Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/09/2017

Quan sai phạm Formosa về hưu, lập khu mại dâm, độc quyền sách

Tổng hợp

Ông Võ Kim Cự sắp nghỉ hưu (BBC, 13/09/2017)

Ông Võ Kim Cự sắp thôi chức Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam từ ngày 1/10 để nghỉ hưu theo chế độ.

vokimcu1

Ông Võ Kim Cự (phải) nói chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp Quốc hội hôm 20/5/2014

Trước đó, ông Cự đã bị Đảng Cộng sản kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ đã đảm nhiệm trước đây (trừ chức Chủ tịch liên minh Hợp tác xã Việt Nam).

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sẽ bàn giao chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ ngày 1/10/2017.

Báo Thanh Niên mô tả điều họ gọi là một nguồn tin từ Văn phòng trung ương Đảng xác nhận "việc Thủ tướng sẽ cho ông Cự thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã từ tháng sau".

Báo này dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích việc ông Cự nắm vị trí Phó Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã "là chức danh kiêm nhiệm được giao cho Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam".

"Bất cứ ai giữ chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thì sẽ kiêm nhiệm vai trò Phó ban đó, chứ không có chuyện bị kỷ luật mà vẫn được giao thêm trọng trách", ông Dũng nói.

Đến thời điểm này chưa thấy có dấu hiệu nào ông Cự hoặc những quan chức sai phạm vụ Formosa sẽ bị truy tố.

vokimcu2

Formosa Hà Tĩnh được xác định là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung năm 2016

Hồi tháng Hai năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Cự "đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ; buông lỏng quản lý, điều hành ; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án ; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh".

Thông cáo ngày 21/04 của Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản nói ông "đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ; giao và cho thuê mặt nước biển ; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định, thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hồi tháng Tư năm nay cho biết : "Các chức vụ trước làm sai đã cách chức hết rồi. Chức vụ hiện tại là làm Chủ tịch liên minh Hợp tác xã của ông Võ Kim Cự chưa sai".

Tuy nhiên bà Ngân nói ông Cự "vào Quốc hội bằng suất của Chủ tịch liên minh Hợp tác xã" và Quốc hội sẽ làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và Chính phủ làm thủ tục cho nghỉ hưu đối với ông Võ Kim Cự, vì đã đến tuổi nghỉ hưu.

"Điều đó có nghĩa là nghỉ hưu là hết chức. Chức trong quá khứ là cắt, chức hiện tại là thôi đồng nghĩa không còn gì nữa", bà Ngân nói

Ngày 15/5/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết chấm dứt tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự.

Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bốn người liên quan tới Formosa, ông Cự bị xóa tư cách nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015.

*********************

Việt Nam : mở mại dâm ở đặc khu 'táo bạo nhưng khó làm' ? (BBC, 13/09/2017)

Một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận với BBC rằng đề xuất cho lập khu đèn đỏ trong các đặc khu kinh tế ở Việt Nam "rất táo bạo, nhưng khó khả thi".

vokimcu3

Hoạt động mại dâm vẫn diễn ra ở Việt Nam dù bị coi là bất hợp pháp

Ba đặc khu kinh tế dự kiến được triển khai là Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển được truyền thông Việt Nam hôm 12/9 dẫn lời : "Ở ba đặc khu kinh tế đang xây dựng phải đồng ý cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không thể có, ví dụ kinh doanh sòng bạc, thậm chí phải có khu phố vui chơi "đèn xanh, đèn đỏ". Cuộc sống có những đòi hỏi thực tế như thế, phải "thuận" theo và tính hướng quản lý phù hợp".

Hôm 13/9, Luật gia Nguyễn Đình Hà nói với BBC :

"Tôi nghĩ rằng, đề xuất lập khu đèn đỏ trong các đặc khu kinh tế là rất táo bạo, nhưng khó khả thi".

"Bởi pháp luật Việt Nam chưa hợp pháp hóa mại dâm và nhiều người còn lấy vấn đề truyền thống văn hóa, đạo đức ra để ngăn cản".

