Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, chủ tịch Tô Lâm muốn thể hiện năng lực ngoại giao, ổn định chính trị Việt Nam

Trong chuyến thăm chính thức Pháp, tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron tại điện Élysée, Paris hôm 07/10/2024. Hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong quan hệ lịch sử song phương. Thắt chặt quan hệ với một nước xuất khẩu vũ khí lớn ở Châu Âu có tác động đến khả năng quốc phòng của Việt Nam hay không ? Cột mốc ngoại giao do ông Tô Lâm đặt ra, phải chăng giúp vị tổng bí thư vủng cố quyền lực, đặc biệt là về ngoại giao ?

vietphap1

Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. AFP – Teresa Suarez

Pháp, nước đầu tiên tại Châu Âu, vừa trở thành thành viên thứ 8 trong câu lạc bộ các nước có quan hệ cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, sau Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023), Úc (2024).

Việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương tăng 42 % trong hơn một thập kỷ qua, đạt 4,8 tỷ đô la vào năm 2023. Pháp cũng đã đầu tư vào gần 700 dự án tại Việt Nam, và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 16 tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Zachary M. Abuza, tại đại học National College War  , Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng Việt Nam coi phát triển kinh tế là "ưu tiên" . Ông giải thích : "Nếu nhìn vào các đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, tất cả đều là các đối tác kinh tế lớn. Đây luôn là tôn chỉ của Việt Nam trong chính sách ngoại giao. Hà Nội đang nổ lực để trở thành một nước phát triển, hoặc ít nhất là trong nhóm nước có thu nhập cao từ nay đến 2045. Do vậy, nâng cấp quan hệ với Pháp là một lựa chọn quan trọng cho Việt Nam, có thể đơn giản là vì những di sản thuộc địa, dù xấu hay tốt. Paris có một trang sử dài với Hà Nội. và Việt Nam đã đấu tranh trong nhiều năm để giành lại độc lập từ Pháp. Do vậy, tôi nghĩ rằng, về mặt biểu tượng, đó là điều quan trọng để Pháp trở thành nước Châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ này".

Sự tiếp nối "hợp lý"

Về phần mình, Laurent Gédéon , giảng viên tại đại học sư phạm Lyon, cho rằng việc nâng cấp quan hệ thể hiện sự tiếp nối "hợp lý" phát triển hợp tác giữa hai bên từ hơn chục năm qua, (sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013). Cột mốc ngoại giao mới này còn được đánh dấu trong khuôn khổ mang tính biểu tượng cao của hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, lần đầu tiên ở Pháp sau 33 năm.

Trong cuộc gặp nguyên thủ Pháp tại điện Élysée, tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Tô Lâm đã kêu gọi ông Emmanuel Macron dùng ảnh hưởng để sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, và để gỡ bỏ "thẻ vàng" mà Ủy Ban Châu Âu áp đặt đối với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. 

Nhìn từ Paris, tăng cường quan hệ giữa hai nước cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Pháp và thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như di dời một số hoạt động công nghiệp.

Ngoài việc thúc đẩy lợi ích kinh tế, theo nhà nghiên cứu Gédéon, cả Hà Nội và Paris đều muốn đưa "vấn đề Trung Quốc" vào trong chiến lược ngoại giao của mình. Với tư cách là thành viên của các tổ chức khu vực, và có một số ảnh hưởng nhất định tại ASEAN, Việt Nam được xem cửa ngõ quan trọng để Paris tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập cân bằng trong khu vực với Trung Quốc và có lợi cho Pháp.

Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông

Tuyên bố chung ngày 7/10/2024 khẳng định : ‘Hai bên cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng như tuân thủ đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cả hai bên kiên quyết phản đối mọi hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế; và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, tự do hàng hải và hàng không, không bị cản trở, cũng như quyền tự do đi lại ở Biển Đông…"

Nhà nghiên cứu Gédéon cho rằng : "Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông… Điều đáng chú ý trong tuyên bố chung ngày 07/10 là việc Pháp nhắc đến việc hỗ trợ nguồn lực quân sự cho Hà Nội, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Và điều này, phù hợp với mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường năng lực làm chủ, kiểm soát không gian biển, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc. Trong trường hợp này, Pháp không xuất hiện với tư cách đơn thuần là nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam, nhất là những loại vũ khí có thể đe dọa trực tiếp Trung Quốc nếu xảy ra xung đột - hiện vẫn là giả thuyết. Tuy nhiên, khía cạnh quân sự lại không được làm quá nổi bật, tôi cho rằng là để không "xúc phạm" Trung Quốc. Theo tôi, Pháp có mối quan tâm về việc liệu Việt Nam có đủ phương tiện để tự vệ, và khả năng đối phó với xâm lược quân sự nếu cần thiết. Trung Quốc cũng đang lưu ý đến điều này. Nhưng phải nhắc lại rằng Việt Nam cũng duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, bất chấp những sóng gió giữa hai bên".

Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, giảm dần phụ thuộc vào Nga, đối tác lịch sử của Hà Nội do lo ngại trước những tác động từ cuộc chiến ở Ukraina, chưa kể nhiều loại vũ khí từ Nga có thể lỗi thời, hoặc việc chuyển giao công nghệ phức tạp, vì cần biết tiếng Nga hoặc đến đào tạo tại Nga.

