Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/09/2017

Vòi bạch tuộc Trung Quốc muốn bò vào dự án sân bay Long Thành

Đất Việt

Geleximco muốn cùng Trung Quốc xây Long Thành : Thận trọng (Đất Việt, 31/08/2017)

Sân bay Long Thành có vị trí vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững của Việt Nam, do đó phải hết sức thận trọng.

Liên quan đến việc Tập đoàn Geleximco muốn bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc làm sân bay Long Thành với khẳng định "giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại", bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội TP Hà Nội khóa XIII đặc biệt lưu ý Việt Nam phải thận trọng.

"Sân bay Long Thành có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững của Việt Nam. chính vì thế đề nghị Chính phủ phải cân nhắc, cực kỳ cẩn trọng khi lựa chọn nhà đầu tư.

Việt Nam đã có nhiều bài học với nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc khi nhiều công trình do họ đảm nhận liên tục bị chậm tiến độ, đội vốn", bà Bùi Thị An nói.

sanbay1

Khi báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua mới có cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư cho dự án sân bay Long Thành

Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XIII cũng lưu ý, ngay cả đối với nhà đầu tư trong nước, khi lựa chọn các nhà liên doanh, liên danh, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, cũng phải thận trọng, xem xét kỹ năng lực đơn vị mình sẽ hợp tác, cả về năng lực con người lẫn năng lực tài chính, khoa học công nghệ.

"Không thể biết lời hứa của họ thế nào nên chuyện này phải có tờ trình cụ thể và cam kết rõ ràng", bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Theo bà, đối với dự án sân bay Long Thành, từ nay đến giai đoạn tuyển chọn nhà thầu còn xa nhưng không được xem nhẹ việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, đặc biệt phải công khai, minh bạch để tăng tính cạnh tranh, chọn được nhà thầu tốt nhất.

"Tôi cho rằng cần quy trách nhiệm rõ ràng đối với cả người phê duyệt thầu. Nếu chọn nhà thầu nào đó, liệu người đó có chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, Nhà nước về tiến độ hay không, nếu không thì sẽ thế nào ?", bà Bùi Thị An đặt câu hỏi.

Tỏ ra thận trọng, ông Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội cho biết, việc đặt ra vấn đề ai đầu tư, tuyển chọn nhà thầu cho dự án sân bay Long Thành vào lúc này là hơi sớm và những thông tin vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ là dư luận nói.

"Quốc hội mới chỉ thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành và vừa rồi thông qua nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần.

Từ đây đến giai đoạn mời gọi đầu tư còn xa vời nên theo tôi chưa vội bàn làm gì.

Tuy nhiên, nhìn chung, đối với bất kỳ dự án nào, cứ mời gọi đầu tư, đấu thầu công khai thì dù trong nước hay quốc tế, ai có đủ năng lực thì làm, không thể khác được", đại biểu Trương Minh Hoàng nói.

Ông nhấn mạnh, đối với mỗi dự án dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua các giai đoạn theo đúng quy định của pháp luật. Công trình càng lớn, giám sát càng nhiều, càng không thể cắt đoạn được. Ngay cả dự án chỉ định thầu cũng phải có hồ sơ dự án, nguồn vốn mới được chỉ định thầu... Tất cả phải tuân theo đúng quy trình.

Trước đó, trao đổi trên báo chí, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ này hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm dự án sân bay Long Thành. 

Dự án sân bay Long Thành có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.

Chính vì thế các bên cần phải chờ đến khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo các tiêu chí được quy định rõ trong báo cáo.

Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, căn cứ nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt để đề xuất những phương án cụ thể hơn.

Thành Luân

******************

Vì sao Geleximco muốn bắt tay doanh nghiệp Trung Quốc ? (Đất Việt, 28/08/2017)

Một khi hai đối tác có quan hệ làm ăn lâu dài, đã vào guồng với nhau rồi thì các vấn đề về định mức chi phí, ăn chia cũng dễ hơn.

