Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố, cũng như lời nhắc nhở, khi nói tới công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, rằng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" (1).
Ông Lại Đắc Tuấn tại tòa án ở thủ đô Santiago de Chile ngày 11/11. 24 Horas – TVN Chile
Vùng cấm
Là vùng không được đụng đến. Cụ thể là quan chức, người có thế lực sẽ không bị pháp luật xử lý nghiêm minh một khi vi phạm. Cho nên, không có "vùng cấm" có nghĩa trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không loại trừ những thành phần đó.
Thế nhưng, cuộc sống muôn màu, cuộc chiến với "giặc nội xâm" cũng vô cùng cam go - tham nhũng thì muôn hình vạn trạng, tiêu cực cũng đủ kiểu. Để thực hiện cho nghiêm, hiểu cho thấu đáo tuyên bố đó không phải là chuyện dễ.
Nó nảy sinh vấn đề với một vùng nữa, tạm gọi là "vùng kín", cần phải được phân loại.
Vùng kín
Mới đây, có một hành vi tiêu cực gây rúng động công luận qua báo chí nước ngoài và mạng xã hội Việt Nam. Một cận vệ, trong đoàn tháp tùng lãnh đạo cấp nhà nước ta đi thăm một quốc gia khác, đã bị bắt, ra tòa, trục xuất vì tội "xâm hại tình dục" ngay tại khách sạn nơi đoàn trú đóng.
Báo, đài truyền hình nước sở tại, rồi cả nước khác, cả báo quốc tế tiếng Việt liên tục đưa tin, hình ảnh, video… trong suốt nhiều ngày (2). Mạng xã hội của người Việt trong, ngoài nước loan tin, bình luận với tốc độ, cấp độ bão táp. Thôi thì đủ kiểu xỉ vả, khinh miệt, trực diện hay bóng gió. Khả năng vụ này sẽ còn bị đào bới, chà đi xát lại không biết tới bao giờ.
Đặc biệt, có nhiều ý kiến thắc mắc, chê cười (hoặc đoan chắc) là báo chí nhà nước Việt Nam (sẽ) không đưa tin vụ này.
Cần hiểu, nó như thể thuộc "vùng kín".
Vùng không kín
Mới hai năm trước thôi, có hai nghệ sĩ, cũng ra nước ngoài, cũng "dính" vụ tương tự (hiếp dâm). Mới là nghi án thôi, mà báo quốc doanh xứ Việt đã tung tin rầm rộ, lại còn để lộ danh tính hai nghệ sĩ nữa ; rồi Bộ Ngoại giao còn phải vào cuộc (3). Gần đây, dư luận có vẻ hơi chưng hửng, khi lại có tin dường như hai nghệ sĩ đó được tòa đình chỉ vụ án (4).
Cần coi vụ này thuộc "vùng không kín".
Chính vì chưa có sự phân biệt rõ ràng như vậy, nên mới có ý kiến thắc mắc, rằng trong khi vụ vừa qua, đã đem ra xử ngay, có hình phạt, phía Việt Nam đã xin lỗi, không một lời kêu ca, ấy thế mà lại "được ưu tiên" không đưa tin.
Phân biệt
"Vùng kín" là vùng hạn chế, không được biết rộng rãi. Một quan chức, người có thế lực bị xử lý theo nguyên tắc "không có vùng cấm", nhưng vụ việc lại thuộc loại "nhạy cảm", đưa tin ra rộng rãi sẽ không có lợi chung, nên có thể được xếp vào loại "vùng kín".
Và kết cục, có thể hiểu là nhân vật cận vệ kia, dù chỉ cấp tép riu thôi, khi về nước sẽ bị xử lý nghiêm minh, nhưng sẽ không loan tin rộng rãi. Vì nó là chuyện nhạy cảm, thuộc vào diện "nhục quốc thể", nên coi như thuộc vào "vùng kín". Còn vụ hai nghệ sĩ, dù sau này đem xử, nếu đúng là có tội thì cũng chỉ ở cấp độ "nhục … cá thể", nên coi như nó thuộc "vùng không kín".
Đơn giản vậy thôi, nhưng một khi làm rõ ra, thì đỡ cho công luận phải thắc mắc ngược xuôi, không có lợi ; thế lực kình địch lại lợi dụng, nói xấu thêm cho chế độ, càng không lợi.
Vậy cũng nên nâng cấp tuyên bố của cố Tổng bí thư, rằng : chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý không có vùng cấm, nhưng có vùng kín.
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : VOA, 19/11/2024
Ghi chú :
(1) https://special.nhandan.vn/Chong-tham-nhung-tieu-cuc/index.html
(2) https://www.youtube.com/watch?v=eMiTPdEppCg
(3) https://tuoitre.vn/2-nghe-si-viet-bi-to-cuong-hiep-o-tay-ban-nha-e1072.htm
(4) https://tuoitre.vn/luat-su-cua-hong-dang-va-ho-hoai-anh-thong-bao-toa-an-tay-ban-nha-da-dinh-chi-vu-an-20241023135720445.htm
"Kỷ nguyên mới" mà ông Tô Lâm – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - vừa đưa ra sân [1] đã thua "Chile" ngay trong trận đầu tiên.
Chủ tịch nước Việt Nam, Lương Cường (trái) và Tổng thống Chile, Gabriel Boric, tại cuộc họp báo tại dinh Tổng thống ở Santiago, 11 tháng 11, 2024.
Cho đến hôm nay (18/11/2024), từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng trước scandal Lại Đắc Tuấn – Thượng tá, Phó Phòng Hậu cần của Bộ Tư lệnh lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an Việt Nam – bị cảnh sát Chile tạm giữ hình sự, bị đưa ra tòa, sau đó bị trục xuất vì "tấn công tình dục" nữ nhân viên khách sạn Sheraton ở thủ đô Chile hôm 10/11/2024 khi tháp tùng ông Lương Cường, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam trong chuyến công du Nam Mỹ [2].
Không phải tự nhiên mà Hương Nguyễn mỉa mai : Sang Chile tính tranh thủ một tý để về nước có chuyện khoe với bọn đồng liêu, ai ngờ gặp đúng con dở hơi báo cảnh sát. Mất mặt "cuốc da" chút thôi, có gì đáng để làm căng. Đen thôi, đỏ quên đi [3] ! LS Nguyễn Danh Huế nhận xét : Ở Việt Nam, nhiều chị em chưa ý thức được quyền của mình và cả do xấu hổ, sợ sếp nên những việc như sờ mông phụ nữ còn phổ biến ở công sở nói gì đến ở khách sạn. Vì thế nhiều anh cứ mang cái văn hóa ở nhà ra nước ngoài và [4]...