"Tuy dù là đặc khu kinh tế thì có nhiều đặc cách về thủ tục hành chính, chính sách thuế quan, tín dụng..., nhưng không có nghĩa là trong lĩnh vực pháp luật hình sự (ở đây là chế định liên quan đến mại dâm trong luật hình sự) có điểm khác biệt so với toàn quốc".

vokimcu4

Báo Việt Nam nói từ năm 2017, Phú Quốc hướng đến xây dựng mô hình "đặc khu kinh tế"

'Có nhiều thay đổi'

Ông Hà cũng cho biết thêm : "Trên thực tế, cách tiếp cận của chính quyền Việt Nam trong vấn đề mại dâm đã có nhiều thay đổi trong nhiều năm qua, mặc dù chưa công nhận mại dâm".

"Trước đây, người mua dâm ngoài việc bị xử phạt, sẽ bị thông báo về địa phương cư trú, nơi làm việc, nhưng hiện nay họ không còn bị như vậy".

"Đối với người bán dâm, trước đây họ bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, không qua bất cứ trình tự tố tụng nào, còn nay thì chỉ bị xử phạt hành chính".

"Nhìn chung, vấn đề mại dâm khó có thể cấm hay ngăn chặn. Tôi nghĩ nên công nhận để tạo cơ chế quản lý hữu hiệu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và bảo vệ quyền lợi cho người bán dâm".

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang được báo Tuổi Trẻ dẫn lời là "chưa nghe ai kiến nghị việc sắp tới khi thành đặc khu Phú Quốc, nơi này nên có "phố đèn đỏ".

"Đây là vấn đề nhạy cảm ở xã hội Việt Nam. Chỉ riêng việc cho phép dịch vụ giải trí có casino ở Phú Quốc thôi cũng phải bàn đi bàn lại rất nhiều lần, còn ở đây là hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nên tôi nghĩ không hề đơn giản", báo này ghi nhận lời ông Dũng.

Hợp pháp hóa mại dâm là vấn đề gây tranh cãi tại Việt Nam trong những năm qua nhưng chưa ngã ngũ.

Hồi năm 2013, ông Nguyễn Xuân Anh, thời điểm đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, gây nhiều tranh cãi khi ông nói rằng "hình như phải có dịch vụ mại dâm thì khách du lịch mới tới" và thừa nhận : "Nói đến mại dâm là nó xuất hiện không chừa hang cùng, ngỏ hẻm nào cả".

Hồi tháng 7/2017, báo Tuổi Trẻ cho hay, toàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 180 đối tượng mại dâm có hồ sơ quản lý, trong có người có độ tuổi 48 - 64 chiếm hơn 12%. Tuy vậy, truyền thông Việt Nam thường xuyên đưa tin về việc phá đường dây môi giới mại dâm ngàn đô do các hoa khôi cầm đầu.

******************

Độc quyền xuất bản sách giáo khoa : "Một sai lầm hết sức tệ hại" (RFA, 12/09/2017)

Sự độc quyền xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục bấy lâu nay đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận do những bất cập nó mang lại. Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần đề ra chủ trương thay đổi sự độc quyền này nhưng cho đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ".

vokimcu5

Một học sinh tiểu học đang cầm cuốn sách Lịch sử và Địa lý lớp 4 của NXB Giáo Dục. Vietnamnet

Báo Giáo Dục ngày 4/9 vừa qua đã đăng tải bài viết với tựa "Lợi nhuận khủng nhờ giỏi kinh doanh hay móc túi nhân dân", trong đó tác giả một lần nữa nhắc đến vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa và đặt ra những câu hỏi liên quan đến doanh thu của nhà xuất bản Giáo Dục.

"Độc quyền là không tốt"

Nhà xuất bản Giáo dục thuộc sự quản lý của Nhà nước Việt Nam và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà xuất bản này được thành lập năm 1957 và hiện vẫn là cơ quan duy nhất có nhiệm vụ biên soạn và in ấn sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến 12.

Cách đây hơn chục năm, tác giả Vũ Ngọc Tiến từng viết một bài về sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục, đăng trên web của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam VUSTA. Trong bài viết, tác giả nêu rõ một vấn đề đó là "quá trình đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa không có một tổng công trình sư đủ tài và đủ tâm để chỉ huy".

