Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/10/2024

Nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Pháp

RFI tiếng Việt

Nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, chủ tịch Tô Lâm muốn thể hiện năng lực ngoại giao, ổn định chính trị Việt Nam

Trong chuyến thăm chính thức Pháp, tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron tại điện Élysée, Paris hôm 07/10/2024. Hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong quan hệ lịch sử song phương. Thắt chặt quan hệ với một nước xuất khẩu vũ khí lớn ở Châu Âu có tác động đến khả năng quốc phòng của Việt Nam hay không ? Cột mốc ngoại giao do ông Tô Lâm đặt ra, phải chăng giúp vị tổng bí thư vủng cố quyền lực, đặc biệt là về ngoại giao ?

vietphap1

Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. AFP – Teresa Suarez

Pháp, nước đầu tiên tại Châu Âu, vừa trở thành thành viên thứ 8 trong câu lạc bộ các nước có quan hệ cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, sau Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023), Úc (2024).

Việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương tăng 42 % trong hơn một thập kỷ qua, đạt 4,8 tỷ đô la vào năm 2023. Pháp cũng đã đầu tư vào gần 700 dự án tại Việt Nam, và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 16 tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Zachary M. Abuza, tại đại học National College War  , Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng Việt Nam coi phát triển kinh tế là "ưu tiên" . Ông giải thích : "Nếu nhìn vào các đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, tất cả đều là các đối tác kinh tế lớn. Đây luôn là tôn chỉ của Việt Nam trong chính sách ngoại giao. Hà Nội đang nổ lực để trở thành một nước phát triển, hoặc ít nhất là trong nhóm nước có thu nhập cao từ nay đến 2045. Do vậy, nâng cấp quan hệ với Pháp là một lựa chọn quan trọng cho Việt Nam, có thể đơn giản là vì những di sản thuộc địa, dù xấu hay tốt. Paris có một trang sử dài với Hà Nội. và Việt Nam đã đấu tranh trong nhiều năm để giành lại độc lập từ Pháp. Do vậy, tôi nghĩ rằng, về mặt biểu tượng, đó là điều quan trọng để Pháp trở thành nước Châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ này".

Sự tiếp nối "hợp lý"

Về phần mình, Laurent Gédéon , giảng viên tại đại học sư phạm Lyon, cho rằng việc nâng cấp quan hệ thể hiện sự tiếp nối "hợp lý" phát triển hợp tác giữa hai bên từ hơn chục năm qua, (sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013). Cột mốc ngoại giao mới này còn được đánh dấu trong khuôn khổ mang tính biểu tượng cao của hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, lần đầu tiên ở Pháp sau 33 năm.

Trong cuộc gặp nguyên thủ Pháp tại điện Élysée, tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Tô Lâm đã kêu gọi ông Emmanuel Macron dùng ảnh hưởng để sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, và để gỡ bỏ "thẻ vàng" mà Ủy Ban Châu Âu áp đặt đối với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. 

Nhìn từ Paris, tăng cường quan hệ giữa hai nước cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Pháp và thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như di dời một số hoạt động công nghiệp.

Ngoài việc thúc đẩy lợi ích kinh tế, theo nhà nghiên cứu Gédéon, cả Hà Nội và Paris đều muốn đưa "vấn đề Trung Quốc" vào trong chiến lược ngoại giao của mình. Với tư cách là thành viên của các tổ chức khu vực, và có một số ảnh hưởng nhất định tại ASEAN, Việt Nam được xem cửa ngõ quan trọng để Paris tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập cân bằng trong khu vực với Trung Quốc và có lợi cho Pháp.

Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông

Tuyên bố chung ngày 7/10/2024 khẳng định : ‘Hai bên cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng như tuân thủ đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cả hai bên kiên quyết phản đối mọi hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế; và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, tự do hàng hải và hàng không, không bị cản trở, cũng như quyền tự do đi lại ở Biển Đông…"

Nhà nghiên cứu Gédéon cho rằng : "Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông… Điều đáng chú ý trong tuyên bố chung ngày 07/10 là việc Pháp nhắc đến việc hỗ trợ nguồn lực quân sự cho Hà Nội, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Và điều này, phù hợp với mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường năng lực làm chủ, kiểm soát không gian biển, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc. Trong trường hợp này, Pháp không xuất hiện với tư cách đơn thuần là nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam, nhất là những loại vũ khí có thể đe dọa trực tiếp Trung Quốc nếu xảy ra xung đột - hiện vẫn là giả thuyết. Tuy nhiên, khía cạnh quân sự lại không được làm quá nổi bật, tôi cho rằng là để không "xúc phạm" Trung Quốc. Theo tôi, Pháp có mối quan tâm về việc liệu Việt Nam có đủ phương tiện để tự vệ, và khả năng đối phó với xâm lược quân sự nếu cần thiết. Trung Quốc cũng đang lưu ý đến điều này. Nhưng phải nhắc lại rằng Việt Nam cũng duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, bất chấp những sóng gió giữa hai bên".

Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, giảm dần phụ thuộc vào Nga, đối tác lịch sử của Hà Nội do lo ngại trước những tác động từ cuộc chiến ở Ukraina, chưa kể nhiều loại vũ khí từ Nga có thể lỗi thời, hoặc việc chuyển giao công nghệ phức tạp, vì cần biết tiếng Nga hoặc đến đào tạo tại Nga.

Đối với Pháp, theo nhà nghiên cứu Zachary Abuza, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và Paris nhận thấy nhu cầu của Việt Nam, cần thêm "tàu chiến, các loại chiến đấu cơ thế hệ mới, chẳng hạn như các máy bay Rafale". Hơn nữa, nhà phân tích quân sự tại Natinal War College cho rằng "có thể Pháp sẽ dám mạnh tay hơn", so với các nhà sản xuất từ các nước khác, quan tâm đến các hợp tác sản xuất, hoặc chuyển giao công nghệ cho Hà Nội. Việt Nam cũng tăng cường khả năng tự chủ vũ khí, sản xuất một số thiết bị quân sự. Tập đoàn Viettel của quân đôi Việt Nam, được cho là đã phát triển các hệ thống thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, ra đa, các thiết bị chỉ huy điều khiển,...

Những nỗ lực quân sự của Việt Nam, đặc biệt là trong việc tăng cường quan hệ với Pháp, được nhìn từ Trung Quốc như thế nào. Chuyên gia về quân sự Zachary Abuza giải thích : "Dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ bất mãn trước bất cứ nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Hà Nội, nhưng Trung Quốc chỉ có thể tự đổ lỗi cho các hành động gây hấn của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, bất cứ hợp tác nào giữa Việt Nam với Pháp đều ít mang tính đe dọa cho Trung Quốc hơn là với Mỹ. Điều mà các chiến lược gia Trung Quốc quan ngại là các loại vũ khí bất đối đối xứng (asymetric weapons), như tàu chống tên lửa hay các hệ thông không người lái (mà Việt Nam có thể sản xuất).

"Củng cố tính chính danh trong hành động và lời nói của mình"

Một điều đáng chú ý khác trong chuyến thăm của ông Tô Lâm đến Pháp vừa qua, đó là "chưa bao giờ lãnh đạo Việt giữ đồng thời cả hai vị trí", vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng cộng sản, mà thường chỉ giữ một chức vụ. (Ví dụ, trường hợp của Lê Khả Phiêu, giữ tổng Bí thư Đảng cộng sản vào năm 2000; Trần Đức Lương, chủ tịch nước năm 2002, Nông Đức Mạnh - tổng bí thư Đảng cộng sản vào năm 2005; Cuối cùng là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư vào tháng 3 năm 2018, trước khi trở thành chủ tịch nước vào tháng 10 năm 2018.)

Giảng viên tại đại học sư phạm Lyon, Laurent Gédéon cho rằng việc nắm giữ cả hai chức vụ quan trọng, khi thực hiện các chuyến công du nước ngoài, giúp ông Tô Lâm "củng cố tính chính danh trong hành động và lời nói của mình". Ông nói thêm : "Tôi cho rằng các chuyến thăm chính thức cùng những chuyến công du khác của ông Tô Lâm, có nhiều mục đích, trong đó muốn chứng tỏ rằng Việt Nam đã lật sang trang mới sau một thời kỳ hỗn loạn chính trị, (2 chủ tịch nước đã từ chức trong vòng hai năm, 2023-2024). Những biến động này đã tác động lớn đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, nảy sinh các câu hỏi về sự ổn định của chế độ chính trị. Chuyến thăm này như là một câu trả lời, khẳng định rằng thời kỳ bất ổn đã ở phía sau, cũng như tái khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo tôi, chuyến thăm của ông Tô Lâm tại Pháp, cũng không hề đặt vai trò tổng bí thư làm nền. Tổng bí thư cũng đã gặp bí thư quốc gia Đảng cộng sản Pháp, Fabien Roussel, khẳng định rằng cuộc gặp là cơ hội để tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Pháp mà ông nhấn mạnh đến Hồ Chí Minh - một trong những thành viên sáng lập. Như vậy, có thể thấy rằng ông Tô Lâm không tách rời hai chức vụ của mình mà trái lại, lần lượt khẳng định vai trò của từng vị trí, tùy theo người đối thoại và bối cảnh"