Đó có thể cũng là lý do Thái Hạo bình : Chile thật chẳng ra làm sao, chuyện có gì đâu mà toáng lên, còn ra tòa với lại trục xuất nữa, chỉ là một cô hầu phòng thôi mà ! Ở nước tôi, giáo viên nữ bị điều đi tiếp khách còn là chuyện thường. Bộ trưởng Bộ Giáo dục bảo với Quốc hội - "Đây là vụ việc không chỉ ở một trường của Hà Tĩnh, mà trong thực tế cũng có nhiều trường hợp" và theo ông - "Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi". Ta tự do đến thế, chứ đâu như xứ Chile mất dân chủ và bày vẽ quyền nọ quyền kia [5]...
Scandal Lại Đắc Tuấn không phải là vết nhơ đầu tiên liên quan đến nguyên thủ Việt Nam khi công du ngoại quốc. "Ôn cố, tri tân", ông Kim Van Chinh than : Nhớ hồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hàn Quốc có hàng chục người ăn theo rồi trốn không về làm ô uế thể diện quốc gia... Lần này tân Chủ tịch Nhà nước sang thăm Nam Mỹ cũng xảy ra chuyện tày đình và ô uế không kém, cả thế giới đã biết... Nếu nói đó là bẫy thì cũng khổ cho đội ngũ bảo vệ nguyên thủ vì không đủ năng lực phát hiện bẫy và tránh bẫy. Chile họ chơi cũng sát ván quá ! Chuyện vừa xong đã đưa luôn ra toà án và kết luận luôn là có tội, cấm nhập cảnh hai năm. Họ không có đảng lãnh đạo và chu trình xử lý vụ việc cứ thẳng tưng theo pháp luật làm cho các đồng chí quen cậy thế cậy quyền lúng túng không chống đỡ nổi [6]...
Từ những gì đã thấy, đã biết, Huynh Ngoc Chenh so sánh : Chile tuy chưa phải là nước dân chủ vẹn toàn nhưng luật pháp rất văn minh và tiên tiến. Có tri hô gây hại là cảnh sát xuất hiện ngay. Chile giống các nước phương Tây, chỉ cần buông lời lẽ không hay trước mặt phụ nữ là bị tố quấy rối tình dục. Trường hợp ông Tuấn vì có đụng chạm nên nặng hơn. Tạm giam chưa quá 24 giờ là đưa nghi phạm ra toà xem xét. Chỉ tòa mới có quyền kết luận nghi phạm có tội hay không để trả tự do ngay hay tiếp tục tạm giam. Gặp tòa Việt Nam thì ông Tuấn bị tạm giam ít nhất ba tháng để điều tra rồi mới được ra toà sơ thẩm, có những vụ án, tạm giam hơn một năm là bình thường. May cho ông Tuấn không bị bắt ở Việt Nam và không bị tạm giam ở Việt Nam mà cũng thấy rằng, ở Việt Nam thì hành vi như ông Tuấn, nạn nhân chẳng dám tố cáo, có tố cáo chưa chắc có ai đến còng tay một người như ông ấy. Cũng chính vì sự dung túng thiếu nghiêm minh này đã làm cho ông Tuấn nghĩ rằng ở nước ngoài cũng vậy nên phạm tội, làm nhục quốc thể [7].
***
"Kỷ nguyên mới" mà ông Tô Lâm vừa xác lập và được các hệ thống rần rần hưởng ứng, thậm chí còn thành lập... "hội đồng khoa học" để tổ chức... "hội thảo khoa học" cấp... "quốc gia" về "lý luận và thực tiễn" của "kỷ nguyên mới" [8] vẫn chưa có gì... mới về hành xử công quyền, đặc biệt là về minh bạch, cho nên mới có những thắc mắc như thắc mắc của ông Mạc Van Trang : Chuyện Cảnh vệ... tình dục bị ra Tòa ở Chile, ‘báo chí CM’ im re ! Báo như vậy còn ‘CM’ gì ? Ai còn tìm đọc ? Quoc Tuy Nguyen – một thân hữu của ông Trang – trả lời : Bác quên mất một điều là đặc điểm quan trọng nhất của ‘báo chí CM’ là phải mang ‘tính đảng’ sâu sắc à ? Cuộc chiến ‘ta đánh ta’ rất là nhạy cảm nên phải đòi hỏi các chiến sĩ ‘CM’ trên mặt trận truyền thông phải xử sự một cách rất... ‘nhân văn’, nếu không lấy ai lãnh đạo nhân dân ta đi qua thời kì quá độ bây giờ ? Hoặc phán đoán như Van Ly : Có lẽ chuyện này không những bôi nhọ đảng cầm quyền mà còn làm ô danh đất nước nên họ không thể đăng trên ‘báo chí CM’ được [9] !
Trong khi người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau xem "Danh sách các cá nhân thuộc Bộ Công an được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" và Thượng tá Lại Đức Tuấn được trao "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba" [9] thì ‘báo chí CM’ hăm hở thông báo, : Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mới quyết định thu hồi "Giải thưởng Thanh niên sống đẹp" mà tổ chức này đã trao cho cô Nguyễn Đỗ Trúc Phương hồi 2020 chỉ vì cô là nghi phạm trong một vụ án ma túy [10].
Dù sao "kỷ nguyên mới" cũng chỉ mới thua trận đầu. Được lãnh đạo và điều hành theo kiểu như thế, liệu sắp tới "kỷ nguyên mới" có thể "vươn mình" thắng trận nào chăng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/11/2024
Chú thích
[2] https://www.facebook.com/VOATiengViet/posts/pfbid0XLWVk5SYdubFqhkrdHwJAyDPANErkgF5C9Vyo3oc73FNFs8GezRegn6vZxQ5fHvGl
[3] https://www.facebook.com/phonghhw/posts/pfbid0YHsvpq6HKTsRkGneXKYthqmf6ofpFG6pSgSQG9CEo8za2XCNEoCkLXPk6h6X6SMCl
[4] https://www.facebook.com/Huebat/posts/pfbid0AtvbT9gJ6RrYuKemEuxcUvEmSc3Y2SJGmGy5J6cvvgcUvrVM1WtesSnGdzVpXbBwl
[5] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0TxUf3XLC452HWTgbBdPr2cdvNvC6DTUNsK9pDNhCR162RQG2PgZ5HNEV13MYjxUSl&id=100059910855657
[6] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02XW7qxgxYu7zi8Yzm9tLqDhwJFoTGjPWHa9aYysarPdMhhq4DPapt49fRa9NhMa5rl&id=100059910855657
[7] https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/pfbid037fjhj7Y57pBmbinjjn19ihvUHG9pjLEMr3eyyhXsBnKjrtvobsqauj6gT3TZnRHl
[8] https://baochinhphu.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien
102241115164631562.htm
[9] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid033L1P2Bbk7fuAjJMVbFCZYLBPiuD6ey5J8TgCrMG1kt6hurSitb8mp1EwvKV2QjMwl&id=100013518285955
[10] https://nld.com.vn/co-tien-truc-phuong-bi-thu-hoi-giai-thuong-thanh-nien-song-dep-196241115151232843.htm
Tại sao Lương Cường lại bất ngờ chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Nam Việt, RFA, 19/11/2024
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường mới đây bất ngờ lên tiếng, gián tiếp chỉ trích nhiệm kỳ cầm quyền sắp tới của ông Donald Trump rằng bảo hộ, chiến tranh thương mại chỉ dẫn đến suy thoái, nghèo đói.
