Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/09/2017

Tại sao công an đến Hải Dương đánh dân để bênh vực cho một công ty dệt ?

Tổng hợp

Người dân Hải Dương lên tiếng sau 'đụng độ' hôm 25/9 (BBC, 27/09/2017)

Một số người dân xã Lai Vu, Hải Dương khẳng định đã bị giới chức dùng vòi rồng, dùi cui đánh đuổi sau hơn 5 tháng biểu tình phản đối công ty dệt Pacific Crystal xả thải gây ô nhiễm.

hd1

Hình trên mạng về vụ việc 25/9

Trong khi đó, báo địa phương Hải Dương lại nói cơ quan chức năng "đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân".

Vụ việc trưa 25/9 được cho là đỉnh điểm của những xung đột, mâu thuẫn phức tạp ở địa phương.

Từ việc kháng cự thu hồi đất cho khu công nghiệp vì người dân cho rằng giá đến bù quá rẻ, đến việc lo sợ môi trường sống ở Lai Vu và các vùng lân cận đang bị đe dọa nặng nề vì chất xả thải từ nhà máy dệt.

Nhiều người dân dường như vẫn chưa hết bàng hoàng từ sau vụ việc hôm 25/9. Bà Sim, một người dân cũng có mặt tại cuộc đụng độ, kể lại với BBC :

"Chiều hôm qua nhiều người dân ra rất đông dù mưa gió rất to. Dân sợ lực lượng của Hải Dương đến tàn sát dân, nên ra dựng thêm ba lều nữa.

"Tôi ở lại lều với mọi người từ tối 24/9 đến sáng 25. Hôm đấy ở Hải Dương mưa rất to. Người dân phải ở trực chiến, sống cái cảnh chen chúc, mưa gió rất là khổ. Đến tầm trưa thì mưa ngớt, thì đến một giờ rưỡi chiều lực lượng công an vào".

Ông Nguyệt, một người dân khác cũng tham gia vào cuộc đụng độ, thì bức xúc nói :

"Chúng nó đánh dã man lắm ! Tàn ác vô cùng".

"Tôi nghĩ họ còn thuê cả xã hội đen, vì không công an nào lại đi dánh người dân dã man như thế, 5-6 người nhảy vào đánh đập một người dân", ông Nguyệt nói. Hai người bị bắt giữ sau đó đã được đưa về với gia đình.

Ông Nguyệt cáo buộc có hai người bị đánh vào đầu, một người bị khâu sáu mũi, một người thì bị khâu hai mũi, gãy răng, còn hàng chục người khác, hầu hết là phụ nữ và người già thì bị đánh bầm tím người.

"Tôi thấy hành động trên nó quá khủng khiếp, tàn sát còn hơn cả đế quốc ngày xưa…", bà Sim lặng lẽ nói.

"Nhà nước vẫn dạy công an vì nước vì dân chứ không phải vì doanh nghiệp nước ngoài thuê đất, vì đồng tiền hành hạ người dân".

Ngay sau khi dẹp lều và đưa hết người dân phản đối ra khỏi khu vực, bà Sim cùng những người dân khác bất lực nhìn ba xe tải chở ống nhựa vào công ty dệt.

hd2

Người dân cáo buộc 500 người của lực lượng công an và chống bạo động đến giải tán khu lều bạt hôm 25/9

"Chúng tôi biết vì ban đêm họ thuê người vào đó đào bới chôn ống để xả thải, còn đổ ở đâu thì chúng tôi vẫn không biết", bà nói với BBC hôm 27/9.

Trong khi đó, báo địa phương Hải Dương lại nói hôm 25/9 cơ quan chức năng "đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân".

Khi được BBC hỏi lại hôm 27/9, bà Sim nói "Điều đó là không đúng. Nếu đã thuyết phục người dân thì không phải đánh đập người dân túi bụi như vậy. Cái này coi video clip mà những người dân đứng ở xa quay lại là thấy. Còn mấy con mấy cháu thanh niên ở gần quay là bị thu điện thoại hết rồi".

'Nước xả hôi thối, khói xả tanh tưởi'

Nhà máy dệt Hong Kong Pacific Crystal đi vào hoạt động từ 2015 với vốn đầu tư hơn 180 tỷ đôla. Tuy nhiên kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân quanh trong xã đã liên tục phản ánh về tình trạng nhà máy thải khói và xả hóa chất gây ô nhiễm môi trường.

"Công ty dệt Pacific xả khói mùi vừa tanh vừa thối, rất khó thở", bà Sim nói.