Đối với Pháp, theo nhà nghiên cứu Zachary Abuza, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và Paris nhận thấy nhu cầu của Việt Nam, cần thêm "tàu chiến, các loại chiến đấu cơ thế hệ mới, chẳng hạn như các máy bay Rafale". Hơn nữa, nhà phân tích quân sự tại Natinal War College cho rằng "có thể Pháp sẽ dám mạnh tay hơn", so với các nhà sản xuất từ các nước khác, quan tâm đến các hợp tác sản xuất, hoặc chuyển giao công nghệ cho Hà Nội. Việt Nam cũng tăng cường khả năng tự chủ vũ khí, sản xuất một số thiết bị quân sự. Tập đoàn Viettel của quân đôi Việt Nam, được cho là đã phát triển các hệ thống thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, ra đa, các thiết bị chỉ huy điều khiển,...

Những nỗ lực quân sự của Việt Nam, đặc biệt là trong việc tăng cường quan hệ với Pháp, được nhìn từ Trung Quốc như thế nào. Chuyên gia về quân sự Zachary Abuza giải thích : "Dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ bất mãn trước bất cứ nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Hà Nội, nhưng Trung Quốc chỉ có thể tự đổ lỗi cho các hành động gây hấn của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, bất cứ hợp tác nào giữa Việt Nam với Pháp đều ít mang tính đe dọa cho Trung Quốc hơn là với Mỹ. Điều mà các chiến lược gia Trung Quốc quan ngại là các loại vũ khí bất đối đối xứng (asymetric weapons), như tàu chống tên lửa hay các hệ thông không người lái (mà Việt Nam có thể sản xuất).

"Củng cố tính chính danh trong hành động và lời nói của mình"

Một điều đáng chú ý khác trong chuyến thăm của ông Tô Lâm đến Pháp vừa qua, đó là "chưa bao giờ lãnh đạo Việt giữ đồng thời cả hai vị trí", vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng cộng sản, mà thường chỉ giữ một chức vụ. (Ví dụ, trường hợp của Lê Khả Phiêu, giữ tổng Bí thư Đảng cộng sản vào năm 2000; Trần Đức Lương, chủ tịch nước năm 2002, Nông Đức Mạnh - tổng bí thư Đảng cộng sản vào năm 2005; Cuối cùng là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư vào tháng 3 năm 2018, trước khi trở thành chủ tịch nước vào tháng 10 năm 2018.)

Giảng viên tại đại học sư phạm Lyon, Laurent Gédéon cho rằng việc nắm giữ cả hai chức vụ quan trọng, khi thực hiện các chuyến công du nước ngoài, giúp ông Tô Lâm "củng cố tính chính danh trong hành động và lời nói của mình". Ông nói thêm : "Tôi cho rằng các chuyến thăm chính thức cùng những chuyến công du khác của ông Tô Lâm, có nhiều mục đích, trong đó muốn chứng tỏ rằng Việt Nam đã lật sang trang mới sau một thời kỳ hỗn loạn chính trị, (2 chủ tịch nước đã từ chức trong vòng hai năm, 2023-2024). Những biến động này đã tác động lớn đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, nảy sinh các câu hỏi về sự ổn định của chế độ chính trị. Chuyến thăm này như là một câu trả lời, khẳng định rằng thời kỳ bất ổn đã ở phía sau, cũng như tái khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo tôi, chuyến thăm của ông Tô Lâm tại Pháp, cũng không hề đặt vai trò tổng bí thư làm nền. Tổng bí thư cũng đã gặp bí thư quốc gia Đảng cộng sản Pháp, Fabien Roussel, khẳng định rằng cuộc gặp là cơ hội để tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Pháp mà ông nhấn mạnh đến Hồ Chí Minh - một trong những thành viên sáng lập. Như vậy, có thể thấy rằng ông Tô Lâm không tách rời hai chức vụ của mình mà trái lại, lần lượt khẳng định vai trò của từng vị trí, tùy theo người đối thoại và bối cảnh"

Công du nước ngoài để thể hiện năng lực ngoại giao

Chuyến thăm Pháp của ông Tô Lâm nằm trong hành trình công du hơn 10 ngày, với các chặng dừng tại Mông Cổ và Ireland. Kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22.05, chức vụ mang tính nghi thức trong "Tứ trụ" ở Việt Nam, ông Tô Lâm, đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài mang tính truyền thống của Việt Nam, trước tiên là sang Lào, Cam Bốt, thể hiện mức độ chú trọng của Việt Nam về mặt ngoại giao với các đối tác láng giềng, mà Hà Nội có quan hệ mật thiết.

Đến ngày 3 tháng 8 vừa qua, với 100% phiếu ủng hộ, chủ tịch nước Tô Lâm đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, khóa 13 bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ 2021-2026. Vài tuần sau khi nắm giữ đồng thời hai chức vụ quan trọng, ông Tô Lâm tiếp tục các chuyến thăm nước ngoài, sang Trung Quốc thăm cấp Nhà nước, gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không lâu sau đó, tổng bí thư, chủ tịch nước tiếp tục lên đường, sang Mỹ, dự cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, có cuộc hội đàm với tổng thống Joe Biden bên lề sự kiện này. Và gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland và dự hội nghị thượng đỉnh của khối Pháp ngữ, đồng thời thăm chính thức Pháp.