Chủ tịch nước Lương Cường của Việt Nam ngồi cạnh tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Peru ngày 15/11/2024 – Saul Loeb / AFP
Điều đáng nói, là hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đồng loạt đưa tin, thậm chí dẫn giải nội dung này của ông tân Thủ tướng Việt Nam, khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ở Peru hôm 14/11.
Trong khi đó, cũng gần 1000 cơ quan báo chí, truyền hình của nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về câu chuyện cũng liên quan đến ông Lương Cường, là vụ bê bối của ông Lại Đắc Tuấn trong chuyến công du Chile vừa rồi.
Câu hỏi dược đặt ra là vì sao ông Cường lại lên tiếng "gây hấn" với ông Donald Trump vào lúc này, mà câu chuyện "chiến tranh thương mại", được nhìn thấy rõ là vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thậm chí, cuộc chiến đó là gay gắt, người hưởng lợi lại là Việt Nam ?
Ông Cường nhấn mạnh trong lúc phát biểu lại APEC, là "chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối … thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng", và đối lập lại, "đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói".
Thậm chí, ông Cường còn nhắc khéo ông Trump về chuyện nên giữ gìn vị trí và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi ông Trump trong nhiệm kỳ trước của mình, đã nhiều lần công kích, thậm chí đe dọa rút khỏi WTO.
Dĩ nhiên, người dân trong nước nhìn vào những phát biểu của ông Cường, có thể thấy ông ta đang nói thay cho Bắc Kinh. Thậm chí không khác nào đang thách thức ông Trump khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc, sẽ xét lại những thuận lợi của Việt Nam trong giao thương với Mỹ, ví dụ như chuyện đã Việt Nam hưởng lợi thặng dư lên đến 103 tỷ đô la trong trao đổi thương mại với Mỹ.
Cần nhắc lại, Chủ tịch Lương Cường, người nhân lúc ông Tô Lâm đang công du Mỹ và Châu Âu hồi Tháng Chín 2024, đã bất thần chạy sang triều kiến Tập Cận Bình, nhằm kiếm sự ủng hộ cho việc giành phần quyền lực cho phía quân đội. Và đương nhiên sau đó, chức chủ tịch được trao cho Cường, nhưng đồng thời sự cân bằng này khởi động cho một cuộc hạ bệ lẫn nhau trong hậu cung Ba Đình.
Cùng từ lúc Lương Cường lên nắm chức, lần đầu tiên trong quốc hội đã có lời phàn nàn so sánh việc tại sao số tướng công an ở trong nước lại áp đảo số tướng quân đội. Nói trước quốc hội, đại biểu Lữ Văn Hùng (đoàn Bạc Liêu) đòi phải nghiên cứu quy chế cấp quân hàm của chỉ huy trưởng quân sự thành phố. Ông Hùng nhấn mạnh là nếu giám đốc công an là thiếu tướng, thì chỉ huy trưởng quân sự cũng phải là thiếu tướng. "Tại sao công an là thiếu tướng mà quân đội là đại tá, anh cũng là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, tôi cũng là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Việc này cũng phải xem xét nghiên cứu để làm sao cho tương xứng" - ông Hùng nói.
Đây là lần đầu tiên những lời bàn và mâu thuẫn lâu nay giữa ngành công an và quân đội được nói công khai trước quốc hội.
Đại tướng Phan Văn Giang phải kềm chế ngôn ngữ bất bình của ông đại biểu Hùng, và chỉ giải thích rằng làm việc này "khó". Ông Giang không nói rõ khó, là khó ở chỗ ngành công an đang nắm quyền đất nước và muốn có thế thượng phong, hay khó là chuyện nội bộ quân đội không chấp nhận chuyện lên chức nhiều như vậy – và nói thế, chẳng khác nào mỉa mai Tô Lâm.
Trở lại câu chuyện ông Lại Đắc Tuấn ở Chile thì có nhiều nguồn tin cho biết rằng ông Tuấn chỉ là kẻ thế thân cho chủ, cho một câu chuyện lớn hơn nữa mà có thể ông Lương Cường sẽ bị hạ bệ, nếu không khéo thu xếp sớm. Theo một nguồn tin không thể kiểm chứng được, vụ ăn chơi ở khách sạn thuộc về một nhóm quan chức, Tuấn là người biết chuyện sau và đinh ninh là ở khách sạn này, đường dây gái mại dâm là nói mật khẩu mang nước lên (trên thực tế hàng khách sạn cho đoàn khách quốc tế như Sheraton đều có sẳn nhiều loại nước), và từ đó ông ta bị phản ứng bất ngờ do người đem nước chỉ là nhân viên phục vụ. Tuấn phải ra mặt chịu tội, và cam kết với chủ là không được hé môi nửa lời cho cuộc ăn chơi đó.
Nhưng với Tô Lâm, bao nhiêu đó, đã là cơ hội vàng cho một kế hoạch lật đổ trong tương lai gần. Vì bởi mỗi chuyện ăn bò dát vàng bị lộ video, đã làm mất danh thế của ông ta suốt một chặng dài.
Cho nên để lý giải về câu chuyện ông Lại Đắc Tuấn rùm beng cả thế giới nhưng báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng, bởi có lệnh từ cấp cao của chính phủ ra lệnh các báo không được đưa lại tin, cũng không được để lọt bất kỳ một bình luận nào trên báo. Chính Lương Cường cũng nhận ra những chân ghế của mình đang ngồi, lung lay bởi câu chuyện này.
