Với tình trạng đàn áp dân chủ nhân quyền gia tăng, Việt Nam có thể sẽ phải trả giá bằng nền kinh tế, một tác giả đưa ra nhận định trên Bloomberg hôm 25/8.
Sự thiếu dân chủ của Việt Nam có thể sẽ phải trả giá bằng kinh tế, một nhà báo nhận định
Nhà báo Ilaria Maria Sala chuyên về Trung Quốc và Châu Á nhận định nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở 2,3%.
Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế phát triển, chính trị của Việt Nam đã trở nên khắt khe hơn. Ngày càng có nhiều nhà bất đồng chính kiến bị kết án nặng hơn.
Tác giả cho rằng những sự đàn áp này đang đe dọa tiến trình phát triển kinh tế vốn đã rất khó khăn để đạt được của Việt Nam.
Và có thể chế độ cộng sản cầm quyền sẽ bắt đầu để ý đến điều này.
'Thiếu dân chủ sẽ phải trả giá bằng kinh tế'
Chỉ trong năm nay, blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - "Mẹ Nấm" - bị tuyên án 10 năm tù vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước".
Trần Thị Nga, một nhà bất đồng chính kiến khác, cũng chịu chín năm tù với cùng tội danh trên.
Năm ngoái, blogger Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên án 5 năm tù giam vì "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước". Trợ lý của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, được trả tự do vào tháng Năm năm nay.
Mặc dù tất cả những trường hợp này đều bị các nhóm nhân quyền lên tiếng chỉ trích, nhưng có ít dấu hiệu cho thấy chế độ cộng sản cầm quyền có ý định thuyên giảm các vụ bắt giữ.
Bà Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước cộng sản Việt Nam, theo điều 88 Bộ luật Hình sự
Tuy nhiên, tác giả cho rằng nghi vấn bắt cóc cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh có thể là một bước ngoặt.
Khi quan chức Đức còn đang xem xét đơn xin tị nạn của ông Thanh thì ông bị bắt cóc ở Berlin bởi tình báo Việt Nam, theo cáo buộc của chính phủ Đức.
Vụ việc này có thể gây nguy hiểm cho một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU).
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, thương mại giữa hai bên tăng từ 10 tỷ đôla lên hơn 48 tỷ đôla.
Thỏa thuận thương mại được đề xuất sẽ cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm từ hàng dệt may, giày dép đến hải sản cho Việt Nam - một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu - tiếp cận thị trường với hơn 500 triệu người. Ước tính thỏa thuận sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên khoảng 2,7% mỗi năm.
Việt Nam còn phụ thuốc rất lớn vào xuất khẩu, làm mích lòng nước lớn liệu có lợi ?
Ngay cả trước khi có nghi vấn bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một số quốc gia EU đã tranh cãi rằng thỏa thuận thương mại này chỉ nên được phê chuẩn với điều kiện Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Việc khiến nền kinh tế mạnh nhất EU nổi giận bằng cách tiến hành bắt giữ trái phép ngay trên lãnh thổ của nước này không hề giúp cải thiện tình hình. Các chiến thuật như vậy cũng có thể cản trở đầu tư, tác giả ghi nhận thêm.
Những đối thủ canh trạnh vốn đầu tư nước ngoài - như Indonesia và Philippines - là các nền dân chủ. Hai quốc gia này tất nhiên cũng có vấn đề riêng.
Nhưng các nghiên cứu cho thấy các thể chế dân chủ có thể làm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam có thể gia tăng đáng kể FDI bằng cách mở rộng nền dân chủ, nhà báo Sala nhận định.
Việc đàn áp thêm, nói cách khác, sẽ là một bất lợi trong cạnh tranh.