Nếu đi đường cong, họ có thể bôi trơn để lót đường cho nhanh hơn, nhưng họ không làm việc đó vì nếu làm thì sau này không biết hạch toán vào đâu, không biết nói với ai, thậm chí họ có thể bị đưa ra tòa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

sanbay2

Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành

Một số ý kiến băn khoăn rằng Geleximco là tập đoàn mạnh với hơn 30 công ty thành viên, liên doanh liên kết trong lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ…, doanh thu năm 2013 đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Với tiềm lực như vậy, nếu Geleximco kết hợp với những đối tác của họ là doanh nghiệp Trung Quốc, được giới thiệu là có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản lý dự án đầu tư và xây dựng, trong trường hợp được giao thực hiện các dự án hạ tầng giao thông lớn, đó có thể là tín hiệu tốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến hợp tác.

Về điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tỏ ra kém tin tưởng. Ông thẳng thắn : "Đối với số liệu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân, độ tin cậy của chúng không cao.

Đừng nghĩ những cái đó chứng minh cho năng lực tài chính. Có nhiều các đại gia khoe vốn nọ, vốn kia nhưng thực chất đó là tiền họ đi vay của các ngân hàng, các tập đoàn tài chính, còn bản thân họ có gì thì đấy là cả một vấn đề.

Làm kinh tế phải nhìn vào thực lực và thực chất, đừng nghe một chiều giới thiệu của chủ đầu tư. Ai bán hàng cũng bảo hàng mình tốt, ai muốn nhận thầu chẳng nói năng lực tài chính của mình tuyệt vời, nhưng thực tế có khi toàn là thùng rỗng, mà thùng rỗng vỗ mới kêu to".

Nói không với nhà thầu Trung Quốc

Trở lại với dự án sân bay Long Thành, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam muốn xây dựng sân bay Long Thành thành một sân bay lớn của Đông Nam Á với tổng chi phí rất lớn, thời gian xây dựng dài và mức độ đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Đây cũng là dự án ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong 50-70 năm tới vì lưu lượng hàng không sẽ tăng lên một cách đáng kể.

Ông khẳng định, nếu chọn các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành là không hợp lý vì các tập đoàn trong nước dù lớn nhưng còn rất lâu mới xứng tầm thế giới.

Đặc biệt, đây lại là dự án rất lớn và quan trọng, đòi hỏi độ chính xác cao . Vì thế, việc lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài là một trong những đòi hỏi lớn.

Mặt khác, xét về năng lực tài chính, vị chuyên gia lưu ý phải tìm đến nhà đầu tư lớn của thế giới và có kinh nghiệm thực thi các dự án.

"Trung Quốc không có kinh nghiệm xây sân bay quốc tế lớn. Hơn nữa, đối với các nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam đã có quá nhiều bài học đắt giá về việc đội giá, hạ thấp tính năng kỹ thuật, thay đổi kết cấu dự án... Cho nên, nếu tiếp tục chọn thì ngựa lại theo đường cũ và Việt Nam sẽ giẫm vào vết xe đổ từ nhiều năm nay.

Dự án sân bay Long Thành là dự án sẽ tồn tại lâu dài và đòi hỏi có tầm nhìn dài hạn, độ bền vững để có thể khai thác, vận hành trong thời gian hàng trăm năm. Chính vì thế cần cẩn trọng và không nên ngại ngần bỏ ra chi phí lớn hơn cho việc đảm bảo chất lượng và các yêu cầu kết cấu, tính năng của một dự án trọng điểm như vậy", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Thành Luân

********************

Geleximco muốn hợp tác Trung Quốc xây Long Thành : Đừng ngây thơ ! (Đất Việt, 25/08/2017)

Thiết kế và xây dựng sân bay là một trình độ kỹ thuật cao, hiện đại nên phải dùng nhà tư vấn quốc tế, đừng lựa chọn Trung Quốc.

Báo cáo tiền khả thi chưa đạt yêu cầu

Tập đoàn Geleximco vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành, theo hình thức đối tác công tư.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/8, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết : "Tất cả các dự án đều phải có đánh giá nghiên cứu độc lập, nhưng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng sân bay Long Thành lại chưa đạt hiệu quả.

Chúng ta phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho đàng hoàng thì mới nghĩ đến những giai đoạn tiếp theo, tôi đã nói công khai rất nhiều lần về việc này.