Và để xác định tấm lòng trung thành đối với Bắc Kinh, chỗ dựa cuối cùng và quan trọng của Lương Cường trong những ngày tháng tới, vị tân chủ tịch được Trung Quốc yểm trợ, đã phải gồng mình lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump để chứng minh rằng mình vẫn là thành phần mà Bắc Kinh luôn có thể tin cậy được.
Và việc Lương Cường cần phải chứng tỏ lòng trung thành cho thấy trong nội bộ của Hà Nội lúc này đang có những xôn xao bất lợi, mà Lương Cường phải cần lập tức chứng minh vị thế đã được sắp đặt của mình, đồng thời gõ cửa ông chủ Bắc Kinh.
Nên nhớ trong cuộc tấn công và đánh đập ngư dân ở Hoàng Sa, mà Trung Quốc ngạo mạn nói rằng Việt Nam phải biết giáo dục lại công dân của mình, phía chủ tịch nước Lương Cường hoàn toàn im lặng và không có một thái độ gì phản đối Trung Quốc, và thậm chí là Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được coi là đang ngầm bắt tay với Lương Cường, cũng không nhắc gì đến số phận ngư dân trong chuyến đi làm việc với Trung Quốc đầu tháng Mười Một 2024.
Nam Việt
Nguồn : RFA, 19/11/2024
***************************
Tân Chủ tịch nước Lương Cường và chuyến công du đầu tiên không như ý
Diễm Thi, RFA, 18/11/2024
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhận chức Chủ tịch nước, ông Lương Cường đã đại diện Việt Nam thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường đến Lima trước Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hôm 12/11/2024 - AFP
Nếu ‘vạn sự khởi đầu nan’ thì chuyến đi mở màn nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Lương Cường không thể gian nan hơn, khi một trong những cận vệ của ông bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục.
Sự kiện này tuy không được truyền thông trong nước đề cập, rất có thể do sự kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo, nhưng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra là, liệu uy tín của tân Chủ tịch nước đã bị ảnh hưởng ra sao, và nó tác động thế nào đến sự nghiệp chính trị của ông Lương Cường, nhất là khi Đại hội XIV của Đảng đang đến gần ?
Cựu trung tá Vũ Minh Trí, người từng công tác tại Tổng cục 2, cơ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng, nhận định với RFA rằng sự vụ lần này "tuyệt đối không ảnh hưởng gì" tới ông Lương Cường.
"Đơn giản vì bản thân ông Lương Cường cũng không quyết định được thành phần được cử đi trong đoàn tùy tùng của ông ta, mà phải thông qua các cơ quan tham mưu. Nó có tính chất cơ cấu.
Bản thân người cao nhất, trong trường hợp này là ông Lương Cường, cũng không phải là người ra quyết định thành phần cận vệ. Ví dụ người bảo vệ là công an thì người này sẽ do Bộ Công an quyết định, không phải ông Cường quyết định". Ông Trí giải thích.
Cũng theo ông Trí, những chuyện như thế không có gì lạ ở Việt Nam, từ cán bộ, quân dân, chính đảng cho đến văn nghệ sĩ, thậm chí cả trí thức đều mắc phải những lỗi như vậy nhưng xử lý không đến nơi đến chốn nên khi ra nước ngoài thì "chứng nào tật nấy". Chỉ khác là pháp luật nước người ta nghiêm minh nên sự việc bị phanh phui.
Chuyện lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài bị tai tiếng cũng không phải là ít.
Không giống như ở những nước dân chủ, lãnh đạo ở Việt Nam không cần quá quan tâm đến hình ảnh do không phải đối diện với bầu cử phổ thông, do vậy những tai tiếng dạng này hiếm khi ảnh hưởng tiêu cực tới vị trí của chính trị gia cao cấp.
Điển hình nhất là vụ bê bối ăn bò dát vàng của ông Tô Lâm, thời còn làm Bộ Trưởng Bộ Công an.
Hôm 10/11/2021, một video clip khoảng 40 giây được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cho thấy "Thánh rắc muối" Salt Bae tự tay mớm miếng bò dát vàng tận miệng Bộ trưởng công an Tô Lâm tại một nhà hàng sang trọng ở thủ đô London, nước Anh.
Được biết giá tiền mỗi phần ăn như vậy lên đến 45 triệu, bằng hơn hai phần ba thu nhập bình quân cả năm của một người lao động ở Việt Nam trong năm 2021.
Sự kiện này đã tạo cơn địa chấn trên mạng xã hội tiếng Việt, và nó diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đang ở cao trào.
Một tháng sau đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra bài phát biểu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó ông trích câu nói "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu". Không rõ có sự liên hệ trực tiếp nào giữa câu nói trên với sự việc của ông Tô Lâm hay không.
Nhưng điều đáng nói ở đây là dù dính phải bê bối bom tấn kể trên, điều nếu xảy ra với bất cứ chính trị gia ở các nước dân chủ nào, đều sẽ dẫn đến thân bại danh liệt, nhưng ông Tô Lâm không những không hề hấn gì, mà sự nghiệp của vị tướng công an này đã lên như diều gặp gió, thậm chí thay thế ông Nguyễn Phú Trọng để trở thành người đứng đầu đảng cầm quyền.
Tuy vậy, bối cảnh chính trị ở Việt Nam nay đã khác. Đảng Cộng sản đang trong giai đoạn nước rút, nhằm sắp xếp nhân sự cấp cao trước khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 diễn ra vào đầu năm 2026.
Ông Lương Cường giờ đây là một thành viên trong tứ trụ, và về lý thuyết, có khả năng thách thức ông Tô Lâm cho ngôi vị Tổng bí thư, dù cả hai sẽ quá tuổi khi đại hội diễn ra.
Một trong những tiêu chuẩn chọn chủ tịch nước được Bộ Chính trị đưa ra, là ứng cử viên cho chức vụ phải là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, chuyện lãnh đạo Việt Nam gây tiếng xấu trong các chuyến công du nước ngoài không phải là hiếm nhưng chẳng có ông, bà nào bị lung lay chức vụ cả.
"Theo tôi thì cá nhân ông Lương Cường không bị ảnh hưởng gì cả, nhưng ngành ngoại giao Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Nhà nước Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Dù uy tín của ông Cường với người dân có bị ảnh hưởng thì cũng chẳng tác động gì tới ông này. Bao nhiêu quan chức mất chức vì chính họ triệt hạ nhau chứ dân chẳng có tác động gì đâu", ông Toàn nhận định.
Ở chiều ngược lại, luật sư Đặng Đình Mạnh - một nhà quan sát và bình luận tình tình chính trị trong nước - cho rằng, "số phận chính trị của ông Lương Cường hết sức mong manh".
