Hội nghị trung ương 6 ‘xem xét kỷ luật' (BBC, 22/09/2017)
Hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra trong tuần đầu tháng 10. Trường hợp Bí thư Đà Nẵng, Ủy viên trung ương Đảng, Nguyễn Xuân Anh, có thể sẽ được Bộ Chính trị trình cho Ban Chấp hành trung ương tại hội nghị xem xét mức kỷ luật.
Thành phố Đà Nẵng (hình minh họa)
Sáng 22/9, Ủy ban kiểm tra trung ương đã vào Đà Nẵng công bố chi tiết kết luận về các sai phạm của các lãnh đạo thành phố này.
Trước đó, ủy ban kỷ luật của Đảng đã công bố trên phương tiện truyền thông các vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Theo quy trình của Đảng cộng sản, sau buổi họp tại Đà Nẵng, các cá nhân liên quan sẽ tiến hành kiểm điểm, rồi trình cho tổ chức Đảng xem xét hình thức kỷ luật.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, ủy viên trung ương Đảng, sẽ do Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành trung ương xem xét mức kỷ luật.
- 9 dự án sẽ bị điều tra gồm : Công viên An Đồn, khu đô thị Harbour Ville của Công ty Cổ phần Đầu tư Mega, khu đất tại đường 2-9 - Phan Thành Tài đường quy hoạch, dự án Phú Gia Compoud, khu dịch vụ du lịch nhà hàng - cà phê - bar và bến du thuyền, dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1 : 181 ha), lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng, khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông, khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5 ha).
- 31 nhà, đất công sản gồm : 16 Bạch Đằng, 20 Bạch Đằng, 158 Bạch Đằng, 07 Bạch Đằng, 100 Bạch Đằng, 318 Lê Duẩn, 57 Lê Duẩn, 17 Lê Duẩn, 354 Hùng Vương, 81 Hùng Vương, 89 Hùng Vương, 45 Nguyễn Thái Học, 47 Nguyễn Thái Học, 73 Nguyễn Thái Học, 319 Lê Duẩn, 36 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng...
Sau thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương, Bộ Công an cũng cho biết sẽ tiến hành điều tra việc bán nhà đất công tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng từ 2003 đến 2016.
Một loạt các báo chính thống tại Việt Nam cũng đăng các bài nêu "sai phạm" tại Đà Nẵng không chỉ dưới thời ông Nguyễn Xuân Anh, mà cả thời kỳ nắm quyền của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.
Thành phố Đà Nẵng từng được xem là mô hình nổi bật trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Bí thư của ông Nguyễn Bá Thanh (làm Bí thư Thành ủy từ 2003 đến 2013).
Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố này năm 2015.
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an đang điều tra các sai phạm trong việc thực hiện chín dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.
Trong đó, đa số đều được thực hiện từ năm 2006 đến 2012.
*****************
Điều tra 'mua bán nhà công sản' ở Đà Nẵng (BBC, 21/09/2017)
Cơ quan An ninh điều tra (A92) thuộc Bộ Công an đang điều tra những sai phạm trong việc thực hiện chín dự án mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước tại Đà Nẵng, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Ba căn nhà ở địa chỉ 45, 47 và 49 Nguyễn Thái Học được báo Tuổi Trẻ ghi nhận là do gia đình ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng
Theo VnExpress, ông Thơ được Cơ quan An ninh điều tra yêu cầu "cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giao nhà đất, thuộc đất sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay ; cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến chín dự án, mua, thuê 31 nhà công sản tại Đà Nẵng.
Báo này cũng cho hay Bộ Công an "sẽ cử tổ công tác ba người do Phó Cục trưởng Cù Gia Quảng dẫn đầu, vào xử lý vụ việc".
'Thiếu gương mẫu'
Danh sách 9 dự án nêu trên do báo InfoNet của Bộ Thông tin - Truyền thông công khai gồm : Công viên An Đồn, Khu đô thị Harbuor Ville của công ty Đầu tư Mega, Khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài đường quy hoạch, Dự án Phú Gia Compoud phường Tam Thuận, Khu dịch vụ du lịch nhà hàng - cà phê - bar và bến du thuyền nằm trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông, Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của công ty IVC.
