Vào lúc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra, một tướng lãnh cao cấp của Giải phóng Quân Trung Quốc đã gửi tín hiệu hòa giải với Hà Nội sau khi quan hệ hai nước xấu đi với những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung (Ảnh chụp màn hình SCMP)
Tại một sự kiện giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung mới đây, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ẫn lời nói với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng hai nước "cần nhìn về đại cục, củng cố lòng tin lẫn nhau và luôn làm sâu sắc thêm liên lạc thực tế".
"Quân đội Trung Quốc sẵn sàng làm việc với quân đội Việt Nam để kiểm soát đúng đắn khác biệt giữa hai nước và tiếp thêm năng lượng cho quan hệ song phương phát triển," ông Phạm được Tân Hoa Xã dẫn lời nói.
Sự kiện giao lưu quốc phòng hai ngày này diễn ra tại vùng biên giới giữa tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Lãnh đạo quốc phòng hai nước đã thị sát các cuộc diễn tập chống khủng bố và tuần tra của lực lượng biên phòng hai bên.
Hồi tháng Sáu, tướng Phạm Trường Long đột ngột hủy tham gia sự kiện giao lưu quốc phòng này và cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam sau khi Hà Nội từ chối ngưng khoan thăm dò khí đốt tại vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông theo yêu cầu của Trung Quốc.
Việt Nam sau đó đã ngưng khoan thăm dò tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), một số nguồn tin cho là vì sức ép của Bắc Kinh. Trung Quốc đã dọa sẽ dùng vũ lực để tấn công một số thực thể đang nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam trên Biển Đông.
Tại một hội nghị quy tụ ngoại trưởng các nước ASEAN sau đó ở Philippines, Hà Nội tiếp tục làm cho Trung Quốc tức giận khi tìm cách đưa vào tuyên bố chung nội dung phản đối Trung Quốc lấp đất đắp đảo trên Biển Đông.
Ông Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được tờ SCMP dẫn lời, nhận định rằng sự hiện diện của ông Phạm tại sự kiện giao lưu biên giới này là "một cử chỉ thiện chí" của Bắc Kinh đối với Việt Nam.
"Thông thường thì Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tham dự", ông Hứa giải thích, "tuy nhiên ông Phạm đã quyết định chủ trì sự kiện này sau khi hủy sự kiện này một vài tháng trước đây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn tiếp tục trân trọng quan hệ với Việt Nam".
Tờ báo này nói chuyến đi Hà Nội của ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là nhân vật xếp hàng thứ năm trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, hồi tuần trước cũng được thực hiện trong tinh thần hòa giải với Việt Nam.
Ông Lưu đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Lưu được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Trọng rằng hai nước Việt-Trung "chia sẻ cùng vận mệnh" và hai nước "phải sát cánh để hỗ trợ lẫn nhau".
Giáo sư Hứa Lợi Bình nhận định rằng chuyến thăm của ông Lưu Vân Sơn phản ánh mối quan hệ tổng thể giữa hai nước, nhất là giữa hai đảng cộng sản cầm quyền. Ông Hứa nói các chuyến thăm gần đây cho thấy hai nước đang cố gắng xây dựng lòng tin.
Trung Quốc sắp sửa tổ chức Đại hội Đảng vào tháng sau – sự kiện chính trị quan trọng nhất ở nước này diễn ra năm năm một lần – trong khi Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào tháng 11.
"Không nước nào muốn những sự kiện chính trị quan trọng này bị xáo trộn. Đó là lý do tại sao hai nước đang tìm cách đảm bảo ổn định trong quan hệ song phương," ông Hứa nói.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 26/9, bà Trương Thị Ngọc Anh, phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã được ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc, và là nhân vật xếp hàng thứ tư trong bộ máy lãnh đạo, nghênh tiếp ở Bắc Kinh. Ông Du được dẫn lời nói với bà Ngọc Anh rằng sẽ nỗ lực xử lý khác biệt để củng cố mối quan hệ với Việt Nam.
Cũng trong nỗ lực duy trì môi trường khu vực trước Đại hội Đảng, Trung Quốc kêu gọi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã đến thăm Bắc Kinh tuần trước, giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN.