Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/09/2017

Sông Cửu Long khô hạn, xe ben gây ô nhiễm

Tổng hợp

Văn hóa bị phá vỡ, một thách thức của đồng bằng Sông Cửu Long (RFA, 27/09/2017)

Trong hai ngày 26 và 27 tháng Chín, 2017, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị phát triển bền vững cho Đồng bằng Sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu.

vanhoa1

Khô hạn tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Vùng đất này không còn là vùng có thể sông dễ dàng nữa. Ảnh chụp tại Long Phú, Sóc Trăng, 8/2016. AFP

Hội nghị này được báo chí Việt Nam mệnh danh là một Hội nghị Diên Hồng cho vùng đồng bằng này với sự góp mặt của rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các quan cao cấp của các bộ, ngành liên quan.

Trong ngày sau cùng của Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng sẽ huy động số tiền trị giá một tỉ đô la Mỹ để giúp vùng đất này phát triển bền vững trong vài năm tới. Ngoài ra các quan chức của hai bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, và Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đưa ra những biện pháp cụ thể như là cấm phá 63 ngàn hectare rừng ngập mặn dù dưới bất cứ lý do gì, phát triển việc trồng trọt và chăn nuôi trên vùng nước lợ, nghiên cứu việc điều chỉnh hạn điền,… trong đó đáng chú ý là sẽ để cho người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, nhà nước làm chuyện định hướng.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long rất hoan nghênh điều này :

"Một cái đột phá là từ trước đến giờ, các tỉnh các huyện, hay giao các chỉ tiêu xuống các ban ngành ví dụ như là năm nay phải sản xuất được bao nhiêu lúa, giống như một quota phải đạt được. Bây giờ thì cho phép người nông dân có được quyết định của họ".

Ngoài ra Tiến sĩ Tuấn còn cho rằng những điểm tích cực của Hội nghị là làm mọi người thấy được những nguy hại đang đe dọa vùng đất này như là ô nhiễm, thiếu nguồn nước, việc qui hoạch đang làm là theo hướng từng ngành, chồng chéo lên nhau và xung đột với nhau. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng cho rằng quyết định tăng mức đầu tư cho vùng Đồng bằng Cửu Long lên 20% tổng sản lượng quốc dân cũng rất đáng hoan nghênh, vì từ trước đến nay vùng đất này được nhà nước đầu tư ít hơn những vùng đất khác.

Một chuyên gia về sông Cửu Long là Tiến sĩ Dương Văn Ni cho rằng điều tích cực nhất của Hội nghị này là :

"Ở cấp cao nhất của Việt Nam là Thủ tướng cũng thấy rằng bây giờ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long không phải là một vùng đất gọi là làm chơi ăn thiệt như người ta hay nói nữa. Mà bây giờ là một đồng bằng có thể bị tổn thương rất trầm trọng".

Ngoài ra, theo ông còn có những điểm tích cực nữa là chính quyền Việt Nam đã thấy rằng không thể thắng được môi trường theo ý chí của mình, và đe dọa đối với Đồng bằng Sông Cửu Long không phải chỉ đến từ mối đe dọa toàn cầu do biến đổi khí hậu, mà cũng đến từ những hoạt động đang diễn ra trên vùng đất này như là nạn ô nhiễm, sản xuất bất hơp lý.

Cả hai nhà khoa học đều đồng ý rằng lời hứa sửa đổi nghị định 210, qui định số lượng đất đai mà mỗi hộ nông dân được quyền sử dụng, là rất quan trọng. Theo Tiến sĩ Tuấn hiện nay, theo nghị định này mỗi hộ nông dân chỉ được phép canh tác trên diện tích là nửa hectare, điều này gây trở ngại rất lớn cho việc sản xuất của nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc mở rộng hạn điền sẽ cho phép người nông dân giỏi tập trung được nhiều đất đai, sản xuất hàng hóa có hiệu quả hơn.

Những điều chưa nói hết

Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó Tiến sĩ Dương Văn Ni cho rằng Hội nghị này không nói đầy đủ về việc phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mà theo ông có tầm quan trọng bằng hoặc hơn ngành nông nghiệp.

Nhưng quan trọng nhất, theo ông, người ta chưa nêu lên được sự tổn thương về văn hóa mà Đồng bằng Sông Cửu Long gánh chịu từ vài mươi năm nay :

"Theo tôi cái tổn thương về văn hóa là cái tổn thương khó phục hồi lại nỗi. Mà cái tổn thương đó đang xảy ra, ví dụ như kinh nghiệm phải sống với mùa nước nổi như thế nào, thì người dân sống ở vùng đó người ta rất là rành. Sau bao nhiêu năm mình đắp đê, không cho nước ngập, một bộ phận dân cư từ nơi khác đến sống ở đó không biết những kinh nghiệm sống với nước ngập như vậy".

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vốn có hai mùa tự nhiên là mùa khô và mùa nước nổi. Trong mùa nước nổi, một phần lớn diện tích đất không thể canh tác được, mà người dân sống bằng cách đánh bắt cá tôm. Theo các nhà khoa học thì mặc dù không thể canh tác trong thời gian đó, nhưng mùa nước nổi rất quan trọng cho vùng Đồng bằng vì mang lại phù sa, cho đất nghỉ không bị cạn kiệt chất màu mỡ.

Từ sau năm 1975, với chủ trương sản xuất nhiều lúa gạo, nhiều vùng đất của Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị đắp đê ngăn nước để trồng thêm một mùa lúa thứ ba trong năm, điều này dẫn đến việc đất đai bị cằn cỗi, và những xáo trộn về văn hóa như Tiến sĩ Dương Văn Ni nêu ra.

Kết quả của chủ trương trồng thêm nhiều lúa gạo bằng cách đắp đê, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đã làm cho Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới, nhưng nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long, những người tạo ra những lô hàng lúa gạo xuất khẩu ấy vẫn nghèo.

Ông Dương Văn Ni tiếp lời :

"Mình không khai thác có hiệu quả vùng đất mà ông bà đã để lại để đủ sống, người ta phải tha phương cầu thực, có nhiều làng xã đồng bằng Sông Cửu Long bây giờ chỉ còn có người già và trẻ em, thanh niên trai tráng đã đi nơi khác để tìm việc làm hết. Việc cha mẹ sống xa con như vậy tạo nên điều không tốt, cho một thế hệ tiếp theo".

Người dân trong độ tuổi lao động của vùng Đồng bằng Cửu Long đã tìm đến các trung tâm công nghiệp lớn ở Sài Gòn, miền Đông Nam Bộ để làm việc vì việc trồng trọt không đủ sống, tuy nhiên đồng lương công nhân lại không cho phép họ mang theo gia đình để có thể ổn định trên vùng đất mới, từ đó xảy ra tình trạng mà Tiến sĩ Dương Văn Ni gọi là gia đình ly tán, mặc dù Việt Nam đã không còn chiến tranh từ hơn 40 năm nay.

Khi được hỏi rằng điều gì còn chưa được nêu ra đầy đủ trong Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói :

"Mong chính phủ nhìn nhận bài học sai lầm trong quá khứ, phải rút ra được cái đó, tới giờ vẫn chưa thấy rằng sai lầm đó là ở chổ nào và như thế nào".

Theo ông còn những điều cần phải làm rõ như là vạch ra kế hoạch cung cấp năng lượng cho vùng đất này. Hiện nay kế hoạch cung cấp năng lượng được dự trù là 14 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, mà theo Tiến sĩ Tuấn sự ô nhiễm rất nguy hiểm của nó đã trở thành một điều hiển nhiên, nhưng Hội nghi bàn về phát triển bền vững lại chưa đưa ra được giải pháp nào thay thế. Điều thứ hai ông Tuấn đề cập là số tiền 1 tỉ đô la Mỹ mà chính phủ hứa hỗ trợ Đồng bằng Cửu Long trong những năm tới sẽ được phân bổ như thể nào, sử dụng như thế nào để không tiêu tốn một cách phung phí mà thực sự giúp vùng đất này phát triển, làm cho đời sống người dân sung túc hơn.

Kính Hòa

****************

Xe ben vào đường dân sinh gây ô nhiễm (RFA, 27/09/2017)

Xe cày nát đường nhiều năm qua

Người dân ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai vừa qua phải làm rào chắn chặn xe tải chở đá qua đường dân sinh. Lý do vì những xe tải này gây ô nhiễm cho dân chúng địa phương.

vanhoa2

Người dân ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai vừa qua phải làm rào chắn chặn xe tải chở đá qua đường dân sinh. Lý do vì những xe tải này gây ô nhiễm cho dân chúng địa phương. RFA

Đường Đinh Quang Ân thuộc xã Phước Tân, nhiều năm qua bị xe tải chở đá cày nát, hàng loạt vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, người dân đã nhiều lần chặn xe để phản đối.

Ngoài ra, những xe tải này còn gây ra ô nhiễm khói, bụi tác động đến sức khỏe người dân địa phương :

"Đây nó bụi ghê lắm. Bàn bán như vậy nè, nó bám vô. Mình bán mình phải lau chùi. Đi qua tạt vô cái là đầy nhà đầy cửa hết trơn. Có tưới đường mà tưới qua cũng như không à chú ơi !"