Đáng lưu ý, trong danh sách 31 nhà, đất công sản bị điều tra có ba căn nhà ở địa chỉ 45, 47 và 49 Nguyễn Thái Học mà theo báo Tuổi Trẻ hôm 19/9, "gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng nhà 43 và hai ngôi nhà liền kề số 45 và 47. Nhưng rất "khéo léo", số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà".
"Tuy hai mà một, tuy một mà hai, nhìn bề ngoài chỉ còn thấy một số nhà : 43. Và ngôi nhà ấy bao gồm cả nhà 45 nối thông bên cạnh", báo này viết.
Tuổi Trẻ cũng đăng lại lời phát biểu của ông Xuân Anh tại cuộc họp báo ngày 31/12/2015 : "Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể từ chức bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi !".
Báo Thanh Niên tường thuật, Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng "chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước khoản tiền 3.434 tỷ đồng".
Trước đó, văn bản của Ủy ban Kiểm tra trung ương ghi : "Ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội".
Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà
Cùng thời điểm, VnEconomy đưa tin Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà và kết quả thanh tra "phải báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước ngày 31/3/2018".
Báo này cho hay : "Hiện tại ở Sơn Trà, có ba dự án đã đầu tư, một đang triển khai, ba dự án đã triển khai một phần sau đó tạm dừng, 11 dự án chưa triển khai".
Hồi tháng Ba, truyền thông Việt Nam và mạng xã hội xôn xao tin có 40 biệt thự xây không phép trong khu tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô hơn 100 phòng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Dự án của Công ty cổ phần biển Tiên Sa nằm trong khu vực rừng cấm Sơn Trà. Đây là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được kiểm đếm và Thủ tướng đã có quyết định quy hoạch tổng thể kế hoạch đến năm 2025 sẽ trở thành công viên quốc gia.
Ở thời điểm đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi 'tâm thư' đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 "để tránh các hệ lụy về sau".
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, nói với BBC : "Những kiến nghị nêu trong thư có sức nặng ở chỗ nó đến từ chính người đang trực tiếp làm du lịch ở Đà Nẵng, phản ánh tầm nhìn trong việc giải bài toán giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chọn đứng về xu hướng của thế giới là ưu tiên các loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong tinh thần phát triển bền vững. Thư cũng đã được gửi đến đúng địa chỉ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì chính ông có phần liên đới trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra ở Sơn Trà hôm nay".
****************
Vụ Nguyễn Xuân Anh : chống tham nhũng hay bị thanh trừng ? (VOA, 19/09/2017)
Vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng thông báo có một loạt sai phạm đang được nhìn nhận trái ngược nhau : có ý kiến hoan nghênh vì cho rằng điều đó cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh nhưng cũng có người dè dặt vì "có dấu hiệu của thanh trừng phe phái".
Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh
Ông Anh, người vào trung ương Đảng khi mới 39 tuổi và từng được kỳ vọng là "ngôi sao đang lên" trong nền chính trị Việt Nam, hôm 18/9 đã bị công bố một loạt sai phạm trên cương vị là người lãnh đạo Đà Nẵng, trong đó có điều chuyển nhân sự, lỏng lẻo việc quản lý đất đai, chỉ định thầu không đúng nguyên tắc, nhận nhà và xe của doanh nghiệp, không trung thực về bằng cấp…
Những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù hiện chưa rõ ông Anh sẽ chịu hình thức kỷ luật nào và hiện ông vẫn đang giữ chức Bí thư Đà Nẵng nhưng nhiều khả năng vụ việc này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Anh.
Vụ việc của ông Anh diễn ra sau khi Bí thư Thành ủy của thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng cũng bị thông báo "mắc những vi phạm rất nghiêm trọng" và bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và bị cách chức Bí thư Thành ủy hồi tháng Năm. Trong khi đó, các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng OceanBank đang được xét xử ráo riết.
Trao đổi với VOA, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói rằng việc công bố sai phạm của ông Anh là "dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận" trong cuộc chiến chống tham nhũng vì theo ông trước giờ người dân đều có ấn tượng rằng "chống tham nhũng chỉ nắm được đằng cổ xuống và không đụng đến được các cán bộ cấp cao".