Vị luật sư dày dạn kinh nghiệm trong các vụ án chính trị ở Việt Nam cho rằng, trong khoảng một đến hai năm trở lại đây, các vụ thanh trừng cấp cao đã diễn ra liên tục, điều đó đã lấy đi yếu tố bất ngờ trong dân chúng mỗi khi nghe tin quan chức cấp cao rớt đài.
"Nếu nghe về sự hạ bệ ông Lương Cường ra khỏi chức vụ Chủ tịch nước trong tương lai gần, thì công chúng cũng không còn mấy ngạc nhiên nữa". Luật sư Mạnh nói thêm.
Cũng vì làn sóng đấu đá nội bộ trong thời gian qua, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng giờ đây người dân đã hình thành suy nghĩ, cho rằng mọi sự vụ tiêu cực xảy ra với lãnh đạo cấp cao đều là sản phẩm của sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng, và sự việc của ông Lương Cường không nằm ngoài xu hướng đó.
"Công chúng đã công khai cho rằng "sự cố" quấy rối tình dục trong chuyến công du của ông Lương Cường đã có thể là kết quả của việc thanh trừng nhau trong giới lãnh đạo cao cấp, nhất là ông ấy không thuộc phe nhóm công an đang đắc thắng trên võ đài quyền lực".
Cũng theo Luật sư Mạnh, tuy ông Lương Cường không phải là thủ phạm trong vụ bê bối tình dục, thế nhưng, từ nay cho đến hết sự nghiệp chính trị của ông ấy, câu chuyện đáng xấu hổ tại Chile sẽ còn gắn chặt mãi với danh tính ông tân Chủ Tịch nước, một chức vụ bị xem là có "huông" "lành ít, dữ nhiều" từ đời Chủ Tịch nước Trần Đại Quang.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 18/11/2024
Bộ trưởng Ngoại giao Chile : Vụ cận vệ của Chủ tịch nước Việt Nam không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước
RFA, 13/11/2024
Cận vệ tháp tùng trong đoàn của Chủ tịch nước Việt Nam thăm Chile bị bắt với cáo buộc "lạm dụng tình dục", tuy nhiên, cuộc gặp sau đó của ông Lương Cường và Tổng thống Chile vẫn diễn ra bình thường.
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường cùng với Tổng thống Chile duyệt đội danh dự hôm 11/11/2024 - AP
Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren cho biết vụ việc "không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Chile và Việt Nam" và người đồng cấp Việt Nam của ông đã xin lỗi về "sự cố rất đáng tiếc này".
Ông Cường đã đến Chile vào thứ Bảy để có chuyến thăm chính thức trước thềm hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại nước láng giềng Peru bắt đầu vào cuối tuần này.
Bộ ngoại giao Chile cho biết vệ sĩ của ông Cường, cũng là người Việt Nam, đã bị bắt vào đêm Chủ Nhật sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục.
Ông này bị đưa ra tòa vào chiều thứ Hai nhưng thay vì đưa ra cáo buộc, chính quyền Chile đã ra lệnh cho ông rời khỏi đất nước và cấm ông quay trở lại trong hai năm.
Công tố viên Felix Rojas cho biết thỏa thuận này là "sự kiện hi hữu", được nạn nhân, một công dân Chile, chấp nhận.
Ông nói thêm rằng luật pháp Chile cho phép "các giải pháp thay thế trong một số trường hợp nhất định" trong các trường hợp bị cáo buộc lạm dụng tình dục.
Đài phát thanh Cooperativa của Chile đăng tải hình ảnh nghi phạm trước tòa và cho biết người này là Lai Dac Tuan (59 tuổi).
Các nguồn tin hiểu biết về câu chuyện, những người không muốn nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nói với RFA rằng người đàn ông bị bắt là thành viên của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và là bác sĩ, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho phái đoàn Chủ tịch nước.
Truyền thông Việt Nam không đề cập đến vụ bê bối liên quan đến cận vệ của ông Cường khi đưa tin về cuộc gặp của Chủ tịch nước với người đồng cấp Chile.
Chiều 12/11, ông Lương Cường đã đến Lima, thủ đô Peru để tham dự hội nghị APEC. Trước đó, đài CNN Chile, cho biết cận vệ của ông Cường sẽ phải ở lại Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Santiago và rời đi cùng với phái đoàn của Chủ tịch nước Việt Nam đi Peru.
Nguồn : RFA, 13/11/2024
**************************
Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục trong chuyến thăm Chile
BBC, 12/11/2024
Tòa án tại Chile đã ra phán quyết vào thứ Hai rằng một thành viên trong phái đoàn của Chủ tịch nước Lương Cường, người vừa có chuyến thăm chính thức tới quốc gia Nam Mỹ này, phải rời khỏi Chile và không được phép nhập cảnh trở lại trong ít nhất hai năm sau khi bị cáo buộc lạm dụng tình dục.
Báo chí Chile đăng bài về vụ việc cán bộ an ninh Việt Nam bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục
Bộ Ngoại giao Chile hôm 11/11 đăng thông cáo chính thức cho biết vào đêm Chủ nhật 10/11, một thành viên đội an ninh của phái đoàn Việt Nam đang thăm chính thức Chile đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục. Người này đã ngay lập tức bị bắt giam.
"Bộ Ngoại giao vô cùng lấy làm tiếc về sự việc xảy ra gây ảnh hưởng đến người khiếu nại và sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng theo bất kỳ cách nào cần thiết", thông cáo trên website của Bộ Ngoại giao Chile viết.
BBC News tiếng Việt đã gửi thư điện tử tới Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Chile đề nghị bình luận về vụ việc. Một số trang báo tiếng Tây Ban Nha của Chile đã đồng loạt đăng tin này hôm thứ Hai 11/11. Vụ việc cũng được hãng tin AP đăng tải.
Lạm dụng tình dục
Hàng loạt trang báo tiếng Tây Ban Nha ở Chile đã viết bài tường thuật rất đậm về vụ việc. Theo đó, nhân vật bị cáo buộc lạm dụng tình dục tên là một sĩ quan an ninh 59 tuổi thuộc đội an ninh bảo vệ chuyến công du của Chủ tịch nước Lương Cường. Theo tìm hiểu của BBC News tiếng Việt, ông này là một cán bộ sĩ quan tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Một bài đăng trên mạng xã hội X của nhà báo Javier Olivares người Chile chia sẻ thông tin vụ việc và hình ảnh người đàn ông được cho là sĩ quan an ninh bị cáo buộc.