Trước khi trở thành nhân vật quyền lực trong tứ trụ, ông Tô Lâm, với kinh nghiệm chính trường chủ yếu là ở trong nước, muốn thể hiện năng lực ngoại giao của mình qua các chuyến công du này. Theo nhà nghiên cứ Zachary Abuza, những nơi mà ông Tô Lâm đến, đều cho thấy rõ chính sách ngoại giao của Việt Nam, và Hà Nội vẫn luôn cố gửi tín hiệu đến Bắc Kinh, để khẳng định lập trường "trung lập, không liên minh", và đều không trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh.

"Trung Quốc luôn chỉ tay cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam phải có chính sách đối ngoại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, ông Tô Lâm có lý do để thăm cấp Nhà nước đến Cuba, sau chuyến đi đến Hoa Kỳ, ngoài lý do lịch sử và một số hoài niệm về cách mạng (Cộng Sản). Trong khi, nếu xét về kinh tế, thì chuyến đi đến Cuba hoàn toàn vô nghĩa, lãng phí thời gian, bởi ông Tô Lâm đáng lẽ ra có thể đến ve vãn đầu tư nước ngoài từ Canada hoặc Châu Âu, hoặc dành nhiều thời gian hơn ở Hoa Kỳ. Hay chuyến thăm tới Ireland, một trung tâm công nghệ cao ở Châu Âu, và dù không phải là một quốc gia lớn, nhưng ưu đãi thuế quan của nước này khiến Ireland trở thành một trung tâm đầu tư rất quan trọng ở Châu Âu, và cũng có những trường đại học tuyệt vời, mà Việt Nam muốn tăng cường trao đổi giáo dục".

Theo nhà nghiên cứu Zachary Abuza, ông Tâm Lô có vẻ rất muốn giữ hai chức vụ cùng lúc, như trường hợp của chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, vừa là lãnh đạo Cộng Sản, vừa là chủ tịch nước. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho rằng "có những lo ngại" về việc ông Tô Lâm đang vi phạm quy tắc "do tập thể lãnh đạo", quyền lực tối cao được "chia sẻ trong Tứ trụ".

Và chiều 21/10, trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc Hội Việt Nam đã bầu ông Lương Cường, ủy viên bộ Chính Trị, thường trực ban Bí thư, giữ chức chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chi Phương

Nguồn : RFI, 21/10/2024

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Việt Nam

Vấn đề Biển Đông và quốc phòng trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Pháp

Hôm 7/10/2024, trong chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp, hai nước Việt Nam và Pháp tuyên bố nâng cấp quan hệ lên hàng "Đối tác chiến lược toàn diện". Bên cạnh các hợp tác kinh tế, đổi mới sáng tạo và nhiều nội dung khác, Bản tuyên bố chung Việt Pháp nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông và hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước. Đây dường như là lần đầu tiên Việt Nam nhấn mạnh trực tiếp đến hợp tác quốc phòng với một cường quốc phương Tây. 

vietphap1

Máy bay phản lực Alpha của Không quân Pháp Patrouille de France bay ngang qua Tháp Eiffel với Vương cung thánh đường Sacre-Coeur, ngày 14/7/2024 – Reuters

Như vậy, với động thái này, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với hầu hết thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngoại trừ Anh quốc. Tại sao Việt Nam nâng cấp quan hệ với Pháp vào thời điểm này ? Tại sao Biển Đông và quốc phòng an ninh được nhấn mạnh trong Bản tuyên bố chung ?

Nhân dịp này, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam, dành cho RFA một cuộc trao đổi về động thái mới nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.

RFA : Thưa Luật sư Vũ Đức Khanh, nội dung hợp tác Việt Pháp trong Bản Tuyên bố chung cho thấy những mối quan tâm nào của Việt Nam hiện nay ? Tại sao dường như hợp tác an ninh quốc phòng được nêu bật trong Bản tuyên bố chung này ?

Vũ Đức Khanh : Tôi xin phép nói rằng sự kiện Việt Nam lần đầu tiên nhấn mạnh quan hệ an ninh quốc phòng và hợp tác công nghiệp quân sự với một nước phương Tây, cụ thể là Pháp, có thể coi là một bước ngoặt chiến lược quan trọng. Điều này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn vũ khí và chiến lược quân sự từ Nga và Trung Quốc, đồng thời thể hiện mong muốn mở rộng và đa dạng hóa các đối tác quốc phòng. 

Tôi ghi nhận và đánh giá cao về quyết định này : Thứ nhất, tôi nghĩ Việt Nam thực sự muốn giảm phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc. Trước đây, như bạn đã biết, phần lớn trang thiết bị quân sự của Việt Nam được nhập từ Nga, và tư duy chiến lược quân sự vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ Nga và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, sự phụ thuộc này có những hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang thay đổi. Nga đang gặp nhiều khó khăn với chiến tranh Ukraine và bị cấm vận từ các nước phương Tây, điều này có thể khiến việc duy trì nguồn cung cấp vũ khí từ Nga trở nên không chắc chắn. Với Trung Quốc, căng thẳng ở Biển Đông khiến Việt Nam không thể phụ thuộc vào một quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với mình. 

Thứ hai, nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng bắt buộc Việt Nam phải tiếp cận công nghệ quốc phòng phương Tây. Pháp là một quốc gia có công nghiệp quốc phòng phát triển, với năng lực sản xuất các thiết bị quân sự tiên tiến, như tàu ngầm, chiến đấu cơ, hệ thống phòng không. Sự hợp tác với Pháp có thể giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ hiện đại hơn, đồng thời giúp Việt Nam tự tin hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc này cũng cho thấy Việt Nam đang dần mở cửa và thích nghi với các chuẩn mực quốc phòng của phương Tây, bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chiến thuật khác so với hệ thống của Nga hoặc Trung Quốc. 

