Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/10/2017

Bắt thêm đối lập, rác thải Hải Phòng, cán bộ có gốc, lừa dân chiếm đất

RFA tiếng Việt

Việt Nam cho bắt thêm người với cáo buộc hoạt động lật đổ (RFA, 06/10/2017)

Ông Đào Quang Thực, một facebooker và là giáo viên tiểu học về hưu, bị Công an Tỉnh Hòa Bình bắt khẩn cấp vào tối ngày 5 tháng 10 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

vn1

Ông Đào Quang Thực, facebooker - giáo viên tiểu học về hưu.  Facebook của ông Đào Quang Thực

Con gái của người bị bắt, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, một ngày sau khi người cha bị bắt, cho Đài Á Châu Tự Do biết là lực lượng công an phong tỏa khu vực nhà của ông Đào Quang Thực tại xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ; khi tiến hành biện pháp bắt khẩn cấp như vừa nêu.

Vào ngày 6 tháng 10, người thân của ông Đào Quang Thực cũng bị công an mời đến để thẩm vấn. Con gái ông Đào Quang Thực kể lại rằng cơ quan công an hỏi cô xoay quanh tài khoản Facebook có tên Đào Quang Thực.

Tuy nhiên cô này nói không biết gì nhiều về trang facebook đó.

Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu.

Thông báo của Cơ quan An Ninh Điều Tra thuộc Công an tỉnh Hòa Bình gửi cho vợ ông Đào Quang Thực ghi ông bị tạm giữ tại Trại giam Công an Tỉnh Hòa Bình.

Như vậy ông Đào Quang Thực là người bị bắt mới nhất tại Việt Nam. Người bị bắt trước ông Đào Quang Thực gần nhất là cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng. Anh này bị bắt gần giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày 27 tháng 9 vừa qua. Cáo buộc đối với anh này là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, gần 20 nhà hoạt động, cựu tù chính trị tại Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ.

****************

JICA Nhật gửi tối hậu thư cho Hải Phòng (RFA, 06/10/2017)

Thành phố Hải Phòng phải tự trả các khoản thanh toán cho Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn nếu dự án vẫn chậm tiến độ.

vn2

Rác và chất thải tràn ngập trên kênh (minh họa) - RFA

Đó là nội dung trong tối hậu thư do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) gửi cho UBND TP Hải Phòng vào tháng 9 vừa qua.

Trong thư, JICA yêu cầu thành phố Hải Phòng cần đẩy nhanh tiến độ sớm nhất có thể và nhấn mạnh bất kỳ sự chậm trễ nào so với kế hoạch ban đầu đều không được chấp nhận.

Theo tin tức cho biết, dự án vừa nêu là dự án trọng điểm của Hải Phòng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư 5.513 tỷ đồng.

Tin cho biết theo kế hoạch năm nay, nhu cầu vốn ODA thực tế của dự án là hơn 1400 tỷ đồng ; thế nhưng chỉ được giao 680 tỷ đồng. Khoản vốn đối ứng do thành phố Hải Phòng bố trí trên thực tế là gần 566 tỷ đồng nhưng mới được giao hơn 200 tỷ đồng.

Hải Phòng cho biết còn thiếu hơn 360 tỷ đồng đối ứng cho dự án. Trong số này có hơn 100 tỷ từ nguồn ngân sách và 100 tỷ vốn trái phiếu địa phương ; thế nhưng chưa được giải ngân.

******************

Nghịch lý trong thuyên chuyển cán bộ bị kỷ luật vụ Formosa ? (RFA, 06/10/2017)

Tin về một cán bộ bị cách chức vì liên quan thảm họa môi trường Formosa lại được bổ nhiệm làm Phó Đoàn Kiểm tra Formosa lại gây chú ý dư luận trong những ngày qua. Hòa Ái ghi nhận trong phần sau.

vn3

Ông Lương Duy Hanh Báo điện tử chính phủ

Nhân vật được truyền thông trong nước loan tin là ông Lương Duy Hanh, người từng giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị Bộ Tài Nguyên-Môi Trường kỷ luật cách chức hồi tháng 6 năm 2017. Lý do bị cách chức vì thiếu trách nhiệm khi làm Trưởng Đoàn thanh tra dự án Formosa. Thế nhưng trong tháng 7 ông Lương Duy Hanh được Tổng cục Môi trường bổ nhiệm làm Phó Đoàn thanh tra kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại nhà máy Formosa.

Một người dân tại Hà Tĩnh nói với RFA rằng dân chúng địa phương rất phẫn nộ khi nghe được thông tin vừa nêu :

"Dân rất phẫn nộ bởi vì người lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm của mình đã gây thảm họa không chỉ thiệt hại đến tài sản mà còn thiệt hại đến sức khỏe đời sống lâu dài của con người. Cho nên sau khi biết tin ông ta trở lại trong đoàn thanh tra thì chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, rất phẫn nộ. Những người đó không đủ khả năng và xét về mặt đạo đức thì càng không được nữa. Tốt nhất là không để những người như vậy tham gia vào các việc liên quan đến sức khỏe đời sống của con người".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ người dân là nạn nhân của thảm họa Formosa phẫn nộ đối với việc thuyên chuyển công tác của hai giới chức chính quyền liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên là ông Võ Kim Cự và ông Lương Duy Hanh, mà dư luận trong nước bày tỏ sự bức xúc, thậm chí có nhiều người cho rằng rất căm phẫn khi Chính phủ thách thức niềm tin của dân chúng trong xử lý hậu quả của thảm họa Formosa cũng như điều hành đất nước.

Chúng tôi nêu vấn đề với nguyên Đại Biểu Quốc Hội, ông Lê Văn Cuông và được cho biết theo thiển ý của ông thì Chính phủ cần lắng nghe phản ứng của dân chúng liên quan việc bổ nhiệm nhân sự này. Ông Lê Văn Cuông chia sẻ :

"Đối với trường hợp này có nhiều người đả kích vì ông này được cho là chuyên gia chuyên sâu trong lãnh vực liên quan đến Formosa nên được cơ cấu vào giúp cho đoàn thanh tra về chuyên môn. Đây là lý lẽ của những người bố trí, nhưng làm như thế gây nên sự phản cảm. Chúng tôi thấy vấn đề này cần phải nghiên cứu để làm thế nào đó tránh những lời dị nghị là ảnh hưởng đến kết quả thanh tra không được khách quan.

Đây là một vấn đề cũng cần phải rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng đã vi phạm trong một thời gian ngắn lại được tiếp tục sử dụng làm cho người dân mất tin tưởng".

Ông Lê Văn Cuông cũng nhấn mạnh đây là một trong số những trường hợp cá biệt bởi vì Chính phủ trong những năm gần đây đã cố gắng hạn chế tình trạng cán bộ có sai phạm và bị kỷ luật mà vẫn giữ nguyên chức vụ hay được thuyên chuyển công tác thậm chí ở những vị trí cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện chấn chỉnh bộ máy và phẩm chất của cán bộ, các trường hợp xử lý nhẹ hay "giơ cao đánh khẽ" được giải quyết một cách nghiêm túc.

Mặc dù vài vị Đại Biểu Quốc Hội chúng tôi tiếp xúc có đồng quan điểm với ông Lê Văn Cuông, tuy nhiên dư luận cho rằng qua việc bổ nhiệm mới nhất đối với hai cán bộ liên quan trong thảm họa Formosa đã phá tan những kết quả đạt được trong chủ trương chấn chỉnh bộ máy chính quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhiều người lên tiếng việc bổ nhiệm này chẳng khác nào là gáo nước lạnh dội vào cái "lò lửa" chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng lãnh đạo từng tuyên bố "Lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy".

Một số người dân từ Bắc đến Nam nói với RFA nếu Chính quyền Việt Nam không thực tâm giải quyết hậu quả Formosa một cách triệt để cũng như tiếp tục bắt bớ những tiếng nói bảo vệ môi trường như Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì lời hô hào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là vô giá trị.

Hòa Ái, phóng viên RFA

***************

Dân nói bị chính quyền lừa lấy đất (RFA, 06/10/2017)

Người dân tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết chính quyền địa phương đòi cưỡng chế đất của dân trong khi chính quyền đã làm sai quy trình và không thực hiện đúng cam kết. Phóng viên RFA tìm hiểu sự việc qua những người trong cuộc.

vn4

Người dân giăng băng rôn đòi chính quyền xử lý vụ việc. RFA

Nhiều uẩn khúc trong quy hoạch

Họ là người dân sinh sống lâu đời tại địa phương và đất của họ được cấp phép sử dụng hợp pháp. Nhưng kể từ khi các dự án khu công nghiệp Hố Nai bắt đầu triển khai, chính quyền địa phương đưa ra các phương án giải tỏa và đền bù với hứa hẹn tái định cư tại chỗ cho dân. Tuy nhiên, sau khi dân tin cam kết của chính quyền và nhận tiền bồi thường thì họ bị đứa đến một nơi thật xa, không như thỏa thuận.

Bà Lan, một người sỡ hữu đất ở khu vực này cho biết :

"Tôi sinh sống ở đây từ năm 1970, đất cát là do bố mẹ tôi để lại. Đến năm 2001 thì ba cấp chính quyền ở đây họ thông báo đất ở đây có quy hoạch theo quyết định 450. Đến năm 2003 thì gọi chúng tôi nhận tiền. Thì chúng tôi đi nhận tiền rồi. Khi nhận tiền người ta nói là tại đây, từ cái ngã tư đó tới đây là 5 hecta này làm đất tái định cư cho bà con ở đây, là không phải đi đâu xa, tái định cư tại chỗ. Sau khi nhận tiền xong, thì họ đưa tiền nhà trọ một tháng 6 trăm. Hết 6 tháng tôi chẳng thấy đất tái định cư đâu cả. Sau đó cứ tiếp tục nói dối chúng tôi là 6 tháng nữa có. Tái định cư ngay nhà quý vị. Họ đưa đầy đủ sơ đồ vườn cây xanh, dãy nhà liền kề. Chúng tôi chờ đợi mãi tới năm 2009 là các cấp chính quyền đây lại thông báo với tôi đi nhận tái định cư ở vị trí khác, ở ấp Bắc Hòa".

Bị thất hứa, người dân đi khiếu kiện và phát hiện ra nhiều uẩn khúc trong quy hoạch.

"Nói chung khu này, ba cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn luôn nói với chúng tôi rằng các ông các bà quy hoạch theo quyết định 450 của thủ tướng chính phủ. Là 229 mẫu, nhưng thực sự theo tôi tìm hiểu khiếu kiện trong 17 năm. Thì tôi tìm được một cái văn bản tại văn thư lưu trữ tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 chỉ có 100 hecta. So với quyết định ban đầu thì nó chệnh nhau 129 hecta rồi.

Tôi cứ đi khiếu kiện hoài, cứ lên sở Tài Nguyên Môi Trường, Tỉnh Đồng Nai rồi đi các nơi các sở. Đơn khiếu kiện của tôi tính ra cũng mấy kí lô rồi. Cứ hỏi đi tìm hiểu quyết đinh thu hồi đất, đi tìm hiểu bản đồ quyết định 450, sau này lòi ra quyết định 278 chỉ có 191 mẫu thành lập khu công nghiệp.

Hội đồng nhân dân huyện Trảng Bom có văn bản tiếp xúc cử tri là văn bản 1684 trong văn bản có một đoạn trích như thế này. Phần đất 39 mẫu này không phải đất Phú Sơn, phần đó chúng tôi cho một số công ty làm xe máy, công ty gì đó thuê trước rồi".

Chính quyền trả lời rằng 39 hecta này đã được cho các công ty thuê từ lâu, và bây giờ ép buộc người dân nhận bồi thường và chuyển đến nơi khác sống. Cụ thể trong văn bản số 9781 này, có ghi rõ : ‘nền đất tái định cư tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom’. Không phải là tái định cư tại chỗ.

Một người dân cũng có đất đai bị nằm trong diện giải tỏa cho biết thêm thông tin về vụ việc này.

"Khi người dân đòi quyết định thu hồi cho cá nhân mỗi một hộ thì không có. Rồi họ trích ra cái điều, một cái văn bản của 306 của bộ Tài Nguyên Môi Trường là có văn bản hướng dẫn luật năm 93 là khi nhà nước thu hồi đất sẽ không có quyết định thu hồi cho từng cá nhân, hộ gia đình. Nhưng phải có cái thu hồi của tỉnh là quyết định thu hồi tổng thể. Nhưng hiện tại bây giờ chính quyền không đưa ra được cái quyết định tổng thể của tỉnh. 278 là quyết định thành lập khu công nghiệp, với diện tích bằng đó. Sau đó là quyết định 450 cho thuê đất".

Khủng bố tinh thần

Dù không đưa ra được quyết định thu hồi đất như thắc mắc của người dân ; chính quyền lại khiến dân thêm bức xúc khi bàn hành một số văn bản phạt cảnh cáo những hộ dân không chịu giao đất.

"Tới năm 2005 thì đưa ra một quyết định cảnh cáo phạt cảnh cáo về hành vi không chấp hành quyết định thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư và dân kiện lại, thì chủ tịch UBND huyện lại rút lại quyết định cảnh cáo đó. Không hiểu tại sao chính quyền đưa ra quyết định cho 9 hộ, quyết định ký ngày 11 tháng 9 năm 2017 mà tới ngày 18 tháng 9 dân mới được nhận là quyết định cưỡng chế 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Chứ không phải tôi đã nhận tiền, tôi ký vào văn bản bàn giao đất mà tôi không giao đất mà cưỡng chế tôi. Đúng ra trình tự thủ tục anh phải có quyết định thu hồi đất. Ở đây không có. Ụp một cái quyết định cưỡng chế. Dân đối thoại lần cuối rồi ngay chiều hôm nay thông báo là tạm ngưng cưỡng chế chờ văn bản chờ văn phòng tỉnh ra thông báo hoặc chỉ đạo mới. Tôi nghĩ đó là một hình thức rất khủng bố tinh thần".

Vụ việc tại ấp Phú Sơn như vừa nêu cũng tương tự vô số trường hợp khác tại các địa phương trên cả nước. Tình trạng người dân bị chính quyền địa phương thu hồi đất một cách bất minh để giao cho doanh nghiệp và hưởng lợi gây phẩn nộ trong dân chúng ; buộc họ phải khiếu kiện đến tận các cơ quan trung ương.

Quay lại trang chủ
Read 667 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)