Báo Las Últimas Noticias tiếng Tây Ban Nha tường thuật lại vụ việc như sau :
Sự việc xảy ra vào tối Chủ nhật 10/11 tại khách sạn Sheraton, nơi đoàn đại biểu Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước Lương Cường trong chuyến thăm chính thức Chile lưu trú. Nạn nhân là nhân viên khách sạn cho biết viên sĩ quan an ninh của Việt Nam đã yêu cầu cô mang đồ uống lên phòng. Khi cô đến, ông này đang mặc đồ lót và đóng cửa lại rồi ra hiệu yêu cầu cô mát xa. Sau đó, nữ nhân viên này đã tố cáo vụ việc lên cảnh sát và nghi phạm đã bị bắt giam ngay trong đêm Chủ nhật 10/11.
Tới ngày hôm sau, ông ta đã xuất hiện trước Tòa án Bảo lãnh số 8 ở Santiago với cáo buộc phạm tội lạm dụng tình dục người trên 14 tuổi một cách bất ngờ và/hoặc không có sự đồng ý. Viên sĩ quan công an Việt Nam tham dự phiên tòa trong tư thế bị còng tay sau khi bị giam vào đêm Chủ nhật.
Trước tòa, ông ta phủ nhận mình có hành vi lạm dụng tình dục. Ông ta nói rằng mình chỉ yêu cầu xoa bóp vùng đầu.
Công tố viên phụ trách vụ án Félix Rojas đã đề nghị một "giải pháp thay thế", đó là một thỏa thuận với sự đồng ý của cả nạn nhân lẫn người bị cáo buộc và luậ sư của họ.
"Dàn xếp này được gọi là đình chỉ tố tụng có điều kiện, và nó có nghĩa là trong thời gian thỏa thuận có hiệu lực, trong trường hợp này là hai năm, bị cáo phải tuân thủ các điều kiện : cấm quay trở lại Chile, cấm tiếp cận nạn nhân…" – công tố viên Félix Rojas nêu chi tiết.
Thẩm phán Ely Rothfeld giải thích chậm rãi để người phiên dịch nhắc lại nội dung kết luận của phiên tòa.
"Theo Điều 366 của Bộ luật Hình sự về tội lạm dụng tình dục, hành vi này không bị coi là tội phạm và có mức hình phạt thấp hơn, nên biện pháp được đưa ra là đình chỉ tố tụng iờ ông sẽ được tự do, ông sẽ đến thẳng đại sứ quán Việt Nam ở Chile…".
Nghi phạmcó điều kiện. Một thỏa thuận với Văn phòng Công tố là hành vi của ông ta phải được giám sát trong hai năm".
Thẩm phán nói tiếp rằng thỏa thuận có nghĩa là viên sĩ quan công an Việt Nam "phải rời khỏi đất nước vào thời điểm này và không được quay lại Chile trong vòng hai năm. Bây gđã được tự do với điều kiện ông ta không được tiếp cận nạn nhân và, do đó, không thể quay lại khách sạn nơi xảy ra sự việc.
Viên sĩ qua công an Việt Nam trả lời bằng tiếng Việt rằng mọi thứ đều "ổn", theo bản dịch của phiên dịch viên.
Tại lối ra của tòa án, công tố viên Félix Rojas giải thích rằng thủ tục rút gọn không liên quan gì đến chức vụ của người bị tố cáo. "Các quy định là khách quan và áp dụng cho tất cả mọi người", ông nói.
Ngoại trưởng Chile Alberto van Klaveren nói với báo chí rằng ông đã nói chuyện với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn.
Ông Sơn đã xin lỗi về vụ việc và cho biết "Việt Nam sẵn sàng hợp tác hết mình để làm rõ vụ việc này", theo tường thuật của đài phát thanh Cooperativa của Chile.
Chuyến thăm Chile của ông Lương Cường
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận hợp tác
Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile từ ngày thứ Bảy 9/11 đến thứ Ba 12/11, sau đó thăm Peru và dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại nước này tới ngày 16/11. Mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Chile.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Chile kể từ năm 2009, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có chuyến thăm chính thức tới quốc gia này.
Sáng 11/11, ông Lương Cường đã được Tổng thống Chile Gabriel Boric tiếp đón tại Cung điện La Moneda, nơi cả hai đã có cuộc họp và chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận song phương về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng, văn hóa và thúc đẩy xuất khẩu.
Chuyến đi của ông Lương Cường tới quốc gia Nam Mỹ này "tái khẳng định các ưu tiên chiến lược của Chile về việc thắt chặt quan hệ và làm sâu sắc hơn quan hệ với Châu Á", văn phòng tổng thống Chile cho biết.
Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Chile trong số các thành viên của ASEAN.
Trong nửa đầu năm 2024, thương mại giữa hai nước đã đạt 803,6 triệu USD.
Sau khi thăm Chile, Chủ tịch nước Lương Cường đã tới thăm Peru và dự Hội nghị thượng đỉnh APEC.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ xử lý trường hợp tố cáo lạm dụng tình dục nói trên như thế nào và vụ việc này có thể ảnh hưởng như thế nào tới hình ảnh của ông Lương Cường, người vừa trở thành chủ tịch nước vào ngày 21/10/2024.
Nguồn : BBC, 12/11/2024
***********************
Cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile vì cáo buộc "xâm hại tình dục"
RFA, 12/11/2024
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường diễn ra không mấy suôn sẻ khi cận vệ của ông Cường bị bắt giữ tại Chile vì cáo buộc xâm hại tình dục một công dân Chile.
Tổng thống Chile Gabriel Boric bắt tay với Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường hôm 11/11/2024 - Reuters
Bộ Ngoại giao Chile cho biết hiến binh nước này đã bắt giữ "một thành viên lực lượng an ninh của phái đoàn Việt Nam" vào ngày Chủ nhật sau khi người này bị một công dân Chile cáo buộc lạm dụng tình dục.
Bản tin bằng tiếng Tây Ban Nha của hãng tin AP hôm 11/11 cho hay, một tòa án ở thủ đô Santiago trong cùng ngày ra phán quyết buộc người đàn ông này phải rời khỏi Chile và không được tái nhập cảnh trong ít nhất hai năm.
Theo bản dịch bài báo từ tiếng Tây Ban Nha của công cụ dịch thuật của Google qua tiếng Việt cho biết, cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường này cũng bị cấm không được có bất kỳ hình thức liên lạc nào với nạn nhân.
Công tố viên chịu trách nhiệm về vụ án, Félix Rojas, giải thích với các nhà báo rằng thỏa thuận đạt được với sự đồng ý của người khiếu nại và luật pháp Chile đưa ra "các giải pháp thay thế" cho "các trường hợp cụ thể" về tội lạm dụng tình dục được coi là ít nghiêm trọng hơn, ngoài ra ông này chưa có tiền án.
Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren nói với báo chí rằng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã xin lỗi về vụ việc và cho biết "Việt Nam đã đề nghị hợp tác đầy đủ để làm rõ vụ việc này".
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gửi email cho Đại sứ quán Việt Nam tại Chile để hỏi về vụ việc, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
Trong bản Bản tin trên kênh Youtube 24 Horas - TVN Chile (24 giờ - TVN Chile) cho thấy, sau phán quyết của tòa án Chile người cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bịt khẩu trang và đi ra thang máy trong vòng vây của báo giới.
Một phóng viên hỏi ông này bằng tiếng Anh : "Ông có biết nói tiếng Anh không ?"
"No, no", người đàn ông Việt Nam trả lời. Phóng viên khẳng định ông này có thể nói tiếng Anh nhưng người đàn ông lẩn tránh và rời đi.
Điều gì đã xảy ra ?
Tờ nhật báo La Tercera của Chile cho biết, hiến binh nước này bắt giữ quan chức tháp tùng của phái đoàn Chủ tịch nước Việt Nam vào tối Chủ nhật khi một nhân viên tại khách sạn nơi ông này ở cáo buộc ông lạm dụng tình dục.
Đài CNN Chile cũng đưa thông tin về vụ việc cho biết, vụ án được đình chỉ có điều kiện và người cận vệ của Lương Cường sẽ phải ở lại Đại sứ quán Việt Nam trước khi đi cùng phái đoàn của Chủ tịch nước sang Peru vào ngày 13/11.
Bà Antonia Orellana, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Bình đẳng giới của Chile xác nhận rằng nạn nhân đã được hỗ trợ pháp lý, bà này cho biết thêm bộ sẽ cung cấp sự hỗ trợ tâm lý xã hội bổ sung nếu nạn nhân yêu cầu.
Trong khi cả nhật báo La Tercera, hãng tin AP và CNN Chile đều không nêu danh tính của người cận vệ, tuy nhiên, đài phát thanh Cooperativa đăng tải hình ảnh và nêu rõ thủ phạm trong vụ việc là Lai Dac Tuan (tiếng Việt không dấu).
Ông Javier Olivares A, cựu thông tín viên nước ngoài của đài truyền hình Univision nói tiếng Tây Ban Nha của Mỹ cũng viết trên mạng xã hội X thông tin về vụ việc và hình ảnh người đàn ông được cho là Lai Dac Tuan (59 tuổi).
Phóng viên RFA tìm thông tin trên mạng xã hội và phát hiện trang Facebook Tuấn Lại Đắc đăng tải những hình ảnh có dung mạo phù hợp với người xuất hiện tại phiên tòa của Chile.
Trang cá nhân này vào tháng 10/2014 đăng tải hình ảnh ông mặc sắc phục công an với cấp hàm Thượng tá đứng ở hội trường Quốc hội, phía sau là dòng chữ Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8.
Một tấm ảnh khác của ông này đăng tải vào ngày 26/1/2017 cho thấy một bàn thờ tất niên 30 Tết của Phòng hậu cần K10 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an Việt Nam, đây là cơ quan bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ các nguyên thủ, khách quốc tế...
Trang Facebook của người này cập nhật lần cuối cùng vào ngày 30/4/2021.
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường đến Chile hôm 9/11 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nhằm tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, đánh dấu chuyến đi đầu tiên tới Chile của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam kể từ năm 2009, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức.
Sáng 11/11, Lương Cường đã được người đồng cấp Chile Gabriel Boric tiếp đón tại Cung điện La Moneda, nơi cả hai tổ chức gặp gỡ và ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương về nông nghiệp, quốc phòng, văn hóa và xúc tiến xuất khẩu.Tổng thống Chile lưu ý, chuyến đi của Lương Cường và phái đoàn tới quốc gia Nam Mỹ này "tái khẳng định những ưu tiên chiến lược của Chile nhằm xích lại gần nhau hơn và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Châu Á".
Việt Nam là đối tác thương mại đầu tiên của Chile trong số các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chỉ tính riêng nửa đầu năm 2024, thương mại giữa hai nước đạt 803,6 triệu USD.
Nguồn : RFA, 12/11/2024
Tân Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ nhậm chức : Có gì đáng chú ý ?
BBC, 21/10/2024
Chiều 21/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Tân Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ - Dang Anh/AFP
Nghị quyết bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội bầu chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư.
Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Lương Cường đã được Đảng cộng sản Việt Nam quyết định từ trước.
Chiều 20/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết tại hội nghị lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 18-20/9), Trung ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước.
Bà Hải nói việc thực hiện quy trình bầu chủ tịch nước là "cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Quốc hội".
Như vậy, việc bầu chủ tịch nước tại Quốc hội chỉ là thủ tục tái khẳng định ý chí của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc sắp xếp nhân sự chủ chốt.
Sau khi được bầu, tân chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.
Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm. Như vậy, ông Tô Lâm hiện chỉ còn giữ chức tổng bí thư, tập trung cho công tác đảng.
Với diễn biến mới nhất này, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng kiến bốn lần tuyên thệ chủ tịch nước của các ông : Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm có nhiệm kỳ chủ tịch nước ngắn nhất lịch sử, chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
Đây được coi là một nhiệm kỳ đầy sóng gió, với các diễn biến trời long đất lở trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước.
'Không mơ làm cấp này, chức kia'
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.
Ông Lương Cường đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ :
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi Lương Cường, Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ : Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, ông Lương Cường bày tỏ lời "cảm ơn đến Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tin cậy, giới thiệu tôi đảm nhiệm trọng trách cao cả này".
"Tháng 2/1975, trong không khí hào hùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, tôi xung phong đi bộ đội với ý thức và tâm niệm đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng, còn sống trở về là sung sướng hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia".
Tân Chủ tịch nước Lương Cường cũng nói đến việc giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng và nhấn mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trường hợp đặc biệt
Việc ông Lương Cường làm chủ tịch nước có thể thấy là ông được Trung ương xét "trường hợp đặc biệt".
Xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên và "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".
Bộ Chính trị khóa hiện tại là nhiệm kỳ đầu tiên ông Cường tham gia nên ông chưa đạt yêu cầu "trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên" và theo một số nhà quan sát, ông cũng chưa từng làm lãnh đạo tỉnh hay bộ trưởng.
Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu "trường hợp đặc biệt" cho Tứ Trụ, nên dù ông chưa hội đủ một số tiêu chuẩn thì Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định trường hợp ngoại lệ.