Thứ ba, một thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam (có cả dân sự lẫn an ninh nội địa và quân sự) cũng đang tìm cách phá vỡ sự dè dặt trong quan hệ quốc phòng với phương Tây. Quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn nhiều dè dặt do những hệ lụy từ chiến tranh và những lo ngại về chính trị. Tuy nhiên, việc hợp tác với Pháp có thể được xem như một bước thử nghiệm, một cách tiếp cận thận trọng để xây dựng lòng tin với các quốc gia phương Tây mà không phải chịu sức ép chính trị quá lớn từ phía Mỹ. 

Pháp là một đối tác lý tưởng vì có sự cân bằng trong chính sách đối ngoại, vừa có quan hệ tốt với Việt Nam, vừa không gây sức ép mạnh về các vấn đề nhân quyền như Mỹ thường làm. 

Thứ tư, dĩ nhiên là ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam cũng muốn tăng cường vị thế của mình trong khu vực, đặc biệt với các nước ASEAN. Việc hợp tác với Pháp không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng mà còn nâng cao vị thế ngoại giao của mình trong khu vực. Với sự hiện diện của Pháp và các quốc gia phương Tây trong các hoạt động quốc phòng, Việt Nam có thể gia tăng khả năng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, từ đó tạo sức ép lên Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp biển đảo. Đây là một phần trong chiến lược đối ngoại đa phương của Việt Nam, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia để đối phó với những thách thức an ninh.

Cuối cùng, tôi cho rằng quyết định của Việt Nam trong việc nhấn mạnh hợp tác an ninh quốc phòng và công nghiệp quân sự với Pháp là một bước đi khôn ngoan, mang tính chiến lược, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Nga và Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung và nâng cao năng lực quốc phòng. 

Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm những quan hệ cân bằng hơn với phương Tây, tránh quá phụ thuộc vào một quốc gia hoặc khối nào, và phù hợp với chính sách đối ngoại linh hoạt, đa phương của Việt Nam. Về chính sách đối ngoại, tôi nghĩ Hà Nội đã có những bước đi khéo léo, đúng hướng. Vấn đề chính là Hà Nội quá yếu kém về nội trị, chưa tạo được sự đồng thuận xã hội, đoàn kết quốc gia cho chiến lược bảo vệ và phát triển đất nước. Tôi hy vọng nhóm cầm quyền hiện nay ý thức được những yếu kém này và tìm cách khắc phục sớm nhất có thể. 

RFA : Theo ông, tại sao Việt - Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm này ?

Vũ Đức Khanh : Việc Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ vào thời điểm này xuất phát từ những động lực chiến lược. 

Thứ nhất, cả hai nước đều có lợi ích chung trong việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đặc biệt trong bối cảnh các căng thẳng về chủ quyền ở Biển Đông.

Thứ hai, Pháp là một quốc gia châu Âu có truyền thống can dự vào các vấn đề Đông Nam Á và Đông Dương, đặc biệt với lịch sử quan hệ sâu sắc với Việt Nam. Điều này giúp Pháp có sự hiểu biết và mối quan tâm đặc biệt với Việt Nam. Thời điểm này cũng trùng hợp với xu hướng gia tăng của các nước phương Tây muốn tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối trọng với sự mở rộng của Trung Quốc. 

Thứ ba, đây cũng là chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, muốn dùng các cường quốc phương Tây để đối trọng với Trung Quốc. 

RFA : Bản Tuyên bố chung đã dành một phần quan trọng để nói riêng về vấn đề Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Tại sao Việt Nam muốn đưa mối quan hệ Việt Pháp tham gia vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông, trong khi Pháp là một quốc gia ở Châu Âu ?

Vũ Đức Khanh : Vấn đề an ninh hàng hải và Biển Đông là mối quan tâm chiến lược hàng đầu của Việt Nam. 

Pháp, với tư cách là một cường quốc hàng hải và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có thể cung cấp cho Việt Nam sự hỗ trợ về ngoại giao, kỹ thuật và quốc phòng.

Sự hợp tác này giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển, đồng thời cũng tăng cường khả năng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đưa các cường quốc ngoài khu vực vào để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một lý do khác có thể nói thêm là có thể nếu như Mỹ lên tiếng cùng với Việt Nam quá nhiều về vấn đề Biển Đông thì có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Cho nên Việt Nam chọn Pháp nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông là một cách giảm sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Như tôi đã nói là Việt Nam đã lôi kéo thêm cả Châu Âu vào vấn đề Biển Đông. Không chỉ có Pháp mà Anh, Đức, Ý cũng đã tham gia vào việc tuần tra ở Biển Đông. 

RFA : Tại sao bây giờ mới Việt Nam chọn Pháp trong vấn đề hợp tác quốc phòng khi mà Pháp đã hợp tác như vậy với Ấn Độ lâu rồi ?

Vũ Đức Khanh : Việt Nam chọn Pháp do những mối liên hệ lịch sử và quan hệ ngoại giao bền vững giữa hai nước. Hơn nữa, Pháp có vị thế đặc biệt trong Liên minh châu Âu và NATO, có thể hỗ trợ Việt Nam không chỉ trong các vấn đề quốc phòng mà còn về mặt chính trị - ngoại giao, kinh tế và công nghệ. 