"Vấn đề là phải làm sao đánh giá cho chính xác vì đó là vận mệnh chính trị của một con người", ông Quốc nói thêm.
Ông Quốc không đồng tình với việc gán ghép việc xử lý các ông Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Anh với cuộc tranh chấp chính trị giữa các phe phái.
"Những việc làm gần đây bắt đầu từ công tác của Đảng dẫn đến việc làm của cơ quan luật pháp cho thấy mọi việc đang diễn ra đúng mong đợi của người dân", ông nhận định.
"Tham nhũng gắn liền với vai trò của Đảng vì muốn tham nhũng thì phải có quyền mà ở Việt Nam những người có quyền lực đều là đảng viên. Do đó yếu tố quan trọng nhất để có thể chống tham nhũng được là Đảng có thật sự chống tham nhũng hay không", ông nói.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà hoạt động dân chủ ở Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng.
"Điều khiến tôi bất ngờ là sai phạm của một ủy viên trung ương Đảng và là bí thư một thành phố lớn lại được cho báo chí thông báo công khai trong khi trước giờ những việc liên quan đến cán bộ cấp cao đều được giữ kín", ông giải thích.
Riêng về trường hợp kỷ luật ông Đinh La Thăng cũng bị báo chí đưa tin rộng rãi tương tự, ông Chênh cho rằng không thể so sánh vì lỗi lầm của ông Thăng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ông Anh khi ông Thăng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
"Ông Nguyễn Xuân Anh có làm thiệt hại gì nhiều đâu so với một số cán bộ khác của Đảng ? Chỉ là một hai cái nhà, cái xe (nhận của doanh nghiệp) trong khi vụ Yên Bái (biệt phủ của em ruột Bí thư Tỉnh ủy) lại không nói tới", ông nói thêm.
Ông Chênh nhìn nhận vụ việc của ông Anh là "do phe phái".
"Việc đưa thông tin rộng rãi để bôi nhọ ông Anh là để dọn đường dư luận", ông Chênh, người từng là nhà báo, nói. "Có khả năng bố ông Anh (ông Nguyễn Văn Chi – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) thuộc phe nhóm nào đó mà người ta muốn triệt hạ nên người ta đẩy ông Anh xuống".
Theo ông Chênh thì trong việc bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm các ông Thăng và ông Anh thì "người ta không nghĩ đến lợi ích của hai thành phố lớn" mà hoàn toàn chỉ là "do tranh giành phe phái".
Đánh giá về ông Nguyễn Xuân Anh, ông Chênh cho rằng ông Anh là người "trình độ non kém" và "hầu như chưa làm được gì cho Đà Nẵng". Ông Chênh là người quen biết với ông Anh vì hai ông có thời gian là đồng nghiệp ở Báo Thanh niên.
***************
Xung quanh bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh (BBC, 20/09/2017)
Một giảng viên đại học ở Hà Nội bình luận với BBC rằng chuyện báo chí Việt Nam phanh phui về bằng tiến sĩ ở trường Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh giống như "dậu đổ bìm leo".
Trường mà ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng sau đó đổi tên thành California Southern University
Một trong số các "sai phạm" mà ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng đề cập là : "Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm".
Ông Xuân Anh được truyền thông Việt Nam ghi nhận lấy bằng tiến sĩ của trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) tháng 12/2006.
Báo Tuổi Trẻ hôm 20/9 cho hay :
"So với thời gian đào tạo tiến sĩ ở Mỹ phải mất từ bốn đến bảy năm nghiên cứu, viết luận án, thời gian chưa đầy hai năm để lấy bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh quả là "siêu tốc" !
Bằng tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh của ông Xuân Anh là một trong ba chuyên ngành trường này đào tạo ở bậc tiến sĩ. Ở thời điểm đó, trường này chưa nhận được bất cứ một chứng nhận kiểm định chất lượng nào, dù đã được cấp giấy phép từ năm 1978".
Báo này cũng viết thêm rằng tấm bằng tiến sĩ từ SCUPS của ông Xuân Anh tuy "không phải là bằng bất hợp pháp", nhưng "có giá trị chất lượng rất thấp, nếu đối chiếu theo các tiêu chí xếp hạng [đại học] của Mỹ".