Bài báo trích dẫn ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh, là đại biểu Quốc hội và một nhà ngoại giao kỳ cựu, nói rằng "Sách giáo khoa trở thành công nghiệp kinh doanh khổng lồ của ngành giáo dục, đẩy hàng chục triệu học sinh thành "máy đẻ tiền" cho họ". Bài viết cũng kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe và thay đổi bởi vì "Sức dân đang vơi cạn vì Nhà xuất bản Giáo dục vẫn độc quyền in đi in lại và phát hành sách giáo khoa".

Đến thời điểm tháng 9 năm 2017, hơn chục năm sau khi bài báo này được đăng tải, học sinh các cấp lại nô nức chuẩn bị vào năm học mới với hành trang là bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo Dục ban hành.

Chúng tôi trao đổi với Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng bộ Công nghệ - Khoa học, hiện là Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức. Trước hết ông nhận định rằng trong bất cứ lĩnh vực gì sự độc tài vẫn là không tốt. Còn riêng với sách giáo khoa, ông cho rằng chỉ một nhà xuất bản thì lấy đâu ra sự cạnh tranh để thúc đẩy chất lượng :

Nếu như sách giáo khoa chỉ do Bộ Giáo dục chỉ định Nhà xuất bản thì nó gây ra tình trạng không có sự cạnh tranh trong việc soạn ra sách giáo khoa. Về chương trình thì có thể thống nhất toàn quốc nhưng sách giáo khoa thì cần có nhiều bộ khác nhau. Và các bộ sách này in ở nhà xuất bản Giáo Dục hay nhà xuất bản nào cũng được. Như vậy mới tạo ra một không khí tốt để có được những bộ sách tốt. Lúc bấy giờ bản thân các nhóm làm sách cũng đã có sự cạnh tranh để sách của mình được các nhà trường họ mua.

Theo lời Giáo sư Chu Hảo thì sự độc tài của nhà xuất bản Giáo Dục bắt nguồn từ luật giáo dục của Việt Nam. Theo đó thì từ năm 1998, Việt Nam đã đưa ra một điều khoản đó là giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục chịu trách nhiệm về chương trình và sách giáo khoa. Ông cho biết khi Bộ Giáo dục trình điều khoản này trước Quốc hội thì bản thân ông và những người khác đều không quá để ý đến hệ lụy của sự độc quyền này. Ông nói tiếp :

Sự độc tài đó xuất phát từ việc bộ trưởng Bộ giáo dục được chịu trách nhiệm toàn bộ chương trình sách giáo khoa. Do đó Bộ Giáo dục hoàn toàn có quyền lập ra nhà xuất bản Giáo Dục đó để thực hiện sự độc quyền của Bộ trưởng.

Một chuyên gia giáo dục khác là Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ với RFA rằng bản thân ông và đồng nghiệp đều không bằng lòng với cơ chế xuất bản sách giáo khoa độc quyền này và đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu sửa đổi. Ông đánh giá những "tai hại" cơ chế này sinh ra là do lợi ích nhóm trong việc xuất bản sách :

Mỗi lần như vậy đều tốn rất nhiều cho ngân quỹ và các phân khúc không được chuẩn bị và thực hiện một cách nghiêm túc. Cho nên sách giáo khoa trong những năm qua mắc rất nhiều lỗi, trong đó có những lỗi nặng nề vì người ta không giao cho những người có đủ trình độ cần thiết mà lại giao cho một nhóm lợi ích. Tôi cho rằng đây là chủ trương và hành động vì quyền lợi của một nhóm mà coi thường quyền lợi của người dân.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết nhiều cá nhân và tổ chức đã từng lên tiếng yêu cầu có nhiều bộ sách giáo khoa và Bộ Giáo dục đã hứa sẽ xem xét. Tuy nhiên ông cho rằng, do quyền lực của nhóm lợi ích cao hơn cả quyền lực của Bộ nên đến bây giờ vẫn chưa có sự thay đổi nào :