Việc nâng cấp quan hệ vào thời điểm hiện tại cũng phù hợp với chiến lược đa dạng hóa đối tác quốc phòng của Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều thay đổi, nhất là sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Pháp có kinh nghiệm hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, điều này tạo tiền đề để hợp tác với Việt Nam. 

Vả lại, Việt Nam cho đến lúc này vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng hợp tác chiến lược toàn diện với phương Tây vì còn e ngại Trung Quốc. Việt Nam như kẻ mù đang dò dẫm đường và e ngại đủ điều. Tuy nhiên, Việt Nam chọn thời điểm này (từ sau cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022) vì họ biết rằng họ không thể còn nhờ được gì ở Nga nữa, và họ đã xác nhận rằng Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, trực diện và nguy hiểm nhất của họ, cho nên họ mới quyết định tăng tốc nâng cấp bang giao với Mỹ và đồng minh phương Tây bắt đầu từ năm 2022. 

Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với tám quốc gia. Đó là Trung Quốc vào tháng 5/2008, Liên bang Nga vào tháng 7/2012, Ấn Độ vào tháng 9/2016, Hàn Quốc vào tháng 12/2022, với Mỹ vào tháng 9/2023, Nhật Bản tháng 11/2023, với Australia vào tháng 3/2024 và Pháp tháng 10/2024.

Chúng ta thấy trong các nước trên, năm quốc gia quan trọng trong khối phương Tây, gồm Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp thì đều bắt đầu từ năm 2022. 

Đối với Hàn Quốc là tháng 12/2022. Cuộc chiến Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2/2022. Việt Nam đã ý thức rõ là không thể tiếp tục lệ thuộc vào Nga về mặt quân sự sau cuộc chiến này. Ông tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng từng đề cập vấn đề này. Tôi nghĩ Hà Nội đã hiểu rõ thực lực của Nga và hiểu rằng cái thế địa chính trị, địa kinh tế, an ninh quốc phòng đã thay đổi. 

RFA : Xin cảm ơn Luật sư Vũ Đức Khanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 09/10/2024

Additional Info

  • Author Vũ Đức Khanh, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Biển Đông, thương mại tăng cường quan hệ Việt-Pháp

Le Figaro hôm 02/11/2018 có bài "Thủ tướng Philippe muốn củng cố quan hệ với Việt Nam". Trong chuyến công du cựu thuộc địa Đông Dương, thủ tướng Pháp tìm cách tăng cườngtrao đổi thương mại giữa hai nước.

vietphap1

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ngày 02/11/2018. Nhac NGUYEN / POOL / AFP

Tờ báo nhận định, việc các nhà lãnh đạo Pháp thăm Việt Nam luôn mang một ý nghĩa, và chuyến thăm của thủ tướng Édouard Philippe từ ngày 2 đến 4/11 trước khi sang Tân Calédonie cũng không ra ngoài quy luật đó. Chuyến công du này diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt, 5 năm quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập trong nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande.

Tháp tùng ông có các bộ trưởng Gérard Darmanin (Ngân sách), Agnès Buzyn (Y tế), quốc vụ khanh Mounir Mahjoubi (phụ trách về kỹ thuật số). Điện Matignon nhấn mạnh phái đoàn Pháp "đại diện cho sự đa dạng trong mối quan hệ giữa hai nước", gồm nghị sĩ, nhà khoa học, giới hoạt động văn hóa, trong đó có một số xuất thân từ cộng đồng 300.000 Việt kiều tại Pháp.

Tại Hà Nội, thủ tướng Pháp hội đàm với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất Việt Nam, đã kiêm luôn chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Ông Édouard Philippe sẽ khai trương địa điểm mới của trường trung học Pháp mang tên Alexandre Yersin. Khi gặp gỡ giới trẻ, ông sẽ nhấn mạnh đến thử thách về môi trường, tại đất nước đang bị vấn đề này làm ảnh hưởng rất nhiều. Ở Sài Gòn, thủ tướng Pháp chú trọng đến chương trình y tế (đã có 3.000 bác sĩ Việt Nam được đào tạo tại Pháp) và sáng tạo, gặp các doanh nhân trẻ Pháp. Nhiều hợp đồng sẽ được ký kết với đất nước có 95 triệu dân đang quan tâm đến các thương hiệu phương Tây.

Tuy nhiên Le Figaro nhấn mạnh nghịch lý, là Pháp chưa bao giờ biết tranh thủ thế mạnh của mình, hiện chỉ chiếm có 1% thị phần Việt Nam. Trong những tháng gần đây, Hà Nội đã có sự chuyển hướng chiến lược, không ngần ngại đứng mũi chịu sào trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, mở cửa trước những đối tác khác thay vì người láng giềng khổng lồ phương bắc.

"Trục Ấn Độ - Thái Bình Dương" được tổng thống Emmanuel Macron cổ vũ nay là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thông điệp của Paris về tôn trọng Luật Biển và tự do hàng hải được đón nhận tích cực tại đất nước đang bị Bắc Kinh đe dọa, bên cạnh đó là những chuyến viếng thăm của các chiến hạm, chiến đấu cơ Pháp trong khuôn khổ chiến dịch "Pégase" hồi tháng Tám. Paris cho biết sẵn sàng "giúp đỡ" Việt Nam về thiết bị quân sự, một lãnh vực mà xưa nay Nga chiếm ưu thế.