Khi chúng tôi đưa ra Báo cáo tiền khả thi dự án không đạt yêu cầu vì thiếu báo cáo tài chính nhưng cả Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không không trả lời thẳng vào vấn đề đó mà lại lái sang vấn đề chứng minh hiệu quả mới làm, bỏ qua nghiên cứu tiền khả thi về hiệu quả tài chính.

Trong khi dự án lớn như Long Thành cần chứng minh hiệu quả tài chính hay không, hiệu quả như thế nào, nếu thua lỗ tài chính thì thua lỗ đến đâu chứ không thể để trống như vậy.

Khi biết Báo cáo tiền khả thi không tốt nhưng vẫn cho qua, đến giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án đầu tư, chúng ta sẽ lãng phí hàng trăm triệu để rồi kết luận dự án không hiệu quả nên không đầu tư".

sanbay3

Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành

Để lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Tống, Bộ Giao thông vận tải phải có một nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cho đầy đủ, đúng mức. Không nên ra một đầu bài, rồi các doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc và mời công ty Trung Quốc tham gia. Họ vừa nghiên cứu khả thi rồi đứng ra đầu tư, sẽ phát sinh mâu thuẫn quyền lợi mà chúng ta cần tránh.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, nghiên cứu khả thi sẽ là vấn đề tổng thể trên vấn đề nhu cầu hàng không của khu vực phía Nam. Việc này không dễ làm. Hiện nay, các công ty tư vấn quốc tế chưa chắc ai đã mặn mà nhảy vào.

Có nên hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc ?

Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, giờ một doanh nghiệp Việt muốn mời Trung Quốc vào đầu tư sẽ không thể dễ dàng. Nếu riêng sân bay Long Thành thì đơn giản nhưng còn vấn đề kết nối với giao thông thành phố nữa. Vì vậy, hiện nay đặt ra vấn đề này là không hợp lý.

Mặt khác, hàng không là vấn đề quan trọng liên quan đến chính trị xã hội, an ninh quốc phòng. Không thể ngây thơ, dại dột, cố tình lệ thuộc vào Trung Quốc bằng phương án đó. Không được chủ quan trong việc lựa chọn đơn vị xây dựng.

"Chúng ta đã có quá nhiều bài học. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, gây tai nạn chết người cũng là nhà thầu Trung Quốc, và hàng loạt các dự án nhà máy thép cũng là Trung Quốc sau lưng...

Chúng ta đã có quá nhiều bài học đau đớn, nên dứt khoát phải từ chối thẳng thắn ngay từ đầu", ông Tống chỉ rõ.

Nhất định phải chọn công ty mang tầm quốc tế

Là người nghiên cứu sâu về hàng không, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không phân tích : "Thứ nhất, xây dựng sân bay không thể chọn đơn vị xây dựng loại 2, phải hạng nhất thế giới.

Long Thành hứa hẹn là sân bay lớn nhất Việt Nam, với tham vọng trở thành một sân bay khu vực Đông Nam Á, sân bay quốc tế thì không thể dùng các nhà thầu nội địa. Trung Quốc dù là quốc gia lớn, nhưng họ cũng phải thuê công ty quốc tế chứ không phải Trung Quốc tự làm cho Trung Quốc, tiêu biểu sân bay Bắc Kinh cũng nhà thầu quốc tế làm.

Như chúng ta biết các công ty Châu Á rành về hàng không là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, nhưng dù giỏi họ vẫn thuê công ty tư vấn quốc tế về làm chứ không tự làm.

Thứ hai, Trung Quốc khẳng định không có kinh nghiệm xây dựng sân bay quốc tế lớn, nên đừng đặt vấn đề đó. Ở đây không phải vấn đề giá cả mà còn là chất lượng.

Tôi có một số thời gian nghiên cứu về các công ty quốc tế có năng lực về xây dựng sân bay, nhưng thấy Mỹ, Anh, Hà Lan là có nhiều kinh nghiệm nhất, đến nước phát triển như Singapore không phải Singapore làm, sân bay Hồng Kông cũng vậy, họ cũng thuê công ty quốc tế làm.

Vì vậy, việc hợp tác với Trung Quốc chúng ta không cần bàn tính tới, loại bỏ ngay từ đầu".

Châu An

Quay lại trang chủ
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)