Tôi nghĩ tốt hơn hết bộ nên xóa bỏ bổn phận của mình về sách giáo khoa và làm chuyện khác như kiểm tra giáo dục hay đưa ra những đường hướng hay những chuyện của một chính quyền. Chứ chuyện làm sách không phải chuyện của bộ. Đó là chuyện của nhà sách. Bộ chỉ có nhà xuất bản Giáo Dục thì phải để cho người ta độc lập chứ không thể đặt dưới quyền chỉ huy của ông thứ trưởng được. Đó là sự sai lầm hết sức tệ hại. Đó là cái quái thai của cả một thời gian dài bốn mươi mấy năm. Đã đến lúc phải ngưng. Đó là lời yêu cầu khẩn thiết của tôi !

vokimcu6

Một số cuốn sách giáo khoa của NXB Giáo Dục Courtesy of marryliving.vn

Chúng tôi cũng trao đổi với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện là giáo viên đang giảng dạy tại Hà Nội. Dưới cái nhìn của một người giáo viên, thầy Khoa mong muốn Nhà nước đấu thầu xuất bản sách một cách công minh để ban hành những cuốn sách vừa chất lượng mà giá thành lại phù hợp với túi tiền của phụ huynh :

Nếu nhà xuất bản Giáo dục độc quyền nhưng lại làm cho giá thành cao thì rõ ràng gây thiệt hại cho dân. Tuy nhiên có đơn vị nào đấu thầu với giá rẻ hơn hay chưa thì chúng tôi cũng không nắm được.

Chờ đến bao giờ ?

Cũng trong bài viết in trên báo Giáo dục mà chúng tôi đề cập bên trên, tác giả cũng nói đến vấn đề mỗi năm Bộ Giáo dục chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành sách khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ, gây tốn kém tài chính cho phụ huynh.

Tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành dự thảo theo đó nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện theo chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa để khuyến khích các nhà xuất bản soạn sách. Tuy nhiên, sách phải đạt các tiêu chuẩn bộ đề ra trong đó có những đường lối, quan điểm của Đảng.

Tuy nhiên giáo sư Chu Hảo nhận định rằng chủ trương thì cứ đưa ra thôi, nhưng sẽ không sớm được đưa vào thực hiện. Ông đưa ra lý do :

Thực sự không khuyến khích các nhóm giáo dục và khoa học khác nhau đưa ra các phương án về sách giáo khoa khác nhau mà tất cả đều phải thông qua một quy định rất chặt chẽ đó là thông qua Bộ Giáo dục. Theo tôi nghĩ nếu không sửa từ luật, nếu không có sự phân tích, phản bác một cách quyết liệt hơn nữa của xã hội và các nhà giáo dục thì để kéo dài tình trạng này là rất không nên.

Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lại nghĩ rằng việc thay đổi sẽ sớm diễn ra, do những áp lực của dư luận hiện nay là quá lớn :

Ai cũng bức xúc hết trơn vì nó hoàn toàn vô lý và đi ngược quyền lợi của người dân. Nên tạo điều kiện cho việc xuất bản tự do. Nếu ban đầu chưa được thì nên kết hợp với các nhà xuất bản tư nhân để đưa ra các cuốn sách và thị trường sẽ quyết định sách nào sẽ xác định sách nào trường tồn và sách nào bị loại.

Theo quan điểm của ông thì đây là một cơ chế mà bất cứ quốc gia nào cũng cần đến, kể cả một đất nước Cộng sản như Việt Nam. Ông phân tích rằng những cuốn sách là nền tảng của ngành giáo dục mà lại đặt dưới tay một nhóm người thì giáo dục sẽ bị ngưng trệ và đi lạc đường.

Vừa rồi báo chí cho biết Việt Nam đang nghiên cứu nhập khẩu mô hình giáo dục Phần Lan. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng điều cốt lõi của mô hình giáo dục này là sự tự do lựa chọn sách và chương trình học của học sinh và giáo viên mà Việt Nam nên học hỏi.

Cần nói thêm là rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp,… không có mô hình một nhà xuất bản in sách giáo khoa cho cả nước. Thay vào đó có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân in sách, gửi cho các sở giáo dục và các sở sẽ quyết định cuốn sách nào phù hợp với học sinh của họ.

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)