Còn ông Nguyệt thì nói : "Khói thải ra, mùi kinh lắm, khét như đốt giấy ni lông".

Công ty dệt được bao quanh bởi sông Rạng, giáp ba xã Cộng Hòa, Lai Vu và Ái Quốc, nước xuôi sông qua Thành phố Hải Dương, xuống Hải Phòng rồi ra cửa biển.

hd3

hd4

Hai người dân bị đánh chảy máu đầu

Bà Sim cho biết, dân cư ở quanh khu công nghiệp cũng rất đông, mật độ dân cư khá dày.

"Lượng khi thải thì ảnh hưởng không chỉ 8000 dân Lai Vu mà sẽ theo nguồn nước xuống tới tận Hải Phòng. Còn khí thải khói trên trời thì sẽ ảnh hưởng khoảng 20.000 người dân sống trong bán kính 3-4km nhà máy…"

"Người dân rất sợ nếu như cái công ty này ở đây thì dân sẽ bị bệnh tim mạch, ung thư… thì có làm cả đời cũng không đủ tiền chữa bệnh. Có bỏ vài trăm hay tiền tỉ thì con em mình vẫn chết, mà chết trong đau đớn…", bà Sim phân trần.

Một bài trên báo Tiền Phong tháng Hai 2017 dẫn lời Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp Lai Vu Vũ Xuân Dũng nói Công ty Pacific Crystal hoàn thiện giai đoạn hai sẽ sử dụng lượng hoá chất lên tới gần 600.000 tấn/năm.

Bà Sim và ông Nguyệt cho biết người dân Lai Vu đã dựng lều bạt chặn lối vào cổng công ty dệt từ hơn 5 tháng nay. Từ tháng Bảy, người dân còn đặt chai lọ tẩm xăng và cả một chiếc quan tài ngay giữa lối đi vào chính của công ty.

"Chúng tôi quyết tâm bằng được không để công ty dệt hoạt động trở lại. Chúng tôi dựng lều để phản đối không cho công nhân vào !" Bà Sim nói.

Theo bà Sim thì kể từ khi người dân dựng lều chặn lối vào, công ty dệt ban đầu vẫn lén lút đưa người vào làm, nhưng về sau ít công nhân quá nên đã ngừng hoạt động.

Tuy nhiên theo người dân, những người làm bảo vệ khu công nghiệp cho biết, sau khi công an và chính quyền dẹp lều của người dân hôm 25/9, công ty này đã ra thông báo sẽ hoạt động trở lại vào Thứ Hai tới, ngày 2/10 và bắt đầu tuyển dụng công nhân trở lại.

Tiền phạt

Công ty Dệt Pacific Crystal đã từng hai lần bị UBND tỉnh Hải Dương và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng và yêu cầu khắc phục sự cố môi trường.

Bà Sim cho biết hôm 25/5 khi về đối thoại với người dân, Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Dương Thái nói toàn bộ số tiền phạt Pacific Crystal đóng sẽ xung vào công quỹ nhà nước, không có phần nào chi vào việc đền bù thiệt hại.

"Ông ấy nói 'Người ta bị hai lần rồi, cho người ta thêm một cơ hội nữa'", bà Sim dẫn lại lời ông Thái.

"Nếu một người cán bộ tỉnh Hải Dương mà vì dân thì đã phải cho đóng nhà máy rồi. Cứ để công ty hoạt động thì thường dân không thể chấp nhận được", bà nói thêm.

Gần đây nhất, vào ngày 19/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức họp báo liên quan đến mâu thuẫn giữa người dân Lai Vu và công ty dệt.

hd5

Hình ảnh cống thoát nước mưa của công ty dệt Pacific Crystal nhưng lại đen kịt màu thuốc nhuộm ?

Người dân thuật lại rằng chính quyền Hải Dương cam kết, 'không đánh đổi môi trường lấy kinh tế'. Ông Trương Văn Hơn, chánh văn phòng UBND tỉnh nói sẽ đóng cửa công ty dệt nếu công ty này lại tái phạm.

"Họ chỉ nói vậy, mà cứ để công ty hoạt động rồi xả thải", bà Sim cáo buộc.

Thu hồi đất

Cuối năm 2003 UBND tỉnh Hải Dương tiến hành thu hồi 212ha đất để xây dựng khu công nghiệp Lai Vu. Bà Sim nói cả Lai Vu có 247ha đất nông nghiệp thì đã thu hồi gần 90% diện tích mà lại không có quyết định thu hồi đất nên người dân rất bức xúc, làm đơn khiến kiện lên trung ương.