Quay lại Điện Biên Phủ

Đặc biệt Le Figaro nhấn mạnh đến sự kiện thủ tướng Édouard Philippe là nhà lãnh đạo thứ hai của Pháp, sau tổng thống François Mitterrand, đến thăm Điện Biên Phủ. Ông Philippe vốn cho biết "đã học được nhiều điều khi đi quân dịch hơn cả thời kỳ học ở trường danh tiếng ENA", dành vài tiếng đồng hồ đi thăm chiến trường xưa, nơi đánh dấu sự thất bại của quân Pháp. Tháp tùng ông là các cựu chiến binh : hạ sĩ nhất William Schllardi, 85 tuổi, đã tham dự suốt chiến dịch ; đại tá Jacques Allaire, 92 tuổi, một trong những trợ lý của tướng Bigeard.

Thủ tướng Pháp đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm tử sĩ Pháp. Ngoài việc thăm hầm chỉ huy của tướng De Castries, ông còn đến ba ngọn đồi nổi tiếng mang tên phụ nữ Eliane, Gabrielle, Béatrice. Trận chiến Điện Biên Phủ kéo dài 57 ngày là hồi chuông báo tử cho Đông Dương thuộc Pháp, nhưng theo Paris, cần phải nhìn lại quá khứ với tư duy hòa bình, cùng với Việt Nam tiến lên phía trước với những hồi ức chung.

Kêu gọi phê duyệt hiệp định thương mại EU – Việt Nam

Cũng liên quan đến Việt Nam, trang Diễn đàn của nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài viết kêu gọi "Phê duyệt càng sớm càng tốt hiệp định giữa Châu Âu và Việt Nam" của tác giả Laurence Daziano, giảng dạy tại trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) và là thành viên hội đồng khoa học của Quỹ sáng tạo về chính trị.

Trước thách thức từ chiến tranh thương mại mà tác giả cho rằng có thể còn kéo dài trong thập kỷ tới, trong bối cảnh giai cấp trung lưu Mỹ phản đối mạnh mẽ toàn cầu hóa, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đẩy nhanh các hiệp định thương mại song phương đầy tham vọng, như hiệp định CETA với Canada. Tháng Bảy vừa rồi, Ủy Ban Châu Âu đã ký kết hiệp ước thương mại với Nhật Bản, và với ba quốc gia đang tăng trưởng mạnh là Việt Nam, Singapore, Mexico.

Tuy nhiên các thỏa thuận này vẫn còn nằm trên giấy tờ của các định chế Châu Âu, trong khi các nước trên đây đang tìm kiếm các thị trường mới ngoài Mỹ. Trong trường hợp Việt Nam, Hà Nội còn muốn tránh các tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là 7%, thuộc loại cao nhất thế giới. Trao đổi thương mại với Trung Quốc chiếm đến một phần ba, và xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 42 tỉ đô la trên tổng số 215 tỉ đô la doanh số. Thế nhưng hiệp định tự do mậu dịch EU – Việt Nam đã đàm phán xong từ tháng 12/2015 đến nay vẫn chưa được phê chuẩn.

Tác giả Laurence Daziano nhận định, hiệp định này mang lại nhiều lợi ích cho các nước Châu Âu ; từ việc giảm thuế hải quan rất lớn đặc biệt là cho rượu vang và xe hơi, cho đến việc công nhận các chỉ dẫn địa lý, và lập ra các tiêu chuẩn cao về môi trường. Sự chậm chạp trong thủ tục hành chính, dịch thuật hay việc thảo luận tiếp tục ở Nghị Viện Châu Âu không đủ để lý giải cho tình trạng sa lầy, vì hiệp định với Việt Nam thuộc loại ưu tiên trong chính sách thương mại của chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmström.

Thế nên hiệp định thương mại EU – Việt Nam cần phải được nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện, nếu không muốn Châu Âu bị bỏ lại phía sau trong khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong lúc các nước Châu Á đang tìm kiếm những đối tác chiến lược mới thay cho Hoa Kỳ đang co mình lại. Lòng tin vào Châu Âu trong thương mại sẽ là chủ đề chính yếu trong chuyến viếng thăm Việt Nam của thủ tướng Edouard Philippe hiện nay, trước chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron vào năm 2019.

Trung Quốc mở hội chợ nhập khẩu để trấn an đầu tư phương Tây

Cũng về kinh tế, Le Figaro cho biết "Trung Quốc muốn trấn an các nhà đầu tư đang nghi ngại". Từ thứ Hai 5/11 tới, Hội chợ nhập khẩu lần thứ nhất sẽ khai mạc ở Thượng Hải với sự hiện diện của ông Tập Cận Bình, nhằm giới thiệu Trung Quốc như một thị trường rộng mở, trong lúc đang gặp khó khăn vì cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.

Thông tín viên của tờ báo mô tả những bức tường được sơn phết lại, những chậu hoa đặt dọc theo đường phố và công an có mặt tại tất cả các ngã tư. Đại đô thị 23 triệu dân này chưa bao giờ được đầu tư đến như vậy, từ sau cuộc triển lãm toàn cầu năm 2010.