Công du nước ngoài để thể hiện năng lực ngoại giao

Chuyến thăm Pháp của ông Tô Lâm nằm trong hành trình công du hơn 10 ngày, với các chặng dừng tại Mông Cổ và Ireland. Kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22.05, chức vụ mang tính nghi thức trong "Tứ trụ" ở Việt Nam, ông Tô Lâm, đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài mang tính truyền thống của Việt Nam, trước tiên là sang Lào, Cam Bốt, thể hiện mức độ chú trọng của Việt Nam về mặt ngoại giao với các đối tác láng giềng, mà Hà Nội có quan hệ mật thiết.

Đến ngày 3 tháng 8 vừa qua, với 100% phiếu ủng hộ, chủ tịch nước Tô Lâm đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, khóa 13 bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ 2021-2026. Vài tuần sau khi nắm giữ đồng thời hai chức vụ quan trọng, ông Tô Lâm tiếp tục các chuyến thăm nước ngoài, sang Trung Quốc thăm cấp Nhà nước, gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không lâu sau đó, tổng bí thư, chủ tịch nước tiếp tục lên đường, sang Mỹ, dự cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, có cuộc hội đàm với tổng thống Joe Biden bên lề sự kiện này. Và gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland và dự hội nghị thượng đỉnh của khối Pháp ngữ, đồng thời thăm chính thức Pháp.

Trước khi trở thành nhân vật quyền lực trong tứ trụ, ông Tô Lâm, với kinh nghiệm chính trường chủ yếu là ở trong nước, muốn thể hiện năng lực ngoại giao của mình qua các chuyến công du này. Theo nhà nghiên cứ Zachary Abuza, những nơi mà ông Tô Lâm đến, đều cho thấy rõ chính sách ngoại giao của Việt Nam, và Hà Nội vẫn luôn cố gửi tín hiệu đến Bắc Kinh, để khẳng định lập trường "trung lập, không liên minh", và đều không trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh.

"Trung Quốc luôn chỉ tay cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam phải có chính sách đối ngoại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, ông Tô Lâm có lý do để thăm cấp Nhà nước đến Cuba, sau chuyến đi đến Hoa Kỳ, ngoài lý do lịch sử và một số hoài niệm về cách mạng (Cộng Sản). Trong khi, nếu xét về kinh tế, thì chuyến đi đến Cuba hoàn toàn vô nghĩa, lãng phí thời gian, bởi ông Tô Lâm đáng lẽ ra có thể đến ve vãn đầu tư nước ngoài từ Canada hoặc Châu Âu, hoặc dành nhiều thời gian hơn ở Hoa Kỳ. Hay chuyến thăm tới Ireland, một trung tâm công nghệ cao ở Châu Âu, và dù không phải là một quốc gia lớn, nhưng ưu đãi thuế quan của nước này khiến Ireland trở thành một trung tâm đầu tư rất quan trọng ở Châu Âu, và cũng có những trường đại học tuyệt vời, mà Việt Nam muốn tăng cường trao đổi giáo dục".

Theo nhà nghiên cứu Zachary Abuza, ông Tâm Lô có vẻ rất muốn giữ hai chức vụ cùng lúc, như trường hợp của chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, vừa là lãnh đạo Cộng Sản, vừa là chủ tịch nước. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho rằng "có những lo ngại" về việc ông Tô Lâm đang vi phạm quy tắc "do tập thể lãnh đạo", quyền lực tối cao được "chia sẻ trong Tứ trụ".

Và chiều 21/10, trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc Hội Việt Nam đã bầu ông Lương Cường, ủy viên bộ Chính Trị, thường trực ban Bí thư, giữ chức chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chi Phương

Nguồn : RFI, 21/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 90 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)