Đáng chú ý, trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Lương Cường đã có chuyến đi khá lặng lẽ đến Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9-12/10. Tại đây, ông đã có dịp hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Việc ông Lương Cường, lúc bấy giờ là thường trực Ban Bí thư, có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình cho thấy có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, hiện đã quá 65 tuổi, nếu ông không được vào Tứ Trụ để có suất đặc biệt tại Đại hội 14 (diễn ra tháng 1/2026) thì ông sẽ phải về hưu. Giờ đây, với việc được bầu làm chủ tịch nước, ông có cơ hội tiếp tục sự nghiệp chính trị ở nhiệm kỳ kế tiếp (2026-2031).
Tiểu sử tân Chủ tịch nước Lương Cường
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 ; bí thư Trung ương Đảng khóa 12 ; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13 ; đại biểu quốc hội khóa 15.
Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và vào 11/2013). Ông có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.
Xét quá trình công tác của ông Lương Cường, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác đảng. Tại Việt Nam, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.
Từ một chiến sĩ, thiếu úy năm 1979, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm : 1981 - trung úy ; 1982 - thượng úy ; 1985 - đại úy ; 1989 - thiếu tá ; 1993 - trung tá ; 1997 - thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.
Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức phó tư lệnh về chính trị, bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông có hơn một năm làm chính ủy Quân đoàn 2.
Từ tháng 1/2008 đến 5/2011, ông giữ chức chính ủy Quân khu 3 và được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015, ông giữ chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương ; ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ; ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Ông được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.
Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Vào ngày 20/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, ông Lương Cường được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai.
Vào ngày 21/10/2024, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.
Nguồn : BBC, 2110/2024
**************************
Lương Cường được bầu làm chủ tịch nước thay Tô Lâm
VOA, 21/10/2024
Quốc hội Việt Nam hôm 21/10 bầu ông Lương Cường, thường trực Ban bí thư, giữ chức Chủ tịch nước, thay cho ông Tô Lâm để ông Lâm tập trung làm tổng bí thư, truyền thông trong nước đưa tin.
Ông Lương Cường tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước vào chiều ngày 21/10/2024
Thông tấn xã Việt Nam và cáo báo do nhà nước Việt Nam quản lý cho biết rằng ông Cường đã được toàn thể 100% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với số phiếu là 440/440.
Ngay sau khi được bầu, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức và có bài diễn văn trước Quốc hội mà trong đó ông có lời cảm ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và cá nhân ông Tô Lâm "đã tin cậy, giới thiệu", theo tường thuật của cáo báo trong nước, gồm Tuổi Trẻ và Dân Trí.
"Tôi ý thức và tâm niệm, đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng còn sống trở về là sung sướng, hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia", ông Cường được dẫn lời nói trước Quốc hội, kể lại lúc ông xung phong đi bộ đội vào tháng 2 năm 1975.
Trong diễn văn nhậm chức, ông Cường, vốn có xuất thân từ quân đội, cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh, và xây dựng quân đội để đảm bảo "luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân".
Ông Cường được giới thiệu làm chủ tịch nước sau Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hồi giữa tháng 9. Ông sẽ phục vụ thời gian còn lại của nhiệm kỳ là khoảng hơn 1 năm cho đến giữa năm 2026 khi Quốc hội Việt Nam nhóm họp bầu nhiệm kỳ mới.
Theo tiểu sử tóm tắt được báo Tin Tức đăng tải, ông Cường năm nay 67 tuổi, quê quán ở tỉnh Phú Thọ và trưởng thành từ quân đội. Ông vào Bộ Chính trị vào đầu nhiệm kỳ khóa 13 năm 2021 mà khi đó ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi bà Trương Thị Mai bị Đảng kỷ luật và mất chức Thường trực Ban bí thư tại Hội nghị trung ương 9 hồi tháng 5, ông Cường đã lên thay bà Mai.
Ông là vị chủ tịch nước thứ 4 của Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sau các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm. Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, Việt Nam đã trải qua 4 đời chủ tịch nước, con số kỷ lục từ trước đến nay vốn cho thấy biến động chưa từng thấy trong nội bộ Đảng.
Được Quốc hội bầu hôm 22/5, ông Tô Lâm đã giữ chức chủ tịch nước tròn 5 tháng cho đến khi được thay thế. Với việc bàn giao chức vụ này, vốn chủ yếu mang tính nghi lễ với những công việc như tiếp quốc khách, thăm viếng, khen thưởng, ông Tô Lâm hiện chỉ làm tổng bí thư chứ không kiệm nhiệm 2 chức như trước vào lúc Đảng cộng sản đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026".
Việc bổ nhiệm ông Cường làm chủ tịch nước mới là một "động thái ổn định hệ thống" sau thời kỳ hỗn loạn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có tru sở ở Singapore, nhận định với AP.
"Việc bổ nhiệm ông Lương Cường thể hiện nỗ lực có chủ đích nhằm khôi phục sự cân bằng giữa các phe phái quân đội và công an của Việt Nam, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng năm 2026", ông Giang nói với AP.
"Bằng cách nhường lại chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm cho thấy cam kết của mình đối với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đồng thời vẫn giữ được quyền lực quyết định trong hệ thống".
Ba trong bốn chức danh lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam hiện nay, vốn thường được gọi là tứ trụ, đều nằm trong tay giới công an và quân đội. Nếu như ông Cường có xuất thân từ quân đội thì ông Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đi lên từ công an. Chỉ có Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn là có xuất thân dân sự.
Nếu tính trong Bộ Chính trị thì cánh vũ trang hiện chiếm hơn một nửa với 8 trong số 15 ủy viên, trong đó có 3 người bên quân đội là Chủ tịch nước Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong khi cánh công an có đến 5 ủy viên Bộ Chính trị là ông Lâm, ông Chính, phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Hiện giờ chưa có thông tin về việc ai sẽ lên thay ông Cường lên làm Thường trực Ban bí thư, chức vụ chuyên xử lý công việc hàng ngày của Đảng.
Những người chỉ trích thì cho rằng việc bổ nhiệm ông Cường sẽ mở rộng đàn áp ở Việt Nam.
Ông Ben Swanton của Dự án 88, một nhóm ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, nói với AP rằng ông Cường sẽ là "phụ tá đáng tin cậy" của ông Lâm.
"Việc đưa Lương Cường lên làm chủ tịch nước là một ví dụ nữa về sự mở rộng của nhà nước cảnh sát ở Việt Nam", ông Swanton nói.
Nguồn : VOA, 21/10/2024