Thực tế ghi nhận cây cối ven đường bám đầy bụi ; từ đó có thể nói người dân địa phương phải hằng ngày hít thở lượng khói bụi do xe ben chở đá gây nên.

Để phản đối, người dân nơi đây nhiều lần lập rào cản bằng thùng phuy, treo băng rôn chặn không cho các xe ben chạy qua đường dân sinh.

Một người dân cho biết lại tình hình thực tế ở ấp Tân Cang nơi người này sinh sống lâu nay :

"Hồi xưa con đường rất nhỏ, xe bò đi thôi. Nhưng mà sau này mở rông ra hai bên là đất của người dân đóng góp. Đất của nhân dân hiến, bỏ ra để mở con đường rộng phát triển nông thôn".

vanhoa3

Xe tải chở đá qua đường dân sinh ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai gây ô nhiễm, hư đường. RFA PHOTO

Sau lần phản đối mới nhất của người dân, vào ngày 19/9 vừa qua, đại diện chính quyền là Ông Nguyễn Tấn Long - Phó chủ tịch UBND Thành phố Biên Hòa đã xuống làm việc với người dân. Ông này cũng đã yêu cầu các cơ quan có liên quan giải quyết vụ việc. Nhưng theo phản ánh của người dân. Chính quyền đã không tôn trọng người dân đúng mức, giải quyết vấn đề không được rõ rang khiến người dân không hài long :

"Ông Long - là phó chủ tịch, xuống làm việc với dân. Cũng là thống nhất là con đường này sẽ trả lại cho dân không cho các xe từ mỏ đá đi ra đường Đinh Quang Ân này nữa. Nhưng mà hôm nay gửi văn bản này thì cũng nói chung chung không có thời gian, không có thời hạn nào cả. Chỉ nói vậy thôi chứ thực chưa có cái gì chính xác".

Chính quyền bất nhất

Trong khi đại diện thành phố Biên Hòa có hứa hẹn như thế ; nhưng theo phản ánh của người dân địa phương thì công an xã lại đe dọa sẽ cưỡng chế các vật cản và băng rộn phản đối của dân chúng đối với việc xe ben chở đá đi qua đường dân sinh của họ.

Hành xử của công an xã mà theo người dân là hù dọa như thế khiến họ thêm bất bình :

"Hù dọa là vô cưỡng chế ba cái băng rôn này. Ai cưỡng chế thì cưỡng chế, tui cho cưỡng chế. Tui đâu có cản đâu. Người nào cưỡng chế được mời vô cưỡng chế. Công an xã hù nếu không là tui vô cưỡng chế".

Những người dân ở ấp Tân Cang mà chúng tôi tiếp xúc nói rõ họ không yêu cầu điều gì sai trái, chỉ muốn các xí nghiệp khai thác đá hãy dùng con đường vận tải của riêng họ ; trả lại con đường dân sinh vì bao năm qua người dân đã thông cảm hết mức. Họ cho biết mong muốn :

"Mỏ đá có đường chuyên dùng của nó. Thì giờ người dân chỉ mong muốn là khi đã có đường chuyên dùng thì các xe trở về đường chuyên dùng. Chứ không ảnh hưởng gì đến người dân nữa. Người dân ta mong muốn vậy thôi. Bao nhiêu năm rồi đó giờ chưa có đường á, thì người dân thông cảm. Nhưng mà khi đã có đường chuyên dùng rồi thì trả lại đường dân sinh cho dân thôi".

Theo trình bày của người dân thì vấn đề diễn ra 6,7 năm nay rồi nên chính quyền nên giải quyết dứt điểm để dân được yên long :

"Xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, đèn đường cho dân. Bây giờ thì mới nói ra. Phải không ? Mới quan tâm. Thì để cái chuyện nó như thế nào rồi bây giờ mới quan tâm tới. Còn gì nữa ? Nó muộn quá rồi ! Đâu còn gì nữa hay".

Theo ghi nhận thì sau 2 năm thi công, đường chuyên dụng dành cho xe chở đá từ mỏ đá Tân Cang ra Quốc lộ 51 được đưa vào sử dụng kể từ ngày 15 tháng 9 vừa qua.

Thực trạng xe ben chở đá gây ô nhiễm tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa có thể nói tương tự như một số vụ việc khác tại nhiều địa phương trên cả nước ; khi mà cơ quan chức năng phớt lờ yêu cầu chính đáng của người dân trước hoạt động gây ô nhiễm của doanh nghiệp.

 

Quay lại trang chủ
Read 603 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)