Có khoảng hơn 1000 hộ bị thu hồi đất. Theo bà Sim, ban đầu chính quyền đền bù 62 tỷ nhưng sau khi dân kiện cáo quá nhiều, xã đã lấy 24 tỷ quỹ phúc lợi để đền bù cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay vẫn còn hơn 300 hộ không chịu nhận tiền.

hd6

Sông Rạng bao quanh khu công nghiệp Lai Vu

Ông Nguyệt, một trong những hộ không chấp nhận đền bù nói : "Trả có 9 triệu 3, 9 triệu 2 một sào lấy làm cái gì".

Bà Sim thì nói "Đã hơn mười mấy năm rồi, nhiều cụ thì cũng đã mất. Con cháu thì người ta nhận tạm tiền để làm ma chay cho các cụ. Coi như mất đất. Còn một số hộ thì vẫn không chịu nhận tiền. Họ tính 13.000/m2 theo giá đất dịch vụ, chưa bằng một bát bún sáng của người dân thì ai mà chịu".

Bà Sim cho biết suốt nhiều năm liền từ người dân liên tục làm đơn khiếu kiện, kiến nghị lên trung ương. Thanh tra chính phủ đưa công văn về yêu cầu tỉnh Hải Dương giải quyết nhưng dân cho rằng phía tỉnh vẫn không giải quyết, người dân lại tiếp tục lên trung ương khiếu nại, cứ như vậy một vòng lẩn quẩn không dứt.

BBC đã tìm cách liên hệ với chính quyền tỉnh Hải Dương nhưng không liên lạc được. Khi BBC gọi đến Sở Tài nguyên Môi trường thì người văn thư nói không hay biết thông tin gì về các vụ xả thải của công ty dệt Pacific Crystal, và người phát ngôn viên là giám đốc sở, nhưng ông này "đi vắng".

********************

Hải Dương : Công an dùng vũ lực đàn áp dân phản đối ô nhiễm (RFA, 26/09/2017)

Đánh dân không chừa người già và trẻ em !

Hàng trăm công an, cảnh sát cơ động ngày 25/9 vừa qua đã dùng vũ lực để đánh đập những người dân căng lều bạt phản đối công ty dệt Pacific Crystal tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

"Nó dùng roi điện, dùi cui, vòi rồng phun nước. Nó làm khiếp lắm, không nể một ai, đàn bà con gái nó đánh hết. Vớ phải ai nó đập người nấy".

Đó là trình bày của một người dân xã Lai Vu về hành động trấn áp của phía cơ quan chức năng hôm 25 tháng 9 vừa qua.

hd7

Người dân căng lều trước công ty Pacific Crystal để phản đối việc xả thải không đúng qui trình. RFA photo

Công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Crystal hoạt động từ năm 2015 tại Khu công nghiệp xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Từ đó đến nay, công ty liên tục xả thải gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn khiến người dân rất bất bình.

Kể từ tháng 4 vừa qua, người dân đã dựng lều bạt trước cổng công ty để ngăn không cho hoạt động.

Chính quyền các cấp liên tục vận động người dân gỡ lều bạt cho công ty hoạt động trở lại 50% nhưng người dân không đồng tình.

Đến ngày 25/9, theo phản ánh của người dân địa phương, chính quyền đã huy động hàng trăm công an và xã hội đen tới khu người dân căng lều trại, đánh đập người dân rất tàn bạo, dã man để gỡ bỏ lều trại của họ. Một người dân nói với RFA :

"Nó đánh dân làm mấy người vỡ đầu, rồi bao nhiêu người bị thương. Đòn roi lằn hết người lên. Nó đưa khoảng 700 công an về, đủ các loại. Thằng áo đen, thằng áo vàng, thằng thì kiểu quần áo bộ đội. Chúng nó làm còn ác hơn chiến tranh địch và ta đánh nhau nhiều. Trước tôi đi đánh nhau không đến nỗi như thế này.

Bây giờ nó tàn bạo, không còn bản chất của Đảng nữa rồi".

Ông cho biết thêm rằng mặc dù sự việc xảy ra gây chấn động cả một vùng nhưng phía cơ quan chức năng xã, huyện, tỉnh không có một đại diện nào tới giải quyết. Ông cũng nói là phía người dân không hề manh động trước, họ chỉ nói rằng họ không đồng ý giải tỏa. Thế là công an, cơ động đùng đùng kéo vào đánh đập họ.

