục tái khẳng định ý chí của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc sắp xếp nhân sự chủ chốt.
Sau khi được bầu, tân chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.
Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm. Như vậy, ông Tô Lâm hiện chỉ còn giữ chức tổng bí thư, tập trung cho công tác đảng.
Với diễn biến mới nhất này, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng kiến bốn lần tuyên thệ chủ tịch nước của các ông : Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm có nhiệm kỳ chủ tịch nước ngắn nhất lịch sử, chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
Đây được coi là một nhiệm kỳ đầy sóng gió, với các diễn biến trời long đất lở trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước.
'Không mơ làm cấp này, chức kia'
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.
Ông Lương Cường đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ :
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi Lương Cường, Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ : Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, ông Lương Cường bày tỏ lời "cảm ơn đến Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tin cậy, giới thiệu tôi đảm nhiệm trọng trách cao cả này".
"Tháng 2/1975, trong không khí hào hùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, tôi xung phong đi bộ đội với ý thức và tâm niệm đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng, còn sống trở về là sung sướng hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia".
Tân Chủ tịch nước Lương Cường cũng nói đến việc giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng và nhấn mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trường hợp đặc biệt
Việc ông Lương Cường làm chủ tịch nước có thể thấy là ông được Trung ương xét "trường hợp đặc biệt".
Xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên và "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".
Bộ Chính trị khóa hiện tại là nhiệm kỳ đầu tiên ông Cường tham gia nên ông chưa đạt yêu cầu "trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên" và theo một số nhà quan sát, ông cũng chưa từng làm lãnh đạo tỉnh hay bộ trưởng.
Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu "trường hợp đặc biệt" cho Tứ Trụ, nên dù ông chưa hội đủ một số tiêu chuẩn thì Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định trường hợp ngoại lệ.
Đáng chú ý, trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Lương Cường đã có chuyến đi khá lặng lẽ đến Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9-12/10. Tại đây, ông đã có dịp hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Việc ông Lương Cường, lúc bấy giờ là thường trực Ban Bí thư, có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình cho thấy có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, hiện đã quá 65 tuổi, nếu ông không được vào Tứ Trụ để có suất đặc biệt tại Đại hội 14 (diễn ra tháng 1/2026) thì ông sẽ phải về hưu. Giờ đây, với việc được bầu làm chủ tịch nước, ông có cơ hội tiếp tục sự nghiệp chính trị ở nhiệm kỳ kế tiếp (2026-2031).
Tiểu sử tân Chủ tịch nước Lương Cường
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 ; bí thư Trung ương Đảng khóa 12 ; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13 ; đại biểu quốc hội khóa 15.
Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và vào 11/2013). Ông có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.
Xét quá trình công tác của ông Lương Cường, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác đảng. Tại Việt Nam, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.
Từ một chiến sĩ, thiếu úy năm 1979, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm : 1981 - trung úy ; 1982 - thượng úy ; 1985 - đại úy ; 1989 - thiếu tá ; 1993 - trung tá ; 1997 - thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.
Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức phó tư lệnh về chính trị, bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông có hơn một năm làm chính ủy Quân đoàn 2.
Từ tháng 1/2008 đến 5/2011, ông giữ chức chính ủy Quân khu 3 và được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015, ông giữ chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương ; ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ; ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Ông được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.
Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Vào ngày 20/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, ông Lương Cường được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai.
Vào ngày 21/10/2024, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.
Nguồn : BBC, 2110/2024
**************************
Lương Cường được bầu làm chủ tịch nước thay Tô Lâm
VOA, 21/10/2024
Quốc hội Việt Nam hôm 21/10 bầu ông Lương Cường, thường trực Ban bí thư, giữ chức Chủ tịch nước, thay cho ông Tô Lâm để ông Lâm tập trung làm tổng bí thư, truyền thông trong nước đưa tin.
Ông Lương Cường tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước vào chiều ngày 21/10/2024
Thông tấn xã Việt Nam và cáo báo do nhà nước Việt Nam quản lý cho biết rằng ông Cường đã được toàn thể 100% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với số phiếu là 440/440.