'Không phải là cá biệt'
Hôm 20/9, trả lời BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, nói :
"Tôi có cảm giác chuyện báo chí Việt Nam đổ xô vào moi móc bằng tiến sĩ ở trường Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh giống như "dậu đổ bìm leo.
Theo tôi, mọi chuyện nên rạch ròi, nếu ông ấy có sai phạm trong quản lý thì nên tách rời chuyện học tập.
Bằng cấp không được Bộ Giáo Dục Việt Nam công nhận thì ông ấy không có quyền xưng là tiến sĩ nhưng không phải là tội nếu đó không phải là gian lận để được bổ nhiệm.
Ở Việt Nam, viên chức muốn được bổ nhiệm thì người có bằng cấp có nhiều lợi thế hơn, tuy rằng yêu cầu này không bắt buộc.
Mặt khác, cũng do tâm lý sính bằng cấp nên quan chức và doanh nhân hay thích lấy bằng thạc sĩ/tiến sĩ nhưng lại không có thời gian/năng lực.
"Do vậy mà Việt Nam được nhìn nhận là thị trường béo bở với những trường được mệnh danh là degree mill (máy in bằng - chỉ những trường kém chất lượng nhưng người học chỉ cần trả tiền là có bằng) từ nước ngoài.
Tôi thấy vụ bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là cá biệt vì mấy năm nước, một vài quan chức/doanh nhân cũng bị đặt vấn đề về bằng cấp nước ngoài nhưng sau đó các vụ này lắng xuống".
Cùng ngày, nhà sản xuất truyền hình Trần Quốc Khánh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay :
"Rất nhiều lãnh đạo tại Việt Nam trong quá trình thăng quan tiến chức cần bổ sung một cái bằng thuộc dạng cho có, cho đủ hồ sơ.
Nói đi cũng phải nói lại, rất nhiều người là tài năng thật sự, nhưng vì cái hệ thống trọng bằng cấp, thủ tục cứng nhắc nên mới nảy sinh cái trò sử dụng bằng cho có này.
Tôi chẳng biết ông Xuân Anh là người thế nào, nhưng tôi nghĩ vụ kiếm chuyện muốn dập một ai đó thì lại lôi vụ bằng cấp là chuyện có thật. Cho nên, bằng cấp thật sự mà nói, chả có nghĩa lý gì hết.
Ở Việt Nam chỉ cần một cái bằng duy nhất là bằng lòng. Không bằng lòng thì Harvard cũng vứt !".
Cùng ngày, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC :
"Bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là bằng giả, và trường đại học đã cấp bằng cho ông cũng không phải là trường ma. Trường này từ trước đến nay vẫn hoạt động hợp pháp tại Mỹ.
Điều duy nhất có thể làm người ta nghi ngại về "chất lượng" của trường này là, vào thời điểm lúc ông Xuân Anh học và được cấp bằng thì trường này chưa được kiểm định (hiện nay trường đã được kiểm định bởi một cơ quan kiểm định khu vực, tức là hoàn toàn "đảm bảo chất lượng.
Theo tôi, bằng cấp của ông Xuân Anh không thể và không nên là một trong những lý do để kỷ luật ông ta vì pháp luật Việt Nam tại thời điểm ông theo học và lấy bằng không hề có quy định gì về việc phải lấy bằng của một trường đã được kiểm định. Ngoài ra, công việc của ông cũng không có quy định phải có bằng tiến sĩ, nên ông ta không có lý do gì để phải khai "không trung thực". Vì vậy, đưa yếu tố bằng cấp của ông Xuân Anh như một vi phạm cần phải kỷ luật thì tôi cho là không hợp lý".
****************
Vụ bằng cấp giả của bí thư thành ủy Đà Nẵng : Đại học Mỹ lên tiếng (VOA, 22/09/2017)
Người sáng lập một trường đại học ở Mỹ, hiện là tâm điểm trong "cơn bão chính trị" của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đã lên tiếng "bảo vệ danh dự" và cho biết "từng được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép cấp bằng ở Việt Nam". Tiến sĩ Donald Hecht, hiện còn là chủ tịch của California Southern University (CSU), nói với VOA Việt Ngữ rằng "chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên chúng tôi", "nhất là hàng trăm cựu sinh viên đang sống ở Việt Nam".