Ông cho biết tình hình hiện tại :

"Nó đốt hết rồi nó vơ nó chở đi hết rồi còn đâu. Cả nồi niêu, bát đĩa của dân nó ăn cắp hết còn đâu".

Khi chúng tôi hỏi rằng trước tình hình này người dân dự định làm gì trong thời gian tới, người dân này nói :

"Rồi lại phải canh chứ để nó thải ra cho mà chết hết à. Bây giờ mình già mình chết còn hơn để con cháu chết dần dần".

Người dân thì nói như vậy nhưng báo Hải Dương lại đăng bài nói rằng các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân.

RFA cũng có dịp trao đổi với một người dân khác tại xã Lai Vu. Bà nói rằng bây giờ người dân đã mất hết niềm tin vào nhà cầm quyền, vì sự vô cảm, tàn ác với dân :

"Lực lượng công an đàn áp dân rất dã man. Bây giờ bọn cô mất hết lòng tin. Đất nước Việt Nam bây giờ các doanh nghiệp Trung Quốc mọc tràn lan khắp đất nước. Ngoài biển Đông Trung Quốc lấn chiếm chỉ còn 75 cây số thôi. Nhân dân Việt Nam nói chung và dân Lai Vu nói riêng chắc cũng không thể trụ để giữ được đất nước nữa vì cán bộ bây giờ quá tham nhũng. Và nó quá tàn nhẫn với người dân".

Bà cho biết sự việc xảy ra hôm 25/9 cả đời bà chưa một lần được chứng kiến. Công an, cảnh sát cơ động dùng lá chắn ùa vào túi bụi khiến người dân chạy không kịp, ngã lăn lóc.

Bà nói rằng người dân rất muốn được đối thoại với chính quyền và đã từng đối thoại nhiều lần nhưng kết quả đều rất thất vọng vì chính quyền luôn bênh vực công ty :

"Người ta vẫn bao biện rằng chỉ là sự cố rò rỉ nhưng thực chất công ty không có hồ xử lý hay một khu nào dù nhỏ nhất để xử lý. Khi hoạt động, nước đổ ra ngoài mương tiêu vẫn còn nóng nguyên. Nếu cố tình thả chân xuống sẽ bỏng chân. Bọn cô thử cắt cỏ cho xuống, vớt lên chín như rau luộc".

Theo bà, người dân địa phương quá thất vọng và khinh thường lực lượng công an và cơ quan chức năng vì cách hành xử của họ :

"Với sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam bây giờ thi khó cứu lấy mình, mà có khi chết trong bệnh tật. Nó đàn áp đến độ dân không thể sống nổi. Khi đưa quân về đàn áp, treo biển cấm quay phim chụp ảnh, cấm tất cả báo chí truyền thông. Ai muốn quay đều phải quay trộm, một khi họ nhìn thấy họ ra bắt, giằng lấy điện thoại và đập ra.

Đây là những hành vi không đúng với bản chất công an nhân dân. Vì họ đâu bảo vệ nhân dân, mà bảo vệ một công ty nước ngoài".

Ông Trương Văn Hơn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nói với Reuters rằng công ty Pacific Crystal đã đầu tư nhiều và Bộ Môi trường đã thanh tra và cho phép công ty khắc phục sự cố và đầu tư thêm để đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Ông khẳng định rằng chính quyền sẽ đóng cửa Pacific Crystal hoàn toàn nếu công ty không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

RFA đã liên lạc với ông Vũ Đình Tĩnh, Chủ tịch huyện Kim Thành, ông Nguyễn Văn Hán, Phó Chủ tịch huyện Kim Thành để hỏi về sự việc nhưng họ đều từ chối trả lời.

Tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Văn Toán, chánh văn phòng UBND huyện thì được cho biết :

"Đó là do UBND tỉnh chủ trì. Mình ở dưới huyện chỉ phối hợp chứ chả liên quan gì".

Khi chúng tôi hỏi rằng khi đến giải tỏa cơ quan chức năng có gặp phải trở ngại hay mâu thuẫn gì với người dân không. Ông Toán nói :

Nhìn chung là không có gì đâu !

Ông Toán nói rằng ông không được phép trả lời, khi chúng tôi hỏi về việc công an đàn áp, đánh đập người dân.

Chúng tôi tiếp tục gọi cho ông Bùi Duy Hường, Chủ tịch UBND xã Lai Vu. Ông Hường cũng chỉ trả lời ngắn gọn rằng việc giải tỏa diễn ra suôn sẻ, không có gì đáng nói.