Mục tiêu là nhằm trấn an các nhà đầu tư đang rất lo lắng trước sự đóng cửa của thị trường Hoa Lục, việc Nhà nước siết lại nền kinh tế, và tăng trưởng thấp nhất từ một thập niên qua. Công xưởng thế giới cố gắng trưng ra khuôn mặt một nhà nhập khẩu để làm trên 90 nước đối tác, trong đó có Hoa Kỳ và EU quên đi đang bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc, và tái khẳng định lời hứa "mở cửa" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra cách đây 40 năm.

Cũng giống như tại Davos và Diễn đàn kinh tế Bác Ngao (Boao) hồi tháng Tư, Tập Cận Bình sẽ khoác chiếc áo tự do thương mại, cổ vũ cho một nền kinh tế thế giới "rộng mở", trước chủ trương bảo hộ của ông Donald Trump. Nhà lãnh đạo mà quyền lực trong tay được tập trung cao độ nhất kể từ thời Mao, nhấn mạnh quyết tâm "cải cách" để cố khuyến dụ các nhà đầu tư đang bỏ rơi đồng nhân dân tệ. Có 2.800 công ty ngoại quốc từ 130 nước, nhiều thương hiệu lớn và bộ trưởng các nước tham dự (trong đó có bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume). Tuy nhiên trong hậu trường, không ít doanh nghiệp nhìn nhận đã chịu áp lực để tham gia sự kiện mang tính chiến lược của chế độ Bắc Kinh.

Nhân dịp này Pháp và Đức đã kêu gọi Trung Quốc "có những biện pháp cụ thể và mang tính hệ thống" để các công ty Châu Âu được đối xử công bằng hơn. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Tài Kinh hôm qua, hai đại sứ Jean-Maurice Ripert của Pháp và Clemens Von Götze của Đức nhấn mạnh "các công ty Châu Âu phải có được những cơ hội như các doanh nghiệp Trung Quốc có được ở EU", đòi hỏi chấm dứt việc bắt buộc phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc, bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Lời kêu gọi chung này phản ánh tâm lý nghi ngại ngày càng lớn của giới kinh doanh, trước khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh. Phòng Thương mại Châu Âu, không được các nhà tổ chức mời tham dự hội chợ, hôm nay công bố thêm một báo cáo mới với nhiều chỉ trích. Còn Hiệp hội giới chủ Đức (BDI) đầy quyền lực, đề nghị các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Hoa Lục, qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây là lời cảnh báo ý nghĩa, vì Trung Quốc lâu nay vẫn được ngành kỹ nghệ Đức coi là cơ hội, nay đã trở thành địch thủ đáng ngại.

Bắc Kinh đả kích phương Tây trên YouTube

Về truyền thông, Libération ghi nhận "Hoàn cầu Thời báo sử dụng YouTube đế đả kích phương Tây". Kể từ đầu năm nay, tờ báo vốn hung hăng trực thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc đã tung ra những video để bênh vực chính sách đối ngoại của đảng trước các thông tin bị Hoa Kỳ và Châu Ấu "bóp méo", theo tờ báo. YouTube được coi là công cụ mới của quyền lực mềm Bắc Kinh.

Một clip của Hoàn cầu Thời báo (Global Times) nêu ra câu nói mang tính khinh thị của tổng thống Mỹ đối với người Châu Phi, nhắc nhở rằng Bắc Kinh đã xây dựng các trường học, hiện đại hóa lục địa đen, thậm chí còn cứu được bốn con voi bị sa lầy ở Tanzania. Vài người Châu Phi xuất hiện trong clip, ca ngợi Lý Tiểu Long, Thành Long, khẳng định Trung Quốc không đô hộ lục địa này.

Hoàn cầu Thời báo khẳng định các video này đã thu hút được 6 triệu lượt xem. Tuy nhiên chủ yếu trên Vi Bác, còn trên YouTube chỉ có 200 lượt người xem. Một nhà nghiên cứu nhận định : "Mục tiêu của Global Times là tấn công, làm mất uy tín ông Donald Trump. Nhưng người phương Tây không hề tin vào loại truyền thông nhà nước này, chiến dịch tuyên truyền hầu như vô tác dụng".

Người tiền sử ăn uống ra sao ?

Trên lãnh vực khảo cổ, Le Figaro cho biết với những tiến bộ kỹ thuật hiện nay, đã biết được con người sống cách đây 7.000, 8.000 năm dùng những thực phẩm gì.

Qua việc phân tích những protein trong tô, chén sứ 8.000 năm trước, các nhà khoa học thấy có dấu vết ngũ cốc, rau quả, sữa dê và các loại sản phẩm từ sữa, nhiều loại thịt khác nhau. Ngũ cốc thì chủ yếu là hai loại phố biến vào thời đó - lúa mạch và lúa mì, đậu ; thịt gồm có dê, cừu, kể cả hươu nai, bò rừng, ngựa. Các gia đình người tiền sử đã biết nấu súp thịt, cháo ; tuy nhiên họ nấu nướng như thế nào thì vẫn là câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu.

Bạo lực, Tân Calédonie, tháng Mười đen của chứng khoán : Tựa chính báo Pháp

Le Figarogióng lên hồi chuông cảnh báo trước "Sự bình thường hóa đáng ngại về nạn bạo lực đối với cảnh sát" : mỗi ngày có đến 14 nhân viên công lực bị thương vì bạo động. Tờ báo công giáo La Croix dành trang bìa cho "Các giám mục đối mặt với những nạn nhân" : lần đầu tiên các vị giám mục Pháp tập hợp tại Lộ Đức (Lourdes) sẽ tiếp xúc với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào ngày mai.