Ngay sau khi được bầu, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức và có bài diễn văn trước Quốc hội mà trong đó ông có lời cảm ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và cá nhân ông Tô Lâm "đã tin cậy, giới thiệu", theo tường thuật của cáo báo trong nước, gồm Tuổi Trẻ và Dân Trí.
"Tôi ý thức và tâm niệm, đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng còn sống trở về là sung sướng, hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia", ông Cường được dẫn lời nói trước Quốc hội, kể lại lúc ông xung phong đi bộ đội vào tháng 2 năm 1975.
Trong diễn văn nhậm chức, ông Cường, vốn có xuất thân từ quân đội, cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh, và xây dựng quân đội để đảm bảo "luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân".
Ông Cường được giới thiệu làm chủ tịch nước sau Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hồi giữa tháng 9. Ông sẽ phục vụ thời gian còn lại của nhiệm kỳ là khoảng hơn 1 năm cho đến giữa năm 2026 khi Quốc hội Việt Nam nhóm họp bầu nhiệm kỳ mới.
Theo tiểu sử tóm tắt được báo Tin Tức đăng tải, ông Cường năm nay 67 tuổi, quê quán ở tỉnh Phú Thọ và trưởng thành từ quân đội. Ông vào Bộ Chính trị vào đầu nhiệm kỳ khóa 13 năm 2021 mà khi đó ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi bà Trương Thị Mai bị Đảng kỷ luật và mất chức Thường trực Ban bí thư tại Hội nghị trung ương 9 hồi tháng 5, ông Cường đã lên thay bà Mai.
Ông là vị chủ tịch nước thứ 4 của Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sau các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm. Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, Việt Nam đã trải qua 4 đời chủ tịch nước, con số kỷ lục từ trước đến nay vốn cho thấy biến động chưa từng thấy trong nội bộ Đảng.
Được Quốc hội bầu hôm 22/5, ông Tô Lâm đã giữ chức chủ tịch nước tròn 5 tháng cho đến khi được thay thế. Với việc bàn giao chức vụ này, vốn chủ yếu mang tính nghi lễ với những công việc như tiếp quốc khách, thăm viếng, khen thưởng, ông Tô Lâm hiện chỉ làm tổng bí thư chứ không kiệm nhiệm 2 chức như trước vào lúc Đảng cộng sản đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026".
Việc bổ nhiệm ông Cường làm chủ tịch nước mới là một "động thái ổn định hệ thống" sau thời kỳ hỗn loạn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có tru sở ở Singapore, nhận định với AP.
"Việc bổ nhiệm ông Lương Cường thể hiện nỗ lực có chủ đích nhằm khôi phục sự cân bằng giữa các phe phái quân đội và công an của Việt Nam, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng năm 2026", ông Giang nói với AP.
"Bằng cách nhường lại chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm cho thấy cam kết của mình đối với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đồng thời vẫn giữ được quyền lực quyết định trong hệ thống".
Ba trong bốn chức danh lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam hiện nay, vốn thường được gọi là tứ trụ, đều nằm trong tay giới công an và quân đội. Nếu như ông Cường có xuất thân từ quân đội thì ông Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đi lên từ công an. Chỉ có Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn là có xuất thân dân sự.
Nếu tính trong Bộ Chính trị thì cánh vũ trang hiện chiếm hơn một nửa với 8 trong số 15 ủy viên, trong đó có 3 người bên quân đội là Chủ tịch nước Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong khi cánh công an có đến 5 ủy viên Bộ Chính trị là ông Lâm, ông Chính, phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Hiện giờ chưa có thông tin về việc ai sẽ lên thay ông Cường lên làm Thường trực Ban bí thư, chức vụ chuyên xử lý công việc hàng ngày của Đảng.
Những người chỉ trích thì cho rằng việc bổ nhiệm ông Cường sẽ mở rộng đàn áp ở Việt Nam.
Ông Ben Swanton của Dự án 88, một nhóm ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, nói với AP rằng ông Cường sẽ là "phụ tá đáng tin cậy" của ông Lâm.
"Việc đưa Lương Cường lên làm chủ tịch nước là một ví dụ nữa về sự mở rộng của nhà nước cảnh sát ở Việt Nam", ông Swanton nói.
Nguồn : VOA, 21/10/2024