Chính quyền địa phương cho biết đã phạt công ty này số tiền 672 triệu đồng vào ngày 25/1/2017. Đến tháng 4/2017, công ty này chậm hoàn thiện hồ sơ nên tiếp tục bị phạt 340 triệu đồng.

Pacific Crystal là công ty vốn nước ngoài có tổng đầu tư 180 triệu đô la, liên doanh giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Holdings với tập đoàn may mặc Crystal của Hong Kong, chuyên sản xuất và cung cấp hàng cho một số công ty hàng hiệu trên thế giới, trong đó có tập đoàn bán lẻ UNIQLO của Nhật.

*********************

Hải Dương : 'Vòi rồng, roi điện giải tán biểu tình' (BBC, 26/09/2017)

Tin nói 500 công an được huy động ngày 25/9 để giải tán người biểu tình phản đối ô nhiễm liên quan nhà máy dệt Pacific Crystal ở Hải Dương.

hd8

Hình ảnh quan tài đặt ngay lối vào cổng công ty dệt Pacific Crystal hồi tháng 7. Phía sau là căn lều người dân Hải Dương dựng lên để phản đối.

Trong khi đó, báo địa phương Hải Dương lại nói cơ quan chức năng "đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân".

Hàng trăm người dân ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã căng bạt dựng lều trước cổng khu công nghiệp Lai Vu hơn 5 tháng qua, cáo buộc công ty Hong Kong Pacific Crystal bí mật xả thải hôi thối hơn hai năm qua.

Một số người dân xã Lai Vu cho BBC biết hơn 5 tháng qua, hàng chục công an và chính quyền liên tiếp đến tìm cách ngăn cản người dân dựng lều ở khu công nghiệp tuy nhiên đỉnh điểm căng thẳng diễn ra vào trưa Thứ Hai 25/9.

Reuters dẫn lời một người dân, Bui Van Nguyet (trong bản tin tiếng Anh), rằng 500 cảnh sát đã "dùng vòi rồng và roi điện để giải tán chừng 200 người dân".

hd9

Người dân đặt các chai lọ tẩm xăng để chặn lối đi vào công ty dệt Pacific Crystal nhằm phản đối công ty xả thải xuống khu vực xã Lai Vu.

Một người dân khác tên Sim cho BBC biết là đến tầm 3 giờ chiều thì người dân bị dồn hết ra ngoài khu vực khu công nghiệp Lai Vu, và bắt giữ hai, và khiến nhiều người bị thương.

"Chúng tôi rất bức xúc lên xã đòi thả người, đưa người bị thương đi viện nhưng họ trốn hết, không ai tiếp dân. Họ mặc kệ dân, không quan tâm đến dân sống chết ra sao cả", bà Sim nói.

Một người dân khác tên Nguyệt cho BBC biết có hai người bị đánh vào đầu, một người bị khâu sáu mũi, một người thì bị khâu hai mũi, một người bị đánh vào mặt, gãy răng.

"Tôi nghĩ họ còn thuê cả xã hội đen, vì không công an nào lại đi dánh người dân dã man như thế, 5-6 người nhảy vào đánh đập một người dân", ông Nguyệt nói.

Hai người bị bắt giữ sau đó đã được đưa về với gia đình.

Ông Trương Văn Hơn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nói với Reuters : "Nhà đầu tư (tức công ty Pacific Crystal) đã đầu tư nhiều và Bộ Môi trường đã thanh tra và cho phép công ty khắc phục sự cố và đầu tư thêm để đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường".

Và chính quyền sẽ đóng cửa nhà máy Pacific Crystal hoàn toàn nếu công ty không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, ông Hơn nói với Reuters.

Trong khi đó Báo Hải Dương đưa tin về vụ việc hôm 25/9 là "Giải tỏa lều bạt, vật cản trong khu công nghiệp Lai Vu".

Báo này ghi, "Các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân".

Theo mô tả của báo này, vào ngày 25/9, các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức "giải tỏa lều bạt, vật cản do người dân xã Lai Vu (Kim Thành) dựng trái phép trên đường nội bộ khu công nghiệp (Khu công nghiệp) Lai Vu gần cổng Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal".

"Do trước đó các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân", tờ báo ghi.

Nhà máy dệt Pacific Crystal mở cửa từ năm 2015 với vốn đầu tư ban đầu ít nhất là 180 triệu đôla.

Công ty Dệt Pacific Crystal đã từng hai lần bị UBND tỉnh Hải Dương và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng và yêu cầu khắc phục sự cố môi trường.

Quay lại trang chủ
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)