Libérationđặt câu hỏi "Tân Calédonie còn là lãnh thổ Pháp đến bao giờ ?". Ba mươi năm sau các thỏa thuận với Paris, người dân quần đảo Thái Bình Dương Chủ nhật này sẽ đi bỏ phiếu về việc độc lập – một cuộc trưng cầu dân ý sau tiến trình phi thực dân hóa thành công

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến "Thị trường : Những bài học rút ra từ tháng Mười đen", khi các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Pháp giảm mạnh nhất kể từ 2015. Viễn cảnh xám xịt của Brexit, xung đột giữa Ý và Bruxelles về ngân sách, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Thụy My

Published in Việt Nam

hollande1

Tổng thống Pháp François Hollande trong chuyến thăm chính thức Việt Nam

Tổng thống Pháp François Hollande đã không gây được sự phấn khởi trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày 6 và 7 tháng 9 vừa qua. Không thể khác vì ông tới Việt Nam trong mục đích tăng cường sự hợp tác với một chế độ không còn cả lý do lẫn sức sống để kéo dài.

Chính sách của François Hollande đối với Việt Nam chỉ tiếp tục cách nhìn thiển cận của các chính quyền Pháp đổi với Việt Nam từ gần một thế kỷ qua. Ngay sau Thế Chiến I nhiều học giả và chính trị gia Pháp, kể cả toàn quyền Varenne, đã nhìn thấy sự cần thiết của một chuyển đổi chính sách từ thống trị và bóc lột sang hữu nghị và hợp tác, nhưng sau đó là cuộc đàn áp đẫm máu Việt Nam Quốc Dân Đảng và chính sách ngu dân nhắm ru ngủ trí thức Việt Nam bằng thơ, nhạc, rượu và thuốc phiện.

Sau Thế Chiến II khi đã rõ ràng là chế độ thực dân phải chấm dứt và các đế quốc thực dân phải triệt thoái thật nhanh khỏi các thuộc địa thì Pháp, mặc dù đã từng thua trận và bị chiếm đóng, vẫn cố duy trì quyền thống trị qua chính quyền bù nhìn Bảo Đại thay vì thỏa hiệp với các lực lượng quốc gia chân chính. Thất bại Điện Biên Phủ sau đó đã có tác dụng khiến Pháp vừa ghen với Hoa Kỳ vừa phục Đảng Cộng sản Việt Nam. Pháp đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam và từ 1975 gần như chỉ tìm cách hợp tác với chế độ cộng sản, bất chấp những giá trị dân chủ và nhân quyền mà họ thường tự hào là một nước chủ xướng.

Không phải là nước Pháp mù quáng. Pháp có rất nhiều người sáng suốt để nói trước những gì cần và nên làm, nhưng họ không được lắng nghe vì cuộc thảo luận chính trị không lành mạnh. Các chính trị gia Pháp không thảo luận để tìm kết luận đúng mà thảo luận theo tinh thần phe phái.

Kết quả là đối với Việt Nam - cũng như các thuộc địa cũ nói chung - Pháp hầu như luôn luôn có những chọn lựa ngắn hạn tai hại trong lâu dài. Chính sách đối ngoại thiển cận đã khiến Pháp mất dần ảnh hưởng. Trước Thế Chiến II Pháp là cường quốc hiện diện mạnh nhất tại Đông Nam Á, ngày nay Pháp gần như vắng mặt.

Thật đáng tiếc cho cả Pháp lẫn Việt Nam. Đối với Việt Nam, Pháp là nhân chứng quí báu của những hiệp ước biên giới Việt - Trung trên đất liền cũng như trên biển, Pháp có kỹ thuật dược phẩm, xây dựng, đường sắt, hàng không v.v. đứng hàng đầu thế giới mà Việt Nam rất cần. Ngược lại Việt Nam là một thị trường lớn và có thể giúp Pháp hiện diện tích cực tại một khu vực đầy triển vọng.

Hai nước có mọi lý do để hợp tác toàn diện và triệt để nếu hiểu nhau và đặt nền tảng của sự hợp tác trên những giá trị đúng. Đáng tiếc đó không phải là điều chúng ta đang thấy. Tổng thống Hollande đã đến Việt Nam với những mục tiêu thuần tuý kinh tế, nghĩa là sẵn sàng hợp tác với một chế độ độc tài tham nhũng và bạo ngược. Nhưng bỏ qua những giá trị đạo đức phổ cập không bao giờ là một chọn lựa khôn ngoan, ngay cả về mặt kinh tế, trong lâu dài. Hơn nữa Hollande cũng đến Việt Nam với những thông tin không chính xác. Bộ tham mưu của ông đánh giá kinh tế Việt Nam là đặc biệt năng động và đầy triển vọng với tỷ lệ tăng trưởng hiện nay là 6,5%. Không gì sai hơn. Kinh tế Việt Nam đang nguy ngập và chính quyền cộng sản vừa phân hoá vừa bị thù ghét như chưa từng thấy. Phái đoàn Pháp đã phải nhận thấy điều này, năm mươi doanh nhân đi cùng tổng thống đã thất vọng lớn.

Hợp tác Việt Pháp đầy triển vọng nhưng đòi hỏi nơi chính quyền Pháp một cái nhìn khác đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

 

Ban Biên Tập Tổ Quốc

Additional Info

  • Author Báo Tổ Quốc
Published in Quan điểm